MỘT VÀI THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG HÌNH ẢNH TRONG SỬ
THI ĐĂM SAN
Ấn tượng mạnh mẽ sâu sắc, đặc biệt kỳ thú đối với độc giả
khi được tiếp xúc với sử thi Đăm San (Trường ca Đăm San) của người Êđê là nghệ
thuật sử dụng hình ảnh, hình tượng trong tác phẩm. Nghệ thuật ấy gắn liền với nếp
cảm, nếp nghĩ của con người và cảnh sắc Tây Nguyên, thể hiện khá rõ bản sắc văn
hóa dân tộc Êđê. Nghệ thuật xây dựng hình ảnh trong sử thi Đăm San có một số đặc
điểm sau:
1. Sử dụng hình ảnh phong phú, sinh động và cụ thể:
Những hình ảnh
quen thuộc vốn tồn tại trong thiên nhiên và gần gũi, quen thuộc với cuộc sống
con người nhưng đầy tính ngoa dụ của trí tưởng tượng một cách tự nhiên, phong
phú và rất cụ thể, sinh động. Chẳng hạn, nói về vẻ đẹp của người anh hùng Đăm
San, trường ca mô tả mỗi lúc một khác với nhiều hình ảnh:
“Mặt Đăm San đỏ như hừng hơi men... Lúc anh cười miệng
đỏ như dưa hấu, môi mỏng như lá tỏi. Cổ trơn tru như qủa cà chín... Râu cằm anh
mềm dẻo như dây guôl pang...”
“Anh đi trên đường cái thoăn thoắt như con rắn prao huê...
Anh đi trong đám cỏ tranh nhanh như con rắn prao hơmat ... Anh như cây đa to lớn...
Mỗi khi anh giẫm mạnh vào ngạch cửa làm nhà sàn lung linh bảy lần...”
Đó là vẻ đẹp vừa nhanh nhẹn, mềm mại, vừa khỏe khoắn của
chàng trai Đăm San. Còn khi mô tả các cô gái Hơ Nhi và Hơ Bhi thì trường ca dùng
nhiều hình ảnh vừa cụ thể vừa trừu tượng khá sinh động như sau:
“Sao lại không đẹp được, thưa ông. Nàng quả là lộng lẫy
như thần, ngời sáng như trời. Ngón tay như lông nhím. Mặt mày tròn trặn như quả
hồng rừng, thứ quả không phải để ăn, mà chỉ để cầm chơi thôi. Thật là một cô gái
tuyệt xinh, tuyệt đẹp.”
Cách mô tả đó đã làm cho hình ảnh của những nhân vật Hơ
Nhi và Hơ Bhi trở nên rõ nét và đặc sắc hơn bao giờ hết. Họ được so sánh với những
loài chim, những loại hoa, hay là với những chiếc chiêng quý giá và thậm chí được
coi như những nữ thần. Những người phụ nữ này chính là những hình ảnh tượng trưng
cho quyền lực, cho sự sáng tạo của thiên nhiên, lấy cái đẹp của thiên nhiên làm
cái chuẩn so sánh để tạo nên một cái đẹp lý tưởng và hoàn mĩ.
Một số trong các hình ảnh cụ thể được sử dụng trong sử thi đã trở thành hình tượng,
mang ý nghĩa khái quát, chẳng hạn cây đa, cây sung... tượng trưng
mẹ cha, già làng, những người anh hùng; cây kơ nia tượng trưng cho linh
hồn con người; ánh sáng mặt trời, nước trong bầu, trong ống... tượng trưng
tài sắc của con người; con hùm, con voi, con rắn... tượng trưng cho sức
mạnh của con người.v.v... và v.v... Có điều đặc biệt hơn là trong các hình ảnh
có ý nghĩa tượng trưng ấy có một số hình ảnh có thể tượng trưng cho cái tốt mà
cũng có thể tượng trưng cho cái xấu, chẳng hạn con hùm, con voi, con rắn...
tượng trưng cho cả sức mạnh của người anh hùng Đăm San nhưng có lúc lại
sử dụng để tượng trưng cho sức mạnh của các Mơtao thù địch.
Nâng cao hơn một bước nữa là người ta diễn đạt bằng hình ảnh
tưởng tượng, chẳng hạn sử thi miêu tả cảnh trên đường Đăm San tới nhà Nữ
thần Mặt trời như sau: “Anh thấy cái nhà nữ thần Mặt trời ở. Thang lên
nhà là một cầu vồng. Cối giã gạo bằng vàng. Chày cũng bằng vàng, lúc dùng thì ánh
sáng lấp lánh ngợp mắt. Anh xuống ngựa mở yên, trèo lên thang nhà, tin cho
trong nhà biết, rồi đứng ở sàn hiên nhìn qua nhà của thần Mặt trời. Anh ngắm nghía
nhà to, ngắm voi quanh sàn nhà, trong nhà đầy chiêng núm và chiêng bằng. Tôi tớ
trai và gái đông như mây. Sườn nhà thiếp vàng. Tất cả nhà các tù trưởng giàu mạnh
chưa có nhà nào như vậy. Anh đi qua cửa, móc dao vào phên, ngồi giữa nhà. Người
nhà đi lại từ nhà sau ra nhà trước nhìn Đam San như nhìn một thần linh mà danh
tiếng đã vượt qua núi rừng tới thần ánh sáng.”
Đây là bức tranh được tưởng tượng và miêu tả trên cơ sở kết
hợp những hình ảnh thực và ảo, trong đó yếu tố thực là cái nền cơ bản còn yếu tố
ảo là bề nổi khoát lên trên. Nếu lược bỏ đi những yếu tố ảo thì còn
lại là bức tranh hiện thực sinh động của thiên nhiên và cuộc sống con người. Cách
miêu tả kết hợp chặt chẽ giữa bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mạn diễn ra
phổ biến trong hệ thống sử thi Êđê.
Trong những hình ảnh tưởng tượng cũng cần
chú ý tới là hình ảnh của các vị thần linh (Yang). Thần linh có hai loại:
loại thần linh tốt thì giúp đỡ con người, còn loại thần linh xấu thì chuyên tìm
cách ám hại con người và tất cả các vị thần cũng có bản tính như con người, sống
gần gũi với con người và con người luôn xem thần linh vừa có sức mạnh của siêu
nhiên, vừa như một con người bình thường. Đó là đặc điểm hình ảnh nhân vật thần
linh trong hệ thống sử thi Êđê.
2. Sử dụng các con số biểu trưng kết hợp với hình ảnh:
Ngoài việc sử dụng những hình ảnh cụ thể và hình ảnh tưởng
tượng, người ta còn quen dùng kết hợp hình ảnh với các con số biểu trưng. Các
con số biểu trưng thường cấu tạo bằng con số lẻ như 3,5,7...
(theo quan niệm của người Êđê, số lẻ là số thiêng) kết hợp với hình ảnh
đi kèm theo. Nhờ vào cách diễn đạt này mà câu văn thường ngắn gọn và vượt cấp về
nội dung ý nghĩa. Ví dụ Đăm San lệnh cho tôi tớ của mình mang các đồ vật để cúng
các vị thần linh như sau:
“Hỡi các con! Đi bắt trâu và khiêng rượu về đây làm lễ.
Năm trâu nên cúng những người đã chết. Bảy chum rượu để cúng cho
ta. Ta đi đánh đứa nào bắt vợ ta.”
Các con số lẻ và hình ảnh đi
kèm theo làm nên những hình ảnh biểu trưng. Trong câu, có khi nó mang ý
nghĩa tả thực và cũng có lúc không mang ý nghĩa tả thực, nhưng bao giờ cũng có ý
nghĩa biểu trưng, biểu hiện một ý niệm khái quát nào đó. Ví dụ trên kia, hình ảnh
5 trâu, 7 chum rượu ngoài ý nghĩa tả thực là yêu cầu phải có đủ số
lượng như thế, nó còn biểu thị sự tôn trọng của con người đối với sự thiêng liêng
của thần linh.
Một ví dụ khác miêu tả cuộc chiến đấu dũng cảm giữa Đăm
San và Mtao Grư như sau:
“Ba lần Mtao Grư chạy quanh đồi và giẫm
nát ba đám cỏ tranh. Bảy lần cây mác nhọn của Mtao Grư phóng mạnh
như sao băng tưởng chừng cắm vào đùi Đăm San, nhưng rồi chỉ đâm oan một con lợn.”
Trong trường hợp này, các con số 3 và 7
không mang ý nghĩa tả thực mà chỉ có ý nghĩa biểu trưng cho sức mạnh của Mtao
Grư.
Cũng đề cập thêm về những con số trong sử thi Đăm San.
Ngay cả trong việc thuật, nếu nói: “Đi một ngày, nghỉ một đêm” không chỉ
dừng ở diễn tả sự việc (đi, nghỉ) xảy ra trong một khoảng thời gian (một ngày,
một đêm) nó còn có nghĩa là sự việc xảy ra nhanh chóng, gấp gáp; tương tự, nếu
nói: “Đi bảy ngày bảy đêm” có nghĩa là sự việc xảy ra trong thời gian rất
dài (số 7 là số tuyệt đối thuộc hàng đơn vị trong hệ số đếm của người Êđê).
3. Sử dụng vật thể hóa hình ảnh:
Hình ảnh trong sử thi Đăm San không chỉ là những hình
ảnh cụ thể của sự vật có hình, có khối đập vào thị giác chúng ta hoặc là những
hình ảnh do con người tưởng tượng ra có tính chất hoang đường mà còn vật thể hóa
những sự việc, hình ảnh trừu tượng. Chẳng hạn các âm thanh như tiếng
chim, tiếng chiêng, tiếng suối, tiếng trống, v.v... vốn là những cái vô hình được
người ta vật thể hóa nó, tạo ra cho người nghe có cảm giác như nhìn thấy
những vật thể, âm thanh đó đang "hoạt động" cụ thể như sự vật, con người.
Sau đây là một câu văn mà người ta đã vật thể hóa những hình ảnh khá là ấn tượng
làm vượt cấp nội dung ý nghĩa câu văn: “Tiếng ngựa chạy nghe như tiếng
sông than, như tiếng biển thở”. Trước hết, đây là tiếng vó ngựa
nghe như trùm lên tất cả rừng núi của Đăm San trên đường đi bắt Nữ thần
Mặt trời, nhưng tiếng vó ngựa ấy còn nghe “như tiếng sông than,
như tiếng biển thở”, mới chứng tỏ sự khao khát đến đau thương
và cháy bỏng của chàng muốn bắt Nữ thần về làm vợ và muốn trở thành một
tù trưởng hết sức giàu mạnh, trên đời không ai bì kịp.
Còn sau đây là đoạn văn mà người ta đã vật thể hóa tiếng
chiêng làm cho tiếng chiêng như vật đang chuyển động:
"Đánh những
cái chiêng kêu nhất, những chiêng ấm tiếng nhất! Đánh cho tiếng chiêng lan ra
khắp xứ! Đánh cho tiếng chiêng luồn qua sàn, lan xuống dưới đất! Đánh cho tiếng
chiêng vượt qua mái nhà vọng lên trời. Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt
vào cành đến phải ngã xuống đất! Đánh cho các âm hồn nghe tiếng cũng quên làm hại
người ta. Đánh cho chuột, sóc cũng quên đào hang, cho rắn bò ra khỏi lỗ, cho hươu
nai phải đứng thinh mà nghe, cho thỏ lắng tai không kịp ăn cỏ, cho tất cả muôn
vật chỉ còn có thể lắng tai nghe tiếng chiêng của Hơ Hhi và Hơ bơ Nhí!"
Đoạn văn tràn đầy những hình ảnh sinh động làm cho mắt ta
như thấy được toàn bộ không gian và cuộc sống của mọi vật đều ngưng đọng lại trước
sức hút kỳ lạ của tiếng chiêng ngân vang. Người ta đã vật thể hóa sức vang của
tiếng chiêng để biểu hiện cảnh sinh hoạt nhộn nhịp của buôn làng Êđê, cảnh hội
hè đông vui với tiếng chiêng ngân vang không ngớt giữa núi rừng Tây Nguyên hùng
vĩ, bao la.
4. Đặc điểm sử dụng mô típ hình ảnh
Trong sử thi Đăm San một số hình ảnh xuất hiện đi,
xuất hiện lại nhiều lần trong tác phẩm bằng cách lặp lại một số hình ảnh ở vị
trí cố định trong câu và hay lặp nhiều lần
cho một định ngữ giống nhau, gọi đó là mô típ hình ảnh. Chẳng hạn, mỗi khi đề cập
đến người anh hùng Đăm San là người ta thường diễn đạt câu: "Đăm
San người anh hùng đầu đội khăn kép, vai mang túi da”; so sánh với
người đẹp thì thường dùng hình ảnh: “người trong như nước trong ống, sáng như
ánh sáng mặt trời, đẹp như hoa êpang..."; so sánh số nhiều thì thường
dùng các hình ảnh: bầy mối, bầy kiến, đàn hươu, đàn nai.v.v...
Theo chúng tôi, hình ảnh phong phú cùng với sự lặp lại một
số mô típ hình ảnh được miêu tả quen thuộc trong sử thi Đăm San không hề
gây cảm giác thừa hay tâm lý khó chịu cho người nghe mà chính điều này tạo nên
sức mạnh lôi cuốn, thuyết phục đối với người nghe. Trong sử thi Hy Lạp, chúng
ta cũng thấy lặp đi lặp lại những định ngữ quen thuộc như thế khi miêu tả về các
nhân vật: Ajăc với "chiếc khăn to như tháp chuông"; Uylix "dũng
cảm"; Asin "thần thánh"; Apôlông "bắn tên xa
muôn dặm"...
***
Những đặc điểm nghệ thuật sử dụng hình ảnh trong sử thi Đăm
San như đã trình bày trên đã góp phần làm nên giá trị cho sử thi Đăm San
- một tác phẩm văn học được xem như viên ngọc quý hiếm trong kho tàng văn học dân
gian Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét