Akram Osman sinh năm 1937 tại Herat – Afghanistan, có bằng Tiến sĩ
Luật và Khoa học Chính trị của đại học Tehran. Ông làm việc nhiều năm trong vai
trò nhà văn và là người dẫn chuyện nhiều chương trình văn hóa xã hội của đài Phát
thanh và Truyền hình Afghanistan; từng là Trưởng ban Văn hóa nghệ thuật của đài
này; là thành viên Hội Khoa học Afghanistan, phụ trách ban nghiên cứu luật và lịch
sử của tổ chức này; từng là Chủ tịch Hội Nhà văn Afghanistan.
Công việc sau cùng của ông là viên chức thuộc
bộ ngoại giao.
Từ 1992 ông sống tại Thụy Điển. Tiến sĩ Akram
Osman hiện là Chủ tịch Hội Văn bút Afghanistan tại Stockhom - Thụy điển, và là
cố vấn tạp chí Farda tại Stockholm, Thụy điển.
KẺ CAO NGƯỜI THẤP
Ông bếp Baba Alem có người con trai hai mươi tuổi là Sher
Alem chưa có vợ. Baba Alem muốn cưới vợ cho con, nhưng không tìm được chỗ nào để
tổ chức đám cưới. Ông chủ nhà, Showkat Khan, là người quỷ quyệt và gian xảo
nghe vợ nói lại cái khó của Baba Alem, bèn nói với bà: “Baba Alem đã làm việc
nhiều năm cho mình, ông ấy có thể tổ chức đám cưới ở đây nhưng…”
Bà Shah Koko, là người ưa gây khó dễ, thích trả thù, nham
hiểm, ương ngạnh, đanh đá, ưa cãi cọ, nói: “Ồ, ông để đầu óc ở đâu vậy? Ông là
giáo sĩ Nasrideen (1) hả? Ông muốn ném tiền qua cửa sổ và để cho bốn mươi con
người dơ dáy xác xơ vào nhà tôi à?”
Showkat Khan cười nói: “Chi phí thì về phần Baba Alem, nhưng
tiệc vui là của chúng ta!”
Shah Koko bật ra: “Sao hả?”
Showkat Khan đáp: “Việc này có hai cái lợi, một là mình được
những lời cầu nguyện phúc lành cho mình, hai là sẽ có một đêm tiệc vui mà chẳng
tốn gì”.
Mắt người đàn ông lấp lánh, và chỉ một chút suy nghĩ, bà
nói: “Ông nói đúng”.
Vào đêm thứ năm, đám cưới được tổ chức tại nhà của
Showkat Khan. Khách của Baba Alem là những người nửa quê nửa tỉnh mặc các thứ
trang phục linh tinh. Họ ngồi túm tụm
ngay trên nền nhà ở cuối phòng khách. Khách của Showkat Khan thì ngồi trên ghế
dựa và trường kỷ ở phần trên cao hơn của phòng.
Baba Alem ở trong bếp bận bịu nấu nướng còn vợ ông với cái
cái áo choàng trùm đầu không sạch mấy của bà, thì chạy đi lấy bánh mì và sửa soạn
khăn trải bàn ăn.
Trong phòng khách huyên náo, cô nàng ca sĩ tô son đỏ đậm
hát bằng giọng lạc điệu. Khách của Baba Alem thay nhau ra nhảy ở giữa phòng khách
và hát tự do. Với ý nghĩ độc ác, Showkat Khan nói to: “Ô, Baba Alem đâu? Mau lên,
gọi Baba Alem. Ông ấy phải cầm tay cô dâu!”.
Mọi người nhìn quanh, Baba Alem không có đó. Shah Koko đáp:
“Baba Alem ở trong bếp, gọi ông ấy mau lên!”.
Ba, bốn người đi tìm ông. Baba Alem, mình mẩy dính dầu và
hôi mùi nấu nướng, quần còn xắn ống cao ống thấp, bước ra phòng khách và nói, “Ôi,
thức ăn sẽ cháy mất. Ai gọi tôi vậy?”
Shah Koko cười to trả lời: “Chết ông nhé, ở lại đây và cầm
tay cô dâu chứ!” Ngay sau đó mọi cặp mắt chú mục vào mặt của Baba Alem, một tràng
cười nổ tung từ những người khách. Một trong những người khách lịch thiệp nhất
tỏ vẻ thông cảm, nói: “Để ông ấy mặc quần áo đã. Ông bếp đi thay đồ đi!”
Baba Alem cười vờ như không nghe người khách nói. Người
khách nói tiếp: “Ông cười gì? Trễ mất bây giờ!”
Baba Alem không dời chỗ và điều đó cho biết ông chẳng có
bộ quần áo nào khác. Vào lúc đó, cô dâu chú rể bước vào phòng khách trong tiếng
nhạc Ahesta Beroo (2) cùng với những người khác trong gia đình. Showkat
Khan hợm hĩnh nhìn họ trong khi Baba Alem, đau khổ vì bộ đồ xơ xác của mình bước
tới nắm tay cô dâu. Showkat Khan, muốn biểu diễn trước công chúng về “lòng yêu
mến”, “lòng trắc ẩn”, “thái độ”, và “cảm xúc” đối với người bếp già tận tụy của
ông, cầm lấy tay chú rể. Cô dâu và chú rể chầm chậm bước tới trong tiếng nhạc đầy
khí thế, tiếng hát và tiếng vỗ tay của mọi người. Trong khi nghi thức này diễn
ra, Baba Alem muốn trở vào nhà bếp, nhưng Showkat Khan, đang hào hứng với cảnh
tượng sôi nổi, đẩy Baba Alem ra giữa phòng khách và nói, “Vỗ tay đi, mọi người,
vì Baba Alem sẽ nhảy!”
Tất cả mọi người cười cợt, vỗ tay và la: “Haawaa”, “Waa
Waa”. Baba Alem chưa hề nhảy lần nào trong đời, được cổ vũ bởi đám đông nhưng đứng
giữa phòng khách chẳng biết làm gì. Ông nghe được tiếng những người khách kêu
to: “Nhảy đi, nhảy đi!” từ khắp mọi góc phòng.
Không có cách thoát, bị ép phải nhảy, ông thực sự cảm thấy
bẽ bàng. Mồ hôi ứa ra trên khuôn mặt chưa kịp rửa sạch của ông, trên cằm, trán,
lông mày, râu ria. Nhạc đang chơi, ông nhảy và quay như một anh hề. Ông nhảy với
chiếc quần xơ xác còn đang xắn ống và đôi vớ cũ thủng lỗ, làm bụi trên thảm
tung lên không khí. Showkat Khan kêu to: “Hay lắm!”.
Mấy người con trai của Showkat Khan và khách của ông ta
chiếm nửa gian trên của phòng khách vỗ tay và cười càng lúc càng to làm Baba
Alem quẫn trí hơn. Baba Alem quay một vòng nữa và bỗng dưng nỗi sợ hãi của ông
biến mất. Âm thanh giàn trống gõ mạnh hơn. Baba Alem nhìn thấy con trai ông
Sher Alem. Ông đi về phía những người khách của ông, làm một vòng quay khác và
nhảy thêm nữa, một chuyện mà những người khách của Showkat Khan không ngờ. Phiên
nhảy của Baba Alem chỉ kéo dài thêm vài phút cho tới khi khói thuốc dầy đặc xộc
vào mũi ông làm ông ngạt thở. Vẻ bệnh hoạn của ông hiện lên trên mặt và ông cảm
thấy khó kiểm soát từng bước chân. Như một gã say rượu, không biết nơi sẽ bước,
ông loạng choạng từ giữa phòng khách, những người khách, ghế dựa, tràng kỷ, nhạc,
và những thứ khác quay cuồng trên đầu ông. Ông cảm thấy ớn lạnh và mặt ông tái
xanh.
Shah Koko chậm chạp nói với Showkat Khan: “Ổng chóng mặt
rồi. Vậy là đủ, cơn suyễn của ổng có thể phát đấy”.
Showkat Khan, người bày ra trò này và đang bận nhìn cảnh
tượng đó, trả lời: “Anh đã không bảo em rằng chúng ta sẽ có đêm vui sao? Ổng ổn
thôi, ổng không té đâu”.
Nhưng Baba Alem nôn mửa, làm ướt cả quần áo. Rồi ông ngã
xuống cái bàn thủy tinh đắt giá và cái bình pha lê đẹp nhất mà Showkat Khan đã
mua với giá 4.500 đồng Afghanis. Cái giây phút mà Shah Koko nghe được tiếng vỡ,
bà hét lên và đập hai tay lên đầu bà.
Showkat Khan chấn động. Người ca sĩ vụt đến cầm cái bình
vỡ lên. Shah Koko, mắt ngấn lệ gào lên: “Cầu Thượng đế ban phước cho ông
Showkat Khan! Cút xéo đi! Tôi không muốn nhìn thấy bản mặt ông nữa! Hãy nhìn hậu
quả trò khỉ của ông kìa!” Khách của Showkat Khan bịt mũi vì mùi hôi của bãi nôn
mửa lan ra khắp phòng. Mẹ vợ của Showkat Khan, một người đàn bà rất xấu, vô cảm
nói với con gái: “Thằng già đó nên tự mắc cỡ và chúng ta cũng vậy”.
Lúc ấy Shah Koko nghiến răng rồi nói bằng giọng tức giận:
“Đồ ngu ngốc, không phải là tôi đã nói là ông ta sẽ ngã hay sao! Cái bàn đẹp và
cái bình quý giá đã vỡ rồi, tôi phải làm gì đây? Ai sẽ lau sạch tấm thảm hả? Ai
sẽ dọn dẹp đống bẩn thỉu này hả?”
Showkat Khan, bẽ bàng trả lời: “Em nói đúng, em nói đúng,
chết tiệt cái ông bếp và gia đình ông ta. Lỗi của tôi là đã để bọn chó vào nhà”.
Shah Koko, mắt đầy căm thù, gào to: “Còn chờ gì nữa. Bảo
bọn họ cút xéo!”
Showkat Khan, người luôn luôn sợ vợ muốn tìm một cái lổ nẻ
để mà chui vào nấp. Ông bừng dậy như một con cọp dữ và với toàn bộ sức lực, đá
vào bụng của Baba Alem. Mấy đứa con trai của Showkat Khan bắt lấy chân và tay của
Baba Alem lôi ông ta ra ném chỗ ngạch cửa. Rồi, Showkat Khan đi lại phía Sher
Alem và nói: “Đứng lên và đi đi, cút xéo với con vợ thối tha của mày. Đây không
phải là chỗ của mày, cút xéo!”
Chầm chậm, những người khách của Baba Alem rút lui ra đường.
Mặt của Sher Alem tái xanh. Anh nói nhỏ với cô dâu: “Đây là lỗi của cha anh. Ổng
đã vượt quá giới hạn. Hãy nhìn chúng ta và nhìn họ. Chỗ của chúng ta ở đâu và
chỗ của họ ở đâu? Chỗ chúng ta ở đâu và chỗ của họ ở đâu với những chiếc ghế dựa
và trường kỷ này? Mình đi thôi”.
Trong sảnh, Showkat Khan và Shah Koko tru tréo rủa trong
khi những người khách của họ đi qua gian phòng khác. Baba Alem mở đôi mắt tuyệt
vọng. Ông bị bỏ nằm trên nền nhà ngay bên cửa. Ông nhào tới bên chân Showkat
Khan và nói: “Thưa ông, tôi đã làm bậy, xin tha thứ cho tôi. Tôi sẽ trả mọi phí
tổn. Cứ giữ lương của tôi để ông bà có thể mua cái bàn và cái bình khác, tôi sẽ
lau dọn nhà, tôi sẽ giặt thảm”.
Với nụ cười tự mãn, Showkat Khan trả lời: “Ông ngu lắm, dốt
đặc, ông không biết cái bàn và cái bình giá đến 10.000 Afghanis sao!”
Baba Alem lặng người.
Showkat Khan nói to: “Ông định làm gì?”
Baba Alem đáp: “Thưa ông, tôi thề có Thượng đế là tôi sẽ
làm việc, làm việc vì tự do!”
Từ hôm đó, trong suốt hai mươi tháng, Baba Alem làm việc
mà không có lương cho tới khi món nợ được trả xong.
VÕ HOÀNG MINH dịch
(Dịch
từ “That’s on top and this on bottom”)
___________
(1) Narusdin là
triết gia và là nhà thông thái, sinh trong thế kỷ 13, nổi tiếng với nhiều giai
thọai vui. UNESCO đã chọn năm 1996-1997 là Năm Quốc tế Nasrudin. Hầu hết các quốc
gia vùng Trung Á đều có những giai thọai về ông.
(2)Ahesta Beroo: Bài
ca mừng đám cưới theo truyền thống của Afghanistan, cất lên khi cô dâu chú rể bước
vào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét