Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

SỐ XUÂN GIÁP NGỌ - tác giả TRƯƠNG THÔNG TUẦN





BỨC TRANH CHUNG
VỀ VĂN HỌC DÂN GIAN M’NÔNG



Người M’Nông cũng như các dân tộc khác cũng có một nền văn học dân gian khá phong phú và đa dạng, bao gồm nhiều thể loại khác nhau như: Thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, truyện cười, sử thi, lời nói vần, dân ca... Nội dung bài viết này trình bày khái quát về nền văn học dân gian M’nông trong nền văn học nghệ thuật chung của dân tộc Việt Nam.
Thần thoại
Hệ thống các vị thần trong văn học nói riêng, trong đời sống tín ngưỡng của người M’nông nói chung rất phong phú, nhìn chung có hai loại thần linh: Thần linh tốt và thần linh xấu; thần linh tốt thì giúp đỡ con người, thần linh xấu thì tìm cách ám hại con người. Thần linh ở đây vừa có đời sống siêu phàm vừa có đời sống trần tục, do đó gần gũi và có quan hệ mật thiết với con người.
Thần thoại M’nông có hai chủ đề lớn: Chủ đề nói về quan hệ giữa thần linh với con người và chủ đề nói về quan hệ giữa thần linh với thế giới tự nhiên. Chủ đề về mối quan hệ giữa thần linh với con người với những tác phẩm tiêu biểu như: Chuyện Chim bồ câu và người thợ săn; chuyện Tắc kè con Trời. Thần có tính tốt, thương người, hay làm việc thiện, nên khi con người gặp khó khăn, thần tìm cách giúp đỡ. Người thợ săn yếu, không đủ sức làm nhà trên núi, thần Sét đã dùng gươm đào lỗ ở núi đá, giúp cho người thợ săn cắm cột làm nhà. Nhờ vậy mà gia đình anh ta được sum họp trong ngôi nhà mới, sống rất hạnh phúc. Thần Sét là thần tốt. Còn câu chuyện Tắc Kè con Trời kể về thần Mặt Trời (Nar) là một thần cũng có đặc tính xấu như con người, thần vừa có vợ là nữ thần ở tầng trời, vừa có vợ ở dưới trần gian là một người phụ nữ bình thường. Thần Mặt Trời còn rất đa tình. Một hôm, có người con gái có thân hình khoẻ mạnh và rất đẹp, mang lúa mới gặt ngoài rẫy ra phơi,  trời lại ít nắng, nên nàng phải cúi người, chổng mông, vừa để đảo lúa cho nhanh khô vừa gắt gỏng với thần Mặt Trời. Thần Mặt Trời nghe, chẳng những không tức giận mà còn lén lút ngoại tình với người con gái nọ. Kết quả là đứa con trai đội lốt Tắc Kè ra đời. Loại thần này bị con người coi thường.
Chủ đề thần thoại về quan hệ giữa thần linh với thế giới tự nhiên như câu chuyện thần Ớt (Mrăch) thanh tú, vú dài; thần Bầu (Lênh) có cổ dài; thần Bí (Pual)  thân tròn, dáng thấp; thần Lúa (Ba) có thân gầy; thần Hoa (Tao Gur) rất xinh đẹp... các nữ thần này đang sống yên ổn ở tầng trời, thì thần Hoa xinh đẹp vì duyên nợ với chàng Nơ Ơi ở trần gian, nên tất cả đã theo thần Hoa xuống ở dưới mặt đất. Liên quan đến các thần này là thần Chiak Mpo Peh, đây là thần ác có hình dáng con quỷ, chuyên ăn thịt người. Thần này giữ thần Hoa làm mồi để nhử các động vật khác.
Thần thoại M’nông được bao phủ bởi yếu tố thần linh, các diễn biến câu chuyện và nội dung cốt truyện vượt ra ngoài cuộc sống hiện thực của con người,  làm cho người nghe, người đọc hướng đến một thế giới khác biệt, đối lập với đời sống trần tục. Tuy nhiên, cốt lõi của thần thoại M’nông là quan niệm và cách lý giải của người xưa về những hiện tượng của thế giới tự nhiên và xã hội diễn ra xung quanh con người, vì vậy thần thoại M’nông vẫn thắm đượm tinh thần nhân văn sâu sắc.
Truyền thuyết
Truyền thuyết M’nông gồm những câu chuyện tiêu biểu như: Chuyện kể về Nạn hồng thuỷ, về chàng Rừng... Câu chuyện Nạn hồng thuỷ như sau: Xưa kia nước lụt ngập hết mặt đất, chỉ còn lại núi Ốc Sên cao nhất, nước không ngập được, con người phải làm thuyền lên núi Ốc Sên để lánh nạn. Khi con Ốc Sên hút nước, nước rút dần thì có một thuyền, dây buộc bị đứt, trên thuyền có hai phụ nữ phải trôi theo dòng nước đến vùng người Mạ ở Lâm Đồng thì dạt vào bờ. Họ ở đó lấy chồng người Mạ và sinh con. Do đó, người M’nông và người Mạ có quan hệ họ hàng với nhau. Câu chuyện Chàng Rừng, kể rằng thác But So có tiếng thác chảy như rừng thở, tên vua Pơ Rum (người Chăm) không chịu được bèn bắt dân làng M’nông đào vách đá đưa cho thác đi nơi khác. Chàng trai nghèo tên là Dam Bri căm hờn, không khuất phục bèn bỏ  trốn vào rừng. Lang thang trong rừng chàng gặp hồ nước thần trong xanh và tắm, sau đó chàng trở thành người có sức mạnh phi thường, chàng quay trở về đánh quân Pơ Rum, cứu dân làng. Nhưng vì Dam Bri quên không uống nước hồ thần nên cuối cùng chàng thua quân Pơ Rum và được thần linh giúp đỡ, chàng bay về trời. Hình tượng Dam Bri thể hiện tinh thần đoàn kết, quật khởi chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bon làng của người M’nông.
Kết cấu và cốt truyện truyền thuyết M’nông thường đơn giản, nhưng cách miêu tả có sự kết hợp hài hoà giữa hai yếu tố lãng mạn và hiện thực làm cho hành động các nhân vật và quá trình diễn biến câu chuyện sinh động, hấp dẫn.
Truyện cổ tích
So với truyền thuyết thì truyện cổ tích có xu hướng tập trung nói về số phận con người gần hơn với hiện thực cuộc sống và cũng sử dụng yếu tố thần linh. Truyện cổ đề cập nhiều vấn đề khác nhau trong hiện thực đời sống và ước mơ của con người. Chẳng hạn, chuyện kể về chàng trai N’jong là người thông minh, cần cù, dũng cảm chống điều ác, đem lại bình yên và hạnh phúc cho cộng đồng. Sau khi N’jong dùng sức mạnh trời cho chặt được đầu lân, giải thoát cho mọi người, chàng  sống hạnh phúc bên người con gái đẹp mà mình đã cứu. Và chàng Châu Pheh sau khi trừ được ác điểu, chàng cũng cưới người con gái xinh đẹp mà mình đã cứu về làm vợ và chàng trở thành người giàu có nhất vùng.
Một số truyện khác kể về số phận người mồ côi với những cảnh ngộ đau khổ khác nhau, nhưng được các vị thần theo dõi giúp đỡ, cuối cùng họ sống hạnh phúc. Đó là câu chuyện Nàng H’dlang: Có em bé gái mồ côi tên H’dlang, không ai nuôi nấng, lạc trong rừng sâu, từ bé quen ăn trái dưa rừng. Khi được dân làng đi rừng tìm thấy đem về, em vẫn không biết ăn cơm, canh, cá. Thần Trời chú ý, sai hai người con gái của mình xuống trần gian để đưa cô bé xấu số lên trời để giúp đỡ, từ đó cô bé sống cuộc đời sung sướng.
Truyện cổ tích M’nông còn phản ánh mối quan hệ giữa con người thông minh với con người ngốc, ngờ nghệch. Đó là câu chuyện về  hai nhân vật tên là Djut và N’ơi có quan hệ đối lập, sánh đôi với nhau. Djut thì cao to mà chậm chạp, thật thà, ngờ nghệch, N’ơi thì nhỏ mà nhanh nhẹn, tinh khôn. Trong cuộc sống, Djut luôn luôn bị N’ơi lợi dụng: Đi làm rẫy, Djut quần quật cả ngày, N’ơi nằm chơi, nhưng khi Djut về, N’ơi bê hòn đá làm dấu của Djut đến đặt ở phần rẫy đã phát ở đất mình. Djut bực lắm, nhưng không biết làm sao đành chịu thua. Truyện đã phản ánh chân thực sinh động mối quan hệ trong đời sống hàng xóm, láng giềng của người M’nông.
Truyện cổ  M’nông còn phản ánh mối quan hệ giữa con người với  con vật. Tiêu biểu cho mảng nội dung này là các truyện: Con rắn thần, Chàng Lợn, Nàng Ji Bô và con Ba Ba, Nàng Ji Dong và con voi... Ngoài ra, truyện cổ tích còn thể hiện chân thực cuộc sống về cách ăn mặc, trang sức, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của đồng bào M’nông.
Truyện cổ tích M’nông kết thúc thường có hậu. Người thông minh, tài giỏi, người có số phận nghèo khổ, đáng thương thường phải trải qua những gian lao, vất vả rồi sau đó nhờ thần linh giúp đỡ trở nên có cuộc sống hạnh phúc. Và ngược lại những nhân vật ở ác rốt cục đều bị trừng trị đích đáng. Nội dung truyện cổ tích còn thường xen những chi tiết khôi hài: Thần Sét bị anh em Briăng, Kuăng chém vào “vật quý”; thần Trời bị người con gái chổng mông lên trời nguyền rủa, thế mà Trời không tức giận mà còn lén lút ngoại tình với người con gái đó.
Sử thi
Người M’nông gọi sử thi là Ot ndrông. Đây là thể loại tác phẩm tự sự, nó lưu truyền theo phương thức truyền miệng dân gian. Sử thi M’nông có giá trị nhiều lĩnh vực khác nhau, chứa đựng nhiều mặt tri thức khác nhau của cộng đồng. Sử thi M’nông là bộ “bách khoa toàn thư’’ của người M’nông thời cổ, nó chứa nội dung phong phú, đa dạng và phản ánh khát vọng, ước mơ vưon tới một cuộc sống hạnh phúc, ấm no, thịnh vượng, thanh bình của dân tộc M’nông.
Sử thi M’nông thuộc loại sử thi cổ sơ, khác với sử thi cổ đại Iliat và Ôđixê của Hy Lạp, hoặc sử thi Mahbrahata và Ramayana của Ấn Độ đều ra đời trong thời kỳ đã hình thành nhà nước, còn sử thi cổ sơ M’nông về cơ bản ra đời vào giai đoạn tiền giai cấp, tiền nhà nước. Đó là thời kỳ xã hội thị tộc và bộ lạc, chưa hình thành giai cấp, xã hội tồn tại trong quan hệ dân chủ, bình đẳng và cộng đồng, đặc tính xã hội mẫu hệ còn hưng thịnh. Cụ thể là sử thi M’nông hình thành trong hoàn cảnh xã hội: Ban đầu là từng bon chật hẹp, nhỏ bé theo thiết xã hội là bon (tương đương với làng của người Việt), sau đó trong quá trình phát triển xã hội, hình thức bon ít còn phù hợp nữa mà tự bản thân nó cần mở rộng, phát triển bằng cách tập hợp, liên minh các bon lại với nhau để hình thành liên minh các bon làng, nhằm thu gom dân cư, lao động và thu gom của cải cho các người đứng đầu, tức là thủ lĩnh. Diễn biến quá trình lịch sử như vậy không thể tránh khỏi những mâu thuẫn gay gắt, dẫn đến những hình thức tranh chấp giữa các bon và giữa các thủ lĩnh. Đó là điều kiện xã hội để sử thi M’nông ngoài việc đã có nội dung phản ánh cuộc sống và ước mơ chinh phục tự nhiên của con người còn có thêm nội dung phản ánh chiến tranh và người anh hùng.
Sự hình thành sử thi M’nông cũng trải qua một qúa trình lâu dài như sự hình thành sử thi của các dân tộc trên thế giới, mà công đầu tiên và lớn nhất phải kể đến hoạt động sáng tạo của nghệ nhân sử thi. Họ là người am hiểu sâu sắc và có trí nhớ tuyệt vời về vốn sử thi của dân tộc mình, họ có công đi thu gom các câu chuyện sử thi để sau đó tự hoàn chỉnh và nâng cao, song song với công việc đó là nghệ nhân đã chứng kiến hoặc nghe kể lại những câu chuyện về người anh hùng hay về đời sống xã hội, rồi từ  chất liệu đó nghệ nhân nhào nặn và tái tạo lại hiện thực. Đến khi các truyện sử thi đã ổn định về nội dung và hình thức thì các thế hệ nghệ nhân sau đó cứ thế mà học tập theo và diễn xướng cho cộng đồng nghe. Sự hình thành tác phẩm sử thi M’nông cũng nằm trong con đường phát triển chung của văn học dân gian các dân tộc khác, có điều khác nhau là ở phương thức lưu truyền của nó. Lưu truyền sử thi được thông qua hoạt động hát kể của nghệ nhân. Khi nghệ nhân hát kể cho cộng đồng nghe, người có trí nhớ tốt và có ý thức học sử thi sẽ thuộc dần từng đoạn, từng câu chuyện sử thi. Nếu người có ý thức học sử thi lại sống trong gia đình có nghệ nhân hát kể sử thi thì công việc sẽ thuận lợi hơn nhiều. Như vậy sử thi được lưu truyền thông qua cộng đồng và thông qua gia đình. Người ta lưu truyền hát kể sử thi thường là tại nhà ở của mình, nhưng cũng có khi ở cái chòi nhỏ trên nương rẫy thường là vào lúc rảnh rỗi, thu hoạch mùa xong, nhiều nhất là trong dịp lễ hội. Hát kể sử thi đã trở thành một nhu cầu văn hóa không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người M’nông. Đồng bào M’nông đã nói: "Càng nghe càng thích, nghe từ sáng đế tối không chán, có khi mải nghe quên cả ăn, nghe từ chập tối cho đến lúc gà gáy sáng cũng chưa buồn ngủ.". Việc hát kể sử thi có thể nhiều người thực hiện tốt, nhưng thành công và hiệu quả nhất trước hết phải nói đến nghệ nhân sử thi, đó là người có thể thuộc tới hàng vạn câu sử thi, họ có giọng hát hay và tài diễn xuất độc đáo. Người M’nông cho rằng, những nghệ nhân sử thi là những người mà Thần đã cho cái môi, cái miệng để lưu truyền hát kể sử thi cho con cháu nghe. Trong thời gian hát kể sử thi, nghệ nhân và người nghe cùng chung cảm xúc và suy nghĩ, họ như đang sống trong ‘’một thế giới riêng’’- thế giới của sử thi - và hóa thân một cách mạnh mẽ vào nhân vật sử thi. Mọi người điều tin rằng những điều kể trong truyện là cuộc sống quá khứ của dân tộc mình. Các nghệ nhân hát kể sử thi trong lúc diễn xướng đều có sự vận dụng kết hợp nhuần nhuyễn cùng lúc nhiều yếu tố: Ngôn ngữ (lời hát) + nhạc (hát) + cử chỉ, điệu bộ, nét mặt.
Lời nói vần
Trong hệ thống văn học dân gian của M’nông, bên cạnh hình thức văn xuôi còn có hình thức lời nói vần, người M’nông gọi là nao m’pring. Nó có đặc điểm gần như tục ngữ, ca dao của người Việt, tuy nhiên giữa chúng chưa có sự phân định rõ ràng và có mặt trong nhiều hình thức thể loại văn học dân gian. Đó là những câu nói vần vè, đọc lên nghe xuôi tai, có hình thức gắn kết, móc xích chặt chẽ với nhau bằng những âm vần, hay lặp một số tiếng giữa các câu văn với nhau. Trong những bài nói vần, câu văn thường có số lượng âm tiết (tức là tiếng) ổn định. Đặc điểm của lời nói vần M’nông là yếu tố vần thể hiện khá đậm đặc. Nhờ đó, khi người ta nhớ câu đầu là gợi nhớ đến câu sau và có thể gợi nhớ toàn bài. Lời nói vần có lối diễn đạt dùng nhiều hình ảnh, hình tượng, có giá trị gợi hình rất cao và mang lại nhiều giá trị nhận thức thẩm mỹ cho người nghe, người đọc. Nao m’pring phát triển rất mạnh mẽ, có một trữ lượng rất nhiều, làm giàu thêm vốn văn hóa dân gian và ngôn ngữ M’nông.
Dân ca M’nông
Trong lĩnh vực nhạc hát (dân ca) của dân tộc M’Nông cũng đã thể hiện khá đậm nét sự kết hợp hài hòa giữa cuộc sống với nghệ thuật. Chính vì dân ca đã ra đời từ rất sớm và lưu truyền mãi đến ngày nay, cho nên rất phong phú về thể loại, đa dạng về thang âm, điệu thức và dân ca của dân tộc M’nông vẫn giữ được một nét riêng. Trải qua nhiều thế hệ, với thời gian và đặc biệt là văn hóa ngoại lai của thực dân Pháp, Mỹ dồn dập xâm lăng áp đặt. Song dân ca nơi đây vẫn không bị hòa tan vào bất cứ nền âm nhạc nào.
Nếu xét về thang âm, điệu thức, thì dân ca M’nông có đủ các thể từ thang 3 bậc âm, 5 bậc âm, 6 bậc âm và 7 bậc âm. Tuy nhiên vẫn dùng chủ yếu là thang 5 âm (có hoặc không có bán âm).
Nếu nhận xét về yếu tố nội dung trong dân ca M’nông ta thấy mỗi bài hát là những trang sử sinh động ghi lại những tư tưởng, tình cảm của con người qua nhiều thế hệ.
Nội dung của dân ca chứa đựng rất nhiều yếu tố của đời thường như: Tình yêu đôi lứa, ca ngợi buôn làng, ca ngợi những chàng trai anh dũng, có sức khỏe phi thường chiến đấu chống lại cái ác để bảo vệ buôn làng, ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp. Có bài còn dùng để khấn cầu các thần linh, làm cho mưa, gió thuận hòa, mùa màng bội thu, con người thoát khỏi dịch bệnh… Nội dung nói trên biểu hiện qua nhiều thể loại, như dân ca lao động, dân ca phong tục tập quán, dân ca nghi lễ, tín ngưỡng v.v… Dân ca M’nông có hai loại:
- Loại đơn giản mang tính chất hát như nói, ngân nga hoặc giai điệu tiến hành bình ổn chỉ có 2 hoặc 3 âm. Loại này thường gặp ở những bài rất cổ.
- Loại phức tạp hơn, nó không còn mang tính chất sơ lược như trên mà đạt tới trình độ khá cao. Hình tượng âm nhạc, quãng âm đã phong phú, đa dạng, song vẫn giữ được mối quan hệ chặt chẽ, tính tương quan, sự hài hoà giữa lời ca và âm nhạc.

Dân ca M’nông còn chứa đựng những đặc điểm khác, như đặc điểm về khúc thức. Mỗi bản nhạc, bài hát đều có nội dung nhất định và hình thức, cấu trúc thích hợp. Đa số dân ca M’nông hay dùng hình thức cấu trúc thể một đoạn, có một số bài dùng thể hai đoạn đơn. Hình thức này, các nhạc sĩ đương đại vẫn dùng rất phổ biến. Bố cục chặt chẽ, cấu trúc các câu nhạc, vế nhạc cân đối, gọn gàng. Loại thể một đoạn nhiều bài có mô típ âm nhạc đơn giản, song có khá nhiều bài đã phát triển  một cách khoa học, các thủ pháp, kỹ thuật được ứng dụng sáng tạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét