Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

SỐ XUÂN GIÁP NGỌ - tác giả NGUYỄN KHẮC ÂN





CÂU ĐỐI TẾT CỦA NGƯỜI VIỆT
           


Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, câu đối vừa là sở thích vừa là thú chơi thanh nhã của nhiều người, đồng thời câu đối cũng là lời nhắc nhở về một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc Việt. Câu đối Tết trở thành sinh hoạt văn hóa rất phổ biến và lâu đời. Ngày nay ít người dùng chữ Hán và chữ Nôm nữa, nhưng không phải vì thế mà câu đối mai một. Xưa cũng như nay, câu đối trở thành một món quà không thể thiếu của người Việt. Để  nhớ về  cội nguồn, dân tộc, một số Việt kiều ở nước ngoài cũng treo câu đối trong ngày Tết. Trong tất cả các loại câu đối, nổi bật hơn cả vẫn là câu đối Tết. Nhưng chơi câu đối thế nào, nội dung ra sao cho phù hợp với từng gia đình, công sở, đền chùa, miếu mạo... là nội dung mà tôi muốn đưa ra ở đây.
Từ xưa, ông cha ta đúc rút lại, câu đối Tết của người Việt thông thường có 07 loại sau đây :
1. Loại câu đối Tết dùng chung cho tất cả mọi nhà, ai treo cũng được, gia đình quý phái hay nghèo túng cũng đều treo được. Ví dụ như câu:
"Con cháu vui mừng chờ Tết đến
Mẹ cha phấn khởi đón xuân về."

Hay:             "Tối ba mươi cắm cành đào, hoa nở rộ, vui Tết
Sáng mùng một đơm chậu quýt, quả vàng tươi, đón Xuân."
2. Loại câu Tết thường để ở các đình làng hay công sở. Chẳng hạn như:
"Chúc Tết đến trăm điều như ý
Mừng xuân sang vạn sự thành công."
3. Loại câu đối Tết viết theo lối tự trào, viết để cho vui, ai nghe cũng được, không phải treo ở đâu cả, mà để gắn vào tâm tưởng của mỗi người, kích động suy nghĩ của mọi người, và cùng vui với mọi người. Ví dụ:
"Chiều ba mười nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà."
4. Loại câu đối Tết thường thấy trong các gia đình Việt Kiều. Đó là những lời thể hiện tình nghĩa nồng nàn đằm thắm của những người con xa quê, nhớ về dòng tộc, cội nguồn. Chẳng hạn:
"Xuân tha hương, vấn vương thương đất mẹ
Tết xa nhà, xao xuyến nhớ quê cha."        
5. Loại câu đối Tết thường để ở đền chùa, miếu mạo. Ví dụ câu đối chữ Nôm sau đây:
"Mừng xuân hỉ xả thêm công đức
Đón Tết từ bi bớt não phiền."
6. Loại câu đối Tết thường có trong các nhà quyền quý, cao sang. Ví dụ:
"Trúc giữ bình yên, thêm tài lộc
Mai khai phú quí, lại lộc quyền."
7. Loại câu đối Tết thường có trong các gia đình nghèo khó. Chẳng hạn như câu:
"Số lông vịt xác xơ, tiền chỉ mấy xu, sắm nào được gì, nên không mong Tết.
Đời ve chai tan nát, tuổi đà dăm bó, cho có ai thèm, mới chẳng tiếc Xuân."
Thể hiện ước nguyện giản dị nhưng cũng rất sâu sắc và mãnh liệt của những người bình dân nghèo khó trong xã hội thời xưa.
Ở nước ta hiện nay, truyền thống viết câu đối Tết vẫn được lưu giữ. Câu đối là một thú chơi tao nhã, nhưng rất khó chơi. Các cụ có câu: “Nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa”. Vậy khi chơi câu đối Tết, mỗi chúng ta cũng phải biết vận dụng linh hoạt để câu đối có ý nghĩa với đúng văn cảnh thì không khí ngày xuân sẽ ấm áp, hạnh phúc hơn nhiều.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét