Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

SỐ 266 - tác giả H’BIA PLIÊÔ

Tác giả  H’BIA PLIÊÔ

BỘ ĐỒ MỚI CỦA ADUÔN ĐING
Truyện ngắn


1.
- Aduôn ơi, m’iêng ao này cháu mới dệt được. Cháu tặng aduôn… aduôn xem có biết những nét hoa văn này không?
Aduôn Đing nhìn bộ đồ thổ cẩm H’Linh vừa đưa cho mình. M’iêng ao bằng sợi len được dệt tay. Cái màu đen quen thuộc của từng sợi chỉ, màu đỏ, màu xanh biêng biếc của từng nét hoa văn. Những đường chỉ non nớt chỗ nhặt chỗ thưa, nét chỉ chạy còn vụng về chưa thật đều thật đẹp. Bà cụ ngắm nhìn, đôi bàn tay run run miết từng thớ vải. Ôi bộ đồ truyền thống, bộ đồ mà ngày xưa, khi bằng tuổi H’Linh bây giờ, bà vẫn thường được mặc vào những dịp đặc biệt. Thân quen làm sao cái màu đen ấy, cái mùi sợi chỉ gột hồ thơm thơm ấy, bộ đồ mà amí vẫn dặn bà cất cho thật kỹ kẻo con gián lạc đường chui vào làm ổ. Vậy mà giờ cái màu thổ cẩm ấy, cái mùi gột hồ thân quen ấy sao mà khó tìm đến thế. Bà cầm bộ đồ mới trên tay, phảng phất mùi len dạ dìu dịu, những sợi chỉ màu rực rỡ ánh lên khiến ánh mắt bà nhòe mờ đi. Có lẽ bà đang xúc động với món quà của cháu gái, cũng có thể bà đang chìm vào dòng hồi tưởng những ngày xưa của bà, cái thời bà bằng con H’Linh bây giờ. Ừ, phải rồi, cái thuở ấy giờ đây như đang được tái hiện lại, như chỉ mới là hôm qua thôi; những công việc thường nhật ấy ngày hôm qua vẫn diễn ra mà, gần gũi lắm. Đôi mắt nhòe mờ như dần sáng hơn, những nếp nhăn giãn ra trên khuôn mặt, tạo thành mặt phẳng nghiêng nghiêng để dòng nước trong vắt nóng hổi khơi ra và lăn từ từ trên lớp da cằn cỗi. Những nếp nhăn có hằn lại đâu, những vệt hằn có ép vào nhau đâu mà sao dòng nước mắt cứ lăn nhanh thế? Bà không khóc mà nước mắt lại cứ chảy ra thế này. H’Linh ôm vai bà, dùng tay quệt nhẹ dòng nước mắt bà đang nóng hổi. H’Linh có hiểu những cảm xúc của bà lúc này?
Bà nhớ những ngày xưa, lúc bà bằng tuổi H’Linh bây giờ, bà cũng khéo tay lắm. Những bộ m’iêng ao bà mặc, chiếc địu bà vẫn dùng để cõng mẹ H’Linh, cõng các cậu các dì H’Linh rồi đến cõng H’Linh, chiếc chăn mà H’Linh vẫn đắp mỗi đêm đều tự tay bà dệt chứ đâu. Bà còn tự tay hái bông, miết bông, se sợi, cuốn chỉ rồi luồn lên khung và ngồi dệt. Những công việc ấy bà làm đã quen tay, chẳng cần nhìn cũng thẳng hàng thẳng lối, ấy vậy mà lớp trẻ bây giờ còn được mấy đứa biết đến.

***
2. Năm nào cũng thế, cứ đến tháng 12, khi những đám rẫy lúa chỉ còn trơ cuống rạ, lúa đã được mang về cất đầy trong hje, bhôk. Mùa màng đã thu hoạch xong xuôi, đám đàn bà con gái lại rảnh tay rảnh chân. Cây bông cũng vào mùa chín. Trên nương xa rẫy gần, những chùm bông bung nở trắng xóa, đậu hờ hững trên cuống như những đám mây xốp trên trời. Đó cũng là lúc đám đàn bà con gái réo gọi nhau lên rẫy hái bông. Những chiếc gùi trên lưng lắc lư, những đôi bàn tay thoăn thoắt hái bông thả vào gùi. Mặt trời chiếu thẳng đỉnh ngọn cây knia, cây sung là lúc những gùi bông nén chặt được chất đầy. Gùi bông lắc lư trên lưng các amai amí, lấp ló trên những con đường mòn nhấp nhô, đung đưa từng nhịp bước lên cầu thang để vào nhà. Bông được lọc bỏ hạt, xe lại thành sợi và cuộn lại từng cuộn tròn xoe, vài lần như thế cho đến khi tạo thành sợi chỉ mảnh và dai. Có được sợi chỉ như ý, các amai amí lại dùng những củ nghệ, vỏ cây để tạo màu nhuộm chỉ. Rồi chỉ được nhuộm, được phơi rồi được luồn vào khung dệt thành từng mảng dệt. Các amai amí lại ngồi dệt những tấm chăn, tấm địu hay mảnh vải m’iêng ao từ những khung dệt nghe tiếng giật pấc đều đều như thế. Nói thì đơn giản vậy chứ dệt được cái m’iêng cái ao hay cái chăn cái địu cũng mất nhiều thời gian lắm, nhất là đối với các đường dệt có hoa văn. Các amai amí phải tỉ mẩn ngồi nhặt sợi để làm nổi đường hoa văn. Có khi mất cả tuần mới dệt được một tấm chăn rộng. Rồi còn khâu mối nối, se sợi tua viền. Thôi thì đủ các công đoạn tỉ mỉ cân thận.

***
3. Lớp trẻ bây giờ đâu có đủ kiên nhẫn mà ngồi tỉ mẩn. Bây giờ đi học, đi chơi, đi lên rẫy hay làm đủ thứ thú vị khác trở nên nhộn nhịp, mùa nào việc nấy, việc ngồi bên khung dệt với đám con gái mới lớn vì thế mà kém hấp dẫn. Rồi thì chăn bông, chăn lụa, chăn vải mềm, quần áo kiểu mới đủ loại xâm nhập vào buôn làng, những thứ ấy đơn giản và dễ kiếm hơn, mua là có, lại tiện lợi trong cách mặc, cách dùng, lại mỏng mảnh dễ giặt. Đám con cháu trong nhà thì không thích mặc bộ đồ thổ cẩm, chúng nó bảo mặc vào nóng nực lắm, lại bất tiện nữa. Đứa con gái bao lần sắp khóc vì mặc cái áo mà cái cổ tay nhỏ quá xỏ tay sao mà khó khăn; mặc cái m’iêng thì tuột lên tuột xuống, đi đứng cứ phải khép nép một cách khó chịu. Đám con trai ngượng ngùng, thời đại nào rồi còn đóng khố, hở cái mông ra tụi con gái cười cho. Thôi thì, cứ mặc đồ Yuăn đi cho dễ, cho tiện. Đồ Yuăn kiểu nào cũng có, muốn ngắn có ngắn, muốn dài có dài, muốn hở lưng hở bụng gì cũng có hết. Đấy, đám con cháu nó nói thế thì biết làm thế nào được nữa, đành chịu thôi. Dần dần, mọi người mua cho mau có, chẳng ai còn tỉ mẩn ngồi xe sợi bông thành từng cuộn rồi hì hụi nhuộm nhuộm dệt dệt nữa. Thế là chẳng rõ từ khi nào, cái buôn này gần như bỏ hẳn bộ đồ truyền thống có từ thời xưa, lãng quên bộ đồ thổ cẩm ngày nào. Thế hệ amí aduôn già đi cũng không còn đủ sức giật pấc, mắt không còn đủ sáng đủ tinh để tỉ mẩn xếp từng đường chỉ tạo hoa văn nữa. Ngay như aduôn Đing cũng bỏ khung dệt lâu rồi. Aduôn già rồi, đôi mắt nhòe mờ rồi, cái lưng mỏi rồi, không ngồi bên khung dệt nổi nữa, không nhìn thấy đường chỉ nó xếp sao nữa, đôi tay không còn đủ khỏe luồn cây pấc để giật pấc siết chỉ nữa. Thế nên aduôn buồn rười rượi trong lòng. Đám con cháu dường như chẳng ai để ý.

***
4. Hôm trước amí Jôl đi họp hội phụ nữ về, mặt tươi cười hớn hở bước lên cầu thang, gặp con H’Jin đang hì hụi ngoài vườn cũng í ới gọi giục vào nhà. Amí Jôl bảo H’Jin đi gọi hết đám con gái trong buôn bảo chúng nó tối nay tập trung ở nhà amí để amí thông báo cái này. Thấy Amí Jôl sốt sắng một cách đầy hứng khởi, con Jin chưa rõ có chuyện gì cùng chạy tót đi sang nhà mấy đứa bạn gần đấy thông báo rồi vài đứa lại tụ tập bàn tán râm ran.
Buổi tối, bên bếp lửa nhà dài, đám con gái ngồi quây tròn, mắt hướng về phía amí Jôl đang ngồi, im lặng nghe amí Jôl nói. Giọng amí Jôl cao lanh lảnh, amí đang truyền đạt lại những nội dung trong cuộc họp của Hội phụ nữ huyện ban sáng. Amí bảo trên huyện đang có chương trình dạy dệt thổ cẩm cho thanh niên trong huyện, được học miễn phí, học xong rồi, nếu làm tốt sẽ được nhận vào cơ sở dệt thổ cẩm, làm có lương. Đây đúng là tin vui với đám con gái, tiếng xì xào râm ran cả ngôi nhà dài. Amí Jôl bảo mọi người trật tự, ai muốn nói gì thì giơ tay phát biểu, rồi đăng kí, rồi lập danh sách đi học. Đám H’Jin, H’Linh, H’Lê vui lắm. Bình thường lên rẫy vất vả mà làm ra chẳng được bao nhiêu, đã vậy phải chờ tới mùa vụ mới thu được, trong khi hàng ngày cần bao nhiêu thứ phải chi tiền. Tranh thủ đang mùa rảnh rỗi đi học là hợp lý quá rồi. Danh sách đăng kí học của đám con gái mới lớn trong buôn đông lắm, ai cũng hớn hở.
Đi học những ngày đầu thấy ai cũng vui vẻ. Sáng ra, đám con gái bước xuống cầu thang nhà dài từ sớm, vừa đi vừa gọi rủ nhau í ới. Nhưng mà học được một thời gian thì số lượng giảm dần, đứa than mỏi lưng, đứa than mờ mắt, đứa bảo mỏi tay không chỉnh cái pấc nó theo ý mình được. Đám con gái đi học dệt ít dần, còn đâu độ chục đứa, trong số đó có H’Linh cháu aduôn Đing.
H’Linh đi học dệt ban đầu cũng quyết tâm lắm, không quyết tâm sao được khi về kể với aduôn amí, mọi người ai cũng mừng. H’Linh để ý thấy aduôn cười móm mém, đôi mắt như sáng hơn khi nghe H’Linh kể. H’Linh còn tự hứa sẽ quyết tâm dệt thật giỏi và dệt tặng aduôn một bộ m’iêng ao nữa.
Từ nhỏ H’Linh hay theo aduôn hơn là theo amí, thích dùng tấm địu của aduôn để quấn làm váy áo đủ kiểu. Có lẽ trong nhà aduôn thương H’Linh nhất và H’Linh cũng gần gũi aduôn nhất. Nhưng đi học dệt rồi mới thấy học mệt quá, lúc thì quên luồn cuộn chỉ ngang nên nhấc pấc lên rồi nhìn lại thấy đường hoa văn ban nãy vẫn chưa lên thêm nấc nào. Lúc thì nhầm đường chỉ nên hoa văn bị lộn mối phải nhấc pấc làm lại. Nhiều khi thấy đám bạn nản bỏ về gần hết H’Linh cũng nghĩ đến chuyện bỏ không học nữa. Nhưng nhớ đến nụ cười của aduôn móm mém và cả cái nhìn ánh lên niềm vui thì H’Linh lại không đành lòng. Thế là H’Linh cắn môi gạt bỏ những khó khăn mà học tiếp.

***
5. Ba tháng học rồi cũng trôi qua. H’Linh bây giờ đã thành thạo việc nhấc pấc luồn chỉ, nhớ hết mặt những đường hoa văn mười lăm mười bảy sợi. Việc dệt trở nên đơn giản hơn, cái lưng quen việc cũng bớt mỏi, đôi tay quen đường nên cũng nhanh nhẹn linh hoạt hơn.
Chiều nay, H’Linh kết thúc khóa học. Được nhận giấy khen của Hội phụ nữ huyện về thành tích xuất sắc, H’Linh vui lắm, nhưng càng vui vì một niềm vui khác lớn hơn. Cầm bộ m’iêng ao đã hoàn thành trên tay, H’Linh cẩn thận gấp lại thật gọn gàng, miết lại đường chỉ, đường tua viền thật chắc chắn, H’Linh đặt vào giỏ xách và bước nhanh xuống chiếc cầu thang nhà cộng đồng buôn.
Mặt trời tà tà trôi về hướng tây, tỏa màu nắng vàng dìu dịu. Vài con bò thong thả bước đi trên con đường hướng vào buôn, đủng đỉnh vừa đi vừa ầm ọ gọi nhau. Có con bò nhà ai được đeo chuông ở cổ, tiếng chuông kêu leng keng theo từng nhịp bước. Trên đường ra bến nước, những trái bầu khô nhấp nhô nhịp nhàng theo bước đi của các amai amí. Tiếng cười của đám trẻ đang đá bóng gần đó vọng lại ầm ào. Buôn đón chiều về bằng những thanh âm yên bình và rộn ràng. H’Linh rảo bước thật nhanh, nhoẻn miệng cười chào H’Yiêm đang đeo gùi ra bến nước. Đôi chân như được nước trôi, gió thổi, nhẹ tênh lạ thường.
H’Linh bước lên sàn nhà, lửa trong bếp mới vừa nhen, ngọn lửa đỏ hồng sáng lấp lóe. Aduôn Đing ngồi cặm cụi, nghe tiếng H’Linh về, bà ngẩng lên nói vọng tới. “H’Linh về rồi hả?”. H’Linh bước đến bên bà với nụ cười rạng rỡ. Tiếng củi cháy lách tách làm bùng lên ngọn lửa tỏa sáng cả ngôi nhà./.




*Chú thích: trong truyện có sử dụng một số từ ngữ tiếng Êđê:
M’iêng ao: váy, áo
Hje, bhôk: chòi, kho đựng lúa
Amai, amí: chị, mẹ
Pấc: tên gọi dụng cụ dùng để dệt của người êđê

Yuăn: người Kinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét