MẠNH TRÍ - MỘT NGỌN LỬA
BAN MÊ
Tôi đến thăm
nhạc sĩ Mạnh Trí và được nhạc sĩ kể một cách say sưa về những năm tháng đầy kỷ
niệm của mình về hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Đắk Lắk:
Sau ngày miền
Nam giải phóng (30.4.1975), tôi tham gia phong trào văn nghệ ở phường Tự Do
(nay là phường Tự An), thành phố Buôn Ma Thuột. Lúc bấy giờ phong trào văn nghệ
ở địa phương vô cùng sôi nổi, lôi cuốn hầu hết mọi người tham gia (nhất là tầng
lớp thanh niên). Tôi vốn có năng khiếu âm nhạc nên được mọi người tín nhiệm bầu
làm Đội trưởng đội văn nghệ phường.
Thật là may mắn,
vào khoảng tháng 9.1975, Đoàn Văn công Tây Nguyên từ Hà Nội vào Đắk Lắk biểu diễn
tại rạp Hưng Đạo. Hôm ấy, tôi đến xem nhưng không được vào, vì đêm diễn chỉ phục
vụ bộ đội và cán bộ lãnh đạo tỉnh. Khi mọi người đã vào hết, tôi đến gặp đồng
chí cảnh vệ năn nỉ: Tôi là Đội trưởng đội văn nghệ phường Tự Do ở Buôn Ma Thuột
từ trước đến nay chưa bao giờ được xem văn công cách mạng biểu diễn, mong đồng
chí thông cảm cho vào xem để học tập. Nghe tôi nói vậy, đồng chí cảnh vệ liền mở
cửa cho vào.
Lần đầu tiên được
xem văn công cách mạng biểu diễn, chương trình vô cùng hoành tráng, sinh động,
hấp dẫn đã lôi cuốn tôi từ đầu đến cuối. Tôi xem như uống lấy từng tiết mục. Ca
sĩ Đài Son hát bài: “Nổi lửa lên em”, “Trước ngày hội bắn”; ca sỹ Linh Nga hát
bài “Người ơi, người ở đừng về”; tốp ca nam hát bài “Cô em xuống chòi”… tiết mục
nào cũng hay và hấp dẫn người xem. Nó như liều thuốc thần kỳ giúp tôi yêu quý,
trân trọng nghệ thuật cách mạng. Thế rồi một tuần sau tôi xin thôi làm kế toán
của Công ty Vật tư tỉnh, quyết định thi tuyển vào Đoàn Văn công Đắk Lắk. Hôm
thi tuyển tôi hát bài “Nổi lửa lên em” và bài “Pháo ta bảo vệ Ba Đình”, được
anh Nguyễn Văn Bốn (Chính trị viên) và Ama Nô (Trưởng đoàn) đánh giá cao và tuyển
tôi vào Đoàn Văn công Đắk Lắk.
Được sự dìu dắt
của các anh chị trước, tôi dần dần trưởng thành và được chọn là diễn viên hát
chính của Đoàn Văn công Đắk Lắk. Tôi thường hát đơn ca hoặc hát song ca với Mỹ
Lệ và hát tốp ca với anh chị em trong đoàn. Đoàn Văn công Đắk Lắk bấy giờ thường
đi biểu diễn ở các huyện, các công nông trường và các buôn làng của đồng bào Êđê,
M’nông. Đi biểu diễn ở đâu, Đoàn cũng được khán giả mến mộ. Có nhiều đêm biểu
diễn xong rồi nhưng đồng bào vẫn lưu luyến ở lại sân bãi không chịu về. Có đêm đang
diễn thì trời mưa to nhưng đồng bào vẫn đội mưa xem cho đến khi kết thúc mới chịu
ra về.
Tôi còn nhớ,
cuối năm 1977, Đoàn Văn công Đắk Lắk vinh dự được biểu diễn một chương trình
nghệ thuật để phục vụ đoàn khách Trung ương vào thăm tỉnh ta. Chương trình nghệ
thuật tối hôm đó được đoàn khách Trung ương và lãnh đạo tỉnh đánh giá cao. Tuy vậy, sau buổi biểu diễn đồng
chí Mười Nguyên (Bí thư Tỉnh ủy), đồng chí Ama Thương (Phó Bí thư Tỉnh ủy) gặp đoàn
và yêu cầu phải tuyển thêm diễn viên là người dân tộc tại chỗ để khai thác bản
sắc văn hóa dân tộc, nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật của Đoàn.
Thực hiện sự
chỉ đạo của Tỉnh ủy, đầu năm 1978 lãnh đạo Đoàn đã cử tôi và Ama Nô đi đến các
buôn làng để tuyển diễn viên là người dân tộc tại chỗ. Đợt một, chúng tôi tuyển
được Y San Aliô, Y Ngăm Aliô, Y Tuất Êban, Đợt hai tuyển được Y Bleo (tức Y
Moan Ênuôl), Y Blé, Y Nơm, H’Yang, Y Mah, Như Quỳnh, Lệ Hải… Từ đó, Đoàn có một
đội ngũ đông đảo để hình thành các bộ môn: ca, múa, nhạc cụ dân tộc để tham gia
Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (tháng 9.1978) đoạt huy chương vàng
toàn đoàn, được ban tổ chức đánh giá cao.
Trong những năm
1978-1980, Đoàn được lãnh đạo tỉnh ba lần cử đi giao lưu biểu diễn nước bạn
Campuchia tại tỉnh Moldulkiri. Cả ba lần đi đều bị Fulro phục kích nhưng thoát được.
Có lần chúng bắn B40 vào xe của Đoàn, rất may đạn không nổ. Cũng có lần chúng
phục kích tại nơi đang biểu diễn nhưng nhờ có tin báo trước nên Đoàn đã rút về
nơi an toàn. Có thể khẳng định rằng: Cả ba lần đi giao lưu biểu diễn tại nước bạn
Campuchia, Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở về
an toàn.
Xong nhiệm vụ
biểu diễn ở nước bạn Campuchia, Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk lại trở về đi phục
vụ đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Tôi còn nhớ, mùa mưa năm 1980, đoàn đi phục
vụ đồng bào M’nông ở huyện Đắk Nông. Sau khi diễn xong thì trời mưa to, xe của Đoàn
bị sa lầy ngay giữa sân diễn. Anh em nghệ sĩ, diễn viên đều xuống đẩy xe. Lúc này
tôi đang gò lưng phía đầu xe để nâng lên. Chiếc xe lùi xuống lao lên mấy lần rồi
bất ngờ chồm tới lao qua chỗ lầy. Tôi bị vùi trong gầm xe. Anh em la to: Mạnh
Trí bị xe đè rồi, nhanh lên đến cứu anh ấy. May quá, tôi nằm giữa gầm xe, nên
không bị bánh xe đè, chỉ bị xước da do gầm xe trượt qua. Anh em trong Đoàn kéo
tôi ra khỏi vũng bùn đất, lau mặt mũi rồi đưa lên xe để trở về.
Gian lao vất vả
đến vậy, toàn Đoàn vẫn đoàn kết một lòng, tiếp tục xây dựng chương trình để đi
biểu diễn phục vụ đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Rồi Liên hoan ca múa nhạc
chuyên nghiệp toàn quốc tại Quy Nhơn (9.1980) lại đến, với chương trình mang đậm
bản sắc dân tộc, Đoàn đã giành được Huy chương vàng của liên hoan. Trong đó có
sự đóng góp không nhỏ của ca sĩ Mạnh Trí.
Năm 1982 -
1987, Mạnh Trí được cử đi học Đại học Âm nhạc chính quy tại Nhạc viện Thành phố
Hồ Chí Minh, và tốt nghiệp loại giỏi với tác phẩm giao hưởng “Dam San”. Từ đó, Mạnh Trí đi sâu vào
khai thác bản sắc âm nhạc Tây Nguyên để sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị
mang đậm âm hưởng văn hóa các dân tộc bản địa Đắk Lắk, bổ sung kịp thời những
ca khúc cho Đoàn dàn dựng biểu diễn. Tiêu biểu là ca khúc “Chờ em xuống núi”, “Ơn Bác Hồ
với người Tây Nguyên”, “Trăng soi cội
nguồn”, “Trở về buôn làng xưa”, “Rừng núi hát tình ca”, “Bơ hơi, mùa cà phê em hát”, “Còn mãi nhịp chiêng Kon H’Ring”… Những
ca khúc này đã đóng góp không nhỏ vào sự thành công của Đoàn Ca múa dân tộc Đắk
Lắk trong các cuộc hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc.
Là một ca sĩ,
một cán bộ lãnh đạo (Phó đoàn từ năm 2003 – 2008), cuộc sống đời thường còn nhiều
khó khăn, nhưng nhạc sĩ Mạnh Trí lần lượt cho ra mắt bạn yêu nhạc ba tập ca khúc
“Quà
của em” (gồm 30 tác phẩm cho thiếu nhi); “Nhịp điệu Cao nguyên” (gồm
17 ca khúc chọn lọc về Tây Nguyên); “Bài ca trên đồi” (gồm 20 tác phẩm chọn
lọc về đất nước con người cao nguyên Đắk Lắk. Bên cạnh đó, nhạc sĩ Mạnh Trí còn
sáng tác bản hợp xướng gồm 4 chương “Ban
Mê một bài ca” (nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Buôn Ma Thuột) và bản
giao hưởng “Ngọn lửa Ban Mê” nhân kỷ
niệm 35 năm ngày chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk.
Cuối năm 2008 đến
nay, nhạc sĩ Mạnh Trí làm giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật. Mặc dù
bận rộn với công tác giảng dạy nhưng vẫn dành thời gian sáng tạo tác phẩm âm nhạc,
tích cực đóng góp vào phong trào văn hóa nghệ thuật của tỉnh nhà. Nhân kỷ niệm
50 năm thành lập Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk, nhạc sĩ Mạnh Trí xúc động nói: Đoàn
Ca múa Dân tộc Đắk Lắk vẫn là tổ ấm thân yêu của tôi. Trong gần hai năm nay, bên
cạnh công tác giảng dạy và sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Mạnh Trí lại dành thời
gian sáng tác mỹ thuật. Anh đã lần lượt cho ra mắt một số tác phẩm mỹ thuật: “Rừng núi hát tình ca”, “Mẹ và con”, hai tác phẩm này được Hội Văn
học Nghệ thuật tỉnh chọn trưng bày tại Trung tâm Văn hóa, nhân dịp Xuân Quý Tỵ
(2013). Nhân dịp kỷ niệm 68 năm, ngày Cách mạng Tháng Tám, Mạnh Trí đã được Chi
hội Mỹ thuật tỉnh chọn triển lãm tại Trung tâm Văn hóa Văn hóa 3 tác phẩm: “Tiếng chiêng Dam San”; “Chiêng Jhô một thời”; “Sắc sắc không không” mang đậm bản sắc văn
hóa Tây Nguyên, được giới mỹ thuật và người xem đánh giá cao. Qua những lời tâm
sự của tác giả, chúng ta có thể khẳng định rằng: Nhạc sĩ Mạnh Trí là người suốt
đời tâm huyết với hoạt động văn hóa nghệ thuật của Đắk Lắk.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét