Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

SỐ 266 - tác giả THY LAN




THAO THỨC NỖI RỪNG
(Đọc trường ca Rừng cổ tích của Đặng Bá Tiến,
NXB Hội Nhà văn – 2012)
                             
Cánh rừng còn hôm qua/ Hôm nay thành đất trắng”… Đọc trường ca Rừng cổ tích của nhà thơ Đặng Bá Tiến thấy sao mà rấm rứt. Cái rấm rứt của người công nhân gắn bó với rừng, yêu rừng như yêu cơ thể của mình vậy. Càng yêu vẻ đẹp huyền bí của rừng, ơn rừng che chở trong những năm chiến đấu, hiểu giá trị thực tiễn của rừng với con người, nhà thơ càng xót xa trước cảnh rừng đang bị tàn phá khốc liệt. Mang cái tôi công dân đầy trách nhiệm, cộng với một tâm hồn thi sĩ nhạy cảm, ông đã viết nên tập trường ca dài hơi mà sâu lắng, đậm sắc thái Tây Nguyên. Đây là tập trường ca thao thức nỗi rừng - thao thức nỗi đời có giá trị nhân sinh sâu sắc.
Với mười khúc: Vùng kỷ niệm, Trở lại, Đam mê, Tình yêu, Nỗi đau, Đêm Bản Đôn, Giữ rừng, Hồi sinh, Hồi tưởng, Vĩ Thanh, tác giả đã khái quát cuộc đời mình trong cuộc đời cây, cuộc đời rừng. Rừng đã sẻ chia với con người buồn, vui, sướng, khổ, tức là rừng cũng có thân phận, có biến cố, có linh thiêng… Bởi thế mối quan hệ con người với rừng là mối quan hệ cộng sinh, tương hỗ và vững bền. Tác giả dường như đã hóa thân vào rừng  Tây Nguyên để “thấu tận nguồn cơn”,  để sẻ chia và kiếm tìm sự đồng cảm, để cùng nhau vừa bảo vệ rừng, trồng rừng, vừa lên tiếng cảnh tỉnh những kẻ phá hoại rừng. Mặc dù viết về vấn đề thời sự nóng hổi (vốn lại là một nhà báo), nhưng chất trữ tình trong trường ca rất đậm đà. Đó là thế mạnh khiến cho Trường ca trở nên gần gũi và giàu sức thuyết phục.
Có một Rừng cổ tích đẹp như mơ, đẹp như thơ mà đã từng rất thực ở đời, đã cùng anh trong những đêm hành quân “chợp mắt trong hương rừng/ trong tiếng suối ru/ trong bàn tay vuốt ve của lá”. Lá rừng được nhà thơ ví “như trái tim”, “như bàn tay xòe ra đợi người yêu dấu”. Lá và người bầu bạn sớm khuya: “Lá xòe ô chở che/ … lá lót dạ cho anh/ Lá làm nệm làm giường/… Lá là bức tranh trời đất tác thành”. Lá mộng mơ, cùng anh “ngắm những cô gái M’nông, Êđê đùa nhau bên bến tắm/ ngắm đàn voi đủng đỉnh hút nước phun mưa như thủy tinh long lanh trong nắng/ nghe tiếng tù và dìu dặt gọi trăng lên”. Ngợp hồn, mê hồn quá! Thiên nhiên ban tặng cho Tây Nguyên vẻ đẹp thật quyến rũ. Dẫu chưa một lần được tận hưởng cái thi vị cũng khát khao một lần được vào Rừng cổ tích, thong dong, say sưa giữa đại ngàn để lắng hồn mình trong tiếng lá, tiếng tù và… Mới hiểu tại sao anh dẫu có hành quân đi xa mà “tâm trí tình yêu ở lại/ Với cánh rừng bạt ngàn/ dòng sông thác trắng, hùng vĩ, mộng mơ/ Với những amí, ama cái bụng đầy khan, ốt n’rông và chuyện buồn vui xứ sở”. Bởi cái đẹp ấm tình đó đã thôi thúc lòng anh “sống chết với đất này”. Khúc Trở lại chính là sự trở về của người lính thắng trận từ Bình Phước, Đồng Nai… tìm lại Bản Đôn - Tây Nguyên đất xưa từng gắn bó những ngày trận mạc, với “buôn làng anh đã khắc vào tim”. Anh mang theo cả “nỗi nhớ quê… làng Chùa nơi chôn rau cắt rốn”, nỗi nhớ mẹ “cồn lên như ghềnh như thác”, cả “người hậu phương” không biết “đã lấy chồng?”. Như một duyên nợ, như tiền định, anh “ở lại với mảnh đất này” với những “Đam mê”.
Đam mê” là khúc trọng tâm của trường ca viết về anh - người trồng rừng mê mải nghe được cả tiếng “đất thở”, tiếng “đất đai đang hoài thai sinh nở” ước “được thành lá xanh/ được thành nụ hoa/ được hóa mùa màng/ hóa những rừng cây”. Cơ thể anh hòa vào cây lá đến mức “ngỡ như từng tế bào cơ thể anh cũng run rẩy bật chồi”. Anh nghe thấy hồn cốt  non sông, hình hài đất nước trong đại ngàn. Và ngược lại đại ngàn lại là “hồn thiêng muôn đời chảy dọc những lời khan/ là mạch nguồn tỏa sáng lời chiêng”. Bởi sự kỳ tài đó hay ân huệ của thiên nhiên giành cho anh mà anh trở thành trung tâm của đại ngàn, thành niềm tin của dân làng. Sức mạnh của anh, ý chí của anh, trái tim của anh vừa gần gũi, vừa hoang dã, lại vừa mang màu sắc huyền ảo cổ tích: “Anh thành cây Kơ nia để dân làng trú mát niềm tin/ thành ánh nắng hong khô những nỗi buồn ẩm ướt/ Thành chim t’lang, chim ch’rao mang nhiều giọng hót/ đem niềm vui đến khắp buôn làng”. Anh đam mê những lời khan, chuyện Đam san, Xinh Nhã, tiếng tù vànhưng say nhất  là “mê việc lâm trường”. Anh trở thành “đứa con chung của buôn làng”, đứa con luôn đau đáu với rừng xanh. Tình yêu cũng từ đây “đơm hoa kết trái”. Khúc Tình yêu của chàng trai xứ Nghệ và cô gái Êđê là một bản nhạc rừng say đắm.
Chất trữ tình đậm đặc trong khúc ca này. Tình yêu của đôi trai gái gắn với cây rừng, con suối, muông thú, lá hoa… Tình yêu của họ xe duyên từ câu ví dặm ân tình với điệu ay ray tha thiết, mộng mơ. Cô gái Êđê mê chàng trai xứ Nghệ “hiền lành, cần mẫn”   “lòng cô như có sóng sông La”, “mà trái tim cô dạt dào câu ví dặm”. Còn chàng trai thì mãnh liệt vô cùng: “Ta muốn rước về ở chung một buồng tim/ ta muốn đưa về ở chung một bếp”. Tình yêu của họ cảm động rừng xanh, sức lao động của họ tưới tắm cho rừng xanh nên “rừng cây lên xanh/ có tình anh đêm đêm tưới trăng vàng cho cây xum xuê long lanh sắc lá/ có tình em mỗi ban mai rải ánh nắng hồng cho cây mơn mởn chồi non”. Có tình yêu rừng, có tình em chan chứa, anh lao động không biết mệt đến “hõm mắt mòn chân”, “đến tím tái thịt da bởi muỗi mòng sên vắt”, nhưng niềm vui vỡ òa hạnh phúc trên tay là thành quả ngọt lành: “Thân gỗ mỗi ngày phổng phao như lòng anh chờ đợi”. Họ vui hơn, hả hê hơn trong những đêm hội với men rượu ủ nếp nương ngất ngây men rượu, men tình: “Nhịp xoang quay/ tay ấp bàn tay/ mắt liếc đong đưa/ gọi bước chân say/ bỏ hội vui chung, ra bờ cây tình tự…”. Bản tình ca đại ngàn tưởng cứ thế ru ca cùng tình yêu đôi lứa… ngờ đâu nỗi đau ập đến “anh chợt nhói lòng khi thấy rừng rung lên nghiêng ngả/ nghiêng ngả đại ngàn/ đảo điên cổ thụ/ nhựa cây tuôn tràn như máu ứa luênh loang…”.
Chương Nỗi đau chính là tâm tư nỗi lòng của anh muốn giải bày, muốn lên tiếng để giữ lấy đại ngàn quý giá biết bao: “Anh đau đớn cầm tay những người anh em vừa tới/ nóng tay mình dòng máu râm ran/ người anh em cùng chung bài hát kết đoàn/ người anh em cùng chiến hào đánh Mỹ/ những người anh em những người đồng chí/ …trái tim anh đau/ nhưng lời anh tha thiết: “…hãy thương lấy cánh rừng”. Cái tôi của một công nhân cất lời khảng khái: “Rừng cho ta tránh bão bùng/ cho ta qua nắng lửa/ rừng là hồn thiêng ngàn năm xứ sở/ không có rừng/ người sẽ sống bơ vơ/ không có rừng/ trái đất sẽ ngẩn ngơ/ trái đất sẽ điên khùng nổi loạn/ không có rừng/ sẽ chết cả lời chiêng trên suối cạn/ sẽ mỏi mòn, tàn úa sử thi… Một loạt các tính từ bơ vơ, ngẩn ngơ, mỏi mòn, tàn úa… để chỉ sự nguy hại của tàn phá rừng làm rẫy, lập làng thiếu quy hoạch. Những người kéo nhau từ nhiều phương tới, họ chỉ thấy cái vui trước mắt mà bỏ cái lợi lâu dài. Từ sự khảng khái đến những lời như ứa máu: “chúng ta mưu sinh/ nhưng đừng lột da mình/ đau đớn lắm”. Lời anh chẳng ai tỏ. Nỗi xót xa hiện ra trước mắt: “tiếng rìu, tiếng cưa/ tiếng cú quạ mất nhà/ tiếng hổ báo thét gào chạy trốn/ tiếng cây đổ ào ào như bão cuốn/ anh đau đớn ngỡ mình vừa bị chém ngang lưng!”. Đau đớn hơn là sự phá hoại của lâm tặc: “trăm phương mò tới/ chúng ngấu nghiến ăn rừng trong bóng tối/ ăn rừng giữa bạch nhật, thanh thiên/ chúng nuốt cả cây gỗ dài như sợi bún…/ chúng bán mua cả rừng gỗ giản đơn/ bằng những dự án đỏ lòm con dấu/ và bầm tím những mưu đồ ẩn náu/ chúng nháy mắt nhau là rừng đổ ào ào/ những cánh rừng đẫm máu thương đau”. Nỗi đau của anh trước những sinh linh của rừng khiến người ta ứa lệ: “Anh chứng kiến sự mất rừng như mất đi những người thân thiết nhất/ đêm ngủ giật mình thấy những vòng trắng trong mơ/ những vòng trắng đung đưa/ trên những gốc cây cụt đầu ứa đầy nhựa đỏ/ những vòng trắng quấn trên đầu người sau cơn bão tố/ sau những trận lũ rừng/ người, thú bập bềnh trôi”. Anh lên án cách bảo vệ rừng mang tính hình thức “chúng tôi đang quyết liệt bảo vệ rừng”, nhưng điều trái mắt vẫn diễn ra “rừng trước mũi cung/ yến, oanh dần tắt tiếng… chỉ còn khét nồng mùi khói/ cháy lòng anh”. Anh là con của rừng nên đau nỗi đau mất mẹ: “Là người yêu từng chiếc lá mầm cây/ đêm anh khóc ướt đầm cả gối/ đêm anh lang thang dọc theo con suối/ con suối mùa khô mảnh trăng cũng khô giòn/ đâu còn nữa những mát lành, róc rách/ đâu còn nữa bờ hoa khoe sắc/ đâu còn nữa bóng nai lồng bóng nước/ anh cúi đầu ngồi như mỏm đá mồ côi”. Khúc VI: Đêm Bản Đôn tiếp tục của nỗi đau mất rừng: Đêm bản Đôn/ có một người không còn nước mắt/ và mái đầu tóc bạc như lau”. Phải là cả một sự dấn thân với rừng mới có được sự thổn thức đến thế. Lời thơ quyết liệt mà nghẹn ngào, day dứt. Với Đêm Bản Đôn anh đã ném vào đời một câu hỏi lớn: “Lẽ nào đành bất lực/ buông tay?. Người lính trong tâm thế của con người đấu tranh vì chính nghĩa: “ta bất lực là vong ơn bội nghĩa/ ta buông tay/ là quên máu bạn ta đã tưới đầm chiến địa/ để giữ từng tấc đất mầm cây/ ta buông tay/ là đầu hàng lâm tặc/ là đại ngàn này/ mặc chúng phanh thây”. Anh kêu gọi đồng đội thời đánh Mỹ, bây giờ dù là người quyền chức hay dân cày hãy chung tay vào “cuộc chiến này để bảo vệ rừng xanh/ bảo vệ ngọn gió lành/ bảo vệ nguồn nước mát/ bảo vệ lời ru câu hát/ tiếng T’rưng vang vọng ngàn đời”. Khúc Giữ rừng là ý chí của anh: Dũng cảm, gan dạ, chịu mọi gian khổ để vạch trần xảo trá, vạch mặt kẻ tham lam bằng chứng cứ trong “băng tiếng, băng hình” khiến “những kẻ bao che phải lấm lét cúi đầu/ những kẻ vô cảm với rừng xanh/ cũng động lòng trắc ẩn” và cùng chung tay “vây bắt lũ quỷ rừng từ trăm hướng ngàn phương”. Khúc vui “Hồi sinh” đã thỏa lòng khao khát của anh. Dẫu không phải ngày một ngày hai rừng hồi sinh trở lại: “Sau cơn mưa/ hơi đất lại rụt rè/ tỏa nhẹ/ vấn vương trong ban mai tinh khiết”. Đến cả tiếng chiêng tác giả thể hiện trong khúc “Vĩ thanh” cũng có linh hồn, cười, hát, reo ngân dài xa lắc… mang cả lòng người hớn hở vút tận trời xanh.
“Nửa trái tim anh vẫn thao thức nỗi rừng” - Tình yêu và cả sự hy sinh thầm lặng, đánh đổi cả tuổi thanh xuân, hạnh phúc lứa đôi để sống chết với rừng. Vợ chồng người gác rừng lặng lẽ gác cả bình yên cho buôn làng, giữ cả màu xanh cho cây lá, nay anh vẫn giữ rừng bằng trái tim, ý chí: “vẫn cầm canh/ giữ cho rừng bình yên mãi mãi…”
Nhịp thơ nhanh, điệu thơ khắc khoải, ngôn ngữ đa nghĩa, hình tượng đã kéo người đọc vào mạch thơ không dứt. Có gì ám ảnh đến lạ! Có gì đau đáu đến lạ! Nhà thơ Đặng Bá Tiến đã truyền sang ta khúc vui, khúc buồn, khúc mờ, khúc tỏ… nhưng khúc nào cũng chất chứa nỗi niềm thao thức về rừng. Mười khúc với những cung bậc trữ tình khác nhau tác giả đã sẻ chia, giải bày nhiều khát vọng, đồng thời cảnh tỉnh và tố cáo những kẻ hại rừng rất thực tế trong cuộc sống đã và đang diễn ra.

Trường ca Rừng cổ tích chính là nỗi quê – nỗi rừng của tác giả về  Tây Nguyên hôm nay, nhưng đã chạm tới cái tâm tư chung của mọi miền, mọi người. Sức lan tỏa của trường ca phải chăng chính là từ sự thao thức nỗi rừng hội tụ trong con người Đặng Bá Tiến - một người công dân đồng thời cũng là nhà báo, nhà thơ, nhà nhiếp ảnh có cái tôi nhân hậu nhưng “sắc nhọn giác quan” và yêu tha thiết cuộc đời này.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét