Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

SỐ: 248 - tác giả INRASARA






HẬU HIỆN ĐẠI KHỞI ĐỘNG CÁCH MẠNG
VĂN HỌC VIỆT NAM
(Trích tham luận Hội thảo “Văn học trung tâm/ ngoại biên:
những vấn đề lí thuyết và lịch sử”, Đại học Sư phạm Hà Nội, 12.2012)



Khởi đầu thế kỉ mới của thiên kỉ thứ ba sau Công nguyên, chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) với trợ lực hữu hiệu của internet đã tạo chuyển biến mang tính bước ngoặt trong văn học Việt Nam. Bởi - sau phong trào văn học thời Tiền chiến - chưa bao giờ tinh thần và nền văn học Việt Nam nhận được cuộc chuyển biến lớn như thế. Sự chuyển biến vừa lặng lẽ vừa ồn ào, tưởng bấp bênh nhưng chắc chắn. Chuyển biến từ cách nghĩ, cách viết, cách công bố tác phẩm cho đến cách tiếp nhận và phê bình.
Nếu lâu nay, đăng báo và in ấn qua khâu kiểm duyệt của các nhà xuất bản Nhà nước được xem là chính thống, thì văn học hậu hiện đại tìm đất sống thông qua website, blog và các nhà xuất bản chui để công bố tác phẩm của mình. Trong lúc Hội Nhà văn Việt Nam cùng bao nhiêu Hội Văn nghệ địa phương khác được coi là trung tâm chi phối và thống ngự mọi sinh hoạt văn học, thì các nhà văn hậu hiện đại chiếm lấy vùng ngoại vi một cách đĩnh đạc, từ đó tác động ngược lại đến dòng văn học kia. Nếu 55 năm qua, tuyệt đại đa số cây bút viết và chờ được gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam thì nhu cầu đó gần như xa lạ với nhà văn hậu hiện đại; họ hoàn toàn không quan tâm đến Hội đoàn các loại. Trong khi truyền thống chỉ xem sáng tác in giấy mới là tác phẩm đúng nghĩa, thì nhà văn hậu hiện đại phá lệ bằng cách đăng tác phẩm các mình trên “trời”, và cư trú thoải mái trên đó. Cuối cùng, văn học hậu hiện đại có độc giả của nó: cư dân mạng (netcitizen), và cả nhà phê bình của nó: các còm sĩ và nhà phê bình mở.    
Đó là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử văn học Việt Nam.

Chủ nghĩa hậu hiện đại không phải mới xuất hiện ở Việt Nam vào đầu thế kỉ XXI, mà đã manh nha sớm hơn trước đó. Các bài tiểu luận, khảo cứu, dịch thuật và sáng tác hậu hiện đại đã được đăng tải trong tạp chí Thơ tại Hoa Kì và tạp chí Việt ở Úc từ những năm cuối thế kỉ XX. Tất cả đã tạo ảnh hưởng đáng kể vào phong trào hậu hiện đại Việt Nam. Thế nhưng có thể nói, chỉ khi hàng loạt mạng văn học tiếng Việt như Evan, Tienve, Talawas, Tapchitho, Vanchuongviet, các website cá nhân… ra đời, văn học hậu hiện đại Việt Nam mới có những bước chuyển động mạnh mẽ(1).
Internet xô đổ bức vách ngăn văn học trong nước và hải ngoại, trung tâm văn hóa lớn với tỉnh lẻ hay vùng sâu vùng xa. Cả sự cản trở mang tính độc đoán của cơ chế cũng đã trở nên thừa thãi. Văn học mạng tìm kiếm, chiếm lĩnh và tạo ra độc giả riêng của mình. Số lượng độc giả đông đảo ngày càng tăng không khỏi khiến văn chương giấy hoang mang. Nếu ở hải ngoại, mười năm tồn tại của website Tienve.org (2002-2012) đã tạo ảnh hưởng quan trọng tới sự thay đổi bộ mặt văn học tiếng Việt, thì trong nước riêng Vanchuongviet, đến đầu tháng 12-2012, con số truy cập lên đến 33,7 triệu lượt/ 7 năm với 2.370 tác giả nhập cuộc chịu chơi. Ngay trang cá nhân Inrasara.com cũng nhận được sáu triệu lượt truy cập chỉ qua năm năm xuất hiện! Đủ thấy sức hấp dẫn của văn học mạng là không thể cưỡng. Có tác giả chuyển từ in giấy qua in mạng, có người cư trú cả hai vùng đất, chính thống và phi chính thống, có nhà văn lưỡng cư cả giấy lẫn mạng, nhưng có không ít nhà văn chỉ chọn có mặt trên mạng: Lynh Bacardi, Đinh Vũ Hoàng Nguyên, Tiểu Anh, Lưu Mêlan… là những người đã cắt đứt hẳn với tâm thế giấy.
Chối từ thái độ hướng tâm, họ tình nguyện cư trú ngoại vi. Họ có độc giả và nhà phê bình của họ.

Một tác giả, một tác phẩm xuất hiện, vấn đề văn học đang nóng... nhận được ý kiến khen chê hay bị bỏ quên ngay khi vừa ra đời. Trên mạng internet! Kịp thời và nhanh nhạy là điều dễ thấy nhất của phê bình ở thời đại vi tính. Nó mang ở tự thân đặc tính của báo chí. Còn hơn báo chí, bởi điều mà báo giấy không kham nổi thì báo mạng, website, blog, facebook đảm đương một cách oanh liệt. Có cả không gian mênh mông cho người quan tâm vào cuộc. Một bài thơ mới lạ kêu đòi nhiều diễn giải khác nhau. Ở Bàn tròn Văn chương(2) của Hội Nhà văn Việt Nam, nó chỉ dừng lại trong không gian hạn định đó, không thể làm gì hơn. Nhưng nếu bài thơ kia xuất hiện trên mạng, sự diễn dịch và tương tác sẽ được mở, rộng và xa hơn rất nhiều. Chẳng những không giới hạn về không gian, phê bình mở không giới hạn về thời gian.
Tác phẩm văn chương như một thế giới mở tồn tại vô vàn khoảng trống và những điểm trơn trợt bất định, mời gọi sự chắp nối cùng các diễn ngôn khác nhau. Mạng internet dung chứa tất cả. Sự chắp nối và các điểm nhìn này được phát ra từ kinh nghiệm, cảm xúc, tri thức rất khác nhau của nhiều thành phần độc giả khác nhau qua các lần đọc khác nhau. Của kẻ vô danh hay người nổi tiếng, dân nghiệp dư hay chuyên gia hàng đầu.
Độc giả hôm nay mà trình độ thẩm định văn chương đã được nâng cao đáng kể, hết còn thưởng thức tác phẩm thụ động. Trên diễn đàn internet, không ai cầm cây gậy khuơ khoắng chỉ bảo, đe nạt; tất cả đều bình đẳng trong một không gian mở. Dân chủ và vô phân biệt. Ý kiến nào gửi trước thì được đăng trước, xóa nhòa lằn ranh đại chúng với đặc tuyển, chuyên hay không chuyên. Ở đó, đại bộ phận các nhận định không bị biên tập hay sửa chữa.
Phê bình mở vừa tương tác với tác giả, với tác phẩm đồng thời tương tác với các tương tác khác. Phê bình mở không sợ sai. Sai thì sửa sai. Không có gì nghiêm trọng cả. Do đó, nó không cần độ lùi để ngoảnh nhìn lại cho chắc ăn. Nó nhanh nhạy đuổi bắt, song hành và có khi đi trước sáng tác. Văn học trung tâm thường ra vẻ kênh kiệu không quan tâm đến sinh hoạt ngoại vi tưởng nhốn nháo này, nhưng luôn đưa mắt lấm lét liếc sang nó đầy dè chừng. Bởi không ít lần nó làm cho nỗi chính thống kia chới với, liểng xiểng (3)

Không chỉ cư lưu “trên trời” nơi sự giải lãnh thổ hóa văn học triệt để, tạo cơ hội cho mọi tác giả mới ở vùng miền hẻo lánh nhất của trái đất xuất hiện và thể hiện; thấm đẫm tinh thần phi tâm hóa vô phân biệt, các tác giả mang tinh thần hậu hiện đại vẫn không quay lưng với truyền thống văn hóa giấy in. Họ sáng tác và tự in. Là hiện tượng chưa từng xảy ra trong 55 năm lịch sử Hội Nhà văn Việt Nam. Lâu nay, các bản thảo in photocopy được mang biếu như là quà tặng, đọc chơi, nay nhà văn ngoại biên Việt Nam xem chúng là tác phẩm, ngự biệt lập ngang tàng trong thế giới chữ nghĩa.   
"Hoàn cảnh" hậu hiện đại khác, môi trường văn học khác, thủ pháp của các tác giả hậu hiện đại Việt Nam khá khác so với thế giới. Ở mặt này, mươi năm qua các nhà thơ, nhà văn đã thể nghiệm nhiều thủ pháp rất đa dạng. Từ siêu hư cấu sử kí cho đến thơ graphic, thơ video, thơ cụ thể… nhà thơ tận dụng mọi ưu thế của kĩ thuật vi tính để làm thơ. Nếu Nguyễn Hoàng Nam chế tạo loại “thơ phân thân” chưa từng có tiền lệ thì Nguyễn Tôn Hiệt có thơ động tác, Đặng Thân có thơ phụ âm. Không ít tác giả viết truyện rất ngắn nhưng vẫn cứ xếp nó vào mục thơ, là cách phi tâm hóa thể loại. Đinh Linh ("La đi man ô li din") và Đặng Thân ("Đặng Mậu Lân [the Đađa-ist]") còn phi tâm hóa thể loại quyết liệt hơn nữa bằng cách xóa nhòa ranh giới thơ - văn xuôi - tiểu luận.
Thơ hình họa pictographic poems hậu hiện đại như "Em đi qua đời tôi" của Ngu Yên, bài thơ chỉ có mỗi chữ NỮ được xếp hình đầy sáng tạo; hay "Quà tặng của Quỷ sứ" của Trần Wũ Khang khác hẳn loại hình này thuở chủ nghĩa hiện đại (Apollinaire, Cunnings chẳng hạn). Nó hết là trò chơi thuần kĩ thuật, mà nội dung cư trú ngay trong hình thức.

Từ cảm thức đến thủ pháp, từ thái độ đến hành động, nhà văn hậu hiện đại “suy tư toàn cầu, hành động địa phương”. Họ đã ở đó, lăn lộn với đời thực quanh mình. Không hô hào dấn thân nhập cuộc (engagé) như các nhà hiện sinh, càng không phải tổ chức đi vào công xưởng hay vùng đồng bào dân tộc thiểu số để “ba cùng” như chủ trương của các nhà hiện thực xã hội chủ nghĩa. Vẫn tồn tại ranh giới phân cách nhà văn và công chúng, ở đó. Nhà văn hậu hiện đại bị ném vào thế giới. Hắn với thế giới là một.
Ở địa phận khác, trong khi Bay cùng ViLi tại Nhà hát lớn - Hà Nội, nhà thơ hiện đại Vi Thùy Linh đã “tận hiến” cho khán giả sang trọng “cao cấp” một cách điệu đà, đầy tốn kém với tràn phụ thuộc và nhất là - cách li hoàn toàn với hiện thực xã hội ngổn ngang ngoài kia(4), thì nhà văn hậu hiện đại Lê Anh Hoài đã giản đơn đến tinh ròng.
“Tôi là cột điện” nằm trong dự án “Ra đường” do Ngô Lực khởi xướng, được Lê Anh Hoài trình diễn tại Hà Nội, 6-2008, là tác phẩm độc lập về ý tưởng, không phụ thuộc về tài chính hay bất cứ điều kiện gì. Cột điện tại các thành phố chịu đựng mênh mông nỗi đời và nỗi người, không là chuyện lạ. Nó là một phần không thể thiếu của thành phố, nhưng người ta hoàn toàn quên sự có mặt của nó, nếu không có sự cố liên quan. Một nghệ sĩ tự nguyện mang thân xác phàm trần đứng ra làm cột điện chịu bao trận ấy với mục đích nghệ thuật, thì ở Việt Nam - đây mới là đầu tiên. Hành động nghệ thuật của của Lê Anh Hoài mời gọi nhiều diễn ngôn mang tính nghệ thuật và xã hội khác nhau, ở đó điều cốt tủy là nó lay dậy cộng đồng tự thức về đời sống hiện tại, rộng và sâu. Là điều mà những Bay cùng… các loại không làm được, và không thể làm được.

15 tồn tại và phát triển, chủ nghĩa hậu hiện đại lôi cuốn cả trăm tác giả Việt Nam vào cuộc. Vào cuộc trong tư thế của các tác giả chính lưu [hay trung tâm], nhất là ở lĩnh vực khảo cứu, dịch thuật. Nó ngấm ngầm khởi động cuộc chuyển đổi lớn trong văn học Việt Nam. Nó làm đa dạng hóa văn học Việt Nam đương đại, Ở khía cạnh thuần văn chương, hậu hiện đại tiếp nhận và sáng tạo nhiều thủ pháp mới, những thủ pháp chưa từng có mặt trong lịch sử văn chương tiếng Việt. Điều quan yếu không kém là, hậu hiện đại với tinh thần phi nghiêm cẩn đã trao cho văn học cơ hội đùa nghịch. Văn học không phải còng lưng gánh bao nhiêu thiên chức, sứ mệnh nặng nề nữa, mà chỉ đùa chơi. Với tâm thế này, người nghệ sĩ hậu hiện đại tạo lập và sống trong thế giới riêng mình, khác một trời vực với tham vọng hão đầy bạo động của chủ nghĩa hiện đại muốn áp đặt ý tưởng mình lên người khác. Cuối cùng, hậu hiện đại ra đời tạo niềm tin cho kẻ sáng tạo, nhất là những người mới vào cuộc; họ tự do viết, tự do thể hiện tư tưởng mình. Là điều thiết yếu thúc đẩy quyền tự do tối thượng của kẻ sáng tạo.
Là tin vui cho văn học Việt Nam thời kì hội nhập, chứ không phải ngược lại.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét