BÁC HỒ NÓI VÀ VIẾT
Sinh thời Bác Hồ của chúng ta sống “Một đời thanh bạch
chẳng vàng son” và vô cùng thanh cao. Bác không những bình dị trong cuộc sống mà
còn giản dị trong văn phong, cách nói ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.
Đồng chí Trường Chinh nhận xét: “Hồ
Chủ tịch nói tiếng nói của dân tộc, của nhân dân Việt Nam. Nhiều từ ngữ dân
gian được Bác đưa vào ngôn ngữ của mình rất tự nhiên, hợp lý, sáng tạo… Người còn
làm giàu thêm cho kho tàng ngôn ngữ dân tộc bằng nhiều từ mới, từ rút ngắn như:
Vùng trời, giặc đói, giặc dốt… Sự phong phú trong cách thể hiện của Bác Hồ khi
nói và viết làm chúng ta nhận ra những đặc trưng trong cách nói, cách viết Hồ
Chí Minh”. Bác Hồ của chúng ta nói và viết cho rất nhiều đối tượng khác
nhau, nhưng nhiều nhất vẫn là cho đông đảo các tầng lớp nhân dân với dân tộc, tôn
giáo, có trình độ hiểu biết khác nhau. Với mỗi đối tượng cụ thể và trong những điều
kiện, hoàn cảnh cụ thể, Bác Hồ đều tìm ra những cách nói, cách viết phù hợp, mà
không lặp đi lại khiến cho người nghe dễ hiểu và nhớ rất lâu. Điều chúng ta khâm
phục đó là Bác nói và viết rất giản dị, mộc mạc, như ca dao, tục ngữ đã quen
thuộc với người dân. Đặc biệt là những khi Bác nói, hay viết cho đồng bào chưa
có điều kiện học nhiều chữ, Bác không dùng bất cứ một từ ngữ khó hiểu nào. Mỗi
bài nói, bài viết của Bác đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số,
những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc một cách chu đáo. Khi viết,
khi nói, bao giờ Bác cũng đem lại cho người đọc, người nghe lượng thông tin có
chất lượng cao và chính xác. Chính tính chân thực đã làm nên sức thuyết phục
cao đối với người nghe, người đọc. Đối với Bác, tính chân thực là yêu cầu đầu
tiên Bác đặt ra đối với những người làm báo, những cán bộ, đảng viên khi nói,
khi viết. Bác thường nhắc nhở: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra…
không nên nói ẩu… Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói chớ viết”.
Cách nói, cách viết của Bác ngắn gọn , rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung
thiết thực, không có lời thừa, chữ thừa. Muốn nói, muốn viết được trong
sáng, giản dị, dễ hiểu, theo Bác: “Trước hết phải học cách nói của quần chúng.
Phải thực sự học quần chúng để có cách nói, cách viết được quần chúng chấp nhận
như những gì của chính họ...”. Trong khi nói và viết, Bác thường đơn giản
hoá mọi vấn đề, sự vật; những từ khó hiểu, Bác chuyển sang những từ dễ hiểu. Sự
giản dị, trong sáng trong cách nói và cách viết của Bác bắt đầu từ sự hiểu biết
thấu đáo bản chất của sự vật, từ sự gắn bó với truyền thống dân tộc trong cuộc
sống sinh hoạt đời thường. Để viết và nói được trong sáng giản dị, dễ hiểu, Bác
Hồ còn chỉ ra rằng: “Phải chống lại căn bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, bệnh
sính dùng chữ nước ngoài…”. Sinh thời Bác Hồ đã căn dặn: “Văn không chỉ
là văn. Văn cũng chính là người. Học nói, học viết cũng là từng bước hoàn thiện
những phẩm giá của mình”. Bác Hồ mong muốn những người làm báo, những cán bộ
cách mạng phải rèn luyện cách nói cách viết sao cho dân dễ hiểu, để dân làm
theo. Bác mong muốn mỗi người dân đều phải
được đi học, biết đọc, biết viết, đọc thông viết thạo. Đối với Bác, tiếng Việt
là của cải lâu dài và vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam “Chúng ta phải giữ
gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phát triển ngày càng rộng khắp”. Học viết
học nói cũng không chỉ giới hạn trong đội ngũ cán bộ tuyên truyền, trong đội ngũ
những người cầm bút mà cũng là điều cần thiết đối với mọi người, từ các em học
sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Đối với nhà báo theo Bác: “Trước hết
cần xác định rõ chủ đề đối tượng, mục đích của việc nói và viết từ đó mới có thể
tìm cách nói, cách viết cho phù hợp nhất với chủ đề, với đối tượng để chuyển tải
được mục đích đề ra”. Tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ hai, tại Hội
nghị tuyên truyền miền núi (1958), cũng như trong nhiều bài nói chuyện, bài viết
khác, Bác nhấn mạnh: “Nói, viết cái gì? Nói, viết như thế nào? cách
thể hiện tốt nhất làm cho nội dung nói và viết đúng với chủ đề, đúng đối tượng
và đạt được mục đích của việc nói và viết”.
Bác của chúng ta nay đã đi xa, nhưng đạo
đức tư tưởng của Người luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của chúng ta trong
quá trình học tập, phấn đấu và rèn luyện. Mỗi lời nói của Bác là bài học vô cùng
quý giá cho mỗi cán bộ đảng viên và những người làm báo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét