Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

SỐ: 248 - tác giả TRƯƠNG BI


XÃ HỘI ÊĐÊ THỜI CỔ ĐẠI
TRONG LỜI KHAN



Xã hội được mô tả trong các khan Êđê là một xã hội lý tưởng. Giữa khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, những buôn làng Êđê hiện ra trù phú, giàu sang, rực rỡ, tuyệt vời như một giấc mơ. Nhà của chàng Đăm San rộng, dài như tiếng chiêng ngân, dài đến nỗi “Tiếng chiêng đánh ở phía cầu thang đầu nhà, người ngồi ở phía cầu thang cuối nhà vẫn không nghe được”. Trong nhà của cải vô kể, sừng tê giác, ngà voi, vòng bạc vòng đồng treo đầy xà ngang, xà dọc. Tôi tớ ra vào tấp nập như đi hội, vai chạm vai, ngực chạm ngực… cười nói vui vẻ. Từ trong gian khách của nhà dài lộng lẫy bước ra, chàng Đăm San gọi: “Ơ các con! Đứa nào dọn rượu thì dọn đi. Đứa nào treo chiêng thì đi treo chiêng. Đứa nào thui trâu thì đi thui trâu. Liền đó, người ta đánh chiêng, đánh trống. Tiếng chiêng, tiếng trống nổi lên vang lừng”. Đó là một cuộc sống cộng đồng lý tưởng, chỉ có được ở những tù trưởng giàu mạnh như Đăm San.
Còn buôn làng của chàng Đăm Tiông thì sao? Buôn của chàng Đăm Tiông là một buôn to, người đông, có nhiều kẻ giàu người sang, bành voi đầy nhà, nài voi đầy đất. Trâu bò nhiều vô kể, tôi tớ đông nghịt như đàn mối, bầy kiến… giáo mác đầy xà ngang, cái nỏ, cái ná móc đầy xà dọc. Buôn làng của chàng lúc nào cũng đông vui như ngày hội “Nghe tiếng chiêng, tiếng cồng, ôi sao mà vui, ôi sao mà sướng. Hai bộ chiêng đánh hòa cái trống đôi. Đánh bộ chiêng vàng chiêng bạc để ở nhà dưới, tiếng chiêng kéo giật lở bờ sông bờ suối. Tiếng chiêng vang vọng đến buôn làng của người M’nông có lỗ mũi rộng, có cái tai dài, họ mê mải nghe tiếng chiêng nấu cháo bị chua…”
Trong khan Đăm Di, Xing Nhã, Đăm Thih… buôn làng của các dũng sỹ được mô tả khá tuyệt vời. Buôn làng rộng dài đến nỗi con chim bay mỏi cánh vẫn không hết. Trong buôn lúc nào cũng tổ chức lễ hội và tiếng chiêng ngân không  bao giờ ngừng.
Chỉ đôi nét phác thảo mà trước mắt chúng ta hiện lên cả một xã hội Êđê thời cổ đại giàu sang, sung túc. Một xã hội thanh bình, chủ tớ bình đẳng, người người vui sướng, hạnh phúc. Một xã hội không có áp bức bóc lột, chỉ có lòng vị tha, tình yêu người mênh mông. Một xã hội mà con người cùng lao động sản xuất làm ra mọi của cải vật chất cho cộng đồng, và tiếng cồng chiêng không bao giờ dứt trong mỗi mái nhà.
Một xã hội như thế, cho nên khi có giặc mọi người đều tự giác tham gia chiến trận để bảo vệ sự sống còn của cộng đồng. Đoàn người đi theo chàng Đăm San đánh tên Mtao Grứ đông như bầy mối, bầy kiến, giáo mác tua tủa như cây rừng. Còn đoàn người đi theo Đăm Trao đánh Mtao Ác đông đến nỗi đen kịt cả một khoảng trời… để rồi sau chiến thắng trở về họ lại mở hội ăn mừng… cứ thế tiếng chiêng tiếng trống vang lừng khắp núi rừng như không bao giờ dứt.
Một xã hội mà vẻ đẹp của người phụ nữ được đề cao, uy quyền của người phụ nữ được coi trọng. Đó là hình tượng của nàng H’Nhí, H’Bhí, H’Bia, H’Bia Điết Luốc, H’Bli Đăng Guê… xinh đẹp, giàu sang, chung thủy, đầy quyền lực, trong buôn họ được ông trời và các vị thần linh che chở, bảo vệ. Họ chính là uy quyền, là sức mạnh của chế độ mẫu hệ.
Có thể khẳng định rằng xã hội trong các khan Êđê là một xã hội lý tưởng. Nó chính là một xã hội nguyên thủy đang vận động từ thời kỳ dã man sang ngưỡng cửa của bình minh lịch sử, mãi mãi là một xã hội đẹp trong ký ức của người Êđê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét