Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

SỐ XUÂN GIÁP NGỌ - tác giả TRẦN HƯƠNG GIANG

TRẦN HƯƠNG GIANG



GÃ ĐẦU BẠC

Truyện ngắn



Gã đã tự trang bị cho mình một vẻ bề ngoài thư sinh. Gã giỏi. Gã thông minh. Chỉ số IQ thuộc dạng khá khẩm. Cái gì gã cũng biết. Văn chương, học thuật, lịch sử, địa lí, số má, ngoại ngữ, máy tính… tất tần tật. Gã giống như một từ điển sống.
Gã sống trong một căn nhà khang trang. Chẳng ai biết gã làm mắm gì mà khá giả đến thế? Gã khá hào phóng, với bạn bè, với những người nghèo khổ. Thi thoảng, người ta thấy gã khóa cửa biến đâu mất tích dăm ngày nửa tháng, có khi cả mấy mùa trăng liền mới thấy căn nhà gã bật đèn sáng choang, thấy có bóng người đi ra đi vào rầm rập, nhộn nhịp. Gã rất ít nói. Gã hay khoác cái áo màu đen mỗi lần phắn lên con xe lao ra ngoài phố. Đường đầy khói bụi. Gã góp thêm một tí có làm sao. Ai cũng đều nghĩ thế. Riêng gì gã đâu. Đường chật hẹp. Gã chen chúc cùng dòng người đang đua nhau, vượt qua nhau từng centimet đường. Có sao? Ai cũng phải chen chúc, tất bật. Miếng ngon khó nhường. Đất sống càng không thể. Thời buổi kinh tế này đất là kim cương, tiền tỉ. Tất cả họ đều không còn đi chậm, nói nhỏ được nữa. Phải hét thật to, phải chạy thật nhanh. Đường đông đúc, xe cộ ồn ào náo nhiệt. Và họ chạy cho đến khi nào, mặt mũi tèm lem đóng một lớp vừa mồ hôi, vừa đất bụi nhòe nhoẹt, họ mới về đến nhà (mặt gã vẫn láng coóng ngon ơ). Người ta rồ ga xe máy, khẩu trang bịt kín vẫn dính bụi nhơ nhớp, từng lớp bụi có khi còn chui tận vào trong lỗ mũi. Ngoáy ra thấy đen sì sì. Mức độ ô nhiễm “ác chiến” của thế kỉ hiện đại. Gã bon bon ghế êm trên con xe bốn bánh. Bụi đã bị mấy cái cần gạt nước trước kính hất xuống hết. Ai đi xe máy hưởng thêm tí bụi của gã (có làm sao đời này, vốn dĩ thế, càng hiện đại người ta càng tàn nhẫn với chính mình và kẻ khác).
Gã có một khuôn mặt đẹp. Đôi mắt phong trần sâu thẳm. Lạnh lùng. Gã có nụ cười khinh khỉnh nhếch mép, chắc chỉ thua Don Juan. Nhiều cô gái chết mê. Gã phớt lờ. Hình như, các nàng kiều cũng mê luôn cái căn nhà khang trang của gã, con xe của gã. Thời này, các nàng quen thói ăn diện, trau chuốt nhan sắc cần phải để ý đến những “mối làm ăn” như thế. Mất mát gì đâu? Đến cả lớp trẻ sinh viên, còn rỉ rả vào tai nhau: “Yêu đếch có tiền thì bốc cám mà ăn à?”. Đứa nào từ quê lên tỉnh đi học thì cố gắng bám vào các chàng/nàng có hộ khẩu thành phố để ở lại luôn, chẳng thèm về những vùng nông thôn nghèo khổ, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nơi mẹ cha cố gắng chắt chiu từng mùa lúa, từng lứa lợn xuất chuồng nuôi ăn nuôi học. Thật ra, cũng nên có chí tiến thủ. Chả nhẽ, về quê. Chả nhẽ cứ phải bám đất ruộng, đất làng, bám cái ao cá, chuồng heo, con gà, con vịt để kiếm ăn như bố mẹ? Có học, phải vươn xa, phải tìm cách đổi số, thay vận; phải tìm cách ngóc đầu lên với thiên hạ, cũng nhà cao cửa rộng, xe bốn bánh chạy sề sề. Mỗi lần về quê, như kiểu “vinh quy bái tổ”, báo cáo làng nước, gia đình, họ hàng: “Tớ đã giàu rồi nhé, tớ đã là đại gia rồi nhé!”
Có cái lạ. Dân tỉnh lẻ, nếu tìm cách ở lại thành phố để hít ít khói bụi xa hoa, thì người thành phố, giàu kếch xù lại muốn trở về quê, lên tận những vùng heo hút núi non để mua đất, dựng nhà, mua gà vịt, tậu trang trại hoặc có khi xây luôn cho mình mấy hầm mộ bằng tiền tỉ, lo cho nơi an nghỉ cuối cùng. Sống giàu sang, chết cũng phải hoành tráng. Ai chẳng muốn thế. Đất đắt như kim cương. Muốn chết có nơi chôn, người thành phố phải lo dấm chỗ, đặt trước, kiếm cái bìa đỏ chứng minh: “Chỗ này là chỗ tớ nằm, đéo thằng nào được nhấm nhẳng ngó nghiêng đấy nhá”. Người thành phố có cái khổ của người thành phố, người tỉnh lẻ có cái khổ của người tỉnh lẻ. Cuối cùng, đời người, kiếp con người cũng chỉ là sự quẩn quanh giữa hai chữ sống và chết. Sống là tạm bợ. Chết là vĩnh viễn. Người theo Kitô giáo thì ngược lại, dù sao họ vẫn có quan niệm nhẹ nhàng hơn. Sự sống là quà tặng ban của Đức Chúa trời, phải trân trọng từng giây phút, từng khoảnh khắc, từng ngày tháng. Chết là về với nước Chúa. Chết là để được sống lại như Chúa (Chúa bất tử, nên họ cũng sẽ bất tử). Không việc gì phải buồn lo, suy nghĩ chuyện sống chết. Có câu trong kinh thánh: “Anh em ra đi là để sinh nhiều hoa trái”. Người chết nằm xuống, nhẹ nhàng. Người sống nhìn nấm mộ đã đắp đất, buồn đau một chút, khóc than một chút, nhớ thương một chút theo lẽ thường của cảm xúc, rồi lặng yên nguyện cầu cho người chết nhanh lên thiên đàng, sau khi họ đã trải qua những xét xử dưới luyện ngục, và đã được tha tội. Tất nhiên, trừ những kẻ tạo cơn cớ quá nặng, xem chuẩn mực đạo đức bằng đầu ngón tay khi còn là xác thịt sờ sờ. Người chết không còn nữa trên đời. Người sống nên ghi nhớ hình ảnh của họ bằng trái tim và đợi chờ cuộc hội ngộ sau cùng nơi cánh cửa nào đó trên cao tít, bí ẩn trong vũ trụ khôn cùng.
Chỉ số IQ cao, nhưng tóc gã chưa tới băm đã lấm tấm bạc như các “bô lão” tuổi trung niên. Ai đó nói bâng quơ: “Do máu xấu”, đừng hiểu nhầm. Máu xấu thôi nhé. Gã là người tốt. (Đôi khi hơi chướng, vì cái tật khoe mẽ: bảnh trai, nhà giàu, xe xịn, lạnh lùng, sát gái). Gã tham gia vào một hội nhóm nào đó trên mạng. Thỉnh thoảng gã đi đú đởn nhậu nhẹt cùng hội, rồi phượt phiếc linh ta linh tinh. Thỉnh thoảng, gã sắp xếp đồ đạc và lên đường đi đến tận những miền cao, miền xa cùng một nhóm người nào đó trên một chiếc xe toyota đã được chất đầy hàng hóa: quần áo, bút mực, sách vở, và mấy thứ đồ dùng khác chuyển lên cho trẻ em nghèo miền núi mỗi dịp tết đến hay đông về. Đấy, gã là người tốt đấy. Nhóm hội của gã cũng vậy. Họ nghĩ: Khá giả một chút, thừa thãi nhiều thì nên chia sẻ bớt cho những kẻ khốn khó còn thiếu ăn thiếu mặc.
Mỗi bận đi “phượt” kiểu ấy, người ta lại thấy gã sung sướng huýt sáo vang cả nhà. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất, khi gã chuẩn bị đi làm từ thiện. Vẫn chẳng ai biết gã làm quái gì mà giàu đến thế? Gã giỏi. Ai cũng bảo: “Trông tướng gã như giáo sư, tiến sĩ có học thức, chữ nghĩa đầy đầu”, hoặc đoán mò: “Thằng cha ấy chắc là giảng viên của một trường đại học nào đó”. Thật ra, gã cũng từng có mơ ước: Làm một anh giáo suốt ngày chúi mũi vào nghiên cứu, rồi lên lớp truyền đạt mấy mớ kiến thức cho đám sinh viên. Thật ra, gã cũng đã từng có một vài ý nghĩ chảnh chọe: “Làm thằng giảng viên oách văn ngầu nhỉ?”. Cái đầu thông minh của gã, đôi khi cũng gặp sự cố. Mỗi lần nghĩ lại ước muốn trở thành anh giáo gã buồn cười. Thằng bạn thân của gã bây giờ vẫn đang ở trọ. Gã đã nhà cao cửa rộng. Xe bốn bánh chạy ro ro. Gã thấy thương. Gã vẫn giỏi hơn mấy thằng bạn. Gã nhận ra: “Phải tìm một con đường khác để đi. Đời người có bao nhiêu. Sống được bao nhiêu. Tích lũy cần thiết. Nhưng, tóc gã chưa gì đã lấm tấm bạc thế kia”. Lớp trẻ hiện nay, cũng đã bắt đầu nhận ra. Có thể “cày” như điên. Nhưng, họ chọn những phương thức kiếm ăn rút gọn thời gian. Một số thằng không đủ sức chơi kiểu đó, thì phải cần cù chăm chỉ gieo hạt, đợi mùa vụ rồi thu hoạch. Riêng gã, vì có cái đầu thông minh, gã chơi cách khác. Món gì gã cũng nhúng tay vào thử. Gã giỏi tiếng Anh, một lợi thế để gã kiếm tiền rất tốt, trong thời đại số má, công nghệ hóa này. Gã quất một cái blog riêng bằng tiếng Anh. Cung cấp thông tin cho bộ máy tìm kiếm của Google, tranh thủ “xơi” thêm vài quả bằng cách ăn phần trăm quảng cáo. View càng cao, thì cơ hội có tiền của gã càng lớn. Nhưng đây chỉ là một cách nhỏ, trong vô vàn những việc mà gã đang làm. Blog – gã xem như là một trò chơi giải trí. Gã làm nghề tự do (gọi là Freelancer). Một kiểu nghề mới nảy sinh bởi tình hình kinh tế í ẹ của thế giới hiện nay, khi các công ti tư nhân lần lượt cắt giảm nhân sự. Nghề này, gã có thể tận dụng quỹ thời gian trống và thể hiện năng lực của mình. (không ai bắt gã phải làm thế này trước, làm thế kia sau). Đồng thời gã có thể tự làm chủ thời gian – thu nhập, không cần phải tất bật mỗi sáng đến công ti cho kịp giờ, hay “cày bừa” đến tối mịt mới mò về nhà. Ngoài cái blog tiếng Anh – ăn phần trăm quảng cáo cho bộ máy tìm kiếm khổng lồ Google, gã còn tranh thủ nhận thêm các mối dịch thuật kịch bản, văn học, hay viết PR, lập trình… tất tần tật miễn là phù hợp, miễn là nằm trong khả năng bàn tay và cái đầu có chỉ số IQ cao của gã, và miễn có tiền. Quan trọng nhất vẫn là thứ đó. Mấy tờ giấy bạc xanh, đỏ đầy ma lực, khiến cả thế giới loài người đâm đầu vào tranh giành, kiếm chác; cái thứ “bùa mê” khiến nhân tâm đảo điên, khiến một gia đình đang hạnh phúc, sung túc đủ đầy, bỗng chốc tan nát và ngược lại. Cái thứ khiến một thằng con nghịch tử, vì thiếu nợ, ham hút chích, cờ bạc, sẵn sàng đâm chết cha mẹ ruột mà không hề gớm tay. Gã thì thèm lắm một tiếng gọi ấm áp của tình mẫu tử. Thế giới này đưa lên cán cân, vẫn không bao giờ bằng nhau. Cha mẹ gã đều chết vì căn bệnh nan y mà cả thế giới bó tay. Đời sống càng hiện đại, bệnh tật xuất hiện càng nhiều. Khoa học càng hiện đại càng sản sinh ra nhiều thứ suy nghĩ nguy hiểm. Vòng tròn nào có vết của đồng tiền, ở đó có đau thương. Thế giới là khối rubik. Đồng tiền là kẻ đang cầm cái khối rubik đó và bắt đầu xoay như chong chóng. Con người tưởng mình đang điều khiển game. Hóa ra, không phải. Con người thường hay ngộ nhận và nhầm nhọt.
Gã kiếm tiền tốt thế. Bằng cách nào? Khối đại gia giàu hơn. Gã chưa là gì. Các đại gia kiếm tiền bằng cách nào thế? Tài thật. Đại gia có tiền thì cũng vung tay quá trán nhiều lắm: Khoe siêu xe. Khoe nhà cao cửa rộng, khoe các trang trí nội thất đắt giá, khoe cả bồ nhí chân dài. Gã chỉ là một thằng con trai bình thường, có đầu óc, biết cách kiếm tiền và hiện tại gã đang hơn mấy thằng bạn cùng cấp học ngày xưa. Gã tậu được nhà, tậu được xe hơi, tậu được trang thiết bị nội thất hiện đại. Gã có tiền để ban phát cho kẻ nghèo khổ bất hạnh hơn mình. Gã hạnh phúc và hài lòng với những hành động của mình. Bẵng đi hơn một thời gian. Hàng xóm không nghe gã ho he huýt sáo sung sướng trong những lần chuẩn bị lên đường đi phượt. Nghe bảo: Gã đi nước ngoài. Căn nhà khang trang để trống. Dăm ba bữa thấy một người giúp việc đến dọn dẹp.
Phía trước cổng có giàn hoa tigon leo lên cánh cửa sắt sơn màu trắng. Chiếc xe ô tô màu đen bóng loáng đỗ xịch. Người đàn ông áo đen bước xuống, tay xách chiếc va li, tay mở cửa xe. Người đàn bà mặc chiếc váy màu thiên thanh, tóc vàng hoe hoe, mắt xanh đang loay hoay níu lấy một bên hông gã, khi dừng chân trước cửa nhà. Hàng xóm ngó qua. Mấy đứa con gái mới lớn ngó qua. Gã về. Tóc vẫn lấm tấm bạc, gần nửa mái đầu. Đặc điểm nhận dạng nhanh nhất của gã. Thời đại kinh tế mở cửa, mọi khoảng cách về không gian địa lí, ngôn ngữ, màu da không còn là vấn đề. Tình yêu cũng thế. Thông và thoáng. Cởi và mở. Con gái Việt, vẫn thích tếch sang Tàu, sang Tây sắm chồng. Gã cũng có quyền sắm cho mình cô vợ mắt xanh, tóc vàng. Không biết nói tiếng Việt, có hề gì. Gã giỏi tiếng Anh.
Cô gái tóc vàng của gã, mỗi lần cười cũng xinh lắm. Gã không thuộc tuýp người khoái ăn chơi lung tung. Cô nàng này, chắc chắn đã được tuyển lựa rất kĩ. Hàng xóm tò mò, thích hóng hớt ngó sang. Gã cười cười. Thiên hạ, chuyện gì cũng có thể bới móc, suy diễn, một thành mười, mười thành trăm. Dăm ba người, tụ năm, tụ bảy đã thành cái chợ. Gã thừa biết. Gã lặng im. Hồn ai nấy giữ.
Một dạo, gã đưa nàng về quê. Đi xa lâu ngày, quê gã vẫn như xưa, không có gì tiến triển hơn. Vẫn nghèo nghèo, tội tội như thế. Những người nông dân, ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, đêm về tụ tập lại trước sân nhà chén anh chén chú. Có gia đình, con cái nheo nhóc, cơm áo không đủ no, vợ chồng hục hà hục hặc sau khi thằng đàn ông có tí hơi men. Quê gã đấy, ngày xưa và bây giờ. Gã chỉ còn vuông đất thờ để lại cho các bác trong họ trông coi. Gã về, thắp nén nhang cho ông bà, cho cả hai người thân sinh ra mình. Gã về, đưa cả nàng dâu mới bên xứ lạ ra mắt họ tộc. Các cô, dì… người ngấm, kẻ nguýt. Các ông cậu, ông chú, phản đối. Đất lề quê thói. Họ cứ ra rả ca bài ca xưa cũ cho gã nghe: «Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn». Gã lặng im. Cha mẹ gã mất rồi, chỉ còn họ tộc là đại diện duy nhất khi gã lập gia đình. Mấy ngày cho cô dâu Tây làm quen với lối sống quê kiểng, gã gặp khá nhiều trở ngại, từ giao tiếp đến đồ ăn thức uống. Gã vẫn cố thử. Chưa được một tuần, không chịu được những đàm tiếu ở quê, gã tếch thẳng lên thành phố. Vậy là không có đám cưới đám kiếc nào hết. Gã làm thử cái trắc nghiệm. Gã chỉ đúng 30%. Ở một phương diện nào đó. Tình yêu có thể khiến người ta vượt qua được những khoảng cách về mặt địa lí, ngôn ngữ, màu da. Nhưng, lập trình cho trái tim, cho một mái ấm gia đình của gã đã thất bại. Xưa nay, vốn đã thế, phép vua thua lệ làng. Người ở quê, vẫn cứ là người ở quê. Họ trọng sự chân chất, mộc mạc, trọng dòng máu gốc rễ của mình hơn. Dẫu có nghèo, họ vẫn không muốn rời khỏi đất làng, đất xã để tìm kiếm một miền đất hứa khác. Cha mẹ gã bỏ làng ra đi, đến khi chết vẫn phải quay trở về xin nắm đất nhỏ bên đồng để được ở gần ông bà, tổ tiên. Gã bâng khuâng nghĩ ngợi. Người giàu cũng có những khổ tâm của riêng mình.
Một năm sau, gã lại lon ton trở về quê, nhờ chú, bác cưới vợ. Gã chọn được cô bé hàng xóm thời còn để chỏm, mặc quần thủng đít chạy long nhong ngoài bờ đê cắt cỏ, chăn trâu với gã. Cô gái bây giờ đã hơn hai mươi bảy tuổi (Gã gần ba mươi). Vậy là đẹp. Người ở quê xôn xao: “Con bé ấy đi tu nhưng vì lí do gì đó lại không được dòng tu nào chấp nhận, giờ về quê chỉ chăm việc heo gà, đồng áng. Tuổi như nó ở quê gọi là gái ế. Sao còn lấy?” Gã cười khẩy. Lần này thì gã quyết. Họ tộc không ai nói gì. Mọi người đều hiểu hoàn cảnh cô bé đó. Một đám cưới bình dị tổ chức tại quê. Gã không thích phô trương. Sau dăm ngày, gã đón cô vợ quê lên thành phố. Nhà cửa sang trọng, choáng ngợp. Ô tô bóng loáng. Cô vợ của gã hiền lành.
Thế là gã đã có vợ. Các cô nàng chân dài ở thành phố tiếc nuối. Gã cũng đâu đến nỗi đem của đi nuôi các ả chỉ biết sơn móng tay, thoa phấn son, diện quần áo hàng hiệu mỗi ngày. Gã đã chọn vợ, là phải chọn cho thật tử tế.
Bao nhiêu năm rồi, căn nhà của gã vẫn im lìm, không nghe tiếng cười, không nghe tiếng khóc. Nay, gã đã có vợ vẫn thế. Cưới đã lâu, vậy mà vợ chồng gã vẫn đi đi về về với nhau. Một mái ấm gia đình, thiếu mất tiếng bi bô của trẻ thơ đôi khi cũng thành bi kịch. Gã thương vợ. Gã có ăn có học, gã có trái tim nhân hậu, gã không làm khổ vợ. Thùy là cô gái có đức tin mãnh liệt. Nghe đồn trong nam có nơi cầu tự linh thiêng, Thùy bàn với gã, cả hai vợ chồng làm một chuyến. Đi dăm tháng. Về lại, vợ gã bụng đã lùm lùm. Thật khó hiểu. Người ta bảo cứ tin là sẽ được. Niềm tin mãnh liệt có thể đem lại nhiều điều kì diệu và cả kì quái. Cái bầu của vợ gã ngày một lớn, nhưng không có tín hiệu chuyển dạ. Thi thoảng, người ta lại thấy bụng Thùy lép kẹp. Thi thoảng thấy bụng Thùy to ra. Theo chu trình, đủ chín tháng mười ngày thì đứa bé chào đời. Nhưng, Thùy có bầu đã gần hai năm. Thùy nghe bảo: Con cầu tự không được đi siêu âm, đi khám thai. Nếu không em bé sẽ biến mất. Thùy vẫn thấy cái bầu cử động, mỗi lần cô nói chuyện với con. Thùy vẫn tự hào, đứa trẻ chính là thiên thần do Chúa cử đến. Cô tin tưởng, cô kiên nhẫn chờ đợi. Một đức tin không thể nào lay chuyển nổi. Hàng xóm lời ra tiếng vào, Thùy mặc kệ. Gã tôn trọng đức tin của vợ. Gã cũng kiên nhẫn đợi. Chẳng biết đến bao giờ đứa trẻ mới ra đời. Câu hỏi đó không phải dành riêng cho vợ chồng gã. Hình như ở quê gã cũng có vài cặp vợ chồng đi cầu tự như thế. Và, họ cũng đang đợi sự ra đời của đứa trẻ. Biết đến bao giờ? Hãy cứ tin là sẽ được. Gã để cho Thùy giữ lấy đức tin ấy.
Gã mải mê với công việc, với những vụ làm ăn xa nhà khi đã có thêm nhiều vốn liếng. Gã đầu tư vốn vào các công ty cổ phần. Tiền của gã không bao giờ ngồi yên mà chúng quay vòng, sinh lời liên tục. Gã có cái đầu giỏi. Cái đầu đó gã không dùng vào việc nghiên cứu sách vở, gã dùng nó để kiếm tiền. Gã càng ngày càng giàu. Lắm lúc gã có những suy nghĩ kì quái: Thiên hạ cần tiền để làm gì nhỉ? Gã có tiền nhiều lắm. Nhưng gã không thấy vui, không thấy hạnh phúc. Từ ngày có vợ gã ít tham gia vào hội nhóm, đàn đúm, nhảy nhót hay đi phượt. Gã vẫn thầm lặng giúp đỡ những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng gã làm một cách bí mật. Ít khi gã ra mặt. Gã núp bóng vào công việc, vào cái Computer không biết chán.
Mỗi lần trở về nhà, gã vẫn thấy cái bầu của Thùy lúc to, lúc nhỏ. Gã không thể nào hiểu nổi. Đây có phải trò đùa của đức tin? Gã tự đặt câu hỏi. Gã lặng im chờ đợi cùng Thùy. Hình như trong lòng gã vẫn có một đức tin. Gã cần phải tin. Nếu không, gã chết mất. Những suy nghĩ bùng nhùng trong tim óc gã thật đáng sợ. Con người thỉnh thoảng vẫn thả trí tưởng tượng của mình bay nhảy. Chúng không đơn giản chút nào. Chúng biến dạng thành nhiều hình thù khác nhau. Gã cũng đã từng có những tưởng tượng về cái bầu của Thùy. Rồi gã thấy tội lỗi. Gã lăng nó đi. Gã nghĩ về một thiên thần, khuôn mặt sáng ngời, thánh thiện. Tội lỗi của loài người đầy rẫy. Con gã sinh ra phải là một thiên thần. Nó không phải gánh chịu những thứ tạp nham, mệt mỏi của thế giới.
Ba năm trôi qua. Bụng Thùy vẫn cứ thế. Gã quen dần với sự hiện diện của đứa con chưa bao giờ được sinh ra, chưa bao giờ được nghe thấy tiếng cười, tiếng khóc, tiếng bi bô gọi bố của nó. Đến năm thứ tư. Gã bắt đầu phát hiện ra mình có những dấu hiệu không tốt về sức khỏe. Gã suy kiệt dần. Gã bất chợt nhớ về cha mẹ. Họ đều chết vì K. Gã biết, loại này vẫn có di truyền.
Năm thứ tư. Thiên thần vẫn chưa chào đời. Gã đã ở giai đoạn cuối. Thiên thần đến, gã sẽ đi. Gã đã kiếm đủ tiền cho Thùy (cả đứa con gã đang đợi chờ bằng niềm tin) sống hết đời. Nhờ có tiền, bệnh gã được duy trì thêm khoảng dăm tháng nữa. Ngày gã hấp hối, Thùy chuyển dạ. Vậy là đức tin đã thành hiện thực.

Thùy đưa cậu bé ba tuổi, đã chạy lon ton được đến bên mộ gã. Đôi mắt thiên thần trong veo. Vành môi đỏ. Khuôn mặt tròn và mái tóc hoe hoe. Gió lướt qua vuốt ve nhẹ trên má cậu bé. Thùy chắp tay nguyện cầu, đọc mấy câu kinh. Linh hồn gã đang mỉm cười. Hạnh phúc vẫn là điều kì diệu nhất. Thùy luôn cảm thấy dường như: “Gã chỉ làm một cuộc phiêu lưu ở một thế giới khác, chứ không hề biến mất khỏi cõi trần này”. Thùy yêu chồng, cũng giống như yêu đức tin của mình. Thùy nghĩ: “Đức tin đôi khi đã cứu rỗi linh hồn con người khỏi những lầm lạc”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét