Tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN
ĐÔI MẮT CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ
TRONG TRUYỆN NGẮN CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA
CỦA NGUYỄN MINH CHÂU
(Ngữ văn 12)
Nguyễn Minh Châu được coi là “người mở đường tinh anh” của văn học
Việt Nam
thời kỳ đổi mới. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được sáng tác vào năm
1983, đã tách ra khỏi hướng trôi quán tính của nền văn học cách mạng trước đó
với hai đặc điểm lớn là khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn cách mạng.
Hiện thực mới mẻ đầy lạ lẫm đã đặt ra không ít thử thách cho các nhà sáng tác.
Với cảm quan nhạy bén của một người “mở đường”, Nguyễn Minh Châu đã sớm nhận ra
rằng: Khi hiện thực cuộc sống thay đổi, thế giới quan, ngòi bút của nhà văn
không thể khư khư theo cách quen thuộc như trước. Xã hội Việt Nam thời hậu
chiến (sau 1975) bộn bề nhiều nỗi lo toan. Con người trở về với số phận cá nhân
trong đời thường, đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Từ đó, bao nhiêu vấn
đề “tẹp nhẹp, vô nghĩa lý của đời thường” (chữ dùng của nhà văn Nam Cao) nảy
sinh, chi phối, tác động trực tiếp đến đời sống tinh thần, vật chất, trở thành
những thử thách thật sự cho xã hội.
Cầm bút sáng tác trong hoàn cảnh đó, nhà văn sẽ lựa chọn, phản ánh
điều gì? Trong lần trả lời phỏng vấn đầu xuân 1986 của tuần báo Văn nghệ (Hội
Nhà văn Việt Nam ),
Nguyễn Minh Châu cho rằng: Văn chương cần phải khác. Con người cần được nhìn
nhận sâu hơn xa hơn, trên nhiều bình diện hơn. Nguyễn Minh Châu liên tiếp cho
ra đời các tác phẩm với cảm hứng khác hẳn Dấu chân người lính vốn từng
rất nổi tiếng trước đó của ông. Các truyện ngắn thời kỳ này của ông được tập
hợp in trong 3 tập: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê
(1985) và Cỏ lau (1989).
Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa lấy khung cảnh của một
làng chài ven biển miền Trung những năm sau chiến tranh. Nhân vật xưng “tôi” là
Phùng, một nghệ sĩ nhiếp ảnh từng là người lính từng chiến đấu ở đây trong
những năm chiến tranh ác liệt. Như vậy, chiến tranh đã lùi xa nhưng cái ý nghĩa
tồn tại của nó là: Hết chiến tranh, con người sẽ sống thế nào? Thì đây, cuộc
sống của người dân chài: “lênh đênh khắp cả một vùng phá mênh mông. Cưới xin,
sinh con đẻ cái, hoặc lúc nhắm mắt cũng chỉ trên một chiếc thuyền. Xóm giềng
không có. Quê hương bản quán cả chục cây số trời nước chứ không cố kết vào một
khoảnh đất nào”.
Người nghệ sĩ trở về vùng đất từng bị tàn phá bởi bom đạn với múc
đích đi tìm vẻ đẹp của cuộc sống hòa bình. Và may mắn, Phùng đã tìm được:
“trước mắt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in
một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng
hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng
phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ (…) toàn bộ
khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn
giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, tôi tưởng chính mình
vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc
trong ngần của tâm hồn”.
Với cảnh sắc trời cho ấy, Phùng may mắn thực hiện được nhiệm vụ của
tòa soạn giao, đó là chụp một tấm hình nghệ thuật cho bộ lịch năm mới. Nhưng,
phía sau bức tranh tuyệt mĩ được ngắm nhìn từ xa ấy là gì? Đó là hiện thực cuộc
sống phũ phàng, tàn nhẫn, nỗi cực nhục của con người. Khi chiếc thuyền lại gần,
Phùng ngay lập tức được chứng kiến một cảnh tượng trái ngược: Từ trên thuyền
bước xuống một người đàn ông và một phụ nữ, họ nhàu nhĩ, lam lũ và đặc biệt, cư
xử thô bạo: “Lão đàn ông dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn
bà, vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két.” Người đàn bà nhẫn
nhục, lặng lẽ cắn răng chịu đựng. Đứa con trai xuất hiện, lao vào đánh nhau với
bố để bênh vực mẹ mình. Đến đây thì ý đồ nghệ thuật của tác giả đã rõ: Hỡi
người nghệ sĩ đi tìm cái đẹp kia, anh sẽ chọn bức tranh nào trong hai bức tranh
đối lập ấy? Anh sẽ nhìn vào đâu? Thu nhận hình ảnh nào? Đứng về phía nào? Lựa
chọn đi.
Chính Nguyễn Minh Châu từng phát biểu: “Văn học và đời sống là
những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người (…) Nhà văn tồn tại trên đời
để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ,
bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường, những con người
cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin,
để bênh vực cho những con người không có ai bênh vực” (Ngồi buồn viết mà
chơi).
Cảnh tượng cuộc sống phũ phàng ám ảnh, Phùng đã nán lại để đi sâu
tìm hiểu bi kịch của con người ở đây. Chung quy là do nghèo đói quá, vất vả
quá, người đàn ông trở nên cục cằn với vợ con. Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày
một trận nặng để trút đi cái uất ức, khổ ải của kiếp người. “Cái chính là do
đám đàn bà ở trên thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật”.
Với quan điểm của một kẻ đứng ngoài, Phùng khuyên người đàn bà bỏ
gã chồng vũ phu, độc ác. Câu trả lời của người phụ nữ làng chài đau khổ là:
Không bao giờ! Bởi vì, như chị nói, “các chú không hiểu được đâu”, chỉ có người
phụ nữ ở đây mới biết người đàn ông cần thiết đến mức nào cho cuộc sống gia
đình, cái gia đình chật chội, lênh đênh và luôn luôn thiếu thốn ấy. Cũng chỉ
mình chị biết, bình thường, ông ấy “cục tính nhưng hiền lành lắm”. Chỉ vì khổ
quá mà anh ta thành ra cục súc. Hơn nữa, cuộc sống của chị là vì những đứa con.
Hạnh phúc có lẽ là duy nhất của chị là được “nhìn những đứa con được ăn no”.
Chính vì thế mà chị cầu xin chồng kéo chị lên bờ mà đánh, chị sẵn sàng cam chịu
mọi đau khổ về thể xác, đừng để con trông thấy, tâm hồn chúng bị tổn thương!
Thế đấy, cuộc sống có quy luật của nó, phức tạp hơn nhiều so với
trí tưởng tượng của người nghệ sĩ. Giải quyết thế nào đây? Câu hỏi này, riêng
nghệ sĩ không thể trả lời. Nhưng anh phải là người đầu tiên xướng lên câu hỏi
ấy, đặt nó ra giữa cuộc đời để tất cả mọi người cùng quan tâm, giải quyết. Đó
chính là sứ mệnh thiêng liêng của người cầm bút, chứ không phải là đi tìm cái
đẹp viển vông xa xôi bên ngoài số phận con người.
Vấn đề được nhà văn Nguyễn Minh Châu đặt ra những năm đầu thời kỳ
đổi mới ở Việt Nam, mà ý nghĩa của nó, hình như đạt đến muôn đời.
Giới
thiệu phê bình nghiên cứu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét