Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

SỐ XUÂN GIÁP NGỌ - tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN




 Tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN

TRUYỆN NGẮN TRÊN CHƯ YANG SIN –
LẮNG NGHE TỪNG GIỌNG NÓI...



Truyện ngắn được người viết ưa chuộng bởi sự lắng kết của thể loại, kết cấu tinh xảo, tập trung vào một vài cảnh huống, lại có thể hoàn thành câu chuyện trong một thời gian ngắn. Lựa chọn thể loại này, người viết có thể tập trung khắc họa thật sâu đậm một lát cắt “mảnh mai” nhất nhưng lại đủ sức khái quát cả bức tranh hiện thực vô cùng rộng lớn.
Năm qua, Tạp chí Chư Yang Sin đã nhận được sự quan tâm của nhiều tác giả truyện ngắn trên cả nước với nhiều phong cách sáng tác. Với lượng trang in không nhiều, chỉ khoảng từ bốn đến năm truyện cho một số xuất bản, chiếm một vị trí khá khiêm tốn nhưng truyện ngắn luôn được coi là thể loại tiên phong, góp phần làm nên chất lượng, bản sắc của tạp chí.  
Là một tờ báo văn nghệ nằm ở vùng sâu vùng xa, thế nhưng Chư Yang Sin vẫn là một địa chỉ tin cậy của nhiều tác giả. Nhà văn Trung Trung Đỉnh định cư Hà Nội nhưng vẫn nhớ đến Tây nguyên như là quê hương thứ hai của mình. Truyện ngắn Bài ca tuyệt mật kể lại một câu chuyện của quá khứ: Những người lính tham gia chiến tranh giải phóng Tây nguyên thời kỳ chống Mỹ. Tác phẩm một lần nữa lại là lời nhắc nhở nhẹ nhàng sâu lắng gửi đến thế hệ trẻ hôm nay về những mất mát khổ đau mà cha ông đã trải qua trong cuộc chiến tranh tàn khốc.
Cũng lấy cảm hứng từ lịch sử, tác giả Tiến Thảo với truyện ngắn Bóng đại thụ giữa hồn sông núi dẫn dắt người đọc về xa hơn, đến những năm tháng đầy biến động của lịch sử dân tộc dưới triều Nguyễn. Ở đó có những con người văn võ toàn tài, lấy việc dân việc nước làm bổn mạng, phận sự của mình. Thâm trầm, sâu sắc và phảng phất u hoài, Tiến Thảo là một hội viên lớn tuổi nhưng vẫn còn hứa hẹn nhiều sáng tạo mới mẻ. Cũng một giọng văn trầm lắng, nhưng truyện ngắn Những buổi chiều ở cung Trầm Phố của Vũ Dy lại là câu chuyện của những người trẻ hôm nay. Đọc văn Vũ Dy, độc giả dễ hình dung về một phố huyện xa xôi, nhỏ bé, ở đó có những con người sống thầm lặng nhưng cũng không hiếm những nguồn cơn làm cho người ta dậy sóng. Nhà văn Kim Nhất vẫn bền bỉ viết. Năm qua, chị góp thêm một tiếng nói khá hóm hỉnh, cái hóm của người già khi nhìn về một vấn đề rất trẻ: Tình trộm.
Trong năm qua, những giọng nói quen thuộc của Lê Khôi Nguyên, Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Phú, Huỳnh Thạch Thảo... vẫn đều đặn, đem đến một cảm giác yên tâm cho bạn đọc về sức sáng tạo bền bỉ của những cây bút đã khẳng định được “thương hiệu” trong nhiều năm qua.
Nhưng, giọng nói làm cho người ta tin tưởng nhất trong năm qua vẫn là giọng nói của những người trẻ. Thật đáng mừng vì điều đó! Bạn đọc Chư Yang Sin đã quen thuộc với những tác giả Lê Minh Phong, Vũ Thị Huyền Trang, Mộc Anh, Phạm Thị Ngọc Thanh... vẫn đều đặn xuất hiện trên tạp chí. Hội viên trong tỉnh có H’Siêu Byă, H’Xíu Hmôk, Nguyễn Anh Đào... và các tác giả chưa phải là hội viên nhưng vẫn viết rất đều đặn, đó là: Hồ Thị Thu Hiền, Vũ Hương Nam, Hồng Phúc, Vân Giang...
Đọc tác phẩm của các tác giả trẻ, chúng ta dễ thấy được thế mạnh riêng của họ: Sự nhạy bén của tuổi trẻ. Họ xông xáo trải nghiệm và kể với chúng ta về những góc khuất, những khía cạnh phức tạp và muôn màu của tuổi trẻ. Tuổi đời còn trẻ nhưng truyện của Lê Minh Phong lại rất già dặn. Truyện ngắn Người cha giữ lửa kể về những đau đớn, vật vã của một bé gái không có cha, và người mẹ vẫn hàng đêm vỗ về con gái rằng cha sẽ về, cha của con đang giữ lửa ở Tây nguyên. Truyện ám ảnh người đọc bởi sự táo bạo của lối viết và sự xót xa, dồn nén của tâm trạng. Được biết, Lê Minh Phong hiện đang là biên tập viên của Tạp chí Sông Hương. Một giọng văn trẻ trung khác hiện đang tạm trú ở Huế, thỉnh thoảng vẫn trở về nhà tại Buôn Ma Thuột và có nhiều tác phẩm gửi cho tạp chí, đó là tác giả Vân Giang. Lối viết mới cộng với sự tung tẩy của trí tưởng tượng đã làm nên nét duyên cho truyện ngắn của chị. Đọc Tam giác không đều, độc giả được dẫn dắt vào trò chơi của những người trẻ tuổi, ở đó, mọi chuyện, kể cả tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc có thể được giải quyết, quyết định bởi những khẩu lệnh: enter, delete,… Tình yêu là đề tài muôn thuở, luôn hấp dẫn người viết, cũng là nơi bạn đọc chờ đợi nhiều nhất. Hi vọng, trong năm tới, độc giả được nghe nhiều hơn những giọng nói mới lạ, sâu sắc, chứng kiến những bước đi dài hơn, xa hơn.
Xin dừng lại lâu hơn một chút ở mảng đề tài về Tây nguyên, về vùng đất đang ngày đêm cưu mang, nuôi dưỡng, cung cấp bầu sữa nóng hổi, tiếp thêm sức mạnh cho các nhà văn thực hiện sứ mệnh của mình. Trong năm qua, các trang viết về Tây nguyên, về vùng đất Đắk Lắk vẫn thường xuyên được đăng tải. Điều đáng mừng là sau lớp nhà văn đã thành danh như H’Linh Niê, Kim Nhất, Văn Thảnh… hiện đã có nhiều cây bút trẻ người dân tộc bản địa năng nổ xông xáo khám phá sự huyền bí của đại ngàn. Những tiếng nói dẫu còn rụt rè nhưng không thiếu sâu sắc của H’Xíu Hmôk, của H’Siêu Byă, H’PhiLa niê… Câu chuyện của họ có sự hấp dẫn riêng, có phong vị riêng của một vùng đất chúng ta yêu mến. Đọc truyện ngắn của H’PhiLa Niê, thấy bận bịu vô cùng về một vùng quê vốn nhiều trăn trở lo toan. Truyện của H’Xíu Hmôk thường lấy khung cảnh một buôn làng nào đó vùng ven đô thị. Ở đó, dẫu còn nhiều vất vả, lo toan nhưng con người biết sống vì nhau, lo cho nhau. Buôn làng hôm nay khác buôn làng hôm qua, cuộc sống luôn đổi thay không ngừng, và có những đổi thay làm người đọc xót xa, tiếc nuối…
Tuy nhiên, độc giả còn mong đợi nhiều hơn, đòi hỏi nhiều hơn là sự dấn thân, sự dũng cảm của các tác giả trẻ. Văn chương luôn là con đường không hề bằng phẳng, nhưng bạn đọc Chư Yang Sin có quyền tin tưởng về những thành tựu của họ trong thời gian tới.

Mùa xuân đến, những âm thanh mới sẽ nổi lên, ám ảnh, quyến rũ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét