Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

SỐ: 249 - tác giả NGUYỄN VĂN THANH


 




CHIẾN THẮNG BẠCH ĐẰNG
THÔI THÚC QUYẾT TÂM
BẢO VỆ CHỦ QUYỀN DÂN TỘC




Trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, sông Bạch Đằng đã từng ba lần chứng kiến quân và dân ta chiến thắng oanh liệt quân xâm lược phương Bắc bằng các cây cọc gỗ cắm sâu xuống lòng sông. Đó là chiến thắng Bạch Đằng năm 938, 981 và đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Sông Bạch Đằng trở thành dòng sông lịch sử, cọc Bạch Đằng trở thành biểu tượng truyền thống đánh giặc ngoại xâm trên sông nước của dân tộc Việt Nam.
Sau khi Kiều Công Tiễn cướp ngôi Dương Đình Nghệ bị nhân dân lên án, hắn chạy sang cầu cứu vua Nam Hán là Lưu Cung, nhân đó Lưu Cung đã cử con là Vạn Vương Hoằng Tháo đem đại quân sang xâm lược nước ta. Ngô Quyền đã nhanh chóng tập hợp lực lượng để chống giặc ngoại xâm và bọn bán nước hại dân Kiều Công Tiễn.
Mùa Đông năm 938, Ngô Quyền mang đại quân ta tiến đánh thành Đại La, Kiều Công Tiễn bị bắt sống và chém bêu đầu, quân ta giải phóng thành và làm chủ đất nước; ngay sau đó Ngô Quyền cho chuẩn bị sẵn lực lượng tiến hành kháng chiến chống giặc Nam Hán xâm lược.
Đúng như Ngô Quyền dự đoán, tháng 12 năm 938, các chiến thuyền của giặc Nam Hán rầm rộ vượt biển Đông tiến vào sông Bạch Đằng. Do tướng giặc là Hoằng Tháo trực tiếp chỉ huy. Khi các chiến thuyền của giặc đã nằm gọn vào bãi cọc bịt sắt phục sẵn dưới lòng sông, nước thủy triều bắt đầu rút xuống, quân ta mai phục nhất loạt tiến công địch. Bị đánh bất ngờ các thuyền giặc hò nhau tháo lui. Nhưng nước rút nhanh làm cho thuyền địch bị đâm vào cọc sắt vỡ tan tành. Chỉ trong chốc lát thuyền giặc bị đắm chìm gần hết, quân địch chết quá nhiều, tướng giặc Hoằng Tháo cũng bị tử trận. Vua Nam Hán lệnh cho quân rút chạy về nước. Chiến thắng nơi cửa sông Bạch Đằng năm 938 đã kết thúc hơn 1000 năm mất nước, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ của đất nước ta.
Chiến thắng trên sông Bạch Đằng lần thứ hai: Tháng 7.980, nhà Tống đem quân sang xâm lược nước Đại Cồ Việt theo hai con đường thủy và bộ. Trước tình hình đó, Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Đại Hành, rồi tổ chức kháng chiến. Cánh quân đường bộ đã bị quân ta đại phá ở ải Chi Lăng. Còn cánh quân đường thủy Lê Hoàn đã cho đóng cọc ở cửa sông Bạch Đằng để ngăn chặn đội quân thuỷ của giặc. Nhìn thấy những bãi cọc nhô lên nơi cửa sông, bọn giặc khiếp đảm vội vã quay đầu thuyền rút chạy.
Và lần thứ ba là tháng 3 năm Mậu Tý (1288) để chống lại đội quân Nguyên - Mông xâm lược đi bằng đường thuỷ, Trần Hưng Đạo đã lệnh cho các đội quân Trần cùng với cư dân vùng đông bắc đẵn gỗ lim, táu ở các khu rừng nơi cửa sông Bạch Đằng cắm xuống lòng sông tạo thành những bãi cọc. Lợi dụng khi thuỷ triều lên đội thuyền của quân ta xông ra đánh rồi giả thua quay thuyền rút chạy, nhử đội thuyền chiến của giặc vào sâu trong nội địa. Tới khi nước triều xuống, thuyền quân ta nhất tề quay đầu lại phản công, cộng với những đội thuyền mà quân ta đã mai phục sẵn ở hai bên bờ sông xông ra đánh địch, tạo nên chiến thắng vang dội: Quân ta tiêu diệt và bắt sống hơn 600 chiến thuyền cùng hơn 40.000 quân xâm lược Nguyên - Mông. Chiến thắng Bạch Đằng giang năm 1288 đã đập tan dã tâm xâm lược Đại Việt lần thứ ba của đế quốc Nguyên - Mông. Bạch Đằng giang vẫn còn đó và những chiến công oanh liệt của tiền nhân đã đi vào sử sách.
Chiến thắng Bạch Đằng 1288 là đỉnh cao nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn, sau trận càn quét của quân Nguyên – Mông ở trại An Hưng, trận địa cọc mới được bố trí trên địa bàn rộng lớn và phức tạp, nhưng với tinh thần đồng tâm hiệp lực, hàng nghìn cây gỗ đã được cắm ở các cửa sông dẫn ra biển như sông Chanh, sông Rút, sông Kênh, làm thành những bãi chông ngầm lớn, kín đáo dưới mặt nước, trải dài trên phạm vi rộng như: bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa, ngăn chặn thuyền địch. Người dân địa phương còn cung cấp cho Trần Hưng Đạo những thông tin quý báu về địa hình, thời tiết, con nước… từ đó giúp ông định liệu từng bước cho trận chiến. Những hình ảnh trên đã minh chứng cho tư tưởng quân sự đúng đắn của Trần Hưng Đạo về việc lấy dân làm gốc và thế trận quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, mãi mãi là niềm tự hào, là khúc ca hùng tráng của mọi thế hệ người Việt Nam, có ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử chiến tranh thế giới.
Di tích bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa, cùng với sông Bạch Đằng, sông Chanh và sông Rút, sông Kênh là những địa danh lịch sử, di tích gốc, những bằng chứng xác thực, trực quan sinh động, sâu sắc và thiết thực nhất trong việc giáo dục truyền thống chống giặc ngoại xâm giữ nước của ông cha ta cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay.

Với những giá trị đặc biệt, ngày 27.9.2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1419/QĐ-TTg xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng.
Ngày 18.2.2013, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng. Đây là hành lang pháp lý quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của khu di tích này phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, nhằm đưa Quảng Ninh sớm trở thành một trung tâm du lịch của cả nước
     Tối 17.4.2013, thị xã Quảng Yên đã long trọng diễn ra lễ kỷ niệm 725 năm Chiến thắng Bạch Đằng (1288-2013) và đón Bằng di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử Bạch Đằng.
Đọc lại bài thơ “Bạch Đằng giang” của đức vua Trần Minh Tông ra đời khi cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông thắng lợi oanh liệt, mỗi chúng ta tăng thêm những niềm xúc cảm sâu nặng, tăng thêm niềm tin và lòng tự hào dân tộc về đại thắng hiển hách cách đây 725 năm:
“Giáo gươm lởm chởm, núi non dày,
Mặt bể rung rinh sóng tuyết bay.
Đất ráo mưa xuân hoa dệt gấm,
Thông reo gió tối lá khuơ mây.
Non sông sau trước hai phen rạng,
Hồ Việt hơn thua một chớp bày,
Đỏ rực ráng chiều in đáy nước,
Ngỡ rằng máu giặc vẫn còn đây”.


2 nhận xét:

  1. bài viết rất hay Chúc VNDL luôn vững tiến nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn sự động viên của bạn NHAMY với tạp chí VNDL!

      Xóa