Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

SỐ: 248 - tác giả TIẾN THẢO







BÓNG ĐẠI THỤ GIỮA HỒN SÔNG NÚI
Truyện lịch sử





Làng Đường Long cũng giống như bao làng quê khác của dải đất miền Trung luôn ẩn mình sau lũy tre xanh trầm mặc với cốt cách của người quân tử. Lúc đất nước yên ổn thì dân làng một nắng hai sương, gắn chặt với ruộng đồng sông nước; lúc  tổ quốc lâm nguy thì trai tráng sẵn sàng lên đường đánh giặc giữ nước. Và thời nào cũng vậy, người có học cốt đem sở học của mình ra gánh vác giang san, mong làm rạng danh tiên tổ.
Đã mấy hôm rồi, cả huyện Phong Điền, nhất là Tổng Chánh Lộc và làng Đường Long không khí rộn ràng hẳn lên vì ai nấy đều háo hức chờ đón rước lễ ông Nghè “vinh qui bái tổ”, một vinh dự lớn, một niềm vui không dễ gì huyện nào, làng nào cũng có được.
Con đường cát mịn chạy dài từ thôn Đại Phú, qua Trung Thạnh, đến Chánh An, rồi Mỹ Phú được Hương trưởng sức dân quét dọn sạch sẽ. Trước nhiều cổng ngõ được bà con treo đèn kết hoa và ở các ngã ba, ngã tư dẫn vào các xóm cũng được cắm cờ đuôi nheo rực rỡ sắc màu.
Dân cả vùng này ai mà không biết sự thông minh xuất chúng lại chịu khó học hành, dùi mài kinh sử của cậu học trò Nguyễn Duy, con của cụ lão nông kiêm phó mộc ở thôn Trung Thạnh. Trong hào quang sự đỗ đạt của sinh đồ Nguyễn Duy người ta lại thêu dệt thêm biết bao điều như là huyền thoại.
Dưới mái hiên nhà thờ họ Nguyễn Văn, hôm nay các cụ đã có mặt rất sớm để cho con cháu dọn dẹp lại sân bãi một lần nữa trước khi dựng rạp, sửa lại mấy bộ đồ đồng trên các tủ thờ cho ngay ngắn, đơm thêm bông, chuối những nơi còn thiếu vì đám rước sau khi về làm lễ ở đình làng sẽ đến bái vọng tổ tiên và tổ chức lễ khao vọng ở đây.
Giữa bộ trường kỷ, ấm trà mới chế, mùi thơm của loại trà Truồi bốc lên ngào ngạt, tưởng như chưa uống đã cảm thấy sảng khoái. Các cụ vừa nâng chén, vừa đàm đạo việc làng, việc nước, đặc biệt là việc trong dòng họ vừa có người đỗ đại khoa, đám rước sắp về làng, bà con nội ngoại và mấy người chức việc đang chuẩn bị lễ khao vọng. Thật không biết bao nhiêu là chuyện, có lẽ nói từ ngày này qua ngày khác cũng không hết.
Cụ Trưởng Cả vừa hớp xong ngụm trà, với khuôn mặt rạng rỡ, cụ nói như đinh đóng cột.
- Tôi biết khoa Nhâm Dần này họ ta thế nào cũng có người đỗ đại khoa. Lập xuân vừa rồi tôi nhìn cây vạn tuế giữa sân của nhà thờ họ mình thì tôi biết điều đó sẽ tới vì chưa năm nào mà lá của nó lại sum suê và xanh tươi như năm này. Rồi đây, con cháu của mình cũng còn nhiều đứa phát quan, phát tướng nữa.
Nghe cụ Trưởng Cả lý giải như rứa, ông Ấm Tí cũng nói chen vào:
- Tôi chẳng có ý sâu sắc như bác nhưng khi xuân tới tôi thấy mấy cây đại bên hiên hoa nở nhiều và màu thắm hơn. Tôi đoán họ ta thế nào cũng có chuyện vui, cũng được rỡ ràng, có lẽ ai đó được thăng quan tiến chức, không ngờ lại có môn sinh đỗ đạt như rứa.
Ông Viên Tề ngồi phía góc nhà, từ nãy đến giờ cứ loay hoay sửa lại chiếc khăn xếp vải nhiễu trên đầu, kéo qua kéo lại vạt áo của chiếc áo rộng xanh thêu chữ thọ mới may như muốn khoe với mọi người là từ nay mình cũng đã có áo quần tươm tất mỗi lúc ra đình vào họ không như mấy năm trước áo quần phải khâu vá nhiều chỗ. Bỗng ông ngước lên rồi nói thao thao:
- Cậu Nguyễn Duy đúng là giỏi thật, chỉ chưa đầy năm năm mà đỗ liền mấy khoa. Năm Dậu đỗ tú tài, đến năm Sửu đỗ cử nhân, năm Nhâm Dần này vào thi Đình lại đỗ Tam Giáp đồng Tiến sĩ. Ai cũng nói nhà có phúc đức nhiều đời để lại.
Nghe ông Viên nói như vậy, quan trợ giáo cũ, về vườn đã lâu, giương giương cặp kính trắng nhìn quanh một lượt, tỏ ra mình là người rành rẽ chuyện học hành thi cử, cũng nói xen vào.
- Tôi đồng ý như bác nói là nhờ phúc đức nhiều đời của ông bà, tổ tiên. Người xưa đã nói “có đức mặc sức mà ăn” cũng có ý là nhắc nhở về chuyện phúc đức đó. Nhưng ở cái làng này, cái tổng này, ai mà chẳng biết môn sinh Nguyễn Duy là con dòng, của giống. Cứ nhìn vào ông anh cả là Nguyễn Văn Chương thì đủ biết, tự học là chính mà văn võ toàn tài, bước một bước là từ huyện đường Phong Điền vào đến Nội các của Triều đình, khiến nhà vua của mấy đời còn phải trọng vọng. Anh thì như rứa, còn em thì siêng năng cần mẫn, thời niên thiếu gặp lúc hoàn cảnh gia đình khó khăn giúp cha làm thợ mộc, giúp mẹ ra đồng tát nước, cào cỏ, thu hoạch mùa màng. Khi lớn lên một chút thì làm thầy đồ, làm giáo thụ, kiếm cái ăn, cái mặc để tự lo việc sách đèn, đỡ phần trang trải của cha mẹ. Cái ý chí vượt khó đó mới thật sự là quan trọng của đời người.
Bình trà đã được chế đi, chế lại mấy lần mà câu chuyện vẫn chưa dứt. Ánh nắng lấp lóa sau rặng tre đổ bóng xuống khoảng sân đất đã được quét dọn sạch bóng. Gió từ phía sông Ô Lâu ở cuối cánh đồng thổi vào mát rượi. Chim chóc cũng như cảm nhận được niềm vui chung của dòng họ Nguyễn, của dân làng Đường Long, đua nhau hót vang khiến cho khu vườn nhà thờ họ vốn yên tĩnh cũng trở nên rộn ràng.
Hình ảnh ngày “Vinh qui bái tổ” võng tía, lọng vàng, cờ quạt rực rỡ, dân của mấy làng đổ ra xem đông như hội, đứng chật cả dặm đường; cũng như lễ khao vọng, rượu thịt no nê, hát xướng cả ngày qua đi đã gần năm mà âm vang của nó vẫn chưa dứt, xóm trên ngõ dưới vẫn cứ bàn ra, tán vào, nhất là các cô thôn nữ tuổi vừa mười tám, đôi mươi đối với chàng tân tiến sĩ.
Giữa đêm trăng sáng, sau bữa cơm tối, gia đình cụ Phó mộc ngồi quanh chiếc giường tre kê dưới giàn đậu ván, nói chuyện mùa màng, chuyện học hành thi cử. Nhưng đó chỉ là cái cớ. Đêm nay, hai vợ chồng cụ phó muốn nói với đứa con vừa đỗ đạt, sắp lên đường nhận nhiệm vụ do triều đình cắt cử. Mở đầu câu chuyện, cụ phó ôn tồn nói với con:
- Duy ạ! Việc đỗ đạt dù là đỗ đại khoa cũng chỉ mới là bước khởi đầu của kẻ sĩ, chưa lấy gì làm đắc thắng. Ai muốn thành công trên đường đời thi phải biết vượt khó, nhất là không bao giờ chểnh mảng công việc dù phút giây, vì khi việc đã hỏng thì có sửa chữa mấy đi nữa cũng chỉ khắc phục được một phần, như thân thể đã bị vết thương thì dẫu có chữa lành cũng còn lại vết sẹo khó coi. Việc “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, tu thân là điều quan trọng. Nói trong phạm vi hẹp là luôn giữ được nếp nhà. Nhà ta cả đời gắn với ruộng đất, nghề thợ mộc của cha chỉ là nghề phụ lúc nông nhàn nhưng việc học hành của các con, cha mẹ rất coi trọng, cốt là mong cho các con biết sống có đạo lý như sách vở của thánh hiền đã dạy. Mai này con vào trong Nội làm việc theo chiếu chỉ bổ dụng của triều đình, con phải hết sức coi trọng công việc mà mình đảm trách. Hoàng thượng đã tin tưởng giao phó thì con đừng bao giờ phụ lòng Hoàng thượng, làm điều sai quấy. Anh con ra làm việc nước từ lúc đó đến nay vẫn giữ được phép nước, nếp nhà. Hoàng thượng biết rõ cung cách đó đã nhiều lần động viên, khen thưởng.
Nguyễn Duy ngồi lặng yên nghe cha dặn dò, nói điều hơn, lẽ thiệt.
Bà phó nghe chồng dặn dò con kỹ lưỡng quá cũng đâm ra lo lắng. Không biết khi con ra gánh vác việc đời có gặp bất trắc gì không. Mặc dầu ở chốn triều đình được gần gũi với bậc minh quân vẫn không tránh khỏi sự dèm pha, ganh ghét lẫn nhau, dẫn đến nhiều điều tai vạ. Bà cũng dặn con thêm vài điều:
- Từ làng mình lên kinh đô có xa nhưng không xa lắm. Mỗi ngày con nhớ ăn uống đầy đủ và giữ gìn sức khỏe. Có dịp con nhớ về thăm nhà để mẹ khỏi trông. Con cứ cố gắng làm việc cho chu tất. Việc đồng áng thì đã có em con đỡ đần cho cha mẹ một phần nào. Thỉnh thoảng mẹ sẽ vào kinh thăm con.
Nguyễn Duy nghe mẹ nói tình cảm quá, cũng rơm rớm nước mắt và hứa là luôn luôn nghe lời cha mẹ dặn.
Đêm đã khuya, trăng đã lên quá ngọn cau sau nhà. Xóm làng vốn yên tĩnh, đêm về lại càng tĩnh mịch hơn. Thoảng nghe trong gió mùi rơm rạ ướt giữa tiếng ếch nhái kêu ran ở phía đồng làng.
Trước khi đứng dậy đi vào giường ngủ, ông còn dặn bà phó:
- Sáng mai, bà chuẩn bị may thêm cho con một bộ áo quần để có thay đổi lúc tắm giặt. Bà cũng đừng quên mua mấy thứ lặt vặt mà nó cần dùng lúc xa nhà. Bà phó lĩnh ý rồi cũng lặng lẽ bước vào bên trong.
Nguyễn Duy ngồi lại một mình, ngước mắt lên nhìn những vì sao lấp lánh ở cuối chân trời. Lòng càng bâng khuâng không dứt.
Khi về làm việc ở Nội các, lúc đầu tiến sĩ Nguyễn Duy được bổ dụng chức “Bổ thụ Hàn lâm viện biên tu” và chỉ sau một thời gian ngắn lại được thăng chức “Hàn lâm viện tu soạn”, chuyên giữ việc chế cáo, từ hàn để tuyên dương văn tự, cũng như lo chương sớ, chiếu cáo, dựng bia, phong tướng trên mặt giấy tờ.
Với chừng đó nhiệm vụ, công việc phải giải quyết hàng ngày rất nhiều. Có việc cấp thời cần được giải quyết ngay ông phải thức đêm để lo liệu, chẳng bao giờ tỏ ra ngại khó, ngại khổ.
Ông nghĩ đã yên phận nên cứ miệt mài với công việc, không ngờ sự miệt mài đó đã mang lại những kết quả ngoài dự tưởng. Ông được triều đình đề bạt làm Tri phủ Tân An thuộc tỉnh Gia Định, một nơi mà ông chưa hiểu mô tê gì hết về con người và vùng đất còn hoang sơ đó. Ông chỉ mường tượng là xa lắm, đi ngựa hay đi thuyền thì cũng phải mất gần một tháng mới tới được. Mặc dầu vậy, ông chẳng ngần ngại chút nào. Lòng nhiệt thành của tuổi trẻ khiến ông vượt qua hết mọi trở lực trên bước đường công danh đang được mở ra một cách thuận lợi.
Đã gần nửa năm bận bịu với công việc triều chính, nay ông được phép trở lại quê nhà để chuẩn bị một ít tư trang và tạm biệt gia đình cùng bà con lối xóm trước khi lên đường.
Những lần trước, ông đi xe kéo ra tận sông Ô Lâu, dọc theo hữu ngạn khoảng sáu bảy dặm đường rồi rẽ qua làng Ưu Điềm để về Đường Long. Nay một mình một ngựa ông đi theo đường tắt, cắt ngang truông cát và nghĩa địa của quê nhà.
Buổi trưa mùa hè, nắng như đổ lửa. Theo vó ngựa cát tung lên mù mịt. Toàn cảnh khô khốc như chính ông đang vượt qua sa mạc nào đó trên mặt địa cầu. Truông cát này đối với ông đâu có gì xa lạ. Ngày còn bé ông cùng bạn bè đã từng đuổi chim, bắt dế, hái sim, hái móc trên quãng truông này. Bàu Bàn, các rậm sóc mây, cây bứa, cây thị, cây mưng vẫn nằm rải rác ở đây như còn in đậm dấu vết những ngày thơ ấu, chân đất, nón lá, leo trèo, chạy nhảy, lăn lóc, mặt mày đầy cát.
Vì vượt đường dài, con ngựa mình mẩy mồ hôi nhễ nhại, bốn vó trông chừng quá mỏi. Ông thắng cương, cho ngựa xuống Bàu Bàn uống nước rồi trở lại dưới bụi tre ngà ngồi nghỉ. Trước mắt ông, con đường thăm thẳm không một bóng người đi qua, có lẽ vì cát nóng muốn phỏng chân nên chẳng ai dại mà đi đường này, mặc dầu đường cắt ngang bao giờ cũng gần hơn đường chính. Bao nhiêu ý nghĩ thoáng qua trong trí nhớ. Ông cảm phục những bụi xương rồng xanh tươi vươn lên giữa nắng lửa và gió cát. Ông học được bài học về sự chịu đựng của cây cỏ... Ông ngước nhìn, chỉ còn một đoạn đường ngắn nữa là về đến đầu làng.
Lâu quá ông mới được trở về, lòng sung sướng vô cùng. Ông buộc ngựa vào gốc cây cạnh đường cái có đám cỏ xanh. Ông nhấc nhẹ cánh cổng tre qua một bên rồi bước nhẹ lên khoảng sân đất nện có giàn đậu ván trái đã ngả vàng. Ngôi nhà ba gian hai chái cổ kính như còn ngái ngủ giữa nắng hạ chói chang. Ông gọi mở cửa đến mấy tiếng nhưng chẳng có ai trả lời, chỉ có người hàng xóm nói vọng qua là cả nhà đi vắng hết.
Một lát sau, mẹ ông nghe tin con, từ ruộng lúa hớt hải chạy về. Ông nhìn thấy mẹ quần ống xăn, ống xổ, chân cẳng bết bùn đất, mặt mày nhễ nhại mồ hôi, áo vá miếng xanh, miếng đỏ, lòng thương mẹ vô cùng. Ông nói với mẹ:
- Sao mẹ không xuống khe rửa ráy rồi về?
- Mẹ nghe con về mừng quá nên quên hết mọi chuyện. Công việc đồng áng, bùn đất là chuyện thường. Để ra giếng mẹ rửa cũng được.
- Sao mẹ cứ mặc mãi chiếc áo này? Nó rách quá rồi!
- Mặc để lao động mà! Nó rách nhưng mẹ giặt giũ hoài. Hôm trước con gởi cho mẹ cái áo thì để mặc khi giỗ chạp, đi đây đi đó. Ở làng ni ai cũng ăn mặc tuềnh toàng như nhau cả, không như trên Dinh!
- Rứa cha đi mô?
- Cha dựng nhà giúp cho người ta ở trên Đại Phú, chiều tối nghỉ việc mới về. Em Nghi đang còn ở ngoài ruộng, tát nước chưa đầy chưa về được. Mấy lâu ni trên Tổng, dưới huyện cứ đến nằng nặc xin cho nó ra làm việc nhưng nó không chịu vì muốn ở nhà giúp cha mẹ khuya sớm, trong lúc hai anh đã ra gánh vác việc dân, việc nước, nhà cửa chẳng còn ai, vắng vẻ lắm.
- Nó nghĩ được như rứa cũng tốt. Thôi mẹ rửa ráy, nghỉ ngơi.
Cả xóm thấy con ngựa cột trước cổng biết có quan về. Những người rảnh rỗi ghé lại nhà chơi, tiếng chào hỏi vang vọng ra ngoài: chào quan Tiến sĩ ạ! Chào quan lớn ạ!
- Kính chào các cụ, các bác. Các cụ, các bác cứ xem tui như cháu chắt trong nhà thôi ạ!
Không như những chiều trước, chạng vạng ông phó mộc mới bước vào nhà. Chiều nay, nghe tin con, mặt trời mới lưng chừng núi, ông đã thu xếp đồ đạc để về và nói với chủ nhà ngày mai lên sớm để giải quyết mấy công việc còn lại. Lòng ông mừng thầm là sắp gặp được con. Ông lẩm bẩm một mình: nó đi lâu thiệt! Còn thằng anh nó cả năm chưa về một lần! Nhớ đứt ruột!
Trong bữa cơm tối, giữa bộ phản rộng, cả nhà quay quần chung quanh chiếc mâm son đã cũ, bên chiếc đèn dầu không đủ sáng cứ phật lên phật xuống như muốn tắt mỗi khi có gió lùa.
Nguyễn Duy đem chuyện được triều đình đề bạt chức Tri phủ ở Tân An ra nói với cha mẹ. Lúc đầu ai cũng phấn khởi vì thấy con được thăng quan tiến chức. Mới sau ba năm kể từ khi đỗ đại khoa đến nay mà đã hai lần được Hoàng thượng quan tâm, triều đình tiến cử. Nhưng sau đó ai cũng cảm thấy lo lắng vì phải đi đến một nơi chốn mà trong nhà cảm thấy xa lạ như đi sứ qua một nước khác.
Từ nãy đến giờ, bà phó vừa ăn, vừa chăm chú nghe hai cha con trao qua đổi lại. Tâm trạng của bà lúc này là rất thương con, sợ con cực khổ ở nơi đất khách quê người, nhất là bà nghe phương Nam là miền đất mới, sông nước chằng chịt, muỗi mòng, rắn rết ghê lắm. Bà cứ nghĩ dù con đã đỗ cử nhân, tiến sĩ thì vẫn cứ cần sự chăm sóc của bà từ miếng ăn, giấc ngủ như thuở còn bú mớm. Bà gắp thức ăn bỏ vào chén con, rồi nói:
- Hay là con cứ xin Hoàng thượng làm việc ở trong Nội như cũ để được gần nhà, có mẹ có con. Đi xa xôi, cách trở khi đau ốm không biết cậy nhờ ai!
Nghe mẹ nói, Nguyễn Duy nhỏ nhẹ thưa lại:
- Thưa mẹ, chắc không được đâu mẹ ạ! Khi Hoàng thượng đã quyết thì chỉ có một việc là nhận lệnh ra đi dù phải vượt non ngàn bể thẳm. Hơn nữa, con cũng muốn đi xa một chuyến. Người xưa đã nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Con đi, rồi con lại về, chẳng hề chi mô, mẹ ạ!
Hiểu được tình cảm của vợ, mẹ muốn gần con là điều chính đáng nhưng đối với việc quốc gia đại sự thì bao giờ ông phó cũng muốn con cái của mình hăng hái góp sức vào, không nên sợ khó, sợ khổ mà thoái thác. Ông nói:
- Bà cứ động viên cho con nó đi, đến đó có người ta với mình, lỡ đau ốm thì có phủ, có huyện lo. Nếu ngại ngần, xin tới xin lui chẳng được mà bạn hữu trong triều còn cười chê. Thử hỏi, cách đây đã hơn bốn năm anh nó vào nhận Tổng đốc An Giang, Hà Tiên, sau qua Tổng đốc Vĩnh Long, Vĩnh Tường rồi lại trở về An Giang, chỉ huy đánh dẹp bọn Xiêm tận trấn Tây thành bên Chân Lạp, chưa một lần về thăm thì có răng mô!
Ông nói một hơi dài với vợ, rồi quay qua nói với con:
- Con cứ vui vẻ ra đi, vào trong đó thế nào con cũng gặp anh con…
Bữa cơm đạm bạc nhưng vì là bữa cơm đoàn viên nên ai ăn cũng thấy ngon miệng. Sau bữa cơm, bà phó lại chuẩn bị chỗ nghỉ ngơi cho con. Lòng bà lấn bấn nhiều chuyện.
Vừa đi, vừa nghỉ, gần cả tháng mới đến được đất Gia Định. Ông cố tìm một số bạn bè cùng lứa đã vào ở đây công vụ nhưng chẳng gặp ai. Buồn tình, ông lại tiếp tục lên đường về nhận việc ở Tân An.
Bây giờ, “Hàn Lâm Viện tu soạn” Nguyễn Duy ở Nội các Triều đình đã trở thành quan tri phủ, người đứng đầu một cõi. Lúc đầu, ông cố ra sức tìm hiểu địa hình, địa vực, dân tình thế thái ở đây. Tân An chỉ cách thành Gia Định cũ chừng vài chục dặm đường nhưng đời sống người dân thì cách biệt xa quá, một nơi tương đối đông đúc, một nơi nhìn chung còn hoang hóa, dân cư thưa thớt, chủ yếu là dân nghèo khổ từ Định Tường lên hay từ Gia Định xuống. Trong mấy chục thập niên đầu của thế kỷ 19, Tân An chỉ rộng hơn mười tám ngàn mẫu tây với bốn huyện, mười tám tổng và hai trăm mười bốn xã. Về dân tình thế thái thì phần lớn là dân phiêu bạt vì miếng cơm, manh áo hoặc bị quan lại các tỉnh khác săn đuổi do trốn tù tội. Có điều, miếng ăn, thức uống thì không thiếu. Cả tỉnh Gia Định nói chung, Tân An nói riêng, ruộng đồng bát ngát, lúa xanh tốt hai vụ, sông rạch thì tôm cá tha hồ, chim chóc thì vô kể... Sau một thời gian lăn lộn với công việc, ông thấy dân chúng chỉ biết quần quật lao động, khai hoang phục hóa; tối về chỉ biết uống rượu, nhậu nhẹt no say rồi lăn ra ngủ. Nhiều làng chẳng có một người biết chữ, tính toán tiền bạc chỉ biết đếm trên đầu ngón tay. Muốn được việc lâu dài, trước hết phải cố thay đổi tập quán cuộc sống. Ông dâng sớ xin mở trường để có nơi cho con em học. Ngôi trường đầu tiên được mở ở thôn Bình Khuê, nằm về phía tây của phủ Tân An. Dân chúng thấy con cái của mình có nơi học hành rất là mừng. Đồng thời cùng việc mở trường, ông cho lập “học phủ” để đặt căn bản lâu dài về việc giáo dục. Vì thương dân nên ông hết sức tận tụy trong công việc này. Hai anh em Nguyễn Thông, Nguyễn Hài rất hiếu học nhưng cha mất sớm, gặp cảnh nhà nghèo phải bỏ học nửa chừng. Thương tình ông đã chăm chút dạy chữ cho cả hai anh em trong suốt thời gian làm Tri phủ ở đây.
Từ khi ông hiện diện, bộ mặt Tân An đã đổi khác. Dân chúng yên tâm sản xuất, buôn bán làm ăn. Nạn trộm cắp, tiểu khấu không còn lộng hành như trước. Xóm làng được mở rộng, nhà cửa khang trang hơn, tiếng cười, tiếng hát vang vọng thôn cùng, ngõ vắng... Nhưng mới chỉ được hai năm, do thấy được tài kinh bang tế thế của ông, vào năm Thiệu Trị thứ bảy, triều đình lại điều ông ra làm Tri phủ Quảng Hóa, Thanh Hóa. Vì nơi đây có nhiều khó khăn, cần một người lãnh đạo thanh liêm, tài giỏi. Năm sau ông xin phép ở nhà cư tang cha và qua năm Tự Đức thứ hai, sau thời gian cư tang, ông lại được nhà vua cử làm Tri phủ Quảng Ninh, Quảng Bình.
Ở đâu, ông cũng nghĩ đến dân, đến nước nên ai ai cũng mến mộ. Do sự nghiêm minh của mình, quan lại dưới quyền ông chẳng ai dám sai quấy, của biếu xén dù con cá, mớ rau cũng phải từ chối để giữ sự thanh liêm ở chốn công đường.
Thấy được khả năng và lòng trung trinh của ông, Bố chánh tỉnh Quảng Bình dâng sớ để đề bạt ông với chức Đại lý tự thiếu khanh tại Nội, hoặc Án sát sứ tại ngoại, với bậc Chánh tứ phẩm hoặc Tòng ngũ phẩm. 
Nhận được sớ dâng, vua Tự Đức triệu hồi ông về Kinh đô khen thưởng và cho làm việc ở Nội các. Ở đây, ông trải qua nhiều chức vụ như Hàn Lâm viện Thị độc làm ở Tập Hiền Viện, cung Khai kinh diên khởi cư chú, là nơi vua thường đến luận bàn việc kinh tế, chính trị, lịch sử hoặc ngâm vịnh thi phú cùng các quan. Chính tại nơi này, nhà vua thấy được tài lý luận, biện bác, đối ứng cũng như khả năng văn học của Nguyễn Duy.
Qua năm sau, ông được thăng Thị giảng Học sĩ với bậc Tòng tứ phẩm và được cử làm Ất phó sứ trong phái đoàn đi sứ nhà Thanh, đến ba năm sau mới trở về quê nhà.
Vì bận bịu công việc Triều chính nên ít khi ông được gần gũi để chăm sóc vợ con, từ bà chánh thất Lê Thị Đào, con của Bố chánh Lê Khiêm, cũng như bà thứ thất ở Biên Hòa. Chính hai đứa con lớn là Nguyễn Khâm và Nguyễn Hàm đều do một tay bà chánh thất nuôi dưỡng, dạy bảo. Cũng may sau này đứa nào cũng trưởng thành, trong thời buổi loạn lạc dưới đời vua Hàm Nghi, đều bí mật tham gia phong trào Cần Vương, để tiếng tốt lại cho đời, không đến nỗi làm tủi hổ tiên tổ.
Kể từ cuối đời Thiệu Trị cho đến thập niên đầu của đời Tự Đức, quân Pháp trong xu thế chiếm cứ thuộc địa, đã nhiều lần đến bắn phá Đà Nẵng vì nơi đây có càng biển hữu dụng lại là sống lưng của đất nước Việt Nam. Nhưng có lẽ năm 1858 là cuộc bắn phá ác liệt nhất. Rigault do Genouilly đã đem 15 chiếc tàu, 3000 vừa lính Pháp, lính Phi và Y Pha Nho để tấn công Đà Nẵng. Khi Đào Trí, Trần Hoằng điều 2.000 quân đến chống cự thì hai thành An Hải và Điện Hải đã bị quân Pháp chiếm cứ. Từ triều đình vua Tự Đức cử hữu quân Đô thống Lê Đình Lý làm tổng thống, Hộ bộ tham tri Phan Khắc Thân làm tham tán đem 2.000 quân từ Huế vào cứu viện. Sau lại điều thêm quan kinh lược sứ là Nguyễn Tri Phương từ Nam ra làm tổng thống, Tổng đốc Định Biên Phạm Thế Hiển làm Tham tán, Tống Phước Minh làm đề đốc để cùng hiệp lực đẩy lui quân giặc. Tướng Pháp thấy không thắng được bèn kéo quân vào đánh Sài Gòn - Gia Định rồi lại đưa quân ra đánh Đà Nẵng lần nữa.
Trước tình hình dầu sôi lửa bỏng đó, Nguyễn Duy tình nguyện xin vào Đà Nẵng tham gia đánh giặc. Ông đã có cuộc đàm đạo ngắn với vua Tự Đức. Mở đầu, nhà vua hỏi:
- Khanh vốn quan văn sao lại xin cầm quân ra trận?
- Bẩm Hoàng thượng: "Đã yêu nước hà tất phải luận văn, võ". Người xưa đã nói: Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Chân lý này đã được thể hiện từ thời Bà Trưng, Bà Triệu...
- Bẩm Hoàng thượng: Tướng ở trận tiền cần dũng mãnh và mưu chước, dù tiến hay thối thì cũng để thắng giặc, có nghĩa là tiến thối hợp lẽ. Mấy năm nay hạ thần cũng có để tâm nghiên cứu binh thư, đồ trận, suy nghiệm binh pháp của Khổng Minh, Ngô Khởi, Hưng Đạo Đại Vương, chiến trận của Lê Lợi, Nguyễn Trãi...
Nhà vua nghe giải bày chí lý, đồng ý cho đi và phong Tán lý quân vụ Quảng Nam - Đà Nẵng.
Mặt trận ở Đà Nẵng lần này rất khốc liệt kể cả lúc Genouilly chỉ huy hay là sau này phó đề đốc Page thay thế. Trước sự tấn công ồ ạt của cả hai bên, ta thắng được vài trận, sau đó không chịu nổi đội quân tinh nhuệ, với vũ khí hiện đại, quân ta phải rút về giữ Nại Kiên và Liên Trì. Một số đồn ven biển bị quân Pháp chiếm đóng.
Do không đẩy lui được quân giặc, Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển bị nhà vua cách lưu, riêng Tán Lý Nguyễn Duy thì vẫn như cũ.
“Thua keo này, bày keo khác” đó là ý chí đánh giặc giữ nước. Nguyễn Tri Phương sau khi bố trí lại binh lính đồn bót đã ứng chiến rất hữu hiệu trước đợt tấn công mới của Pháp vào các đồn Trà Sơn, An Hải, Điện Hải, khiến quân Pháp và tàu Pháp phải rút lui. Nhà vua được cấp báo thắng trận, lòng rất phấn chấn.
Chính sự thắng trận này mà làm cho quân Pháp nhụt ý chí, sau lại bỏ Đà Nẵng để rút về đánh Sài Gòn, Gia Định. Cuối cùng khi quân Pháp có ý định chiếm hẳn miền đất này, Tán lý quân vụ Nguyễn Duy được bổ sung vào quân thứ Gia Định. Khi ông vào đến nơi thì miền đất rộng lớn này đã rối bời như canh hẹ vì Pháp đã xây đồn bót nhiều nơi để chuẩn bị đánh bạt quân ta ra khỏi vùng đất này.
Tán lý Nguyễn Duy cảm thấy lo lắng và thương xót dân chúng vì giặc giã mà phải ly tán, cực khổ. Ông từng xem mảnh đất này như một phần máu thịt của mình. Dòng sông Sài Gòn, dòng sông Đồng Nai, Thị Nghè, Bến Nghé vẫn còn đó nhưng không trong xanh, yên bình như thuở trước vì tàu giặc, súng đạn giặc quần thảo, cày xới. Những kỷ niệm của cái thời ông vào làm Tri phủ Tân An lại ùa về. Tiếng cười, tiếng hát của dân chúng ấm no, hạnh phúc ngày trước như còn vang vọng giữa hồn ông. Nghĩ đến đó ông càng tức giận bọn xâm lược, bọn chuyên toan tính đi cướp nước người làm thuộc địa.
Nguyễn Tri Phương và các đồng sự đang ra sức một mặt cho binh lính đào hào đắp lũy tiến sát bao vây đồn giặc, một mặt huy động toàn lực xây dựng đồn Kỳ Hòa để làm nơi cố thủ. Tán lý Nguyễn Duy cũng đã có mặt ở đây cùng góp sức với anh mình và các tướng sĩ mong hoàn thành được nhiệm vụ của mình là đuổi được giặc để giữ yên bờ cõi, mang lại thái bình thịnh trị cho muôn dân. Đồn Kỳ Hòa được xây dựng rộng lớn, dài 3.000 thước rộng 900 thước cao 3 thước rưỡi, dày 2 thước, chia thành 5 ngăn. Đây là đồn kiên cố nhất ở đất phương nam, kể từ trước đến nay, lại biết kết hợp cả thế công và thế thủ, tưởng chừng như không có gì lay chuyển, phá vỡ được. Binh lính, vũ khí, lương thực cũng được huy động tối đa gồm 21.000 quân chính quy, 1.000 tá điền và nếu kể luôn cả số nghĩa quân của các đồn ở thượng lưu sông Đồng Nai thì số nghĩa quân lên tới 15.000 người và tổ chức canh phòng cẩn mật.
Bên Pháp có 8.000 gồm quân Pháp và Y Pha Nho với vũ khí tiên tiến. Vào lúc rạng sáng ngày 24 tháng 2 năm 1861 dưới sự chỉ huy của Trung tướng Charner, đạn đại bác của Pháp từ đồn Cây Mai và Ô Ma bắn lên như mưa. Sau đó, quân Pháp chia thành nhiều mũi áp sát, đánh thẳng vào mặt tiền, vây bọc mặt hậu đồng thời tấn công hệ thống đồn bót phòng ngự bên ngoài của ta để chặn đường cứu viện. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương quân ta đánh trả quyết liệt, hai bên đều chịu sự thương vong lớn.
Cuộc đánh chiếm của Pháp càng lúc càng quyết liệt. Với đội quân tinh nhuệ, tàu to, súng lớn đã áp đảo binh lính giữ đồn của ta.
Trải qua một đêm một ngày hôm trước, đến ngày hôm sau 25 tháng 2 năm 1861 thì đồn Kỳ Hòa thất thủ. Nguyễn Tri Phương bị thương ở tay, tháo lui, đưa quân về giữ thành Biên Hòa, Tán lý Nguyễn Duy tử trận trước cửa đồn cùng với  nhiều tướng sĩ, ta có, Pháp có nằm la liệt cả bốn mặt đồn.
Nguyễn Duy lúc hi sinh thân thể khó nhìn ra, chỉ còn áo quần và chiếc đai thắt lưng là dễ nhận, lúc đầu đem về chôn tạm ở ngoài thành Biên Hòa.
Nghe tin Tán lý Nguyễn Duy và nhiều người tử trận ở Đại đồn Kỳ Hòa, dân chúng cả nước vô cùng thương tiếc. Đối với Nguyễn Duy “Vua Tự Đức ban gấm đoạn, sô sa để tẩm liệm, 500 quan tiền để tống táng, đồng thời ra lệnh cho tỉnh Gia Định điều dân phu hộ tống quan cữu về an táng tại Đường Long quê nhà”.
Sau khi đã được cải táng, nhân dân thương tiếc đã đắp chỗ mộ cũ thành ngôi mộ giả để kỷ niệm và một thời gian sau tai xã Mỹ Khánh, Biên Hòa, bên bờ sông Đồng Nai, người ta xây ngôi đền thờ Trung - Hiếu - Tử để thờ phụng ông, cũng như sau này ở làng Đường Long quê ông có nhà thờ Trung Hiếu với biển đề "Nhất gia tam kiệt". Tất cả cũng chỉ vì lòng cảm khái, nỗi ngậm ngùi tiếc thương vô hạn của Nguyễn Thông, người học trò cũ đã thể hiện qua mấy vần thơ chữ Hán trong bài "Vãn Nguyễn công Duy Định biên Tán lý" mà Lê Thước và Phạm Khắc Khoan đã dịch như sau:
Cây đại thụ gặp gió Tây
Một đêm ngã xuống che ngang cửa đồn
Oai hùng nắm đất vùi chôn
Ba quân nức nở nhớ ơn những ngày
Thi hài nhìn áo mới hay
Biết đâu hào khí đến nay vẫn còn
Hàng năm trên chỗ đất chôn
Bạn già rót rượu viếng hồn người xưa     
   Ông đã ngã xuống như một cây đại thụ ngã xuống. Nhưng bóng cây, bóng người còn mãi giữa hồn sông núi.





2 nhận xét:

  1. Theo chân VNĐL đến chơi đọc được câu chuyện về người con anh dũng của làng Đường Long HĐ có thêm hiểu biết và cảm thấy tự hào là người con đất Việt.Cám ơn VNĐL

    Trả lờiXóa