Tác giả H'BIA PLIEEO
MỘT NGÀY THĂM BIÊN GIỚI
Ghi chép
Được nhà văn Hồng Chiến thông báo trước 2 ngày về chuyến đi biên
giới cùng với đoàn của Hội văn học - nghệ thuật tỉnh và Đội nghệ thuật Múa rối
Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh khiến tôi hân hoan chuẩn bị hành trang. Đúng 7 giờ
30 phút sáng, xe chạy ngang qua nhà đón tôi rồi thẳng tiến theo hướng Tỉnh lộ 1
đi biên giới trên quãng đường dài hơn trăm kilômét. Trên xe tính cả chú Bộ (lái
xe) thì đoàn có 7 người, mỗi mình tôi là nữ. Nhìn quanh một lượt tôi nhận ra
nhà văn Hồng Chiến (phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đăk Lăk), nhà thơ Đặng Bá Tiến
(phó Tổng biên tập tạp chí Chư Yang Sin), nhạc sĩ Sỹ Hùng nghệ sỹ nhiếp ảnh
Nguyễn Lộc, và một chàng trai mặc quân phục trung úy, sau đó một lát tôi biết đó là anh
Nguyễn Hữu Lương, công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk – người dẫn đường
của đoàn trong chuyến đi này). Chiếc xe chạy bon bon, thỉnh thoảng chú Đặng Bá
Tiến và bác Sỹ Hùng lại ngân nga lời bài hát “Làng văn nghệ quê tôi” phỏng theo
giai điệu bài “Làng quan họ quê tôi” nghe nhộn nhộn. Quãng đường nhựa lùi xa
khi chúng tôi tiến qua Vườn quốc gia, con đường đất trước mặt bụi cuốn mù mịt.
Mỗi khi có cơn gió thốc qua hay chiếc xe chạy, cả màn bụi dày đặc lại có dịp
bốc lên cao che hết tầm nhìn. Đoạn đường xấu dù không khiến tôi say xe nhưng
cũng đủ sa sẩm mặt mày. Càng tiến gần ra biên giới, trời càng nắng và nóng.
Ngồi trên xe, dù đã bật máy lạnh nhưng đôi khi tôi vẫn có cảm giác đang ngồi
trong lò hầm hơi (mặc dù mấy ngày trước đó trời Buôn Ma Thuột lạnh đến thấu
xương). Nhìn sang hai bên đường qua cửa kính ô tô và lớp bụi dày, những khoảng
rừng khộp có đoạn lá cây vẫn còn xanh tươi, đoạn khác lại vàng rực hay đỏ au,
như bừng sáng trong cái nắng ban trưa. Rừng khộp chuẩn bị vào mùa thay lá, sắc
vàng sắc đỏ của lá cây họ dầu tạo nên mảng màu xen kẽ đầy ấn tượng. Trên cái
nền vàng cỏ úa, những cây họ dầu vươn cao hướng lên nền trời xanh và trong vắt,
ánh nắng rọi thẳng đứng tạo nên khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà cũng rất nên
thơ.
Sau hơn 50 km đường rừng, đến 10 giờ 30 phút, đoàn xe đã đến sân
Đồn biên phòng Bo Heng (Đồn 747, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk). Các cán bộ
chiến sỹ và chỉ huy đồn ra đón đoàn. Vừa lúc đoàn xe của Chi hội Nghệ thuật
biểu diễn (Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk) cũng vừa tới nơi, họ tranh thủ chuẩn bị đạo
cụ, trang phục biểu diễn các tiết mục văn nghệ. Tôi có cơ hội được đi dạo quanh
trong thời gian đoàn nghỉ ngơi và chuẩn bị giao lưu. Hai năm rồi, cảnh vật ở
đây không có gì thay đổi, chỉ có cây cối là lớn thêm hơn, xanh tươi hơn (Cách
đây 2 năm tôi cũng có dịp đến thăm đơn vị trong lần cùng Hội VHNT đi chúc Tết).
Khuôn viên đơn vị sạch sẽ và mát mẻ, cây cối bao quanh tạo nên bầu không khí
trong lành, làm dịu lại cái nóng biên giới. Cái thay đổi nhất ở đây có lẽ là ở
con người. Những chiến sỹ đợt trước giờ đã ra quân, đợt huấn luyện này cũng sắp
được ra quân, cán bộ phụ trách bây giờ cũng mới được thay đổi.
Chương trình văn nghệ sôi nổi với những tiết mục múa hát của đoàn
và những tràng vỗ tay của các chiến sĩ; những nụ cười tươi, ánh mắt nhìn chăm
chú và sự cổ vũ nhiệt tình của người lính trẻ với các cô vũ công xinh đẹp trong
đoàn càng làm cho buổi giao lưu thêm hào hứng. Chú Đặng Bá Tiến còn đọc bài thơ
tự sáng tác với những tứ thơ và hình ảnh, cách ví von mới lạ khiến bầu không
khí lắng đọng lại những tình cảm sâu lắng. Chỉ hơi tiếc vì đoàn đến nơi khá
trưa và chiều còn phải về giao lưu tại Tiểu đoàn 19 nên chương trình văn nghệ
không kéo dài được lâu hơn.
Sau thời gian ăn trưa và nghỉ ngơi, đoàn phải chia tay cán bộ và
chiến sỹ của Đồn để kịp trở ra giao lưu tại Tiểu đoàn 19 - đơn vị huấn luyện Bộ
đội biên phòng. Hơn 2 giờ chiều, xe lăn bánh rời Bo Heng, trở lại đoạn đường
rừng khộp ban sáng. Lúc sáng đi còn vội vàng để kịp tới nơi đúng giờ hẹn nên xe
không có thời gian dừng lại cho các nghệ sỹ nhiếp ảnh tác nghiệp. Đoạn về là
thời gian lý tưởng nhất cho thao tác lưu lại những khoảnh khắc trong rừng khộp.
Trong ánh nắng xiên nghiêng ban chiều, rừng khộp rực vàng một cách đầy lãng mạn
trong những khuôn hình chuyên nghiệp của các nghệ sỹ. Tôi và anh Lương có dịp
trở thành “người mẫu” giữa cảnh “rừng thu vàng” của trời Châu Âu dù rằng đang
đứng giữa rừng khộp độ vào xuân của cao nguyên Đắk Lắk. Tầm ngắm ống kính của
các nghệ sĩ còn kịp thu lại cảnh một đàn cò đang đậu lơ đãng trên ngọn cây khô
lừng lững như ai đó cố tình dựng nên giữa rừng bất chợt bay lên bởi tiếng động
lạ gần đó.
Hơn 50 km đường rừng lùi xa, xe trở lại với con đường nhựa láng
cóng, rẽ hướng vào Tiểu đoàn 19 khi kim đồng hồ chỉ sang con số 4 giờ chiều.
Còn nhớ hồi tôi học cấp 2, Tiểu đoàn 19 (tên gọi khi ấy là Đại đội C19) là đơn
vị kết nghĩa với trường tôi, khi đó tôi đã có dịp được đến đây giao lưu. Nhưng
bây giờ vô thăm lại, mọi thứ trở nên lạ lẫm quá. Có lẽ hồi đó còn nhỏ nên tôi
không nhớ, hoặc cũng có thể bây giờ nơi đây đã thay đổi đi nhiều, tôi cũng
không rõ nữa.
Cũng như ban sáng, buổi chiều tối trước giờ diễn là lúc các nghệ sỹ
của đoàn ca múa tất bật chuẩn bị sân khấu, đạo cụ, trang phục và các tiết mục
văn nghệ. Đến 7 giờ tối thì chương trình giao lưu văn nghệ bắt đầu. Vì Tiểu
đoàn 19 đóng quân trên địa bàn khu dân cư (Buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn
Đôn) nên chương trình giao lưu tối nay khán giả không chỉ có các chiến sỹ của
Tiểu đoàn mà còn có cả những người dân gần đó cũng đến khá đông để theo dõi
chương trình văn nghệ. Có em bé còn đi hái cả hoa dại về để tặng các ca sỹ và
chiến sỹ lên biểu diễn. Đó thực sự là những hình ảnh dễ thương và đáng quý
trong một hoàn cảnh như vậy. Cũng nhờ vậy mà tôi được thưởng thức nhiều tiết
mục đặc sắc và rất đậm chất “lính trẻ” do các chiến sỹ thể hiện. Có chiến sỹ
tên RôZa biểu diễn tiết mục “Bip Bop” thật ấn tượng. Màn biểu diễn của anh
không chỉ khiến khán giả chăm chú theo dõi mà còn phải hồi hộp thở ngắt quãng
theo nhịp điệu tiết tấu mà anh tạo ra. Tiếng vỗ tay rộn rã của khán giả khiến
cho không khí càng thêm sôi động. Trời về khuya, các chiến sỹ phải tập trung
theo quy định về giờ giấc của đơn vị, những người dân quanh đó ra về một cách
đầy lưu luyến khi chương trình kết thúc. Chúng tôi cũng chuẩn bị ra về.
Chuyến đi khép lại sau quãng đường nhựa gần 50
km xe chạy trong đêm. Tạm biệt mọi người trên xe, tôi xuống xe và nhảy chân sáo
bước vào nhà. Đêm ấy, cả trong giấc mơ tôi vẫn còn thấy những nụ cười, những
ánh mắt vui tươi của cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Và tôi hiểu Tổ quốc ở nơi
đường biên sẽ luôn luôn bình yên bởi sức trẻ và sự lạc quan, yêu đời ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét