Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

SỐ XUÂN GIÁP NGỌ - VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Mir Jalal Ali oghlu Pashayev (sinh 1908, mất 1978) là TS Ngữ văn, GS Văn chương tại đại học Baku (Iran); là tác giả của 50 tác phẩm văn chương và đồng tác giả của bộ sách 3 tập “Lịch sử văn chương Azerbaijan, Iran”. Ông đã đoạt các giải thưởng văn chương Honored Art (1969), Laureate of Azerbaijan Komsomol Award (1968)…
Đọc Mir Jalal dễ cho ta liên tưởng đến những truyện ngắn của Azit Nexin (Thổ Nhĩ Kỳ) đã từng xuất bản tại nước ta.



QUEN BỊ RẦY LA



Thói quen! Một số người nói thói quen là tốt, những người khác nói, không, thói quen là xấu. Nhưng ai đúng? Vào mùa đông, các căn hộ của chúng tôi được sưởi ấm nhờ những ống nước nóng. Ở tầng hầm, có những nồi đun nước lớn đưa hơi nóng đi qua các ống.
Người đun nồi và tắt chúng - người phụ trách phòng đun – luôn luôn nhặng xị với những cái nồi. Tên chú là Ghulam. Ai cũng biết chú. Chú là một người tốt. Chú quen tất cả mọi người và biết nghề nghiệp từng người.
Căn hộ bên trên hộ chúng tôi là của một bộ trưởng trong chính phủ. Tôi không biết tại sao Ghulam luôn luôn theo dõi kỹ căn hộ đó. Chú luôn cố tìm hiểu xem căn hộ của ông bộ trưởng có ấm áp dễ chịu để ông thỏai mái không. Ông bộ trưởng cũng tỏ ra quan tâm đặc biệt đến vấn đề này.
Mỗi buổi sáng người ta đều  thấy ông bộ trưởng đứng trước phòng đun, nói với chú Ghulam bằng giọng khàn khàn của ông, “Ghulam, bọn trẻ đang lạnh cóng. Sao không đun nồi hả? Có chuyện gì vậy”. Hay “Ghulam, sao nóng quá vậy? Căn nhà như bị cháy ấy!”.
Trong nhiều năm, Ghulam tiếp nhận những lời phê bình của ông bộ trưởng - thỉnh thoảng nâng độ nóng lên, thỉnh thoảnng hạ độ nóng xuống. Đôi khi, chú còn đi lên tầng trên và tự mình kiểm tra nhiệt độ. Rồi chú trở xuống và có thao tác điều chỉnh thích hợp. Chú đã quen với những việc này đến mức chú tiếp nhận yêu cầu của ông bộ trưởng như là ở trong quân đội, sẵn sàng đáp ứng đầy đủ mọi mệnh lệnh.
Ông bộ trưởng nhận ra Ghulam cần được ra lệnh, và vì vậy ông nói, “Ghulam, vậy là đủ rồi. Đừng biến căn hộ thành nhà tắm hơi. Hạ thấp nhiệt độ nồi xuống”. Hay, “Ghulam, sao lại lạnh thế? Không có nước nóng. Có chuyện gì vậy?”.
Ghulam đưa tay lên trán và nói, “Em đi xem ngay ạ”. Vậy rồi chú vội vã chạy xuống phòng đun nước.
Một hôm ông bộ trưởng chuyển đến một căn hộ khác và một người khác đến ở căn hộ của ông. Người này từ một bộ khác với bộ của ông bộ trưởng cũ. Tôi không biết rõ ông này làm việc ở đâu. Những có thể xác định rõ ông là bộ trưởng vì mỗi buổi sáng đều có xe đến đưa ông đi làm việc. Và mỗi buổi chiều xe lại đưa ông về nhà. Dĩ nhiên, Ghulam muốn tiếp tục công việc của mình, và vì vậy nên chú rất chu đáo. Một lần nữa, chú lại đứng trước phòng đun nước để chờ lệnh. Nhưng lạ thay, không ai ra lệnh cho chú hết. Ông bộ trưởng này chỉ đơn giản đáp lại lời chào của chú rồi lên xe đi. Ghulam chờ đợi ông phàn nàn. Nhưng không có lời nào. Một ngày, hai ngày, rồi năm ngày trôi qua như vậy. Ghulam cảm thấy chán và khá bực bội.
“Sao lại như vậy? Ông bộ trưởng không nói gì cả? Sao ông lại không ra lệnh gì cho mình? Ông ấy bực bội chăng? Sao ông không đến nói gì với mình? Hay là có ai đã nói xấu mình với ông ấy?”
Thậm chí một vài lần Chú Ghulam còn đợi ông bộ trưởng ngay cửa căn hộ của ông  và sau khi chào ông, còn mạnh dạn hỏi, “Thưa đồng chí Bộ trưởng, hệ thống hơi nóng ra sao ạ? Ngài có bị lạnh không?”.
“Chúng tôi không có gì than phiền. Đừng lo. Cám ơn nhiều”.
Chú Ghulam thất vọng và chán nản xuống lầu. Chú hoang mang, “Có chuyện gì vậy? Là một bộ trưởng mà không ra lệnh cho người phụ trách lò đun nước? Không, điều này không đúng. Rõ ràng là đã có ai đó đâm thọc sau lưng mình. Thậm chí ông bộ trưởng còn không thèm nhìn vào mắt mình”.
Sáng hôm sau Ghulam lại đứng chờ ở cửa. Lần này chú hỏi vợ ông bộ trưởng, “Thưa bà, hệ thống sưởi trung tâm có tốt không ạ? Nhiệt độ trong các phòng có thích hợp với bà không?”.
Trước khi bà bộ trưởng kịp trả lời, giọng ông bộ trưởng nói vọng ra, “Tốt lắm. Cám ơn nhiều nhé chú Ghulam. Vậy là tốt rồi!”.
Ghulam ngạc nhiên. “Chúa ơi! Đồng chí tốt-vô-điều-kiện này không hiểu gì về nóng và lạnh rồi. Tối hôm qua tất cả các lò đều hoạt động, và nóng hực lên, nhưng ông ấy chẳng nói gì cả!”.
Ông bộ trưởng mới, hóa ra, là một người ngăn nắp, nhẫn nại và lặng lẽ. Khi nào cần thiết, ông sẽ vặn núm điều chỉnh nhiệt độ mở hoặc tắt trong căn hộ và giữ nhiệt độ ở một mức thích hợp. Ông không đòi hỏi Chú Ghulam điều gì.
Nhưng Ghulam e sợ và cứ lo lắng, “Chuyện gì đang xảy ra đây? Ông ấy đã nghe được những gì về mình? Tại sao ông ấy không nói gì cả? Ông đã nghe điều gì xấu về mình rồi. Đó là lý do tại sao ông ấy tránh mình”.
Hiển nhiên là Chú Ghulam đã quen với việc bị quở trách và không muốn bỏ thói quen này. Trong khi hầu hết mọi người ráng hết sức để tránh bị rầy la, thì có những ngừơi khác như Ghulam lại lo lắng nếu họ không bị quở trách. Ghulam cứ thắc mắc chuyện gì đã xảy ra và tại sao ông bộ trưởng không ra lệnh cho chú.
“Ông ấy đã nghe được gì? Chúa giúp con với!”. Chú Ghulam nói thầm với mình. 
Chú không phải đợi lâu. Một hôm chú được bảo đến văn phòng ông quản lý. Khi nghe vậy, chú lo đến muốn bệnh, “A, chuyện gì xảy ra đây? Có phải ông bộ trưởng đã than phiền với ông quản lý? Ông ấy giận mình sao?”
Khi Ghulam đến, ông quản lý đứng dậy, bắt tay chú và bảo chú sẽ được tuyên dương trong dịp lễ sắp đến.
“Chú Ghulam, chúng tôi hài lòng với công việc của chú. Chú đã làm việc ở đây suốt ngày đêm. Chú cố gắng hết sức để giúp cho mọi người ở đây dễ chịu. Chúc chú trường thọ và luôn luôn khỏe mạnh. Tôi đã đề nghị với Ủy ban Liên đoàn Lao động, và chúng tôi quyết định thưởng chú một tháng lương”.
Ông quản lý cười và lại bắt tay Ghulam.
“Chú có ý kiến gì không?”
Thấy rằng chú phụ trách phòng đun nước đang đứng bất động, ông ra hiệu cho chú ngồi xuống.
“Mời ngồi, cứ thoải mái”, ông nói.
Chú Ghulam tràn ngập niềm vui đến mức không biết phải làm gì. Chú đang gặp phải một tình huống bất ngờ và đang nghe những lời chú không quen nghe. Không ai quở trách chú. Không ai ra lệnh cho chú. Không ai đến kiểm tra nồi hơi hay điều chỉnh nhiệt độ. Ngẩng đầu lên, chú nhìn quanh. Chú nhìn ra bầu trời xanh trên đầu qua cửa sổ. Thay vì  những lời than phiền và quở trách từ ông quản lý mà chú chờ đợi, ngoài kia chỉ có mặt trời sáng lóa đang chiếu sáng trên đầu.
Mỉm cười lặng lẽ, chú nhìn ông quản lý, nghĩ thầm, “Điều kỳ diệu trong những điều kỳ diệu, tại sao nhiều việc không luôn luôn xảy ra như thế này!”.

  

VÕ HOÀNG MINH dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét