Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

SỐ: 248 - tác giả ĐINH HỮU TRƯỜNG




 
Nhà văn ĐINH HỮU TRƯỜNG


Sinh ngày 29. 8.1954, tại Ninh Bình. Đã từng nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường B2.  
Giải thưởng: Giải Nhất “Cuộc thi thơ và văn xuôi” của Ban vận động thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk (1977); Giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi văn xuôi của Ủy ban Môi trường châu Á - Thái Bình Dương (Escap Unessco) tổ chức năm 1982; Giải Nhất cuộc thi viết về hòa bình của Ủy ban thế giới hòa bình của Việt Nam (1986);  Giải ba cuộc thi ký về “300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh” (1994)
Tác phẩm: Hoa lau trên chốt (Thơ, in chung, NXB CAND- 1979)
* “Người đốt lửa không ngủ” (Thơ, in chung, NXB CAND- 1987)
*  Văn xuôi Tây Nguyên thế kỷ XX (in chung, NXB Thông tin- 2002)
 Truyện ngắn “Tình yêu” (in chung, NXB Thông tin- 2004)
* Truyện ngắn “Tiếng trăng lách tách” in trong tuyển tập “Truyện ngắn chung khảo cuộc thi báo Văn nghệ  2003 - 2004”, NXB Hội Nhà văn- 2005.
* Truyện ngắn “Hoang vắng trùng khơi” in trong Tuyển tập “Buổi sáng biến mất” - Tuyển truyện ngắn hay và đoạt giải cuộc thi báo Văn Nghệ, 2006 - 2007, NXB Hội Nhà Văn- 2007.
* Tiếng trăng lách tách (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Phụ nữ - 2007).
         
HOANG VNG TRÙNG KHƠI



Lão Hạnh góa vợ. Vợ lão chết trong đêm trăng sáng, giữa trùng khơi, cách đất liền trên năm chục dặm biển. Tối ấy, sau khi sải nốt mẻ cá mới chài lên xong, vợ lão kêu khó ở rồi chui vào khoang nằm. Cũng tưởng mụ ấy mệt vì cả ngày phải phơi nắng trên biển, nên lão chủ quan. Lão chủ quan đến nỗi: Sau khi cột lưới xong, còn ngồi ở đầu thuyền đốt thuốc, ngắm  trăng. Lão chủ quan đến nỗi: ngắm vầng trăng sáng đến rạc vàng, gió thổi như hú hí, mơn trớn trên tấm thân chỉ độc chiếc quần đùi, lão bỗng thèm hơi đàn bà. Định bụng đợi cho mụ ấy đỡ mệt, lão sẽ mò vào làm một quắn. Hết hai điếu thuốc, đỡ được cơn ghiền khói, lão Hạnh vươn vai đứng dậy, vặn lưng rôm rốp rồi chui vào khoang. Lão đặt hai tay vào hai ống quần vợ vén tớn lên. Bỗng lão giật mình: chân mụ vợ sao nóng vậy. Chộp hai tay vào hai vú vợ, lão nghe cái nóng như hơ lửa. Hoảng quá, lão sờ tay lên trán, thấy mồ hôi vợ nhâm nhấp, bết tóc. Lão Hạnh vội quơ tấm áo vắt trên khoang thuyền nhúng nước biển vắt ráo rồi đắp lên trán vợ. Vợ lão đã mê man. Nửa đêm thì mụ chết. Chết mà chẳng trăn trối được điều gì cho lão.
Đêm ấy, dưới vầng trăng sáng luễ lõa giữa biển khơi, mình lão với con thuyền cô đơn quay mũi chạy vào đất liền. Chôn vợ trên đồi cát, lão đưa tay thề độc: “Tui thề với mụ, tui ở vậy thủ tiết làm thằng đàn ông mồ côi!”.

                                                *
                                          *           *

Thề vậy, ở vậy, lênh đênh biển khơi vậy được ba năm, lão mới thấy mình thề dại. Cô đơn đến kinh người. Nhiều đêm lão lạnh toát đến chân tóc vì biết mình cô đơn, không có người để dãi bày. Những khi ăn con mực tươi hơ khói, ngật ngà bên ly rượu, lão cứ thở hắt ra như nấc. Những đêm trăng sáng luễ lõa như cái đêm trăng định mệnh ngày nào, ngồi trên mạn thuyền nhìn trăng, nhìn nước, lão muốn lao bùm xuống biển, hóa thành cá cho có bầy có đàn. Rồi khi chui vào khoang, hít phải hơi vợ còn lưu lại trên kẽ chiếu, sàn thuyền; nằm ngửa nhìn trăng xiên chéo vạt vào tờ tranh trắng bệch, lão lại lật người nằm sấp. Ham muốn được quờ quạng, được trút cái sinh khí đang rần rật dội lên tứ chi cứ hừng hực. Cái ham muốn ấy chìm xuống khi tối trời; để rồi mỗi kỳ trăng, đến lúc ngày rằm, vầng trăng tròn nhất, sáng nhất thì nó lại trỗi dậy, hừng hực. Bản năng giống đực ở một cơ thể quen ăn sóng nói gió, cuồn cuộn những bắp thịt khiến lão khổ sở đến vậy. Nhiều khi lão phải nghiến răng gầm lên mà tự chửi mình. Năm mươi tuổi, ăn cơm nửa đời với đủ mọi thứ đặc sản biển, sức lão còn khá lắm. Lão đâm sợ cho cái sức con Vâm của mình. Nhiều lần lão đã tự kiềm chế bằng cách chỉ ăn cơm với độc nước mắm. Nhưng rồi những lần kéo mớ lưới lên, nhìn cái lườn con cá trắng phau, máu tươi trào ra mang; con tôm hùm chắc như lườn tay, mình săn sau lần vỏ mỏng, lão chặc lưỡi: “Mắc gì mà phải tự đày mình vậy. Uống rượu mà không có đồ nhắm thì đổ bố nó xuống biển chứ uống làm gì cho phí rượu”. Vậy là lão xách con tôm bỏ vào nồi nước đang sôi sùng sục. Con tôm búng một búng rồi ngả sang màu vàng ươm. Tối ấy lão phá lệ, ngồi bóc vỏ tôm nhâm nhi bên chai rượu. Trên trời, trăng lại đến mùa, cứ sáng nồng nỗng. Ấy nhưng chưa đêm nào  lão ngủ ngon như đêm ấy. Ngủ sâu đến nỗi lão thấy vợ về, nhủ lão lấy vợ để cho đồng tay lưới. Lão ú ớ tỉnh dậy thì vợ lão đã đi rồi. Mụ đi về phía vầng trăng nhẹ như bông đang lặn xuống biển. Vầng trăng về sáng vàng xuộm nét ngái ngủ, soi rõ từng đầu con sóng lăn tăn như vỡ từng tiếng cười. Lão Hạnh bần thần vì tiếng cười cứ bật ra từ tâm thức lão. Phía bờ xa kia, đất liền như mời gọi. Lão Hạnh quay mũi thuyền, lao ngược hướng vầng trăng đang lặn mà phóng tới...
Vài tháng sau cái đêm có giấc mơ gặp vợ ở giữa biển ấy, với ngần ấy lần trăng tròn trôi qua, lão Hạnh cưới vợ. Bà vợ mới của lão cũng đã gãy gánh một lần và đã có một đứa con gái mười ba tuổi. Rổ rá cạp lại, chẳng xênh xang gì cho rườm rà, lão sắm mâm cơm, trước là cúng xin phép người vợ đã mất; sau mời mấy ông bạn thuyền tới chứng kiến cho việc lão có một gia đình mới. Đêm ấy, trong cái ngà ngật của men rượu, trước khi lên giường, lão ghé tai mụ vợ bảo: “Mụ ở với tui mãi nghen; mụ đừng bỏ tui nghen!”. Bà vợ gật đầu, mắt thoáng buồn. Ngọn lửa trong bếp bập bùng hắt ánh hồng lên má mụ, đôi gò má rám nắng của người đàn bà xấp xỉ năm mươi cũng hồng lên như ánh lửa; đôi mắt ướt hút hồn lão Hạnh. Con bé sau khi rửa bát xong, chùi hai tay vào ống quần, múc nước ở khạp tu ừng ực rồi đưa tay che miệng ngáp. Lão Hạnh nói với nó, giọng ngọt trớn: - Con đi ngủ đi, để đấy mai dọn tiếp! Con bé khoanh tay lấy lệ rồi chui vào màn. Nhà có độc chiếc giường mét tư, mèo ngủ thì chó thôi, lão Hạnh bảo vợ rải rơm dưới bếp, lấy tấm ni lông trải lên. “Nằm đây vừa ấm, vừa đỡ muỗi” - lão nói vậy. Đêm ấy, bên ánh than hồng ảo mờ như thời nguyên thủy, dưới tiếng rơm lào xào đầy gợi cảm của nhục dục, lão Hạnh lại tớn ngược áo người đàn bà lên, tớn ngược hai ống quần mụ vợ lên mà xoa, mà nhìn. Thói quen và cảm xúc lạ đời này lão đã quen từ thời người vợ cũ. Mụ vợ lúc đầu còn ngượng ngùng, nhưng rồi chính cái thô bạo quá đà, cái ham muốn hừng hực như muốn ăn tươi nuốt sống mụ của một con Vâm, đã truyền sang mụ. Ánh lửa than, tiếng lào xào của rơm rạ đã bị át tất cả bởi tiếng thở, tiếng rên của hai con người cùng đói, cùng khát đã từ lâu...
                                               
*
*          *

Lão Hạnh lại góa vợ. Bạn thuyền bảo lão là thằng đàn ông cầm tinh sát vợ. Lão không tin, nhưng lão buồn. Lão buồn một, thương nhớ vợ mười hai. Mụ vợ lão chăm chỉ, nết na; biết cách chiều lão như chiều một thằng thanh niên mới lớn. Ấy vậy mà ông trời nỡ rẽ duyên đôi đường. Ít khi lão Hạnh khóc, kể cả những ngày chiến đấu ở Thành cổ Quảng trị, một đêm chôn cất hàng chục đồng đội hy sinh; hay đêm vượt suối, nhìn thằng bạn thân nhất bị lũ cuốn trôi theo dòng nước đục ngầu  mà đành bất lực không có cách gì cứu được... Thượng sĩ Văn Ngọc Hạnh cũng chỉ nghiến răng, hai tay vặn cổ súng như muốn bẻ gãy làm đôi. Thế nhưng,  cái ngày vuốt mắt vợ kế, lão đã gục đầu khục khục như con gấu. Đau đớn khiến lão bỏ đi biển, chìm vào rượu cả tháng giời. Con bé đã mười lăm, quý lão như cha đẻ cứ đứng cắn móng tay nhìn lão trân trân, mắt đỏ hoe. Nguôi ngoai nỗi buồn, lão Hạnh dồn tất cả tình thương cho con bé, lại quay mũi thuyền ra biển. Biển hào phóng đón lão bằng những mẻ lưới trúng đậm. Con bé giúp lão được khá nhiều việc; từ ghìm thuyền đến tãi lưới, đón dòng. Nó hiểu ý lão như cô y tá phụ việc hiểu bác sĩ phụ trách ca mổ. Giữa hoang vắng trùng khơi, nó trở thành một người bạn tâm giao không gì đắp đổi được của lão. Lão thấy mình được đền bù lại toàn bộ những mất mát đã qua; lão cám ơn bà vợ, lão cám ơn trời đất đã mang đến cho lão một đứa con mà lão thương quý hơn tất cả mọi thứ trên đời, trên cả bản thân lão. Con bé cũng biết được điều ấy. Nó cũng cám ơn trời đất đã cho một người cha để cậy nhờ. Nó chăm cha dượng bằng tình thương của đứa con hiếu thảo. Nó biết lựa những con cá, con tôm, con cua ngon nhất ở đáy lưới, biết cách nấu sao cho ngon, cho ngọt để cha nó nhắm rượu. Một lần nó hỏi lão: “Cha có thương con không? Cha đừng bỏ con, nghen cha?”. Lão Hạnh giật mình. Sao nó hỏi đúng như cái câu lão hỏi mẹ nó năm xưa. Lão Hạnh vội ôm đầu nó ấp vào ngực mình, vuốt lên mái tóc nó, giọng đã ậc nước mắt: “Cha thương con, cha thương con mãi, con ạ!”. Con bé cứ vùi đầu như vậy để hít cái mùi mồ hôi của lão. Nó thấy được đền bù tất cả, bởi ngày xưa cha nó cũng có cái mùi mồ hôi như vậy.
Chiều nay cha con lão Hạnh lại trúng lớn. Mẻ lưới kéo lên, cá đầy oặp lòng thuyền. Lão Hạnh cao hứng hò một điệu hò kéo chài thuộc được qua nghe lỏm người khác, chứ chưa bao giờ lão hát hò, dù chỉ một lần. Lão hò rằng: “Hò ơ, chài lên cho lưới anh căng...” rồi lão tịt. Lão bảo con bé: Con hò tiếp đi Gái! Con bé cũng cao hứng: "Ơ hò, cho thuyền anh khỏa ánh trăng xuôi về...”. Rồi hai cha con cười ngất. Tiếng cười lan ra biển xa, xao động trên đầu những con sóng long lanh sáng.

*
*         *
Cứ vậy, cuộc sống cha con lão Hạnh trôi qua êm đềm và hạnh phúc. Giữa mênh mông trùng khơi, bên cái dữ dằn của biển cả, hai bóng người, một già, một trẻ; một đang ngả bóng về chiều, một đang dần đầy đặn của vầng trăng mười sáu cứ hiên ngang tồn tại, nhấn trên mặt biển một gam màu lung linh sống động. Lão giật lưới, con bé gìm thuyền, nhịp nhàng đến độ như họ đã hiểu, đã đọc được ý của nhau. Con bé đang tuổi lớn, nó khỏe mạnh không thua kém một ngư dân nào trên mặt biển này. Dáng vóc nó phổng lên như quả nhót cuối mùa kéo cành cây nhành bổng nhành la. Lão Hạnh đã bước sang tuổi năm ba, vẫn khỏe như con Vâm, ngực vồng như ngực núi, tay chân săn chắc như đòn càn xóc lúa nhẫy nhàng mồ hôi. Và lạ kỳ thay, từ khi có con bé nhập thuyền, cá cứ như đua nhau mà vào lưới lão Hạnh, nhiều mẻ lão phải thả cho cá ra bớt để vừa sức kéo. Những khi ấy, con bé lại bỏ chèo đến kéo phụ với lão. Tóc nó bết mồ hôi vào hai cặp má phính đỏ bừng, nước biển ướt quần áo, bện vào người nó làm lộ một thân hình nở nang của thiếu nữ. Những khi nó rướn người lên, vô tư đến hớ hênh, cúc áo ngực trật ra khoe hai mảng trắng giữa khe ngực bập bềnh, ẩn hiện. Hai ống quần ướt vo hai cặp đùi vần vào nhau khi con bé đứng lên, ngồi xuống, nước biển túa ra chảy thành làn mỏng xuống hai bắp chân lẳn tròn như lườn cá trắm... Lão Hạnh nhìn thấy hết; và dù cố tình không muốn nhìn thì khoảng quét của tầm mắt vẫn in vào mắt lão những hình ảnh tỏ mờ mà tạo hóa đã ban cho con bé. Lão giật  mình: Nó mười sáu tuổi rồi còn gì. Trong tâm thức lão, một niềm vui và một nỗi buồn cứ  trộn vào nhau như đá trộn vào sỏi, khó nhặt chọn rạch ròi.
Lão Hạnh bỗng ít nói hẳn. Chỉ những khi cần lắm, lão mới cất tiếng, còn thì miệng lão ngậm như miệng cá cạn. Con bé thấy lo cho cha. Nó tưởng lão ốm, hoặc lão buồn vì thương nhớ mẹ nó. Nó bỏ công chăm sóc cha kỹ càng, chú ý sao cho cha nó ăn ngon miệng hơn. “Con làm thức ăn vậy, cha ăn ngon không cha?” - Nó hỏi. “Ờ ngon” - lão Hạnh đáp. “Sao cha buồn vậy cha?”; “Ờ, cha không buồn, con ạ!”. Con bé lại gục đầu vào ngực cha nó: “Cha đừng đuổi con, cha nghen! Đừng đuổi con, cha nghen...”. Rồi nó khóc. Lão Hạnh hoảng hốt ôm lấy con bé mà nựng, mà dỗ; vuốt lưng nó, vuốt bờ vai nó. Con bé thôi khóc, cứ  gục vào ngực lão Hạnh như vậy. Rồi nó ngủ. Ngồi làm tựa cho con bé ngủ, lão Hạnh nghĩ miên man. Bỗng lão giật mình: ngực con bé đang tì vào cánh tay trần của lão, đôi bầu vú của nó tròn và ấm; cặp đùi thon của nó kẹp vào đùi lão ở thế tin cậy, gửi nhờ, như sợ lão bỏ nó mà đi. Người lão nóng ran, hầm hập như sốt. Lão lập bập bế nó vào trong khoang, kê gối lên đầu cho nó, kéo chăn đắp cho nó rồi hấp tấp đi như bỏ chạy ra mạn thuyền. Đêm nay lại rằm, trăng sáng quá. Trăng như đọc được cái cảm giác tội lỗi vừa thoáng qua trong đầu lão. Lão đứng lên rút ba nén nhang xòe lửa đốt. Lão chắp tay khấn bốn phương, tám hướng; lão khấn thần biển, thần đất, lão khấn ông trời giúp tiệt diệt cái cảm giác tội lỗi vừa nhập vào người lão; lão khấn xin hãy cho lão ít cá thôi, nhưng hãy giúp lão đừng phạm vào tội lỗi, đừng bao giờ... Lão khấn thì thụp và thành tâm. Đêm ấy, lão trải ni lông ngủ ngoài mạn thuyền; khác hẳn với thông lệ xưa nay hai cha con lão ngủ trong khoang. Trăng chưa lặn, lão đã trở dậy, hai mắt đỏ hoe.
Việc chài lưới trên biển cứ thế lặp đi lặp lại. Và cái Gái vì thương cha dượng nó nên xăng xái làm đủ việc. Oái oăm thay, càng xăng xái, nó càng hớ hênh; cái hớ hênh vô tư của đứa con gái bên cha dượng mà nó coi như ruột thịt, máu mủ. Nó chẳng hiểu tại sao cha nó hay ngủ ngoài mạn thuyền. Hỏi, thì cha nó bảo: “Cha ngủ ngoài này cho mát, con ạ!”. Nó tin là cha nó nói thật.
*
*          *
Đêm ấy, vào giờ Tý, khi con cá chim đã búng mình bay lên làm xiếc, trời bỗng kéo mây vần vũ, gió thổi lộng. Vầng trăng chạy như ngựa lồng trong mây. Sắp mưa lớn rồi! Lão Hạnh thu mền lò dò vào khoang thuyền, vừa đi vừa run vì lạnh. Bỗng gió giật vầng trăng ra khỏi đám mây, soi rõ một thân hình thiếu nữ hớ hênh khi nằm ngủ. Cặp giò nàng dựng vào thành thuyền, đôi ống quần tụt xuống tận đùi non ngần trắng dưới trăng; vạt áo trễ tràng khoe lườn bụng và bộ ngực phập phồng theo nhịp thở... tất cả đập vào mắt lão Hạnh lồ lộ như một tòa thiên nhiên giữa hoang vắng, giữa trời và biển; giữa ầm ào những tiếng động giá lạnh của cơn mưa đang đến gần. Con bé ngủ, lão Hạnh thì thức. Lão nhìn thiếu nữ, và đột nhiên một bản năng của thứ con, bản năng của loài động vật cấp thấp rần rật thôi thúc lão. Nhưng rồi bản năng loài người với tình cha con, với bản chất thiện muôn đời máu thịt của một lão ngư miền biển; bản chất người lính của những năm bảy mươi chai lì với những thử thách... đã bắt lão dừng lại. Lão bước ra, lao xuống biển. Lão cứ bơi, cứ ngụp như thế chẳng biết bao lâu, chỉ biết rằng đến khi tay chân đã xân xiu vì lạnh, lão mới bám vào mạn thuyền để lên. Trầy lên, trụt xuống mãi, lão mới lên được thuyền. Lạnh thấu đến xương; và cái ý nghĩ tội ác kia cũng đã được rửa tan, pha loãng vào biển cả. Lão mò vào khoang, tránh nhìn cái tòa thiên nhiên vẫn ngủ say đến mê mệt, lần mò tìm chai nước mắm tu đến ba ngụm. Rồi lão cầm chai rượu ra mạn thuyền ngồi. Mưa ập xuống. Lão Hạnh cứ ngồi như thế, uống rượu để thi gan với trời cho đến khi cơn mưa tạnh, mặt trời nhô lên cười hềnh hệch ở đằng đông, lão mới đứng dậy.
Sức khỏe của lão Hạnh quả là phi phàm. Sóng gió và sự hào phóng của biển cả đã cho lão tất cả: cuộc sống không bệnh tật, một tâm hồn vô ưu, chỉ biết chài lưới và ăn no ngủ khỏe... trừ chuyện cho một bà vợ ở với lão lâu dài. Sau cái đêm trời đày lão phải ngụp lặn dưới biển ấy nhưng lão không hề đau ốm, bức sốt gì. Lão vẫn đều đều quăng lưới và vẫn đều đều ngày hai cút rượu nhắm với đặc sản biển. Cá vào lưới vẫn nhiều như mọi bận, cái Gái vẫn phụ giúp lão rất đắc lực trong chuyện chài lưới. Có điều nó thấy cha dượng nó bỗng trở nên kỳ cục, và hình như có điều gì đấy ông giấu nó. Thấy cha dượng ít nói, cô bé không dám gạn hỏi nhiều. Khổ cho con bé, nó vô tư đến mức ngờ nghệch. Khổ cho lão Hạnh, Gái càng vô tư, trong trắng bao nhiêu thì lão càng cực thân bấy nhiêu. Mấy lần nó định gục đầu vào ngực cha làm nũng như mọi bận, thì ông đều kiếm cớ đứng lên; lúc thì quên chưa gài hom mấy con cá ngâm dưới mạn thuyền, khi thì phải xảo lưới... Bao đêm rồi ông đều đi ngủ muộn mà không ngủ cùng với nó. Có đêm ngủ đẫy giấc trở dậy, nó hốt hoảng thấy cha ngồi tựa lưng vào mui thuyền ngủ ngồi. Lay gọi cha dậy thì ông lại vắt khăn vào vai đi tắm. Gái lờ mờ hiểu ra một điều: ông không còn thương nó nữa. Nó sợ và buồn. Nó ước gì mình làm được tất cả mọi việc cho cha , vì cha, cốt là được cha vui.
Một bữa, lão Hạnh gọi con bé lại bảo: - Gái à! Bây chừ con lớn rồi. Cá thuyền mình đánh được nhiều, cha muốn con lên bờ coi nhà và bán cá cho cha. Cá mình đánh được phải bán theo kiểu sang tay, phí lắm, con ạ!
Cái Gái ngần ngừ, sợ cha nó đi biển một mình thì buồn lắm. Rồi còn việc ghìm chèo, hay lúc trái gió trở trời ở giữa khơi xa, cha ốm thì biết nhờ cậy ai. Lão Hạnh thuyết phục mãi, con bé mới chịu gật đầu.
Đi biển một mình, lênh đênh giữa trùng khơi, lão Hạnh thấy buồn lắm. Nhưng bù lại, lão được ngủ những giấc ngủ sâu và dài. Mỗi lần chui vào khoang, lão đánh thẳng giấc đến sáng. Trừ khi cứ đến tuần trăng tròn là chẳng hiểu vì sao lão lại thấy bứt rứt, khó chịu. Hình ảnh hai người vợ trước của lão và những âm thanh lục cục chật chội của những lúc ái ân trong khoang lại vẳng lên. Rồi hình ảnh con bé những lần ngủ hớ hênh cứ lởn vởn ám ảnh lão. Những đêm như vậy, lão cuộn mền thành một cục, ôm cứng cho đến sáng trong giấc ngủ chập chờn, mê mệt.
Con bé ở lại bến bán cá được một năm thì nó nằng nặc đòi được theo cha dượng đi biển. Lão Hạnh nhìn nó mà ái ngại cho chính bản thân lão. Lão sợ - một nỗi sợ mà lão không thể ngỏ cùng ai được; một nỗi sợ lão có thể nghĩ thành tên nhưng không thể nói ra thành tiếng: đó là bản - năng - nhục -dục, dù lão không muốn, nhưng nó vẫn cứ tồn tại, cứ cào xé lão; nhất là vào những tuần trăng tròn. Mấy lần lão đã nghĩ đến chuyện đi bước nữa, nhưng rồi lão ngại. Lão ngại bởi lão cầm tinh sát vợ. Lấy vợ nữa, ngộ nhỡ mụ ấy lại lăn ra chết thì lão ân hận lắm. Năm nay lão cũng năm mươi tư tuổi rồi, trẻ trung gì nữa. Thôi, con cái không có thì lão cố chăm cái Gái, coi nó như con đẻ để rồi nhờ cậy khi về già. Cũng đã có lúc lão nghĩ đến chuyện gả chồng cho cái Gái rồi cho chồng nó ở rể, nhưng cái Gái nhất định không chịu. Nó bảo: "Cha hãy để thư thư vài năm nữa. Năm nay con mới mười bảy tuổi thôi, lấy chồng sớm khổ sớm chứ được cái nỗi gì...”.
Cái Gái đi biển, thêm người, thêm việc, thêm niềm vui. Biển thêm bóng người con gái sinh động hẳn lên. Những khi Gái ngồi chải tóc ở mũi thuyền, gió bỗng như ngừng lộng, vuốt ve lên mái tóc mềm óng như tơ của cô. Bờ vai Gái đã lằn những vầng mịn hằn lên sau lần áo mỏng. Cô ngồi nghiêng, hai bắp vế khoanh về một phía, kiêu sa giữa trời nước. Gái vô tư khe khẽ ngân những bài ca mà cô học được ở trên bờ, làn môi mọng ướt thỉnh thoảng lại chúm chím một nụ cười vô cớ. Cô như  vầng trăng đang độ chín tròn, viên  mãn, nửa e ấp, nửa lồng lộng giữa biển khơi hoang vắng này. Nhưng mỗi khi vào lưới, ghìm chèo, Gái dồn sức, rướn người đến độ tốc cả váy áo mà không hề hay biết. Lão Hạnh mừng cho con gái đã lớn phổng phao, lại đẹp người, đẹp nết. Trong sâu thẳm tâm can, lão thề nếu cần sẽ hy sinh cả cuộc đời lão, bản thân lão để con bé được vẹn toàn, hạnh phúc.
*
*         *
Nhưng, cuộc đời lắm nỗi oái oăm và luôn tràn trề cái xanh tươi bên cạnh những lý thuyết xám xịt. Cái thiện và cái ác luôn chênh vênh bên bờ vực của những lằn ranh mỏng mảnh, mà chỉ cần sơ sểnh một ly - một ly thôi - là ta sẽ ngã về một trong hai bờ vực ấy. Lão Hạnh tội nghiệp cũng không thoát khỏi được cái quy luật của sự chông chênh ấy. Một năm êm ả trôi qua và cũng ngần ấy tuần trăng lão chiến thắng một cách kiêu hãnh cái bản năng nhục dục rất người mà tạo hóa áp đặt, bên cạnh một cơ thể thiếu nữ hừng hực xuân sắc nhưng khác máu tanh lòng giữa một khoang thuyền hẹp xa vắng ngoài tít tắp trùng khơi. Mới ngoài năm mươi tuổi, tạo hóa vẫn còn để cho lão một sức khỏe như con Vâm và cái dương khí nhạy như luồng điện. Tình thương quý Gái như máu mủ đã giúp lão vượt qua được thử thách mà tạo hóa dỡn đùa; để rồi đứng vững được trên lằn ranh mong manh mà Ông Xanh đã tạo dựng.
Rồi lại đến một đêm trăng sáng. Đêm rằm tháng mười biển mát đến mịn màng như làn da đứa trẻ còn bú mẹ. Trăng nồng nỗng ở đỉnh trời, lắc lư như đứa con gái mười sáu hứng tình. Trời trong đến độ dễ vỡ như thủy tinh. Những vì sao nhấp nháy tưởng như sắp rụng cả loạt xuống biển. Biển lặng đến nghe thấy cả tiếng cá quẫy. Cơm nước xong, lão Hạnh mang chai rượu ra ngồi ở mũi thuyền ngắm trăng, hút thuốc. Gái thu dọn bát đĩa rồi mang quần áo ra sau mui thuyền tắm. Chiều nay cá vào lưới nhiều, cô phải chọn đến bã người. Mệt nhưng mà vui, cô cao hứng vừa dội nước xuồm xuồm vừa khe khẽ hát. Lão Hạnh ngồi quay mặt ra biển, ngửa cổ đếm sao và lẩm nhẩm bài vè “Một ông sao sáng, hai ông sáng sao” mà lão thuộc từ nhỏ. Bỗng tiếng Gái kêu thất thanh phía sau mui, rồi tiếng đập nước uồm uồm. Lão Hạnh vội đứng phắt dậy, lao về phía Gái. Thì ra, khi Gái đang thay đồ, lùi thế  nào mà cô ngã tùm xuống biển. Lão Hạnh cầm tay Gái kéo cô lên. Trời ơi, sao thế này: một cơ thể thiếu nữ không mảnh vải che ngọc ngà dưới trăng, mặt nàng kề mặt lão, hơi thở hổn hển phả ấm nóng phía bên má lão. Chiếc quần của Gái đã chìm xuống biển, theo bản năng, cô vơ vội chiếc áo che khoảng dưới thân, còn phía trên vẫn lõa lồ dưới trăng. Lão Hạnh lập bập chạy vào lấy quần cho Gái. Lão lục tìm trong bọc quần áo của Gái mà tay run bắn, run đến độ như chưa bao giờ lão run như vậy. Gái mặc quần áo xong, vô tư đến ngồi ôm cánh tay cha dượng, ngả đầu vào vai ông nũng nịu. Vầng trăng vẫn lắc lư trên trời; những vì sao cười khanh khách trong màn thủy tinh dễ vỡ, trong veo.
Đêm ấy, rồi đêm sau lão Hạnh mất ngủ. Người lão lúc nào cũng hầm hập như sốt, cơn sốt nóng từ huyết quản nóng ra, dội xuống tứ chi rần rật. Lão khổ sở ngâm mình bì bõm dưới biển, mồm phun nước phì phì như đứa trẻ con ăn phải trái ớt sẻ, phun mãi mà không hết cay. Trăng vẫn ngời ngời, cứ luễnh loãng như màu nước chè xanh trên mặt biển. Nhìn đâu lão Hạnh cũng thấy màu trắng mờ ảo của da thịt. Ngâm nước mãi, lạnh run người, lão lại mò lên húp nước mắm rồi tu rượu. Lão cầm cả chai mà tu, chẳng cần ly chén. Khổ sở cho lão, cái thứ nước men trắng nhờ ấy, càng uống nó càng đày đọa lão, khiến lão càng nóng sốt hơn. Lão ngước nhìn vầng trăng - cũng vẫn cái màu da thịt con gái; lão nhìn xuống biển - cũng lại màu ấy, ngồn ngộn thành hình, thành khối. Ba đêm, có đến cả chục lần cái bản năng mà tạo hóa buộc vào lão, thúc lão đứng dậy bước vào khoang thuyền - nơi có người con gái đang hớ hênh nằm, cặp giò dựng ngược, áo khăn trễ nải. Nhưng cái bản ngã, cái chất người trong lão lại ấn lão ngồi chết dí một chỗ, dí chai vào miệng lão mà tống cái chất men ồng ộc vào dạ dày. Háng lão cương cứng, tê rần. Một nỗi giận bùng lên đến tột đỉnh khiến hàm răng lão nghiến trèo trẹo. Lão tát điên dại vào hai má mình; lão quơ tất cả những thứ chung quanh ném hết xuống biển; lão ngửa cổ nhổ nước bọt lên vầng trăng cứ vằng vặc sáng; lão vạch quần tè xuống biển. Nắm phải cái thứ cương cứng đang làm tình làm tội mình, lão Hạnh càng giận sôi. Rồi, trong phút tột đỉnh của cơn cuồng nộ, giữa thời khắc tự vấn của bản năng và bản ngã, lão vơ con dao Gái làm cá hồi chiều còn để quên trên mạn thuyền, quỳ xuống, kê cái cương cứng kia lên sàn gỗ cứng. Phập! Một tiếng chắc và gọn sắc lẻm đến rợn người vang nhẹ, rồi tiếng “bũm” của nửa cái phần máu thịt mà mẹ cha cho lão, tạo hóa cho lão bắn vọt xuống biển, để lại một vệt đỏ loang trước khi kịp chìm xuống.
Sau này, người dân đi biển kể rằng: lão Hạnh xấu tính, già rồi mà còn lẳng lơ, bị con riêng của vợ góa hất xuống biển chết chìm. Lại có người nói lão uống rượu say khướt rồi ngã xuống biển mà chết. Nay, người ta gọi vùng biển ấy là: Vũng Ông Khùng!
Riêng Gái, chẳng hiểu sao sau đấy trời bắt cô điếc đặc, có quát vào tai, cô cũng chỉ cười. Thế nên mọi đồn đại của người đời, mọi lời tốt xấu của thiên hạ chẳng bao giờ lọt được vào tai cô...




Trại sáng tác Tam Đảo, 20.10.2002


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét