Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

SỐ: 248 - tác giả Nguyên Hương




ANH CÓ LÀM EM BUỒN KHÔNG?

Truyện ngắn

-   Anh đã định từ chối công trình này rồi đó, vốn đầu tư nhỏ, lại thêm ông ấy kỳ kèo quá...
-   Hiệu trưởng của em không có tính kỳ kèo đâu, chẳng qua là mỗi năm xin được chút kinh phí để xây thêm vài phòng học. Không tính toán cẩn thận lỡ mất uy tín thì sang năm không được cấp tiền nữa nên...
-   Em không cần phải bênh vực sếp như vậy. Anh muốn nói là may mà anh đã nhận lời - Khôi nhìn tôi, mi mắt bám bụi xi măng xam xám - Anh phải cảm ơn ông hiệu trưởng của em...
Gặp nhau ngày khởi công cách đây hai tháng. Có vội vàng quá không cho một lời tỏ tình?
Ông hiệu trưởng nghiêm khắc nhìn tôi:
-   Cô mới ra trường, công việc yên ổn đã rồi hẳn yêu đương. Dân xây dựng nay đây mai đó, liệu chừng.
Mới về trường chưa được một năm, đang còn là giáo viên hợp đồng, cũng vì vậy nên mùa hè tôi không về quê mà xung phong ở lại dạy lớp bồi dưỡng.
Nhìn Khôi phóng chiếc Suzuki một cách điệu nghệ qua cổng trường ngổn ngang gạch đá, cách Khôi nhảy xuống xe một cách ngang tàng, cách leo lên giàn giáo để kiểm tra công trình, đang cười cười nói nói chợt mặt Khôi lạnh băng ra lệnh đập tường xây lại khiến thợ thầy tái mặt ...  Tôi biết Khôi sếp đến thế nào. Câu nói của hiệu trưởng còn ngậm lại một đọan tế nhị - Diện tích như nhau mà căn phòng của tôi trở thành rộng nhất khu tập thể vì chẳng có gì bày biện.
Tôi biết Khôi là trời tôi là vực. Nhưng không thể không lắng nghe giọng nói tự tin vang lên từ trên giàn cao và tim không thể không đập nhanh khi tiếng chân quả quyết trên hành lang dẫn đến phòng tôi. Tôi không kịp dọn dẹp, trên mâm cơm chỉ món cà xào ốc. Khôi thun mũi hít hà:
-   Món này ở nhà hàng gọi là đặc sản.
-   Dân xây dựng hay đi nhà hàng lắm phải không?
-   Phải. Vậy nên thèm cơm nhà vô cùng.
                                      *                 *                 *
Tôi không phải đứng giữa đường chờ xe ngang qua. Ngồi sau xe Khôi, hai mươi phút sau ra tới phố, hàng sách cũ. Nhìn tôi lục lọi những dãy kệ dài mà vẫn chưa được cuốn nào ưng ý chỉ vì mỗi cuốn đều có ít nhất năm mươi phần trăm bài giống nhau, có lẽ tiết kiệm nhất là mua nửa cuốn này và nửa cuốn kia rồi gắn lại, Khôi kêu lên:
-   Có một cách cho em có được nhiều bài tập hay cho học trò mà không lãng phí thời gian tìm kiếm.
-   Mua toàn tập bộ sách mới xuất bản?
-   Vậy thì lại lãng phí hơn - Khôi nheo mắt nhìn tôi, cười, rồi giọng Khôi nghiêm túc:
-   Mạng internet.
Sao tôi không nghĩ ra điều này nhỉ?
-   Trong năm phút em sẽ có những bài tập từ cơ bản nhất đến phức tạp nhất, những tài liệu mới nhất - Khôi cười - Và tất cả sẽ được in ra thành bao nhiêu tập để phát miễn phí cho học trò tùy ý em. Y kiến này có đáng được em nhận như món quà cầu hôn không?

*                 *                 *
Cùng với Khôi, tôi vào những nhà hàng  đẹp như lâu đài cổ tích. Khôi vênh mặt "Anh thiết kế và thi công luôn đó". Tôi trêu chọc "Biết đây là công trình đẹp nhất của anh rồi". Khôi cốc đầu tôi "Mình em dám nói năng vậy thôi đấy nhé", rồi nói nhanh "Công trình đẹp nhất của anh là nơi có em làm bà chủ".
Tôi hạnh phúc và âu lo. Cứ nghĩ yêu là yêu, vậy thôi. Nhưng đã đến lúc... Mỗi lần xe của Khôi dựng trước cửa phòng tôi là hút bao mắt nhìn, chẳng dấu được ai những lần Khôi đón đưa tôi đi phố, những quyển sách mới xuất bản khiến kệ sách sáng bừng lên và những món quà khiến căn phòng của tôi giờ là chật nhất khu tập thể. Ông hiệu trưởng nói như lơ đãng “Cô đã biết gia đình của cậu ta chưa?” Có vẻ như ông muốn nói gì với tôi thì phải? Rồi lúc khác ông lại hỏi “Cậu ta đã ngỏ ý về thăm bố mẹ của cô chưa?".
Đây là điều tôi chờ mong và cũng là điều tôi sợ nhất. Tưởng tượng hai đứa về quê, dáng cao lớn của Khôi cúi qua cánh cửa thấp là tôi đã thấy xốn xang. Bất đắc chí bỏ cơ quan về quê làm ruộng, ruộng nương cũng không như ý, cha tôi có những cơn gắt gỏng ai cũng sợ. Bàn tính đám cưới chị tôi, đoàn nhà trai xin đón dâu vào ngày giờ thầy bói bảo là tốt, cha phẩy tay "Tốt nhất là bất cứ giờ nào của ngày chủ nhật, không xâm phạm vào những ngày ăn lương phục vụ nhân dân". Đám cưới suýt nữa thì tan.
Lo âu trong tôi tan biến khi Khôi hai tay lễ độ nâng ly trà bốc khói mời cha mẹ tôi và cẩn trọng đặt từng gói qùa đặt vào tay cha, tay mẹ, tay từng đứa em. Râm ran làng trên xóm dưới tìm cớ đến nhà để nhìn mặt Khôi.
Đêm, ngồi bên nhau trên vạt cỏ lích rích tiếng dế bên bờ sông, mắt Khôi lấp lánh ánh sao trời "Anh có làm em buồn gì không?". Tôi ngả vào vai Khôi, đón nhận nụ hôn dài ngộp thở.
Mở mắt ra, tôi chạm mặt Khôi thẫn thờ nhìn sóng nước. Tại sao?
-   Anh muốn nói với em một điều. Anh phải nói với em...
Tôi hoang mang. Sau một nụ hôn như vậy, mà lại buồn vậy?
-   Anh đã có một đứa con ...
Tôi sững sờ, cảm giác đám cỏ đang quấn nghiến lấy đôi chân mình.
-   Hồi đó anh còn rất trẻ, ngông cuồng ngạo mạn, chẳng biết sợ gì và cũng chẳng nghĩ tới ai...
“Bây giờ anh cũng chẳng biết nghĩ tới ai”, tôi muốn bật ra giận dữ nhưng đôi môi chỉ mấp máy:
-   Đừng nói nữa.
-   Anh xin lỗi, lẽ ra anh phải cho em biết về anh trước khi... Gặp được em, anh nghĩ con mình sẽ có một người mẹ tốt.
“Là anh tìm mẹ cho con anh ư?”, cay đắng tràn ngập trong tôi.
Tôi nhấc chân ra khỏi đám cỏ, cổ chân như bị cứa thành từng mẩu. Tôi nhớ lại những câu nói gần xa của ông hiệu trưởng. Tôi tức thở trước tình hình tồi tệ của mình: Xóm làng đã biết tôi đưa người yêu về ra mắt cha mẹ rồi.
Có phải tôi đã bị lừa không?

                                     
                             *                 *                 *
Một năm trôi qua, mùa hè đến, xin được một khoản kinh phí đủ xây thêm bốn phòng học, ông hiệu trưởng gõ cửa phòng tôi:
-   Này, tôi vừa gặp Khôi để mời làm thêm dãy phòng bên kia. Cậu ta giỏi và quyết đoán,  thợ thầy không dám làm ẩu. Nếu cô ngại gặp lại cậu ta thì tôi sẽ sắp xếp người khác dạy thay cô lớp bồi dưỡng hè. Cô về nhà nghỉ. Được không?
-   Cám ơn thầy. Em không sao đâu – Tôi cứng cỏi trả lời. Lòng cũng muốn đối diện Khôi một lần để xoá nốt.
                                     
Chiếc Suzuki chạy qua cổng trường rồi ngoằn ngoèo dừng lại giữa ngổn ngang đất cát, Khôi nhảy xuống, cô gái ngồi phía sau có mái tóc nhuộm phớt màu đồng, cái áo đỏ nổi bật giữa những người thợ lấm lem. Giữa Khôi và cô gái là một cậu bé khoảng bảy tám tuổi có khuôn mặt giống Khôi như đúc.
Đưa một cô gái đến đây!… Hoá ra cũng tầm thường thế thôi. Tôi lững thững đi ra sân trường. Bây giờ thì có thể chào Khôi như người quen biết cũ được rồi.
-   A, chào cô giáo. Lớp học hè vẫn tiếp tục à?
          Giọng Khôi bình thản. Tôi cũng bình thản:
-   Dạ, lớp hè vẫn học. Anh khoẻ?
-   Bình thường. Xin giới thịêu đây là ...…
-   Em gái thôi đó nha.
Cô gái ngắt lời Khôi bằng giọng nũng nịu điệu đàng, cô đưa tay phủi nhẹ những hạt bụi trên vai áo Khôi, có vẻ như nó sắp hạ xuống lưng của Khôi để thành một vòng ôm sở hữu.
Khôi gỡ tay cô gái ra, cúi hôn cậu bé rồi nhảy lên giàn giáo. Cái nhìn từ trên cao đổ xuống tôi.
Cậu bé ngước cổ nhìn theo Khôi, nó nói gì đó, Khôi ra hiệu cho nó đi chỗ khác. Một mảng vữa rơi xuống trong tiếng quát của Khôi khiến cả cô gái lẫn cậu bé vội nhảy ra xa. Cậu bé dụi mắt lia lịa còn cô gái thì nhăn mặt giũ giũ vạt áo.
Tôi đi vào lớp, tiếp tục giảng bài.

Tiếng chân vừa chạy vừa nhảy và rồi cậu bé xuất hiện bên cửa sổ, mái tóc và vai áo bám  đầy bụi xi măng. Thật giống!
Đôi mắt tò mò nhìn lên phương trình tôi vừa viết trên bảng, nhíu mày:
-   Cô ơi cô viết sai rồi.
Học trò của tôi ngạc nhiên ngoái nhìn. Cậu bé không tỏ vẻ gì là sợ hãi. Giống cha quá đi mất.
-   Cô ơi – Giọng cậu bé vang lên tự tin – Sao cô lại viết chữ số cộng với chữ cái hả cô?
Học trò của tôi bật cười. Tôi cũng bật cười.
Cậu bé cũng mỉm cười trước không khí vui vẻ nhưng nỗi chờ đợi trong mắt thì không thay đổi, nó mím môi đợi câu trả lời của tôi như câu hỏi của nó là một điều hết sức nghiêm túc.
Như một tia chớp. Như đã được chờ đợi từ lâu để đến phút giây bùng nổ ... tôi bỗng thấy mình muốn ôm cậu bé vào lòng, muốn lấy khăn lau tóc và phủi bụi trên đôi vai nhỏ bé đang gồng lên tỏ vẻ cương quyết... Và muốn trả lời cho câu hỏi tò mò kia bằng một câu hỏi tò mò khác “Con và ba sống có vui không?”.
Khôi xuất hiện sau lưng cậu bé và đặt tay lên vai nó ra hiệu đừng gây mất trật tự lớp học. Nhưng cậu bé hất tay Khôi ra, giọng đĩnh đạc của một đứa nhóc biết điều mình nói là có lý:
- Ngoài đó nhiều bụi lắm, ba xin cô giáo cho con vào lớp học đi ba.
Học trò tôi bật cười khúc khích. Khôi nhìn tôi, lặng lẽ... ngập ngừng... buồn bã...
Cậu bé thò tay qua song cửa sổ chỉ về bảng đen:
-  Ba nhìn kìa, cô giáo viết chữ số cộng với chữ cái.
Giọng nói nhất định chỉ ra là tôi đã sai.
Học trò trong lớp bật cười ồ. Sự ồn ào của cậu bé như một làn gió mát lành. Làn gió nhắc tôi nhớ tới quê mình, nhớ cha khó tính nhớ mẹ luôn lo âu và nhớ chị tôi mới lấy chồng đã phải khóc. Nhưng tất cả chừng như đã khác.
Khôi cầm vai cậu bé, tỏ vẻ là dắt nó đi, nhưng chân anh vẫn đứng yên tại chỗ.
Tôi bước ra, chìa tay. Cậu bé nhoẻn cười.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét