Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

SỐ 267 - tác giả HỒNG CHIẾN

Tác giả HỒNG CHIẾN



XỨNG DANH ANH HÙNG

                                                                                        Ghi chép


Chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Công ty cà phê 719 Anh hùng thời kỳ đổi mới, chúng tôi về thăm Công ty. Xuôi theo quốc lộ 26 từ Buôn Ma Thuột về thành phố Nha Trang, đến km 47 rẽ phải độ 3km tới khu vực trụ sở Công ty. Một vùng đất tận cùng phía đông của huyện Krông Păc, vậy mà… thật ngạc nhiên ngoài cả trí tưởng tượng… trước mắt chúng tôi hiện ra một khung cảnh rất đẹp: Con đường rải thảm nhựa rộng hơn chục mét phẳng lì, trên vỉa hè giành cho người đi bộ được đổ bê tông, lát gạch hoa đã trồng các cây xanh cao trên chục mét, xếp hàng uy nghi hai bên đường chạy xa đến tít tắp. Những ngôi nhà xây kiên cố nổi bật lên trên nền xanh mượt mà của cà phê và cây ăn trái, cách nhau một khoảng  nhất định nhìn như những tòa biệt thự ở vùng nghỉ dưỡng của các nước Tây Âu.
Qua các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, khu hoa viên bất ngờ xuất hiện rộng đến 3 ha được quy hoạch rất đẹp mắt: Những con đường đổ bê tông dọc ngang tạo nên những ô vuông được trồng cỏ xanh rì; trong khuôn viên có sân bóng chuyền, khu vườn tượng, khu hồ bơi và phía trong cùng chếch một chút về phía đông nam, một hội trường có sức chứa gần một ngàn chỗ ngồi, ẩn hiện dưới tán cây cổ thụ vây quanh tạo nên một bức tranh tĩnh vật đẹp rạng rỡ. Vùng đất hoang vu xưa kia chỉ có rừng già ngự trị, qua bàn tay của những người chiến sĩ Trung đoàn 719, thuộc Sư đoàn 333, Quân khu V, đã chuyển mình như trong chuyện cổ tích để thành một thành phố hiện đại thu nhỏ. Lần đầu tiên đến đây, tôi không khỏi ngỡ ngàng và cảm phục con người đã làm nên kỳ tích ở vùng đất này.
Khuôn viên nhà làm việc của Công ty được thiết kế khá hoành tráng, bên cạnh ngôi nhà làm việc cao tầng còn có hòn non bộ, vườn hoa, cây cảnh… vây quanh trông rất đẹp. Ông Hoàng Sỹ Dũng - Giám đốc Công ty, người to, cao, nước da ngăm đen, khuôn mặt cương nghị vui vẻ đón tiếp chúng tôi như người bạn lâu ngày gặp lại. Sau khi thưởng thức li trà Thái Nguyên thơm phức, tôi đặt vấn đề để làm việc, ông vui vẻ nói:
- Công việc ta tính sau, giờ mời các anh đi với tôi!
Ông nói xong đứng dậy dẫn mọi người xuống cầu thang ra xe của Công ty đợi sẵn dưới sân. Cả đoàn chúng tôi rất ngạc nhiên vì chưa hiểu vị Giám đốc định đưa mình đi đâu. Anh lái xe hỏi:
- Đi đằng nào trước thủ trưởng?
- Mời các bác ra gốc đa.
Xe nhắm hướng đông chạy một đoạn rẽ qua phía bắc… Vẫn những con đường nhựa phẳng lỳ được thiết kế vuông góc với nhau và hai bên đường là những ngôi nhà xây kiên cố có vườn cây ăn qủa, cà phê và tiêu bao quanh… Qua khu dân cư đến rừng cà phê xanh mượt mà, trên các cành quả non xanh biếc chen nhau bám vào kẽ lá như ngầm giới thiệu một mùa bội thu sắp tới. Giám đốc Hoàng Sỹ Dũng cho mọi người biết: Tổng diện tích cà phê của Công ty năm 2013 là 323.3 ha, năng suất bình quân 10,9 tấn quả tươi/ha, tổng sản lượng: 3.524 tấn; ước tính sản lượng năm nay sẽ tăng hơn năm ngoái. Chính nhờ thiên nhiên ưu đãi về chất đất, nguồn nước làm nên sản lượng và chất lượng cà phê 719 nổi tiếng. Để có được những cánh rừng cà phê tươi tốt này, các anh bộ đội đầu tiên của Trung đoàn 719 – hầu hết là những người con xứ Nghệ đã vào đây khai hoang vừa dùng sức người vừa dùng sức máy để làm nên phép màu biến rừng hoang vu thành rừng cà phê phục vụ con người. Trong công cuộc chinh phục thiên nhiên ấy họ đã làm nên những câu chuyện cổ tích có thật trong đời, đó chính là cây đa mà ông đưa mọi người tới.
Con đường rải nhựa đến cách gốc cây đa khoảng 20 mét được tách làm hai nhánh vòng qua hai phía đông - tây như hai cánh tay ôm gốc cây vào giữa. Cây đa rất lớn, gốc phải đến năm người lớn ôm mới kín, ngoài ra có nhiều rễ mọc từ trên cao xuống cắm vào lòng đất, mỗi cái rễ ấy to khoảng nửa vòng ôm tạo nên những hình thù rất lạ. Lạ hơn nữa, các cành cây trên cao có đường kính độ 0,5 mét đan vào nhau tạo thành những góc vuông, dính liền vào nhau như được đúc từ một khuôn… Theo lời ông Giám đốc, sở dĩ cây đa đứng giữa đường thế này là vì khi ủi đường đến đây, cứ máy nào vào húc cây không chết máy cũng đứt xích một cách lạ lùng; có lẽ do gốc cây to quá. Lãnh đạo đơn vị thấy thế mới quyết định làm đường tránh qua hai bên, giữ lại cây đa cổ thụ và giờ đây trở thành biểu tượng cho thế hệ đi sau chiêm ngưỡng. Cây đa lớn, thuộc loại hiếm có ở Đắk Lắk, vươn mình lên trời cao tỏa bóng mát cả một đoạn đường, làm chỗ dừng chân lý tưởng cho khách bộ hành, nghỉ tránh nắng. Mùa khô những đêm trăng thanh gió mát dưới tán đa là nơi sinh hoạt của lớp trẻ… và đối với những người dân nơi đây cây đa còn là biểu tượng của quê hương mới; dù có đi xa đến đâu thì hình ảnh của cây như một lời nhắc nhủ, tự hào nhớ về vùng đất thân yêu…
Rời cây đa, chúng tôi lên đường đi tiếp. Qua khu cà phê, trước mắt chúng tôi hiện ra cánh đồng lúa nước rộng gần 900 ha trải dài tít tắp. Những dãy núi của Vườn quốc gia Chư Yang Sin ở phía nam, dãy núi Chư Pa ở phía đông mờ mờ trong mây, tạo nên một khung cảnh nổi bật của cánh đồng lúa đã đỏ đuôi, sắp vào vụ thu hoạch; các bông lúa dài hơn cả gang tay, xếp lên nhau đều chằn chặn, trông như một bức tranh thiên nhiên kỳ thú. Điều lạ, cánh động rộng mênh mông này rất phẳng, giống như mặt một sân bóng đá khổng lồ. Hệ thống mương và các cống tưới tiêu làm bằng bê tông kiên cố chạy song song với những con đường lớn chia cắt cánh đồng thành từng ô lớn.
Mọi người đang mải mê ngắm cánh đồng, một ông trung niên chạy chiếc xe máy đời mới của hãng Honda từ ngoài cánh đồng về thấy chúng tôi dừng lại chào. Ông cho biết vừa đi kiểm tra ruộng lúa của gia đình về; công việc làm nông ở đây cơ bản bằng máy móc cả, từ làm đất, sạ lúa đến thu hoạch được cơ giới hóa hoàn toàn; hiện nay chỉ còn một số việc thủ công, máy móc chưa làm được như điều tiết lượng nước ở trong các thửa ruộng sao cho phù hợp với từng chu kỳ phát triển của cây lúa. Gia đình ông thu hoạch ổn định mỗi năm cũng được vài trăm triệu đồng, đủ nuôi các con ăn học dưới thành phố và dư thừa chút đỉnh! Hình như nhìn thấy khuôn mặt ngạc nhiên của mọi người, ông Hoàng Sỹ Dũng cười nói:
- Cánh đồng lúa các bác đang xem giá một ký lúa thành phẩm đắt gấp hai lần lúa bình thường vì đây là lúa giống, thu hoạch xong có xe đến nhận chuyển đi khắp cả nước đấy. Năm 2013 Công ty gieo 1.415 ha, năng suất bình quân đạt 7.5 tấn/ha; tổng sản lượng đạt 10.612 tấn.
Việc Công ty Giống cây trồng Trung ương chọn cánh đồng của Công ty cà phê 719 liên kết sản xuất lúa giống từ năm 2011 là một thành công lớn ở đây; đánh dấu một mốc son quan trọng từ sản xuất lúa “thịt” giá trị thấp, sang sản xuất, lúa giống có giá trị và chất lượng cao, góp phần tăng thêm thu nhập cho người lao động. Hình ảnh người nông dân đi làm đồng phi xe máy đến tận nơi, căn cứ theo lịch đo nước rồi điều tiết cho phù hợp, xong lên xe trở về nhà; trước đây tôi chỉ nghe nói bên Nhật Bản và gần đây nước  Israel có công nghệ sản xuất lúa nước hiện đại như vậy; không ngờ giờ đây, tại vùng xa xôi ở Tây Nguyên này cũng đã có. Khi công nghệ sản xuất hiện đại, năng suất được nâng cao, sức lao động giảm, giá thành lại tăng, thu nhập ổn định, nên người lao động càng gắn bó với Công ty cũng là lẽ đương nhiên. Công nhân Công ty đã có thế hệ thứ ba, những người ông, người cha khai khẩn vùng đất hoang vu thành cánh đồng lúa tươi tốt, lớp con cháu tiếp theo được học hành bài bản, mang khoa học kỹ thuật về áp dụng để nâng cao năng suất cây trồng làm cho làng quê ngày một trù phú hơn lên, cuộc sống ngày một đổi mới tốt đẹp.
Xe tiếp tục đưa chúng tôi đi một vòng qua các cánh đồng lúa của Công ty, nơi nào xe qua cũng chỉ thấy lúa bạt ngàn như tấm thảm khổng lồ trải dài đến tận chân trời. Điều kiện thiên nhiên ưu đãi, công nhân cần cù có kiến thức khoa học cao và nhân tố quyết định là những người lãnh đạo Công ty năng động, sáng tạo trong công việc… với truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ đi làm kinh tế đã tạo nên những cánh đồng rộng lớn, thành vựa lúa khổng lồ trên cao nguyên. Hôm nay những người thuộc thế hệ đi sau được giao trọng trách gánh vác công việc nặng nề này, các anh các chị không những hoàn thành mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năng suất không ngừng được nâng cao, chất lượng cũng tốt hơn và điều đặc biệt, đội ngũ lãnh đạo giai đoạn 2010 - 2015 của Công ty đã tìm ra một hướng đi cho cánh đồng kiểu mẫu nơi là sản xuất lúa giống. Hạt lúa của Công ty cà phê 719 hôm nay không chỉ đơn thuần là lương thực, mà nó còn vươn lên thành một thương hiệu lúa giống góp phần quyết định nâng cao sản lượng và chất lượng, gieo mầm cho sự phát triển cây lúa ở nhiều vùng miền của Tổ quốc; tôn vinh cho hạt lúa Việt Nam trên thị trường thế giới.
Sau khi tận mắt chứng kiến cánh đồng lúa của Công ty cà phê 719, thấy các hộ gia đình công nhân ở đây có cuộc sống sung túc và một thế hệ công nhân còn rất trẻ được trang bị đầy đủ kiến thức khoa học từ các trường đại học danh tiếng trở lại quê nhà góp phần làm giàu đẹp thêm cho quê hương, tôi thật sự cảm phục. Thành công ở Công ty cà phê 719 Anh hùng sau 40 năm hình thành và phát triển có sự đóng góp mang tính quyết định của các vị lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2010 – 2015 như: Bí thư – Giám đốc Hoàng Sỹ Dũng, Phó bí thư – Phó giám đốc Nguyễn Huy Bá, Phó giám đốc Nguyễn Duy Tuấn, Phó giám đốc Nguyễn Quang Vinh… Những người luôn thấm nhuần lời dạy của Bác: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”. Sự đoàn kết trong lãnh đạo trên tinh thần đồng chí, đồng đội, kết hợp với tinh thần dân chủ trong Đảng và chính quyền từ cơ quan đến cơ sở, tạo nên sức bật mới giúp Công ty cà phê 719 giữ vững danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới và đang có những bước phát triển vượt bậc. Với những kết quả đạt được như hôm nay cán bộ và công nhân của Công ty cà phê 719 thật xứng danh Anh hùng!

                                                                  Buôn Ma Thuột, tháng 10 năm 2014






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét