TÂY
NGUYÊN MÙA XUÂN
Tùy bút
Tây
Nguyên mùa xuân xanh màu xanh trùng điệp với núi cao rừng rộng sông dài và tiếng
cồng chiêng ngân vang trong những buôn làng người dân tộc bản địa đã say đắm lòng
tôi từ tháng năm nào mới đến đất này. Mới đây mà hơn hai mươi năm qua. Một Tây Nguyên xanh xán lạn mãi trong tôi, dù thời gian đã
đổi thay dáng vẻ sắc màu; nhiều cánh rừng tàn, nhiều dòng sông cạn, đó đây
trong buôn làng mùa xuân vắng lặng tiếng cồng chiêng ngân nga thánh thoát cộng
hưởng tình người với người với hồn núi sông. Một Tây Nguyên đổi thay đáng mừng,
từ rặng núi lớn Ngok Linh có đỉnh cao 2.595 mét (tỉnh Kon Tum) đến dãy Chư Yang
Sin cao 2.442 mét (tỉnh Đắk Lắk) xuôi về tỉnh Đắk Nông với ngọn núi Tà Đùng cao
1.982 mét, suốt chiều dài phía nam Trường Sơn hùng vĩ này là một vựa cà phê khổng
lồ của đất nước, rộng hơn 400.000 hecta, cho sản lượng trên dưới 1 triệu tấn nhân/năm.
Đây là con số biết nói biết cười trong cuộc sống con người, từ khi chủ động được
nguồn nước tưới sau ngày thu hoạch quả đỏ đầu mùa khô để từ đó nẩy nở rộn ràng
hoa trắng đón mừng xuân đến. Khi những bông hoa trắng cuối cùng trên nhánh cà
phê vừa tàn, lại là lúc ruộng đồng lúa vụ đông-xuân trên bình nguyên rộng lớn
chuẩn bị mùa thu hoạch với hơn 50.000 hecta, đạt năng suất cao nhờ chủ động nguồn
nước tưới cùng bàn tay trí tuệ con người gieo cấy trên đất màu bazan. Một Tây
Nguyên xanh còn có các loại cây công nghiệp dài ngày khác, trong đó bạt ngàn vườn
cây cao su thay lá mới mùa xuân từ tỉnh Kon Tum, Gia Lai qua Đắk Lắk, Đắk Nông...
Có
chút gì buồn trong lòng tôi khi mùa xuân đến, đó đây ở Tây Nguyên không còn thấy
màu hoa pơ lang đỏ rực như lửa trên nền trời xanh đầy nắng. Những cánh rừng mất
đi đã mang theo màu hoa đỏ nồng nàn tô điểm sắc xuân bên những cánh hoa cúc quỳ
vàng. Và dòng sông lớn Sêrêpôk lấp lánh nắng không còn đầy đặn nước êm trôi giữa
đôi bờ rừng khộp vừa thay lá xanh non. Từ thượng nguồn cao bên chân núi Chư
Yang Sin đến hạ nguồn rừng quốc gia Yốk Đôn, dòng sông dài với hai phụ lưu Krông
Ana và Krông Knô hợp thành đã vơi cạn dần theo năm tháng bởi bàn tay vùi lấp rừng
cây và xây dựng những công trình thủy điện. Cái được và cái mất của Tây Nguyên
không thể xem như một so sánh đánh đổi ngang bằng khi sự thiệt hại lâu dài đã
biến đổi diện mạo thiên nhiên xanh đầy cây già bóng cả với hàng triệu hecta rừng
đã mất trắng cùng những dòng sông vơi cạn từ đầu nguồn. Mất rừng cây xanh với rừng
tầng thấp, rừng tầng giữa, rừng tầng cao đầy kỳ hoa dược thảo và tiếng chim hót
ca là mất đi sắc màu văn hóa thiên nhiên cùng bản sắc văn hóa của những cộng đồng
người dân tộc thiểu số sống hồn nhiên đủ đầy với cảm hứng thủy chung tôn trọng
sông nước rừng cây kề cạnh buôn làng.Tây Nguyên mùa xuân những năm gần đây thưa
vắng dần tiếng cồng chiêng thiêng liêng tỏ lòng biết ơn vào những ngày cúng bến
nước, cúng lúa mới, lễ bỏ mả đưa hồn người thân đến thế giới khác, có khi là tiếng
chiêng hân hoan đón mừng khách đến, cũng có khi là âm vang rộn ràng niềm vui mừng
lễ cưới gái trai của buôn làng. Một Tây Nguyên hùng tráng thơ mộng hữu tình đầy
sắc màu văn hóa bản địa đã nhạt phai dần khi sông cạn rừng tàn theo năm tháng. Âm
nhạc cồng chiêng, tiếng cồng chiêng vang lên đó đây giữa buôn làng gần buôn làng
xa thiếu vắng rừng cây xanh bến nước đầy, không còn âm hưởng nhịp điệu đắm đuối
thiết tha từ bàn tay tâm tình những nghệ nhân không còn giao hòa cộng hưởng với
thiên nhiên hào phóng như ngày nào...
*
Vẫn
còn một Tây Nguyên xanh đó đây khi mùa xuân đến trên đất này, xanh màu sông suối
núi rừng, vườn cây công nghiệp, đồng ruộng lúa và màu xanh trên những khuôn mặt
người vui. Khác với mấy mươi năm trước, những đô thị Tây Nguyên giờ đã đổi mới,
đẹp trong vẻ khang trang thoáng đãng với những con đường xanh hàng cây bóng lá
và công viên tươi tắn nở đầy sắc hoa, từ thành phố vùng cao Kon Tum có dòng Đắk
B'La chảy ngang qua, đến phố núi Plei Ku gần mặt nước hồ Tơ Nưng xanh, đến thủ
phủ Buôn Ma Thuột có hồ rộng Ea Kao nơi ngoại thành và những con suối nhỏ vây
quanh cùng chảy vào sông lớn Sêrêpôk, cuối cùng là thị xã vùng đồi Gia Nghĩa tọa
lạc hai bên bờ sông Đắk Nông của tỉnh mới mang tên sông Đắk Nông. Những ngày đầu
năm mới, nắng vàng xuân lan tỏa đất trời với làn gió nhẹ đẩy đưa cành lá non
xanh làm nên một Tây Nguyên lồng lộng in dáng hình núi rộng sông dài, bấy lâu lôi
cuốn khách du lịch yêu thiên nhiên đến với vùng đất này. Đến Buôn Ma Thuột, thành
phố đầy cây sao xanh và cây muồng hoa vàng với hàng trăm quán cà phê thơm hương
Robusta, không ai quên niềm vui hăm hở bước chân nơi xứ sở của những dũng sĩ săn
bắt voi có ông vua voi Kunjunốp lưu danh từ trăm năm trước còn lưu lại căn nhà
sàn cổ mái gỗ cũng đã trăm năm, cũng là quê hương nổi tiếng Bản Đôn của vua voi
Ama Kông sống hơn trăm tuổi, đã lưu truyền và nổi danh bài thuốc rễ, lá, dây rừng
mang thương hiệu Ama Kông. Đến Bản Đôn bên dòng sông rộng Sêrêpôk chảy giữa đôi
bờ rừng cây họ dầu vừa thay lá của Vườn quốc gia Yốk Đôn rộng 115.000 hecta, du
khách không thể nào quên một lần ngồi trên lưng voi nhà dạo quanh bến nước buôn
làng các dân tộc Êđê, Jrai, M'Nông , M'Nông-Lào
từ bao đời sống bên sông bên rừng; xa hơn nữa, người nài voi thuần thục
kinh nghiệm sẽ đưa khách sang bên kia bờ, ngồi vững vàng trên bành voi dọc theo
bìa rừng khộp của vườn quốc gia, là loại rừng đặc hữu của Tây Nguyên, nay chỉ còn
nhiều ở đây, là nơi xứ sở của voi rừng giáp vùng biên giới Cămpuchia. Tại Bản Đôn
xanh màu rừng cây bến nước, du khách còn bước chân đi quanh cầu treo lắc lẻo trên
sông, rồi ngược dòng đến thác Bảy Nhánh thăm thú các mô hình nhà sàn nguyên bản
của người bản địa, có cả âm nhạc cồng chiêng bên dống lửa củi bập bùng nếu khách
có nhu cầu lưu lại qua đêm. Xa hơn nữa, cũng chung dòng sông dài, ngược về phía
đông gần đầu nguồn dưới chân dãy núi lớn Chư Yang Sin, du khách sẽ thăm hồ Lắk
rộng ăn thông nước sông được bao quanh núi non chập chùng bên buôn làng người dân
tộc M'Nông R'Lăm của thị trấn Liên Sơn. Ở đó, khách du nam nữ có thể cưỡi voi, đi
thuyền độc mộc dạo quanh hồ và thưởng thức loại cá thát lát đặc sản của địa phương...
Cả Tây Nguyên có mấy mươi dòng thác trắng, đặc biệt tập trung ở vùng đồi tỉnh Đắk
Nông với hơn 6.000 quả đồi lớn nhỏ. Riêng huyện Chư Jut bên sông Serêpôk có 3 dòng
thác Trinh Nữ, Dray Sáp và Gia Long kề cạnh nhau, tạo thành cụm thác nổi tiếng,
đẹp trong vẻ hùng vĩ mà nên thơ nằm giữa đôi bờ rừng nguyên sinh xanh đầy bóng
cây gỗ quí bằng lăng, cẩm xe, giáng hương... Thiên nhiên vô cùng hào phóng đã ưu
đãi vùng đất Tây Nguyên nhiều núi, nhiều rừng, nhiều sông suối và nhiều bình
nguyên rộng trên cao nguyên phía tây đất nước, quanh năm hai mùa mưa nắng đã làm
nên sự sống tốt tươi cho đồng bào các dân tộc bản địa và người Kinh từ các nơi đến
lập nghiệp. Bao nhiêu cánh rừng mất đi, bao nhiêu núi đồi bị sụp lở, khó có thể
phục hồi lại được, bao giờ rừng xanh lại ngàn cây và sông sâu suối đầy? Những gì
thiên nhiên ban cho chưa mất đi, hãy trân trọng giữ lấy, cho rừng xanh xanh mãi,
đem lại môi trường sống tốt tươi trong lành.
Mùa
xuân này đang đến với Tây Nguyên gợi lòng tôi nhớ, không thể nào quên, những mùa
xuân đã qua giữa đất trời xanh lồng lộng, tôi ngồi thuyền thong dong cùng người
bạn thân trên sông Đắk Bla, trên sông Pa, cả đoạn sông dài Krông Ana từ bến nước
Buôn Trấp êm đềm đến Eo Đờn thơ mộng.Thương sao những kỷ niệm đẹp đã qua mà còn
mãi trong lòng mình. Tây Nguyên mùa xuân này đang đến với những gì đẹp đẽ tốt tươi
lành lặn còn mãi trong lòng người…
Tây
Nguyên, cuối năm 2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét