Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

SỐ: 249 - tác giả HỒNG CHIẾN

Tác giả HỒNG CHIẾN

THẾ NÀO LÀ MÙA HÈ?

Truyện ngắn

Bầy chim sẻ chạy nhảy nô đùa trên sân trường, tíu tít trò chuyện. Một chú chim vừa rời tổ theo mẹ đi dạo, thấy sân trường vắng vẻ mới quay sang hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, sao mấy hôm nay vắng học trò thế mẹ nhỉ!
- Mùa hè đến rồi nên học sinh được nghỉ học, ba tháng sau mới phải đến trường - Sẻ mẹ trả lời con.
- Sao bà mùa hè đến học sinh phải nghỉ học?
- Em ngốc thế, bà mùa hè có cái lưỡi đỏ phun ra lửa nóng nên các anh chị học trò sợ, phải trốn ở nhà với mẹ; khi nào bà ta đi khỏi thì học sinh mới quay lại trường - chim Sẻ chị ra vẻ hiểu biết giải thích cho em.
- Không phải vậy đâu các bạn ạ! - Anh ve sầu đứng trên thân cây phượng, dùng chiếc đàn đeo ở bụng thả vào không gian bản nhạc mùa hè: ve ve ve cũng góp chuyện với đàn chim sẻ.
- Anh ve ơi, khi nào mùa hè đến ạ? Chim sẻ con hỏi lại.
- Khi nào mùa hè đến ư? Đó là khi cả không gian tràn ngập nắng, họ hàng nhà tôi thức giấc leo lên các thân cây cởi bỏ đồ ngủ, cùng nhau đàn hát; đó là lúc mùa hè đến. Khi nào chúng tôi mỏi mệt cùng nhau đi ngủ, không còn tiếng ve, ấy là lúc mùa hè qua, mùa thu đến. Ve sầu dương dương tự đắc, giương đôi cánh mỏng tanh khẽ đập vào nhau ra vẻ mình quan trọng lắm.
- Anh Ve Sầu nhầm rồi! Bác Phượng già, có cái gốc to hơn một vòng tay học trò, cao chót vót, khẽ nghiêng cành để một cánh hoa đỏ tươi rơi xuống cạnh đàn chim sẻ, góp chuyện. Chim Sẻ con ngạc nhiên hỏi lại.
- Anh ve Sầu trả lời sai ạ?
- Ừ! Bác Phượng già trả lời, bác đứng đây bao nhiêu năm rồi, chỉ khi nào cánh học trò nhìn thấy bác trổ bông lại nói với nhau: Mùa hè sắp đến rồi. Khi những nụ hoa bung ra, những cánh hoa đỏ tươi như ngọn lửa bừng sáng cả đất trời, cô cậu học trò nào thấy trước bao giờ cũng reo ầm lên: A, mùa hè đến rồi! Mùa hè đến rồi! Điều đó chứng tỏ: Hoa phượng nở là mùa hè đến.
Bác Phượng già tự hào rung rung cành, tung thêm vài cánh hoa đỏ chót bay liệng trong không gian theo cô Gió; cành lá lao xao nghiêng nghiêng về phương đông.
-  Mọi người nhầm rồi! Cô Gió vừa đến cũng góp chuyện.
- Sao lại nhầm ạ? - Sẻ con và Ve Sầu cùng đồng thanh hỏi lại.
- Các bạn không thấy gì à? Cứ mỗi độ xuân sang tôi chạy từ phía biển Đông qua phía tây mang không khí trong lành làm tươi mát cả đất trời Tây Nguyên. Khi mỏi cánh, tôi quay lại, đi từ phía tây nơi có các cánh rừng đại ngàn, cây cao bóng cả về với biển Đông, đấy là lúc mùa hè đến. Có lẽ các cô cậu học trò căn cứ theo hướng tôi đi để phân biệt khi nào mùa hè đến thôi mà.
Cô Gió phả hơi nóng hừng hực vào mọi người, chạy tung tăng qua các ngọn cây bứt thêm mấy cánh hoa phượng đỏ tươi thả lên đầu Sẻ con như mấy cô học sinh đội mũ, cất tiếng cười vang.
- Mọi người đều không đúng rồi!
- Ai nói thế nhỉ?
Từ bác Phượng già đến bầy chim sẻ, và cả anh Ve Sầu, cô Gió đều ngạc nhiên kêu lên, nhìn quanh.
- Là tôi đây ạ!
- Ôi hạt Sỏi!
Tất cả ngạc nhiên khi thấy hạt sỏi bé tí tẹo, đen nhẻm, nằm lăn lóc cạnh lối đi cũng tham gia câu chuyện bàn luận về mùa hè. Sẻ con nhảy lại gần hỏi:
- Cậu bé tẹo như con mắt của mình thì biết gì mà tham gia bàn luận!
- Ấy ấy, đừng thấy tôi bé nhỏ mà tưởng tôi sinh sau đẻ muộn nhé. Tôi ở đây khi còn chưa có cỏ cây hay con người sinh sống trên mảnh đất này. Ngày xây trường xong, bà hiệu trưởng đầu tiên của trường này mang cô Phượng bé tý tẹo, hình như mới có ba cặp lá thì phải trồng xuống đây và thầy trưởng phòng giáo dục đến vun đất vào gốc. Tôi nói vậy đúng không cô Phượng?
- Dạ, đúng vậy ạ!
- Cháu xin lỗi cụ ạ! Sẻ con nhanh nhẩu xen vào.
- Các bạn chỉ nhìn bề ngoài mà đánh giá sự việc thì không chính xác đâu. Tôi ở đây rất nhiều năm rồi và hiểu được nhiều điều lắm. Hạt Sỏi nói thêm.
- Thế nào là mùa hè vậy ạ! Ve Sầu vội hỏi.
- Các bạn nhìn lên trời xanh kia kìa, ông Mặt trời chính là người quyết định khi nào sang mùa hè đấy.
- Sao cơ ạ, chúng cháu không hiểu? Cả bọn đồng thanh kêu lên.
- Có gì đâu, căn cứ theo đường đi của ông Mặt Trời mà người ta chia ra theo mùa, khi ông ta đi qua đầu chúng ta, tạo ra cái bóng tròn dưới chân, đấy là mùa hè. Hạt Sỏi thủng thẳng trả lời.
- Hay quá!

Sẻ con sung sướng reo lên làm anh Ve Sầu ngượng ngùng đánh đàn lớn hơn mọi ngày, bác Phượng già buông cành lá lả lướt theo cô Gió, các cánh hoa cũng rực cháy đỏ hơn. Cô Gió nhẹ nhàg bay đi để lại tiếng vi vút như một lời cảm ơn vì đã hiểu thế nào là mùa hè!

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

SỐ: 249 - tác giả NGUYỄN HƯNG HẢI




Lời nhắc nhở của Người



Muốn soi được chính mình phải nhờ con mắt khác
Bảo các chú phê bình là Bác bảo từ tâm
Đến như ngọc cũng còn có vết
Bác đâu phải thánh thần mà các chú băn khoăn

Bác cũng như mọi người, cũng phải uống phải ăn
Cũng máu thịt đời thường bao thứ bệnh
Sao khuyết điểm của Người, ai cũng tránh
Bác rất buồn khi chỉ thấy lời khen

Đèn còn không sáng được dưới chân đèn
Bác cũng như mọi người, vui buồn đâu có khác
Việc đáng phải phê bình, sao lại đi khen Bác
Khen thế là không thật với Người đâu?

Gương cũng mờ nếu bụi bặm không lau
Dao dù sắc, chuôi mình không gọt được
Bác bảo Bác cũng còn nhiều cái tật
Buồn vì không ai nói cho Người

Chỗ Người sai, chưa rõ ý rõ lời
Nghe mãi dạ vâng Người ý nhị:
Đóng cửa bảo nhau là điều ta phải nghĩ
Nhưng cứ đóng cửa bảo nhau công quỹ sẽ còn gì

Quá lời khen phải ngoảnh mặt quay đi
Là Bác tự phê bình, phê bình không ai nói
Lời nhắc nhở của Người mãi còn là câu hỏi
Gương làm sao soi được mặt sau gương?

Việt Trì, ngày 18.3.2013



Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

SỐ: 249 - tác giả NGUYỄN VĂN THANH


 




CHIẾN THẮNG BẠCH ĐẰNG
THÔI THÚC QUYẾT TÂM
BẢO VỆ CHỦ QUYỀN DÂN TỘC




Trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, sông Bạch Đằng đã từng ba lần chứng kiến quân và dân ta chiến thắng oanh liệt quân xâm lược phương Bắc bằng các cây cọc gỗ cắm sâu xuống lòng sông. Đó là chiến thắng Bạch Đằng năm 938, 981 và đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Sông Bạch Đằng trở thành dòng sông lịch sử, cọc Bạch Đằng trở thành biểu tượng truyền thống đánh giặc ngoại xâm trên sông nước của dân tộc Việt Nam.
Sau khi Kiều Công Tiễn cướp ngôi Dương Đình Nghệ bị nhân dân lên án, hắn chạy sang cầu cứu vua Nam Hán là Lưu Cung, nhân đó Lưu Cung đã cử con là Vạn Vương Hoằng Tháo đem đại quân sang xâm lược nước ta. Ngô Quyền đã nhanh chóng tập hợp lực lượng để chống giặc ngoại xâm và bọn bán nước hại dân Kiều Công Tiễn.
Mùa Đông năm 938, Ngô Quyền mang đại quân ta tiến đánh thành Đại La, Kiều Công Tiễn bị bắt sống và chém bêu đầu, quân ta giải phóng thành và làm chủ đất nước; ngay sau đó Ngô Quyền cho chuẩn bị sẵn lực lượng tiến hành kháng chiến chống giặc Nam Hán xâm lược.
Đúng như Ngô Quyền dự đoán, tháng 12 năm 938, các chiến thuyền của giặc Nam Hán rầm rộ vượt biển Đông tiến vào sông Bạch Đằng. Do tướng giặc là Hoằng Tháo trực tiếp chỉ huy. Khi các chiến thuyền của giặc đã nằm gọn vào bãi cọc bịt sắt phục sẵn dưới lòng sông, nước thủy triều bắt đầu rút xuống, quân ta mai phục nhất loạt tiến công địch. Bị đánh bất ngờ các thuyền giặc hò nhau tháo lui. Nhưng nước rút nhanh làm cho thuyền địch bị đâm vào cọc sắt vỡ tan tành. Chỉ trong chốc lát thuyền giặc bị đắm chìm gần hết, quân địch chết quá nhiều, tướng giặc Hoằng Tháo cũng bị tử trận. Vua Nam Hán lệnh cho quân rút chạy về nước. Chiến thắng nơi cửa sông Bạch Đằng năm 938 đã kết thúc hơn 1000 năm mất nước, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ của đất nước ta.
Chiến thắng trên sông Bạch Đằng lần thứ hai: Tháng 7.980, nhà Tống đem quân sang xâm lược nước Đại Cồ Việt theo hai con đường thủy và bộ. Trước tình hình đó, Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Đại Hành, rồi tổ chức kháng chiến. Cánh quân đường bộ đã bị quân ta đại phá ở ải Chi Lăng. Còn cánh quân đường thủy Lê Hoàn đã cho đóng cọc ở cửa sông Bạch Đằng để ngăn chặn đội quân thuỷ của giặc. Nhìn thấy những bãi cọc nhô lên nơi cửa sông, bọn giặc khiếp đảm vội vã quay đầu thuyền rút chạy.
Và lần thứ ba là tháng 3 năm Mậu Tý (1288) để chống lại đội quân Nguyên - Mông xâm lược đi bằng đường thuỷ, Trần Hưng Đạo đã lệnh cho các đội quân Trần cùng với cư dân vùng đông bắc đẵn gỗ lim, táu ở các khu rừng nơi cửa sông Bạch Đằng cắm xuống lòng sông tạo thành những bãi cọc. Lợi dụng khi thuỷ triều lên đội thuyền của quân ta xông ra đánh rồi giả thua quay thuyền rút chạy, nhử đội thuyền chiến của giặc vào sâu trong nội địa. Tới khi nước triều xuống, thuyền quân ta nhất tề quay đầu lại phản công, cộng với những đội thuyền mà quân ta đã mai phục sẵn ở hai bên bờ sông xông ra đánh địch, tạo nên chiến thắng vang dội: Quân ta tiêu diệt và bắt sống hơn 600 chiến thuyền cùng hơn 40.000 quân xâm lược Nguyên - Mông. Chiến thắng Bạch Đằng giang năm 1288 đã đập tan dã tâm xâm lược Đại Việt lần thứ ba của đế quốc Nguyên - Mông. Bạch Đằng giang vẫn còn đó và những chiến công oanh liệt của tiền nhân đã đi vào sử sách.
Chiến thắng Bạch Đằng 1288 là đỉnh cao nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn, sau trận càn quét của quân Nguyên – Mông ở trại An Hưng, trận địa cọc mới được bố trí trên địa bàn rộng lớn và phức tạp, nhưng với tinh thần đồng tâm hiệp lực, hàng nghìn cây gỗ đã được cắm ở các cửa sông dẫn ra biển như sông Chanh, sông Rút, sông Kênh, làm thành những bãi chông ngầm lớn, kín đáo dưới mặt nước, trải dài trên phạm vi rộng như: bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa, ngăn chặn thuyền địch. Người dân địa phương còn cung cấp cho Trần Hưng Đạo những thông tin quý báu về địa hình, thời tiết, con nước… từ đó giúp ông định liệu từng bước cho trận chiến. Những hình ảnh trên đã minh chứng cho tư tưởng quân sự đúng đắn của Trần Hưng Đạo về việc lấy dân làm gốc và thế trận quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, mãi mãi là niềm tự hào, là khúc ca hùng tráng của mọi thế hệ người Việt Nam, có ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử chiến tranh thế giới.
Di tích bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa, cùng với sông Bạch Đằng, sông Chanh và sông Rút, sông Kênh là những địa danh lịch sử, di tích gốc, những bằng chứng xác thực, trực quan sinh động, sâu sắc và thiết thực nhất trong việc giáo dục truyền thống chống giặc ngoại xâm giữ nước của ông cha ta cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay.

Với những giá trị đặc biệt, ngày 27.9.2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1419/QĐ-TTg xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng.
Ngày 18.2.2013, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng. Đây là hành lang pháp lý quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của khu di tích này phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, nhằm đưa Quảng Ninh sớm trở thành một trung tâm du lịch của cả nước
     Tối 17.4.2013, thị xã Quảng Yên đã long trọng diễn ra lễ kỷ niệm 725 năm Chiến thắng Bạch Đằng (1288-2013) và đón Bằng di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử Bạch Đằng.
Đọc lại bài thơ “Bạch Đằng giang” của đức vua Trần Minh Tông ra đời khi cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông thắng lợi oanh liệt, mỗi chúng ta tăng thêm những niềm xúc cảm sâu nặng, tăng thêm niềm tin và lòng tự hào dân tộc về đại thắng hiển hách cách đây 725 năm:
“Giáo gươm lởm chởm, núi non dày,
Mặt bể rung rinh sóng tuyết bay.
Đất ráo mưa xuân hoa dệt gấm,
Thông reo gió tối lá khuơ mây.
Non sông sau trước hai phen rạng,
Hồ Việt hơn thua một chớp bày,
Đỏ rực ráng chiều in đáy nước,
Ngỡ rằng máu giặc vẫn còn đây”.


Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

SỐ: 249 - tác giả HOÀNG BÍCH HÀ





BÁC HỒ NÓI VÀ VIẾT



          Sinh thời Bác Hồ của chúng ta sống “Một đời thanh bạch chẳng vàng son” và vô cùng thanh cao. Bác không những bình dị trong cuộc sống mà còn giản dị trong văn phong, cách nói ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.
          Đồng chí Trường Chinh nhận xét: “Hồ Chủ tịch nói tiếng nói của dân tộc, của nhân dân Việt Nam. Nhiều từ ngữ dân gian được Bác đưa vào ngôn ngữ của mình rất tự nhiên, hợp lý, sáng tạo… Người còn làm giàu thêm cho kho tàng ngôn ngữ dân tộc bằng nhiều từ mới, từ rút ngắn như: Vùng trời, giặc đói, giặc dốt… Sự phong phú trong cách thể hiện của Bác Hồ khi nói và viết làm chúng ta nhận ra những đặc trưng trong cách nói, cách viết Hồ Chí Minh”. Bác Hồ của chúng ta nói và viết cho rất nhiều đối tượng khác nhau, nhưng nhiều nhất vẫn là cho đông đảo các tầng lớp nhân dân với dân tộc, tôn giáo, có trình độ hiểu biết khác nhau. Với mỗi đối tượng cụ thể và trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, Bác Hồ đều tìm ra những cách nói, cách viết phù hợp, mà không lặp đi lại khiến cho người nghe dễ hiểu và nhớ rất lâu. Điều chúng ta khâm phục đó là Bác nói và viết rất giản dị, mộc mạc, như ca dao, tục ngữ đã quen thuộc với người dân. Đặc biệt là những khi Bác nói, hay viết cho đồng bào chưa có điều kiện học nhiều chữ, Bác không dùng bất cứ một từ ngữ khó hiểu nào. Mỗi bài nói, bài viết của Bác đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc một cách chu đáo. Khi viết, khi nói, bao giờ Bác cũng đem lại cho người đọc, người nghe lượng thông tin có chất lượng cao và chính xác. Chính tính chân thực đã làm nên sức thuyết phục cao đối với người nghe, người đọc. Đối với Bác, tính chân thực là yêu cầu đầu tiên Bác đặt ra đối với những người làm báo, những cán bộ, đảng viên khi nói, khi viết. Bác thường nhắc nhở: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra… không nên nói ẩu… Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói chớ viết”. Cách nói, cách viết của Bác ngắn gọn , rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, không có lời thừa, chữ thừa. Muốn nói, muốn viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu, theo Bác: “Trước hết phải học cách nói của quần chúng. Phải thực sự học quần chúng để có cách nói, cách viết được quần chúng chấp nhận như những gì của chính họ...”. Trong khi nói và viết, Bác thường đơn giản hoá mọi vấn đề, sự vật; những từ khó hiểu, Bác chuyển sang những từ dễ hiểu. Sự giản dị, trong sáng trong cách nói và cách viết của Bác bắt đầu từ sự hiểu biết thấu đáo bản chất của sự vật, từ sự gắn bó với truyền thống dân tộc trong cuộc sống sinh hoạt đời thường. Để viết và nói được trong sáng giản dị, dễ hiểu, Bác Hồ còn chỉ ra rằng: “Phải chống lại căn bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, bệnh sính dùng chữ nước ngoài…”. Sinh thời Bác Hồ đã căn dặn: “Văn không chỉ là văn. Văn cũng chính là người. Học nói, học viết cũng là từng bước hoàn thiện những phẩm giá của mình”. Bác Hồ mong muốn những người làm báo, những cán bộ cách mạng phải rèn luyện cách nói cách viết sao cho dân dễ hiểu, để dân làm theo.  Bác mong muốn mỗi người dân đều phải được đi học, biết đọc, biết viết, đọc thông viết thạo. Đối với Bác, tiếng Việt là của cải lâu dài và vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam “Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phát triển ngày càng rộng khắp”. Học viết học nói cũng không chỉ giới hạn trong đội ngũ cán bộ tuyên truyền, trong đội ngũ những người cầm bút mà cũng là điều cần thiết đối với mọi người, từ các em học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Đối với nhà báo theo Bác: “Trước hết cần xác định rõ chủ đề đối tượng, mục đích của việc nói và viết từ đó mới có thể tìm cách nói, cách viết cho phù hợp nhất với chủ đề, với đối tượng để chuyển tải được mục đích đề ra”. Tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ hai, tại Hội nghị tuyên truyền miền núi (1958), cũng như trong nhiều bài nói chuyện, bài viết khác, Bác nhấn mạnh: “Nói, viết cái gì? Nói, viết như thế nào? cách thể hiện tốt nhất làm cho nội dung nói và viết đúng với chủ đề, đúng đối tượng và đạt được mục đích của việc nói và viết”.

          Bác của chúng ta nay đã đi xa, nhưng đạo đức tư tưởng của Người luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của chúng ta trong quá trình học tập, phấn đấu và rèn luyện. Mỗi lời nói của Bác là bài học vô cùng quý giá cho mỗi cán bộ đảng viên và những người làm báo.

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

SỐ: 249 - THÁNG 5 NĂM 2013

Trong số này



v VĂN:



l  Vũ điệu mưa (truyện ngắn) – PHẠM THỊ NGỌC THANH l  Thế nào là mùa hè (truyện ngắn) – HỒNG CHIẾN l Độc chiêu tiếp thị (truyện ngắn) VŨ HƯƠNG NAM l Ông và cháu (truyện ngắn) – HOÀNG BÌNH TRỌNG  l  Gửi về tháp cổ (truyện ngắn) – HUỲNH THẠCH THẢO

  

v THƠ của các tác giả:
  
NGUYỄN HƯNG HẢI – LÊ THỊ MINH NGHIỆM – NGUYỄN DUY XUÂN – LÊ ANH PHONG – LÒ NGÂN SỦN – ĐẶNG BÁ TIẾN – ĐÕ TOÀN DIỆN – HUỆ NGUYÊN – LÊ QUÝ PHÓNG – TRẦN ĐÌNH THÀNH – PHẠM THỊ NGỌC THANH – HOÀNG THANH HƯƠNG – TRẦN THÙY LINH – NGÔ THẾ LÂM – DUY HOAN – HOÀNG ANH TUẤN – QUẢNG TIẾN MINH – VẠN LỘC – VƯƠNG VĂN BẠNG – NINH ĐỨC HẬU – PHẠM MIINH TRỊ - NGUYỄN TẤN THÁI – TRẦN VĂN HỘI - MAYA ANGELOU (LÊ VĨNH TÀI dịch)


v Nghiên cứu giới thiệu – phê bình:

l                         Bác Hồ nói và viết                        -  HOÀNG BÍCH HÀ
l                         Chiến thắng Bạch Đằng...     –  NGUYỄN VĂN THANH
l                         Đọc thơ Bác để học tập…        - PHẠM MINH TRỊ
l                         Khúc tráng ca của núi rừng      – HỮU CHỈNH
l                         Văn học tự ý thức                        - INRASARA
l                         Nhọc nhằn sáng tạo văn chương – NGUYỄN NGUYÊN ÁNH VINH
l                         Mỹ thuật Đắk Lắk  -   CHMT
l                         Lễ cúng thần Gió… - ĐÔNG THÀNH




v NHẠC




  Bìa 1:   Vui ngày hội  –  Ảnh :   ĐẶNG BÁ TIẾN
                                                                                                     
            
     
                     v TRANH - ẢNH và minh họa của các tác giả:

  AN QUỐC BÌNH – HỒNG CHIẾN – NGÔ TIẾN SỸ - VƯƠNG QUỐC KIM – NGUYỄN LIÊN –  XUÂN CHIẾN  - PV…

YÊU BÁC LÒNG TA TRONG SÁNG HƠN!


Tháng Năm về ta lại nhớ ngày sinh của Bác - vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới… Suốt cuộc đời, Bác “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; và  Bác đã dành tất cả tình yêu thương cho đồng bào, đồng chí, cho già, trẻ, gái, trai, từ miền xuôi đến miền ngược, từ Bắc đến Nam... Chính vì vậy, trong niềm tiếc thương vô hạn, cảm xúc dâng trào khi đưa tiễn Bác về cõi vĩnh hằng, nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già.
(Bác ơi)
Cuộc đời Bác là tấm gương vĩ đại để chúng ta cùng soi chung. Nhớ Bác, quý trọng Bác là để chúng ta học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, biết nhìn lại mình để tu dưỡng rèn luyện bản thân ngày càng tiến bộ, sống có ích hơn cho đất nước, nhân dân, như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”.
Trong tình hình hiện nay “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc” (Nghị quyết 12-NQ/TƯ khóa XI), thì việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác (một cách thực sự) càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Không nêu cao được ý thức phê và tự phê, không thanh lọc được chính mình qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác để bản thân mỗi người, nhất là các cán bộ, đảng viên có chức, có quyền “trong sáng hơn” thì niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ sẽ càng phai mờ. Đấy là mối nguy lớn đối với chế độ tươi đẹp và Đảng quang vinh của chúng ta. 
                                                                                                                                                                                  
        CHƯ YANG SIN 

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

SỐ: 248 - TIN VĂN HỌC NGHỆ THUẬT







* Nhân kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng Buôn Ma Thuột (10/3/1975 – 10/3/2013), 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam (15/3/1953 – 15/3/2013), 10 năm Ngày truyền thống nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/2003 – 15/3/2013) và góp phần để Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 thêm hương sắc…; xuất phát từ truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”, 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên rừng mở mang bờ cõi lập nước Văn Lang, khởi nguồn của dân tộc Việt Nam ngày nay, Hội VHNT Đắk Lắk và Liên hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng đã tổ chức triển lãm giao lưu nhiếp ảnh với tên gọi “Rừng và Biển” lần thứ 2 vào ngày 09.3.2013, tại Nhà bảo tàng dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Tham gia Triển lãm gồm 50 tác phẩm của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Đắk Lắk và 50 tác phẩm của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Đà nẵng.
* Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam lần thứ 10 (15/3/2013), Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Đắk Lắk tổ chức Lễ kỷ niệm để ôn lại truyền thống lịch sử của ngành Nhiếp ảnh, đồng thời sơ kết hoạt động quý I/2013 và xây dựng kế hoạch hoạt động của Chi hội trong thời gian tiếp theo. Tại buổi Lễ, Chi hội đã tổ chức đón nhận và trao tặng Bằng khen của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho Chi hội và các nghệ sĩ: Chính Hữu, Đào Thọ, Bảo Hưng, Hương Vượng, Lê Xuân Chiến. 
* Ngày 24/3/2012, Sở Nội vụ phối hợp với Sở VHTTDL và Hội VHNT Đắk Lắk tổ chức phát động cuộc thi sáng tác ca khúc và tranh cổ động về đề tài cải cách hành chính tại Trung tâm văn hóa tỉnh. Đến dự Lễ phát động có hơn 200 nhạc sĩ, họa sĩ chuyên và không chuyên trên địa bàn tỉnh. Hy vọng cuộc thi sẽ thu hút được lực lượng đông đảo tham gia và thu hoạch được nhiều tác phẩm có chất lượng cao. 
* Chi hội VHNT Đông Đắk Lắk (còn được gọi là Chi hội VHNT Krông Pắc) ra mắt tập tiểu luận Đông Đắk Lắk – thơ với lời bình dày gần 300 trang được chia thành hai phần: Đông Đắk Lắk bình thơBình thơ Đông Đắk Lắk. Hy vọng tập sách góp phần vào việc phát triển thơ của Đắk Lắk và trở thành một trong những tài liệu tham khảo phục vụ công tác giảng dạy văn học trong nhà trường ở địa phương. 

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

SỐ: 248 - tác giả TRƯƠNG BI


XÃ HỘI ÊĐÊ THỜI CỔ ĐẠI
TRONG LỜI KHAN



Xã hội được mô tả trong các khan Êđê là một xã hội lý tưởng. Giữa khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, những buôn làng Êđê hiện ra trù phú, giàu sang, rực rỡ, tuyệt vời như một giấc mơ. Nhà của chàng Đăm San rộng, dài như tiếng chiêng ngân, dài đến nỗi “Tiếng chiêng đánh ở phía cầu thang đầu nhà, người ngồi ở phía cầu thang cuối nhà vẫn không nghe được”. Trong nhà của cải vô kể, sừng tê giác, ngà voi, vòng bạc vòng đồng treo đầy xà ngang, xà dọc. Tôi tớ ra vào tấp nập như đi hội, vai chạm vai, ngực chạm ngực… cười nói vui vẻ. Từ trong gian khách của nhà dài lộng lẫy bước ra, chàng Đăm San gọi: “Ơ các con! Đứa nào dọn rượu thì dọn đi. Đứa nào treo chiêng thì đi treo chiêng. Đứa nào thui trâu thì đi thui trâu. Liền đó, người ta đánh chiêng, đánh trống. Tiếng chiêng, tiếng trống nổi lên vang lừng”. Đó là một cuộc sống cộng đồng lý tưởng, chỉ có được ở những tù trưởng giàu mạnh như Đăm San.
Còn buôn làng của chàng Đăm Tiông thì sao? Buôn của chàng Đăm Tiông là một buôn to, người đông, có nhiều kẻ giàu người sang, bành voi đầy nhà, nài voi đầy đất. Trâu bò nhiều vô kể, tôi tớ đông nghịt như đàn mối, bầy kiến… giáo mác đầy xà ngang, cái nỏ, cái ná móc đầy xà dọc. Buôn làng của chàng lúc nào cũng đông vui như ngày hội “Nghe tiếng chiêng, tiếng cồng, ôi sao mà vui, ôi sao mà sướng. Hai bộ chiêng đánh hòa cái trống đôi. Đánh bộ chiêng vàng chiêng bạc để ở nhà dưới, tiếng chiêng kéo giật lở bờ sông bờ suối. Tiếng chiêng vang vọng đến buôn làng của người M’nông có lỗ mũi rộng, có cái tai dài, họ mê mải nghe tiếng chiêng nấu cháo bị chua…”
Trong khan Đăm Di, Xing Nhã, Đăm Thih… buôn làng của các dũng sỹ được mô tả khá tuyệt vời. Buôn làng rộng dài đến nỗi con chim bay mỏi cánh vẫn không hết. Trong buôn lúc nào cũng tổ chức lễ hội và tiếng chiêng ngân không  bao giờ ngừng.
Chỉ đôi nét phác thảo mà trước mắt chúng ta hiện lên cả một xã hội Êđê thời cổ đại giàu sang, sung túc. Một xã hội thanh bình, chủ tớ bình đẳng, người người vui sướng, hạnh phúc. Một xã hội không có áp bức bóc lột, chỉ có lòng vị tha, tình yêu người mênh mông. Một xã hội mà con người cùng lao động sản xuất làm ra mọi của cải vật chất cho cộng đồng, và tiếng cồng chiêng không bao giờ dứt trong mỗi mái nhà.
Một xã hội như thế, cho nên khi có giặc mọi người đều tự giác tham gia chiến trận để bảo vệ sự sống còn của cộng đồng. Đoàn người đi theo chàng Đăm San đánh tên Mtao Grứ đông như bầy mối, bầy kiến, giáo mác tua tủa như cây rừng. Còn đoàn người đi theo Đăm Trao đánh Mtao Ác đông đến nỗi đen kịt cả một khoảng trời… để rồi sau chiến thắng trở về họ lại mở hội ăn mừng… cứ thế tiếng chiêng tiếng trống vang lừng khắp núi rừng như không bao giờ dứt.
Một xã hội mà vẻ đẹp của người phụ nữ được đề cao, uy quyền của người phụ nữ được coi trọng. Đó là hình tượng của nàng H’Nhí, H’Bhí, H’Bia, H’Bia Điết Luốc, H’Bli Đăng Guê… xinh đẹp, giàu sang, chung thủy, đầy quyền lực, trong buôn họ được ông trời và các vị thần linh che chở, bảo vệ. Họ chính là uy quyền, là sức mạnh của chế độ mẫu hệ.
Có thể khẳng định rằng xã hội trong các khan Êđê là một xã hội lý tưởng. Nó chính là một xã hội nguyên thủy đang vận động từ thời kỳ dã man sang ngưỡng cửa của bình minh lịch sử, mãi mãi là một xã hội đẹp trong ký ức của người Êđê.

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

SỐ: 248 - tác giả ĐẶNG BÁ TIẾN



 
Nhà thơ ĐẶNG BÁ TIẾN


Tình yêu
(Trích khúc 4 trường ca Rừng cổ tích)



Trường ca Rừng cổ tích của tác giả Đặng Bá Tiến gồm 10 khúc (chương), nội dung ca ngợi vẻ đẹp, sự giàu có của rừng Tây Nguyên, ca ngợi sự đặc sắc của văn hóa bản địa Tây Nguyên; đồng thời phê phán tình trạng phá rừng đã và đang xảy ra hết sức thảm khốc hiện nay... Tác phẩm đã được tặng thưởng loại A của Hội VHNT Đắk Lắk năm 2012. Tạp chí Chư Yang Sin số này xin giới thiệu tới bạn đọc khúc 4 của trường ca Rừng cổ tích có tên Tình yêu.


Đêm nay
ánh trăng dậy thì vàng mơ
trải lấp loáng mơ màng trên căn nhà nhỏ của anh
vừa dựng tạm
ánh trăng giao duyên với mùi mật ong
và hương chanh hương sả
ánh trăng rong chơi theo ngọn gió
như trộn vào hơi thở phập phồng
như hát trong huyết quản của anh

mẹ thương anh đã khăn gói đến nơi này
đêm nay mẹ như bà tiên ngắm trăng trên bậc thềm
   và thủ thỉ với H’Lan về
quê hương xứ Nghệ
mới ba tháng xa quê đã nhớ “con cá đồng kho khế”
nhớ bờ tre dưới trăng vàng ai thả khúc đò đưa...

cô gái Êđê ngồi nghe như cây mùa khô nghe mưa
như hạt kơ nia sắp nảy mầm lắng nghe đất ẩm
ôi xứ Nghệ yêu thương
xứ Nghệ cô mới biết qua bàn tay ấm
qua lời kể ngọt ngào như amí kể chuyện xưa
qua vóc dáng tấm lòng của chàng trai hiền lành, cần mẫn
mà lòng cô như đã có sóng sông La
mà trái tim cô như đã dạt dào câu ví dặm
ôi câu ví gừng cay muối mặn
giờ cô nghe đằm thắm nao lòng
câu ví ấy khác nào điệu ay ray mí hát trên nương,
trên bến nước, hát khi H’Lan còn cuộn tròn nhắm mắt
   trong lòng mí yêu thương
để H’Lan lớn lên
vóc dáng thì từ giọt máu hồng, từ giọt sữa ngọt ngào của mí,
còn trái tim yêu thương
và tâm hồn mộng mơ thì bằng câu hát mí ru

ôi câu ay ray
ôi câu ví dặm
ta muốn rước về ở chung một buồng tim
ta muốn đưa về ở chung một bếp
ta muốn chiều chiều ngồi trên bến nước
nghe khúc ay ray và nghe câu ví dặm ân tình
ta muốn đứa con yêu thương
của ta được ru bằng câu ví dặm của cha
được nựng ngọt ngào bằng lời ay ray của mẹ
nó sẽ lớn lên với vóc hình dũng sĩ
có tâm hồn thiết tha như câu ví
và nồng nàn mơ mộng như điệu ay ray

ơi anh
ơi chàng trai xứ Nghệ
anh có hiểu lòng em
thương anh như con nai thương rừng
thương anh như con chim thương cành
thương anh như con cá cờ, cá lăng thương suối
thương anh như nụ phong lan mùa khô
thương hơi sương trong gió thổi
như đám mây thương đỉnh núi
cho mây làm bến đỗ lúc cô đơn...

cô gái Êđê ngày ngày bên anh cho gần cái nhớ
anh lên đồi đào đất trồng cây
cô trèo mười con dốc
gùi cả năm bầu nước làm mưa
rừng cây lên xanh
có tình anh đêm đêm tưới trăng vàng cho cây xum xuê
   long lanh sắc lá
có tình em mỗi ban mai rải ánh nắng hồng
 cho cây mơn mởn chồi non

cả đại ngàn bên Srêpôk bình yên
cho thân gỗ mỗi ngày phổng phao thêm như lòng anh chờ đợi
cho đàn nai, bầy công sinh sôi nhởn nhơ khắp đại ngàn
hân hoan như người
đi trẩy hội
cho hoa đỏ, hoa vàng, hoa tím nở tràn dọc suối suốt mùa khô
có công anh ngày ngày đêm đêm lặn lội tuần tra
đến hõm mắt, mòn chân
tím tái thịt da bởi muỗi mòng sên vắt
có tình em trao cho anh trong nắm cơm gói lá chuối rừng
để nửa chừng đêm anh lót dạ
có tình em ủ trong chiếc khăn thổ cẩm tặng anh
để khi anh trèo lên đỉnh dốc
đưa chiếc khăn ra thì hóa ngọn gió lành...

ôi Bản Đôn
ôi Yôk Đôn
ôi Srêpôk
nơi hơi thở thơm hương hoa bằng lăng hoa dẻ
thơm mùi cá nướng tẩm mật ong mỗi bữa chiều về
thơm hương rượu cần bay lẫn hoàng hôn mê mê tỉnh tỉnh
nơi mỗi sáng voi dẫm chân thậm thịch giã vào đất mẹ,
   giã vào hư không, giã trắng những nỗi niềm
nơi con thuyền độc mộc vụt hiện trên sông rồi bay vào thẳm xanh như bay vào cổ tích
dòng sông cũng khi trong khi đục
nhưng ân nghĩa với con người thì đầy ắp quanh năm
nơi tháng ba hoa nhuộm đất bảy màu,
nắng ngọt thơm như rượu cần ủ nếp
nương chín tháng
ba mươi chín giàn chiêng gọi giàng rung vách núi
con gái con trai ngất ngây đêm hội
nhịp xoang quay
tay ấp bàn tay
mắt liếc đong đưa
gọi bước chân say
bỏ hội vui chung, ra bờ cây tình tự...

nơi mỗi tinh mơ anh bật cửa
trăm giọng chim hòa tấu rộn đất trời
những em gái Êđê,
M’Nông lẫn trong mù sương chỉ nghe được tiếng cười
trong như sương
ngọt như sương
vô tư như sương
long lanh mặt đất
bình minh rạng
đã thấy các em mang gùi
bóng đổ dài nghiêng nghiêng trên bến nước
gùi niềm vui về mỗi chái nhà
nơi mỗi chiều già làng ngồi bên cầu thang trầm tư ngậm tẩu
nhả gan ruột nỗi niềm ra làm mây bay
dáng già ngồi như tượng đá tạc vào hoàng hôn ráng đỏ
anh hiểu già
một pho huyền sử
anh hiểu già
là linh hồn xứ sở
là bóng cả đại ngàn
là bến nước, cây đa...


Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

SỐ: 248 - tác giả KURAHASHI YUMIKO (Nhật Bản)


Kurahashi Yumiko sinh ngày 10.10.1935 tại Kochi, quận Shikuoka. Tốt nghiệp đại học Maiji với bằng cử nhân văn chương.
Tác phẩm của bà mang tính thực nghiệm phi lý tính, nghi ngờ những tiêu chuẩn xã hội thịnh hành về quan hệ tính dục, bạo lực, và trật tự xã hội. Những tiểu thuyết thực nghiệm của bà có nhiều yếu tố của phong cách hậu hiện đại.
Truyện ngắn “Party” (1960) của bà được giải thưởng Meiji University Chancellor’s Award năm 1960 và giải thưởng the Women’s Literary Award năm 1961. Tiếp theo đó là tiểu thuyết đầu tay, “Blue Journey – Hành trình xanh” (1961), truyện về một người đàn bà tìm một người đàn ông để đính hôn. Năm 1969, Kurahashi xuất bản “The adventures of Sumiyakist Q – Những cuộc phiêu lưu của ông Q theo chủ nghĩa Sumiyakism” thuật lại những nỗ lực của một người đàn ông bí mật biến đổi nhiều người theo một hệ tư tưởng tưởng tượng gọi là Sumiyakism.
Năm 1969, Kurahashi bắt đầu loạt tiểu thuyết trường thiên nhiều tập về cuộc đời của một người đàn bà tên là Keiko nhan đề “A floating Bridge of Dreams - Chiếc cầu bềnh bồng của những giấc mơ”. Trong bộ tiểu thuyết nhiều tập này, Kurahashi tạo ra một thế giới tưởng tượng song hành tiếp tục thông qua nhiều thế hệ của gia đình Keiko.
Kurahashi vừa nổi tiếng về những truyện phức tạp được viết với văn phong sáng sủa vừa về những đề tài gây tranh cãi của bà, như loạn luân và trao vợ đổi chồng trong những truyện của bà. Ngoài giải thưởng cho truyện ngắn “Party”, bà còn được giải thưởng Tamura Toshiko Award năm 1963 và Izumi Kyoka Memorial Prize năm 1987 với tác phẩm “Journey to Amanon – Hành trình đến Amanon”.
Những tác phẩm khác của Kurahashi Yumiko: “The Monastery – Tu viện”, Carolyn Haynes dịch sang tiếng Anh (1985), “The Woman with the Flying Head and other stories of Kurahashi Yumiko – Người đàn bà có cái đầu bay và những truyện khác của Kurahashi” do Atsuko Sakaki dịch sang tiếng Anh xuất bản năm 1998.
Kurahashi Yumiko qua đời ngày 10.6.2005.
*
Truyện ngắn dưới đây được Ian MacDonald dịch sang Anh ngữ, in trên tạp chí Words Without Borders số tháng 7.2012.



                                    ĐẦU CỦA APOLLO



Đó là một buổi chiều dễ chịu cuối mùa thu. Tôi đang theo lối tắt xuyên qua khu rừng có nhiều cây bạch quả và cây du cao thuộc khuôn viên trường đại học của tôi. Đang đi thì tôi gặp một chỗ có ánh nắng chiếu qua những cành cây bạch quả, loài cây này đẹp tuyệt vào thời điểm này trong năm. Những cánh lá vàng của chúng loang loáng như những cái chũm chọe, như rót vào không khí tiếng nhạc vàng của chúng. Vô số lá khiêu vũ trên đất, cùng với hai bản Sonate của Scriabin trong đầu tôi mà tôi vừa tập với thầy dạy dương cầm.
Chợt mắt tôi bắt gặp một tia sáng nhạt ở gần chân một thân cây. Nhìn vào bụi cây thấp, tôi thấy một ánh lửa xanh xanh được bao quanh bởi một quầng vàng. Trước khi tôi biết mình đang làm gì tôi đã đẩy qua một bên bụi cây gai để tìm nguồn của nó. Kìa trước mắt tôi là đầu một chàng trai – hay đúng hơn tôi nên nói là một thiếu niên. Chắc là tôi khác với những người phụ nữ khác, vì tôi không xỉu ngay tại chỗ mà cũng không hét lên và bỏ chạy. Tôi đứng sững, không thể rời mắt khỏi cái đầu lạ lùng đang phát sáng. Có lẽ cách tốt nhất để diễn tả là tôi như bị bùa mê. Cái đầu có một vẻ đẹp cực kỳ tôi chưa từng thấy ngoại trừ nơi những pho tượng thần linh. Trong một thoáng tôi nghĩ chắc đó là đầu của một con búp bê làm bằng vật liệu đặc biệt, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra đó đúng là một đầu người. Vậy thì lẽ ra cái đầu này không còn sức sống, nhưng lại không phải như thế.
Đôi mắt của nó mở. Tôi thấy đôi đồng tử chuyển động và mi mắt nháy. Nhưng đôi mắt của nó không chăm chú nhìn tôi hay nhìn vật gì đặc biệt. Chúng có vẻ trống rỗng. Khi cái đầu hạ tầm nhìn của nó, đôi mi mắt dài, dầy như con gái đổ bóng u buồn lên trên khuôn mặt. Tôi mạnh dạn vươn tay và đẩy lùi một nhúm tóc trên trán. Mặc dù tôi sờ thấy tóc lạnh, nhưng thịt bên dưới tóc thì ấm.
Cuối cùng tôi nhận thức lại được và hoảng hồn, giống như bất kỳ ai khác. Tôi chạy về nhà, để mặc cái đầu ở đó. Tôi tự nhủ rằng cái mà tôi đã thấy trong quầng hào quang vàng đó là một ảo ảnh, hay có lẽ đó là kết cục của một tội ác còn che giấu. Có người đã giết chết cậu trai đó, cắt đầu cậu ta, ném vào rừng cây, tôi nghĩ vậy. Đơn giản thế thôi. Hẳn là chuyện này sẽ có trên báo chí hay trên truyền hình vào ngày mai. Tôi sẽ chỉ giả vờ là tôi không biết gì hết.
Sau khi làm cho đầu óc ổn định với lý lẽ ngu xuẩn này, tôi đi ngủ. Nhưng giấc ngủ của tôi tràn đầy ác mộng. Tôi hầu như không chợp mắt đêm đó. Tôi không sao giũ được cảm giác cái đầu ấy còn sống. Trong những giấc mơ tôi thấy nó gắn đầu lại vào cái cơ thể trần truồng – cái cơ thể nửa là thiếu niên nửa là thanh niên. Nó gợi nhớ đến pho tượng Apollo được tạc bằng cẩm thạch núi Pentelikos gần Athens hay đá cẩm thạch Parian trên đảo Paros trong biển Aegean của Hy lạp thời cổ đại, sự khác biệt duy nhất là da của cậu ta thì không lì lì như đá mà trắng và mềm dẻo như một cây con. Tôi mơ thấy tôi cũng trần truồng, cơ thể tôi quấn quanh thân cứng như cây của pho tượng cẩm thạch. Bất chấp sự thiếu nhân dạng hay tính cách của pho tượng – hay có lẽ vì vậy – pho tượng như là người tình thật sự của tôi. Tới đây thì giấc mơ của tôi trở nên mơ hồ. Điều tiếp theo tôi biết là tôi vật Apollo xuống và trèo lên chàng, đè chàng sát đất. Rồi với một nhát gọn tôi cắt rời đầu chàng, giống như Kumagai Naozane cắt họng chàng đẹp trai Taira Atsumori trên bãi biển ở Ichi-no-tani. Nó rời ra dễ dàng, giống như một cây xương rồng.
Ác tâm nào đã xui tôi làm một hành động như thế? Trong khi nằm thức ngẫm ngợi điều này, tôi đã có cảm giác kỳ cục rằng trong nhận thức trừu tượng nào đó tôi đã thực sự giết người tình của tôi. Khi thần kinh căng thẳng quá mức chịu đựng, tôi đi tới một kết cục: tôi quyết định tìm lại cái đầu.
Bình minh vừa ló dạng khi tôi vào rừng mang theo một cái túi xách. Đầu của cậu trai nằm y nguyên chỗ tôi đã rời đi, không thay đổi gì ngoại trừ một số lá cây bạch quả vướng trong tóc cậu.
“Xin chào. Cậu ngủ ngon chứ?”.
Dĩ nhiên cái đầu không trả lời. Phủi lá đi, tôi nhanh chóng cất cái đầu vào túi. Trong khi làm thế, tôi thấy nhiều mạch máu nhú ra như những mầm cây từ chỗ cổ cậu ta, nhưng tôi không dừng lại để xem xét kỹ hơn. Cái chính là đem cái đầu về nhà mà không bị ai thấy. 
Thành công của cuộc phiêu lưu buổi sáng của tôi làm tôi lên tinh thần. Cái đầu không còn làm tôi sợ. Có lẽ tôi sẽ đem nó lên giường với tôi tối nay, tôi nhủ thầm. Nhưng tôi biết đó chỉ là tiếng nói của hóc môn adrenaline – tôi không có ý định làm một chuyện gì như thế. Nói thật là, tôi luôn luôn ác cảm với động vật và thậm chí chưa hề nuôi một con chó hay mèo cưng nào.
Bây giờ tôi để cái đầu trong một chậu sứ nông, loại dùng để cắm hoa. Tôi đổ nước vào chậu, nghĩ rằng nếu không thì nó sẽ khô. Nhưng rồi tôi thấy rằng hình như nó hơi lắc lư, và tự nhiên tôi nghĩ rằng tôi có thể đặt nó trên một trong những đĩa đinh kim loại dùng để cắm cọng hoa. Như mong đợi, đó chỉ là một trò lừa. Nó đã không tác động tôi dữ dội lắm, và mặt nó không có vẻ đau. Nó chỉ tiếp tục nhìn vào không gian qua đôi mắt mở hé, như trong một cơn hôn mê thực vật. Vâng, đó là những từ hoàn hảo để miêu tả thái độ của cái đầu. Nó mở ra trong tôi ý nghĩ có thể dùng cái đầu như một cây trồng trong nhà. Sau này trồng nó thì có thể là tốt, tôi trầm tư, nhưng bây giờ tôi dùng thuật trồng cây trong nước, như người ta trồng lan dạ hương và hoa nghệ tây.
“Vậy ra đây là cái đầu mà em đang nói đến đó à?”
Toru, vị hôn phu của tôi, gần như thất vọng nói. Thiệt tình là tôi đã không muốn nói với anh về cái đầu. Nhưng vì anh ghé chỗ tôi mấy lần một tuần và thỉnh thoảng ở lại qua đêm, tôi biết là tôi không thể giữ bí mật với anh mãi mãi.
Khi tôi kể với Toru, ra vẻ hết sức bình thường, về những gì đã xảy ra từ khi tôi khám phá ra cái đầu, anh tỏ ra hết sức mong muốn nhìn thấy nó. Rõ ràng, ý nghĩ trông thấy cái đầu sống của một chàng đẹp trai đã gảy lên sợi dây đàn tò mò kinh khủng nơi anh. Nhưng sự thật là không có gì lạ về cái đầu. Nó đã không truyền cảm xúc xuất thần, như cái đầu của thánh Giăng Báp-tít đối với Salomé, dù tôi thú nhận là giống như nàng, tôi đã thử hôn lên môi nó nhiều lần. Tôi hài lòng phát hiện một sự đáp trả - không phải là nó đưa lưỡi vào miệng tôi, mà là môi nó cọ nhẹ nhàng vào môi tôi. Tôi có cảm giác áp một nụ hôn lên một cậu trai trinh bạch.
“Vậy là cái vật này sống, ở đây như thế này hả?” Toru hỏi.
“Phải, nó thực sự hút nước. Có thấy những động mạch nơi cổ nhú ra như những chiếc rễ không? Với tốc độ này em sẽ không ngạc nhiên nếu nó sớm bắt đầu ra hoa”.
“Anh không biết nó có ý thức con người không” Toru nói. “Anh muốn nói là nó đang nhìn chúng ta, nhưng em có cho là nó đang nghĩ chuyện gì không?”
Không may là, điều đúng nhất có thể nói về cái đầu là hình như nó ở trong trạng thái thực vật. Không giống như Apollo thật, không có ánh lấp lánh trong mắt nó. Chúng mở nhưng không thấy gì. Sau khi tôi giải thích như vậy cho Toru thì chúng tôi lao vào vòng ôm đam mê, làm tình chẳng mắc cỡ gì ngay trước mặt cái đầu. Cậu ta vẫn giữ vẻ đẹp và sự im lặng như một bông hoa, thanh lịch đậu trong cái chậu của mình giống như bông hoa li li ngủ trong nắng trưa.
“Em nói đúng” Toru nói giọng lạc đi “Nó vĩnh viễn không phải là người”.
Dĩ nhiên là anh nói đúng. Nhưng nếu bạn hỏi tôi, thì tôi trả lời cái đầu đẹp hơn bất kỳ người đàn ông nào. Nó có một vẻ đẹp tinh tế, sang trọng – thậm chí thơm ngát. Nếu so sánh thì vị hôn phu Toru của tôi là một con thú bốc mùi thối. Dù sao đi nữa thì năm tới, khi chúng tôi kết hôn, Toru và tôi sẽ cùng nhau đi châu Âu. Thiên tư đích thực của anh là âm nhạc. Hôm đó chúng tôi đã ngồi vào hai chiếc đàn dương cầm và chơi bài La valse của Ravel và Variations của Lutoslawski.
Qua những tháng mùa đông cái đầu trải qua một sự biến đổi ngoạn mục. Nó trông ngày càng ít giống với một cái đầu trẻ đẹp, mà hóa đỏ và cứng như một quả lựu. Khi mùa xuân đến nó đột ngột sưng phồng lên bằng cỡ quả dưa hấu và có màu xanh lá. Những sợi tóc bạc nhỏ, hay là những gai mềm, nhú mầm trên khắp mặt, cho nó dáng vẻ của một cây xương rồng độc. Rồi những bông hoa tươi thắm, có chút hồng của lan dạ hương, nở ra ở chỗ trước đây là tóc. Thêm nhiều hoa nữa – loa kèn đỏ và phong lan đỏ tía – tất cả nở trái mùa. Vẫn còn dạng người trước đó, cái đầu giống xương rồng khổng lồ chuyển thành một mớ hoa, làm tôi nhớ đến một bức tranh của Arcimboldo.
Ngay khi hoa tàn cái đầu bắt đầu có quả đủ hình dạng, màu sắc, và kích cỡ, làm cho nó có dáng vẻ lổn nhổn quái dị. Tôi ăn thử nhiều trái gợi thèm. Mỗi trái có hương vị độc đáo, lạ lùng, nhưng không quả nào làm tôi thèm ăn thêm nữa. Sau khi tôi hái hết các quả, cái đầu giống như một bề mặt lởm chởm của mặt trăng. Cuối cùng những nốt đậu mùa này biến mất và cái đầu trở nên tròn láng, hình dạng chẳng thể nói là giống với quả dưa hấu. Khi tôi cắt nó ra bằng con dao nấu ăn thì sự tương đồng với quả dưa hấu còn tệ hơn – thịt thì trắng và không có hạt. Tôi không thể nào tránh khỏi việc xúc động bởi sự đơn giản nghèo nàn của nó. Cả khối mô não, dây thần kinh và mạch máu đã từng đầy trong cái đầu trẻ trung đẹp đẽ đã trở thành gì?
Dù sao đi nữa, tôi đã thành công lớn trong việc trồng những quả tôi đã hái, mà cũng giống như cái đầu, tôi để chúng trong nước. Khi mùa hè đến, tôi để chúng ở nơi chúng được nhiều ánh nắng, và chúng đã sum suê từ đó. Bây giờ chúng hóa thành những cái đầu, mỗi cái với một khuôn mặt người đầy bản sắc. Vào mùa thu tôi chờ có hàng tá đầu mọc lên trong gian phòng nắng của tôi. Nhân tiện, nếu bạn đang thắc mắc, thì Toru đã hủy bỏ hôn ước của chúng tôi và đi châu Âu một mình. Anh nói anh không thể sống với một người đàn bà bị ám ảnh bởi những cái đầu đang mọc.
                                                              
     
  VÕ HOÀNG MINH dịch