Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

SỐ 266 - tác giả TRẦN THỊ NGỌC




MỘT CÁCH PHÂN TÍCH VĂN BẢN:
CẢNH NGÀY XUÂN
(Trích Ngữ văn 9 tập I)


Thành phần xuất thân, hoàn cảnh sống, một trái tim nhân hậu và thiên bẩm văn học đã tạo ra một Nguyễn Du- đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị. Và một kiệt tác không thể không nói đến là Đoạn trường tân thanh còn gọi là Truyện Kiều. Tác phẩm là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên tất cả các phương diện ngôn ngữ cũng như thể loại. Ngay từ khi ra đời, nó đã có được sự hâm mộ ở tất cả tầng lớp độc giả không chỉ trong mà cả ngoài nước. Và tôi cũng không nằm ngoài số đó. Tác phẩm rất dài, rất hay nhưng đoạn tôi tâm đắc nhất là trích đoạn Cảnh ngày xuân – trong sách giáo khoa lớp 9 Tập I. Đây là trích đoạn nằm ở phần đầu của truyện có tên Gặp gỡ và đính ước. Đọc trích đoạn, tôi thấy tâm hồn mình thật trong trẻo, thanh thản trước cảnh đẹp của sáng xuân; có lúc lại thấy như trẻ lại, hồ hởi, vui tươi khi hoà vào đoàn người tham gia các lễ hội; nhưng cũng không khỏi có chút bâng khuâng, xao xuyến theo chuyến du xuân của chị em Kiều.
Một năm bao giờ cũng bắt đầu bằng mùa xuân. Mùa này, vạn vật thi nhau khoe sắc hương, tươi vui, căng đầy sức sống. Vì thế, mùa xuân luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo không bao giờ cạn của các môn nghệ thuật nói chung, của thi ca nói riêng. Nhà thơ Vũ Đình Liên khi viết về mùa xuân đã lấy hình ảnh hoa đào làm biểu tượng:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua...
                                           (Ông đồ - Vũ Đình Liên)
Nhà thơ Thanh Hải lấy cảm hứng từ dòng sông Hương xứ Huế mộng mơ; có thi sĩ lại lấy hình ảnh mai vàng rung rinh khoe sắc làm biểu tượng... Riêng Nguyễn Du - người từng gắn bó nhiều năm với thôn quê Việt Nam lại lấy hình ảnh chim én – loài chim thường đi tránh rét ở phương Bắc khi xuân về mới trở lại làm nguồn cảm hứng mở đầu cho trích đoạn Cảnh ngày xuân. Trong không gian ấm áp, nắng hồng nhẹ vương, bầu trời cao rộng từng đàn én bay đi bay lại nhanh như con thoi trên khung cửi dệt vải của người phụ nữ. Sự liên tưởng đó phải chăng biểu trưng cho thời gian trôi quá nhanh?
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Nguyễn Du thật tài tình khi sử dụng ẩn dụ nhân hoá này! Con én đưa thoi vừa nói được thời gian, vừa nói được không gian đồng thời cho ta cảm nhận được sự tiếc nuối vì thời gian mùa xuân trôi qua nhanh đã ngoài sáu mươi.
Rời bầu trời cao rộng có bầy én liệng chao, tác giả đưa ta trở về mặt đất. Quả là một bức hoạ tuyệt vời:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Thảm cỏ non mơn man trải rộng tới tận chân trời. Một vẻ đẹp nhẹ nhàng, khoáng đạt tinh khôi, tràn trề nhựa sống. Trên nền xanh non ấy lại điểm xuyến vài bông hoa lê trắng. Màu sắc hài hoà tới mức tuyệt diệu. Động từ điểm được tác giả dùng thật đắt. Nó là nhãn tự trong câu làm cho cảnh vật trở nên sinh động, có hồn, không tĩnh tại. So với câu thơ cổ Trung Quốc: Phương thảo liên thiên bích, lê chi sổ điểm hoa (Cỏ thơm liền với trời xanh, hoa lê đã nở trên cành vài bông) thì câu thơ của Nguyễn Du hay hơn nhiều cả về thể loại lẫn cách dùng từ. Vì vậy nó trở thành bức họa tuyệt tác về cảnh ngày xuân. Đây cũng là minh chứng cho sự kế thừa nhưng cũng đầy sức sáng tạo của Nguyễn Du.
Trong khung cảnh tuyệt vời của  thiên tạo đó, ta hãy cùng hoà vào cuộc du xuân của chị em Kiều. Vẫn bằng bút pháp vừa cổ điển, vừa gợi vừa tả, vừa chấm phá, vừa điểm xuyến, Nguyễn Du đã tái hiện thật sinh động cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh và hoạt cảnh du xuân:
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.
Một phong tục tập quán tốt đẹp của người phương Đông. Trong ngày này người sống thường đi sửa sang mộ phần thể hiện lòng tri ân với người đã khuất (lễ tảo mộ) và họ có thú vui đạp lên cỏ xanh ở chốn đồng quê (hội đạp thanh) mà bất cứ ai ở độ tuổi nào cũng có thể tham gia. Nguyễn Du quả là bậc kì tài khi sử dụng xuất sắc phép liệt kê và một loạt từ 2 âm tiết là danh từ, động từ, tính từ để diễn tả điều này. Ai cũng mừng vui, náo nức. Dù người ở xa hay kẻ ở gần, là nam hay nữ, già hay trẻ… họ chơi xuân thật nhộn nhịp, tươi vui như chim én, chim oanh đang ríu rít trên bầu trời cao rộng kia. Người và chim chẳng ai muốn kém! Nhưng đông nhất là nam thanh nữ tú. Cách nói ẩn dụ: nô nức yến anh cho ta biết điều đó.
Trong buổi du xuân họ không quên rắc những thoi vàng vó và đốt tiền giấy (hàng mã) cho những người đã khuất. Đây là suy nghĩ của người phương Đông: trần sao âm vậy.
Ngổn ngang gò đống kéo lên
Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay.
Hai câu thơ gợi hình ảnh một vùng mộ địa mênh mông. Nguyễn Du không đề cập đến đồi núi nhưng ta vẫn hình dung đó là cảnh một vùng mồ mả nằm theo sườn đồi thoai thoải. Trong cảnh  tươi đẹp của ngày xuân, vui vẻ của lễ hội thì cảnh này ẩn chứa một nỗi buồn kín đáo, phớt qua như gió cuốn thoi vàng, tro tiền bay nhẹ; tình cảm nỗi buồn tự nhiên mà ai cũng có khi đứng trước cảnh mộ địa dù trong ngày xuân.
Thời gian trôi thật nhanh, cuộc vui đã đến hồi kết, chị em Thuý Kiều theo đoàn du xuân trở về. Mặt trời từ từ lặn xuống phía tây trút những tia vàng yếu ớt xuống không gian. Chị em nắm tay nhau chầm chậm qua con suối bằng chiếc cầu nhỏ bắc ngang. Cảnh vẫn đẹp, vẫn nhẹ nhàng, tinh khiết nhưng dường như đã nhuốm màu tâm trạng. Cái không khí nhộn nhịp, rộn ràng của lễ hội không còn nữa. Tất cả đang nhạt dần, lặng dần. Thời gian thay đổi, không gian thay đổi dẫn đến tâm trạng con người cũng đổi thay. Cảnh thiên nhiên lúc này được cảm nhận qua tâm trạng bâng khuâng xao xuyến của người thường có sau mỗi cuộc vui. Ở đây, một lần nữa chúng ta lại thấy được sự đa tài trong sử dụng từ láy giàu sức gợi của Nguyễn Du.
Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dang tay ra về.
Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
Rất nhiều từ láy được sử dụng. Các từ  tà tà, thanh thanh, nao nao không chỉ biểu đạt sắc thái cảnh vật mà còn bộc lộ tâm trạng con người. Đặc biệt từ nao nao thoáng gợn một nét buồn khó hiểu. Cảm giác bâng khuâng xao xuyến về một ngày vui xuân đang còn mà sự linh cảm về điều sắp xẩy ra đã xuất hiện. Dòng nước uốn nao nao như dự báo ngay sau lúc này thôi Kiều sẽ gặp mộ Đạm Tiên-  Xè xè nắm đất bên đường, Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh, sẽ gặp chàng Kim Trọng- Phong lưu tài mạo tót vời và đây là nốt nhạc đầu tiên làm xáo trộn cuộc sống Êm đềm trướng rủ màn che của Kiều…
Trích đoạn có kết cấu hợp lí, tả kể theo trình tự thời gian, không gian, đặc biệt thành công trong tả cảnh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp. Ở Nguyễn Du không chỉ là nhà thơ lỗi lạc mà còn là một hoạ sĩ tài tình. Bức tranh xuân ít màu mà thật linh hoạt. Gam màu chủ đạo là xanh: xanh cỏ, xanh trời, xanh nước, đất - trời - nước một màu xanh. Bức tranh như có linh hồn làm người đọc có những cung bậc cảm xúc đẹp.


Cuôr Đăng 09/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét