Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

SỐ 261 - tác giả PHẠM TÚ ANH



Lời trên phiến đá

Có chiếc áo không cúc phơi trên phiến đá
Vào một chiều trở đông
Con suối chảy cạn mùa nước bạc
Nàng thả tuổi mình trôi phía mưa giông

Có tiếng trẻ khóc nhú mầm trên phiến đá
Ngày thu lồng sắc cỏ xanh trời
Nàng thôi giận những sợi mưa luống tuổi
Ngả ngớn trên cây cầu đơn côi

Có lời hẹn rêu trên phiến đá
Bạc phếch những mùa hoa lau
Nàng vẫn chải tóc bên vũng nước nhỏ
Chờ ngày suối lũ tràn qua nhau

Có cơn mưa vẽ mình trên phiến đá
Ngày nàng ngủ quên mùa
Thu phơi nước mắt lên câu hẹn
Phiến đá vùi mình ngủ với lời ru.



Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

SỐ 262 - tác giả NGUYÊN HƯƠNG




VỌNG
Truyện ngắn


Cái dĩa này đựng bánh kẹo, cái dĩa kia đựng tờ giấy màu vàng ghi tên tuổi địa chỉ của người mẹ, đôi khi còn có tên của người cha.
Bắt đầu từ người tình của trùm gỗ.
Dân làm gỗ lậu qua lại kéo theo dân làm than và mót củi và quán xá và gái gú… dần thì thành Xóm Mé Rừng.
Vườn thuốc nam của thầy Thung trở thành nơi mấy bà tới hỏi xin các loại rau gia vị, dần rồi thì khi các tay cưa gỗ thuê gặp thầy Thung cười hà hà hà hỏi có bán thuốc tể dâm dương hoắc không nuốt ực vài viên cho nhanh, đợi ngâm rượu lâu quá.
Chiều hôm đó, một trùm gỗ ghé thầy Thung hỏi có thuốc chữa bệnh điên không?
Hôm sau, trùm gỗ đưa bệnh nhân tới.
Nếu không nghe nói trước thì khó tin đây là bệnh nhân. Rất trẻ, có khuôn mặt thiên thần, vóc dáng thiên thần. Từ cổng đi ngang qua vườn thuốc, thiên thần dựa người vào vai trùm gỗ, yểu điệu thục nữ váy áo trắng tinh khiết tóc xõa nhẹ bờ vai. Vừa bước chân qua ngưỡng cửa phòng khám, thiên thần đột ngột thụp xuống nhoài người ra nền nhà rồi co chân trong tư thế bò.
Thiên thần vừa bò quanh vừa cười khanh khách như một thằng nhóc đang chơi trò phi ngựa, váy áo trắng quện bụi lấm lem.
Thiên thần bò tới chân thầy Thung thì đứng phắt dậy rồi khom lưng xuống, nũng nịu: “Chơi với đi, chơi một mình chán lắm. Cõng đi… cõng đi…”.
Tay trùm gỗ trợn trừng nhìn cảnh tượng trước mặt, rồi nhìn cái tủ dựa tường đầy những cái hộc dán nhãn tên thuốc, phập phù hy vọng và cũng là chẳng hy vọng gì nữa, cùng đường vái tứ phương thôi, nghe mấy mụ chủ quán lều lán kể giữa rừng rú ăn nói bậy bạ bị méo miệng tới thầy Thung châm cứu vài phát là khỏi.
Không cần mở hộc thuốc nào cả cũng chẳng bắt mạch, thầy Thung nói khẽ với tay trùm gỗ: “Ông đi mua ít bánh kẹo”.
Trùm gỗ không ngạc nhiên. Từ ngày đưa người tình yêu kiều đi tứ phương tìm thầy tìm thuốc đã từng nghe những yêu cầu từ kỳ cục tới quái dị.
Không quán nào lều lán nào phục vụ thượng đế lâm tặc mà có bánh kẹo, trùm gỗ sai đàn em chạy ra chợ huyện cách đó sáu mươi cây số để mua. Sai vác rựa đi hăm dọa chém nhau là chuyện thường, sai đi mua bánh kẹo thì buồn cười quá. Chính vì chuyến đi mua bánh kẹo này nên thiên hạ mới biết rõ.
Thầy Thung hỏi tên tuổi địa chỉ của trùm và của thiên thần. Phải là tên tuổi đúng trong khai sinh chứ không phải biệt danh giang hồ phong tặng, không phải tên mà mỗi lần làm giấy tờ mỗi khác đi.
Cuộc đời khôi hài, đã là người bằng xương bằng thịt sờ sờ đây, mà khai tên tuổi địa chỉ lại dè dặt. Thầy Thung nói khẽ “Rồi đốt thành tro bụi mà”.
Chưa bao giờ nghe kinh cho nên trùm gỗ không biết đó là kinh cầu siêu, chỉ nghe được đoạn “…cho con của cha và mẹ là…” rồi lơ mơ nhìn ba cây nhang cắm trong lư mà khói bay vòng vèo từ dĩa bánh kẹo qua cái dĩa đựng tờ giấy ghi tên tuổi rồi bay về phía thiên thần rồi sà tới chờn vờn trước mũi mình.
Thiên thần thôi không bò quanh nữa mà nghểnh đầu lên nhìn chăm chăm vào dĩa bánh kẹo, miệng nhai nhóp nhép mút tay ngon lành.
Nhang tàn, tờ giấy được đốt cháy thành tro.
Cô gái giật mình như vừa nhận một cú vỗ vai, mắt tròn to đen chớp chớp ngơ ngác nhìn quanh. Khỏi bệnh.
*
Xôn xao lan khắp rừng.
Tiếp theo là các cô chủ quán lều lán, chưa xảy ra trò bò quanh chơi trò ngựa phi và đòi cõng nhưng các cô sợ quá vội vàng đi cúng trước để tin là đã yên. Người tình của trùm gỗ vừa từ giã đời sinh viên mới tập tò chốn đại gia, mới nạo thai một lần thôi, còn họ, từ thời lên voi cho tới lúc xuống tới mé rừng này, biết bao lần.
Người ta nói quanh nhà thầy Thung lúc nào cũng vang tiếng khóc khóc cười cười của con nít, không phải đứa bé nào cũng dễ dàng tha thứ ngay.
Một khuya, thầy Thung bị đánh thức. Tốp thợ khiêng vô nhà thầy Thung tay bảo kê quán của cô chủ đẹp nhất rừng. Tay bảo kê che mắt khóc ngằn ngặt như con nít bị mắc hơi. Cô chủ quán đẹp nhất rừng xanh tái mặt mày khai mình rất cẩn thận, có đặt vòng tránh, chưa bao giờ phải nạo phá.
Lần đầu tiên tờ giấy chỉ ghi tên cha mà không có tên mẹ. Lần đầu tiên dĩa bánh kẹo trên bàn thờ bị ruồi bu. Hay là bé chỉ mới tuổi uống sữa thôi? Một người tất tả chở cô chủ về quán trong rừng lấy sữa tươi mà cô để dành uống dưỡng da. Không. Tay bảo kê khóc to hơn, tiếng khóc nhõng nhẽo nghe như tiếng mèo hoang. Lại hộc tốc phóng xe ra chợ huyện để mua sữa bột.
Pha ly sữa bột đặt lên bàn thờ thì tay bảo kê nín khóc, thiếp đi. Tốp thợ rừng bất đắc dĩ phải dự lễ cầu siêu nửa đêm đó đồng loạt khuỵu chân quỳ gối thề từ nay ăn chay. Thầy Thung tụng kinh xong, đốt tờ giấy thành tro thì tay bảo kê giật mình dụi mắt nhìn quanh như vừa sau giấc ngủ mê.
*
Dân phố tìm tới.
Lý do của dân phố nghe chừng như có lý hơn, không phải chuyện trai gái. Người thì mình đang phấn đấu mà lỡ kế hoạch. Người thì chồng vì đang phấn đấu mà lỡ kế hoạch. Người thì vì mẹ chồng bắt phải cố có đứa cháu trai cho nên siêu âm biết con gái đành bỏ. Người vì sức khỏe, bác sĩ thông báo phải chọn lựa hoặc là mẹ hoặc là con…
Lời đồn về vụ nửa đêm chạy đi mua sữa bột khiến ai nấy phòng xa, ngoài bánh kẹo và sữa họ đem theo sẵn bột ngũ cốc, rồi cả đồ chơi lúc lắc búp bê mèo chó gà khỉ bằng nhựa và bằng bông, bong bóng và chong chóng… Có người đếm ngày tháng, từ khi đó cho tới lúc này, nếu được sinh ra thì bé đã chín tháng rồi, họ bèn mua theo một chiếc xe tập đi, người khác nảy ra ý đem tới cái máy bay bốn bánh với lý do tương tự…
Lễ xong, người đi, đồ vật để lại.
Đêm, nhà thầy Thung biến thành nhà trẻ. Chó mèo gấu khỉ lúc lắc búp bê xe đạp máy bay bong bóng chong chóng… tất cả nhảy múa tưng bừng rộn ràng rồi cũng như bất kỳ lũ con nít nào, chơi một hồi thì sinh chuyện khóc lóc, chúng kéo nhau đánh thức thầy Thung dậy để kiện tụng. Cuộc chơi phải chấm dứt mà bọn trẻ không biết chính mình kết thúc cuộc chơi ngay khi thầy Thung thò ngón tay bật sáng ngọn đèn.
Tài xế chở gỗ lậu đi đêm quen dần, khỏi cần nhìn đồng hồ, cứ khi nhà thầy Thung lóe sáng rồi chớp nháy liên tục thì nổ máy, bắt đầu chạy ra khỏi rừng là vừa.
Mấy bà vẫn chạy qua vườn xin rau gia vị nhưng các tay cưa thì không dám cợt nhả về thuốc tể dâm dương hoắc nữa.
*
Sổ mũi nhức đầu mỏi cổ sưng gân… sau khi được bắt mạch cho thuốc xong họ túm tụm đứng lại nhìn qua cửa sổ tò mò nhìn vô.
Hôm nay, người vợ trạc năm mươi, người chồng cũng khoảng đó.
Người vợ lấy trong túi xách ra gói chuối khô, giọng nhỏ nhẹ:
-  Chuối nhà trồng và tự tay tôi sấy. Là tôi muốn cháu hiểu tôi muốn tự tay  làm quà cho cháu. Vợ chồng tôi ở xa, tới đây chỉ vì việc này thôi. Mong thầy giúp.
-  Cháu quấy phá bà ra sao? - Thầy Thung hỏi.
-  Không – Người vợ rớm nước mắt – Chỉ là tôi muốn chắc chắn con tôi được siêu thoát. Nó đậu thai tủi nhục mà chết tức tưởi…
Người chồng quay mặt đi.
Thầy Thung im lặng chờ đợi.
Người chồng rút khăn mùi xoa đưa cho vợ lau nước mắt:
-  Xin lỗi làm mất thời gian của thầy.
-  Không sao.
Như thường lệ, thầy Thung đưa ra cái dĩa để bày quà cúng là chuối khô và tờ giấy màu vàng để ghi tên tuổi địa chỉ của cha và mẹ.
Người vợ viết, rồi ngừng, bối rối:
-  Nếu không có tên cha thì…
-  Cực chẳng đã không biết cha nó là ai thì đành là không có. Con nít hay giận hờn lắm, có đứa giận dai đến nỗi không chịu siêu thoát ngay. Ông bà đã từ xa xôi về đây thì hãy cố gắng hoàn tất.
-  Vì tôi … hồi đó tôi bị hãm hiếp… - Người vợ nói nhanh.
Người chồng nhìn đăm đăm tờ giấy màu vàng trong tay vợ:
- Em cứ viết tên anh đi.
Người vợ cúi xuống, viết.
Người chồng nhìn thầy Thung:
 - Tình thật thì chính tôi quyết định hủy cái thai vì ghê sợ... Tôi sợ di truyền...  lỡ mai mốt lớn lên nó cũng giống...
Ba cây nhang trong tay thầy Thung châm lửa mấy lần mà cứ tắt ngúm, khói khen khét.
Nuốt khan, rồi người chồng nói tiếp:
-  Hơn hai chục năm nay vợ chồng tôi cầu cúng khắp nơi. Tôi cứ tự hỏi hay đó chính là con của tôi? Thầy, nó là con của tôi thì mới ám ảnh được tôi, phải không thầy?
Thầy Thung bật quẹt, lần này thì ba nén nhang cháy phừng phực khiến thầy phải rảy mạnh cho lửa ngọn tắt đi. Rồi thầy cắm nhang vô lư.
Buổi lễ bắt đầu. Khói nhang bay vòng vèo từ dĩa đựng chuối khô qua tờ giấy ghi tên tuổi địa chỉ rồi bay về cuộn tròn quanh những ngón tay thầy Thung đang bấm đốt.
Tiếng gió đập vườn chuối kêu phành phạch và tiếng lá chuối rách toạc... tiếng kêu cứu bị bịt miệng rồi âm thanh của cái tát... tiếng thét đau đớn kinh hoàng…
Cái áo choàng thầy Thung đang mặc bay phần phật rồi cuốn thầy lại như chính thầy đang vật lộn giữa vườn chuối.
Giọng nói giận dữ tuôn ra từ miệng thầy Thung:
-  Tôi tìm ông từ bấy nay. Tôi đã thề là ông cũng sẽ bị hãm hiếp bằng cách tàn bạo nhất...
Thầy Thung đập đầu xuống nền nhà côm cốp. Người chồng luống cuống chìa bàn tay mình ra để hứng cái đầu của thầy Thung nhưng tiếng ồn ào ngoài cửa sổ khiến ông sợ hãi thụt tay về vì sợ mình làm điều thất thố. Còn người vợ thì sợ hãi co rúm người lại.
Thầy Thung tiếp tục nện đầu xuống nền, máu trào ra tai.
Những người đang đứng ở cửa sổ qua nỗi sửng sốt ban đầu, nhao nhao:
-  Đốt tờ giấy… đốt tờ giấy là hết…
Người chồng không hiểu, ông lo lắng nhìn vợ rồi nhìn quanh.
Giọng nói từ miệng thầy Thung điên giận:
-  Đâu dễ chết vậy. Tôi bị nhồi trong bụng mẹ, tôi ngộp giữa tanh tưởi của thứ thuốc phá thai mà mẹ không thể nuốt hết liều. Tôi hấp hối từng cơn, tôi không được chết ngay như ông đang mong muốn cho ông đâu. Khi sợ thứ thuốc phá thai đó tàn phá luôn sự sống của mẹ, người ta đổ sữa vào miệng mẹ để cứu mẹ, mẹ nôn ra, đổ vào, nôn ra. Tôi tiếp tục hấp hối trong cơn thèm thuồng mùi vị từ lưỡi mẹ bay xuống. Rồi người ta bàn bạc một cách khác, cách nào đó để mẹ không bị đuối quá. Ồ, khi ông phải lắng nghe người ta bàn cách giết mình như thế nào…
Cả hai vợ chồng “hự” lên một tiếng. Người vợ bưng mặt.
-  Cho tới khi… người ta thọc muỗng vào… cái muỗng xắn tôi từng chút, cạo từng chút… tôi chết từng chút một... - Giọng nói thét lên – Ông phải nếm mùi tùng xẻo…
      Thầy Thung chồm tới cái bàn xắt thuốc, giựt mạnh con dao dài được gắn vào bàn bằng ốc vít khiến người chồng vội thụp người để né con ốc bắn tới mặt mình như một viên đạn.
Thầy Thung cầm dao trong tư thế thọc vô cổ mình.
-  Đốt tờ giấy… đốt tờ giấy… đốt tờ giấy… Nhanh lên… – Người ngoài cửa sổ gào lên nhao nhao chỉ trỏ.
Người chồng luống cuống nhìn theo hướng những ngón tay, là tờ giấy màu vàng đặt gần dĩa chuối khô trên bàn thờ, ông chụp cái hộp quẹt…
Tờ giấy không chịu bốc cháy mà oằn oại như mẩu cao su.
Người ngoài cửa sổ lặng phắc vì sự lạ. Bỗng ai đó gào to:
-  Hiểu rồi. Hiểu rồi. Viết tên Thung vô đó.
Người chồng há hốc miệng. Ông vội ôm chặt lấy thân hình vợ đang run bần bật. Nãy giờ ông tưởng quanh cảnh kinh hoàng này là chuyện đương nhiên của buổi lễ cúng vong. Ông đờ người nhìn con dao trong tay thầy Thung đang rạch nát cái áo choàng, từng mảnh vải toạc ra rụng xuống như lột vỏ một trái chuối chín nẫu. Hiện hình xăm đầu lâu trước ngực thầy Thung…
Sự ồn ào ngoài cửa sổ là không thể tả.
Con dao tiếp tục quành ra sau lưng thầy Thung...
Người ngoài cửa sổ gào lên:
-  Viết tên Thung ở cột tên cha… Viết tên Thung ở cột tên cha…
Người đàn ông vội chụp cây bút ngoáy tên Thung vào tờ giấy, thật khó khăn vì tờ giấy đang nóng bỏng và nó co duỗi quyết liệt.
Lưng áo thầy Thung tiếp tục bị rạch nát, vải tưa ra như xơ mướp lộ hình xăm đôi cánh đại bàng. Rồi con dao quay ngược về khuôn mặt, lưỡi dao chạm vào chóp mũi…
-  Không… Đừng… Con ơi… -  Người vợ chắp tay thều thào.
Tên Thung đã nguệch ngoạc đủ nét trong tờ giấy, tay người chồng phồng rộp, mồ hôi tuôn ròng ròng, ông bật quẹt…
Tàn tro bay.
Thầy Thung nằm vật xuống nền, con dao văng tới chân tường vang tiếng “khộc”. Thầy Thung thở khò khò như ngáy, vết thương ở chóp mũi chảy máu ròng ròng.
*
Thầy Thung bỏ đi.
Tài xế xe gỗ lậu nói bọn nhỏ cũng đi theo thầy Thung hết rồi, bằng cớ là những chuyến xe đêm tài xế thấy nhà thầy Thung im lìm và tối om như những nhà khác. Mặc dù quả quyết vậy nhưng nếu có ai đó thách “vô đó hái vài cọng tía tô giùm cái coi” thì tài xế rụt vai cười hì hì rồi lảng đi.





Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

SỐ 262 - tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN

Tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN



BAY VỀ PHÍA BIỂN

Truyện ngắn


Không có dù, tôi vẫn quyết định nhảy.
Quanh quẩn trên đây, chán lắm rồi.
Tôi chưa kịp kể rằng, chúng tôi bị lạc trên đây đã lâu.
Trên đây là trên đâu, đừng hỏi kỹ, hãy cứ biết thế đã…
Tôi đã nói nhiều lần, chúng tôi không hề có lựa chọn nào, không được mặc cả.
Cha tôi tham gia một trò chơi mạo hiểm và đã lạc đến nơi này.
Sinh tôi ra rồi cha vứt cho mẹ, đi vào rừng đào củ mài cho cả gia đình. Củ mài chính là chứng nhân trung thực của lịch sử. Cha nói: Tụi tao từng làm nên lịch sử! Tôi chưa biết lịch sử là gì, bò lê trong lấm lem bùn đất, trong đói khát não nề. Mẹ thì không nói gì, nhưng tôi nghĩ, bầu vú của mẹ mới thực sự làm nên lịch sử…
Với tôi, vú là thứ cực kỳ xa xỉ. Bỏ bú từ khi chưa biết nhớ vì mẹ không có sữa. Đến giờ, tôi hoàn toàn không còn hình dung được sữa mẹ mùi gì. Chúng tôi lớn lên bằng mùi ngai ngái của củ mài, mùi hăng hăng của củ sắn và chua chua của củ khoai, củ chuối.
Thế rồi, chúng tôi lớn lên. Cuộc sống của chúng tôi quẩn quanh không lối thoát. Cha bực bội: Kiếp trước mình là trâu ngựa. Mẹ vẫn không nói gì, lắc lư bầu vú lép kẹp. Chúng tôi đều đặn viết những dòng chữ vào những chiếc lá khô và thả xuống suối. Những dòng chữ ghi ao ước cháy bỏng của chúng tôi miệt mài ra đi không trở lại. Cha vẫn cặm cụi đi đào củ mài. Chúng tôi sống trong đợi chờ mòn mỏi.
Rồi, không thể chờ hơn được nữa, tôi quyết định nhảy xuống, mặc dù, dưới kia mênh mông và đầy bất trắc…
Tôi rủ bạn tôi cắt dây rừng và lá cây làm dù. Nhưng không đứa nào dám. Tôi làm một mình. Nhưng chiếc dù bằng lá vừa làm xong thì một trận gió vô tình ngang qua cuốn đi mất. Tôi ngồi ngẩn ngơ suốt một ngày. Hình như, trò chơi mạo hiểm mà cha từng tham gia ngày trước, đến giờ vẫn chưa kết thúc. Chúng vẫn còn tiếp diễn đâu đó quanh đây mà tôi không nhìn thấy. Bằng chứng là chiếc dù của tôi đã bay đi như một âm mưu đầy toan tính, sắp đặt.
Thôi thì lòng đã quyết, không cần đến dù, tôi vẫn sẽ nhảy xuống. Con chim, con bướm, chúng có cần dù đâu, tại sao tôi lại nhất thiết phải có dù mới nhảy, mới bay? Nửa đêm, chờ cho mọi người ngủ hết, tôi một mình ra khỏi nhà, cởi hết áo quần, chuẩn bị nhảy xuống…
Ngọn gió ngang tàng ghé ngang qua, ngạc nhiên dừng lại khuyên nhủ: Thôi, đừng, nữa… Đám mây từ xó xỉnh nào bay ngang qua, ngạc nhiên dừng lại khuyên can: Thôi, nữa, đừng… Tiếng gà khuya khoắt tình cờ đi ngang qua cũng dừng lại, khuyên: Thôi… Ô hay, tôi với các người, vốn xa lạ, can cớ gì lại ghé vào đây nói những lời nhân nghĩa! Thấy tôi vẫn chưa nguôi quyết tâm nhảy xuống, gió quạt mát cho tôi, mây lau mặt cho tôi, tiếng gà cù vào nách tôi… Chúng muốn tôi bớt buồn, bớt tủi, muốn tôi thay đổi ý định điên rồ. Nhưng không kịp nữa rồi, tôi đã quyết, quanh quẩn trên đây, chán lắm rồi!
Tôi chọn một mỏm đá nhô hẳn ra ngoài, đứng lên, lấy đà. Đúng lúc tôi nhào ra ngoài tảng đá thì hai bầu vú teo tóp nhăn nheo của mẹ xuất hiện, bất ngờ, rạng rỡ, như hai vệt sao băng. Không hề nghĩ ngợi được điều gì nữa, tôi đưa hai tay ra, ôm chặt hai ánh sao thân thương trước mặt, và bay…
Tôi đã định nhảy xuống cho tan xác, không ngờ, vào thời khắc cuối cùng, cứu tinh xuất hiện. Giờ thì tôi bay như trong một giấc mơ. Dưới kia là đá dựng thành, dựng vách nhọn như dao. Cây dựng thẳng dựng nghiêng, như kiếm. Núi đồi vắt ngang, vắt dọc, như chông. Nếu buông tay ra, tôi sẽ là những mảnh vụn đỏ lòm. Bây giờ, tôi mới để ý, dù vú không còn sữa, thì vẫn cứ rất thơm. Mẹ đã suốt đời lặng lẽ bên tôi, đứng ngoài mọi cuộc chơi của chúng tôi. Nhưng khi cần, mẹ sẵn sàng lao vào trợ giúp, bằng cách xé thịt da mình ra mà cứu vớt chúng tôi.
Ngọn gió đêm nay rất mạnh, như thể sắp sửa sang hè. Tôi sẽ bay đi, từ mùa xuân dịu mát đến mùa hè cháy bỏng, từ mùa thu heo may sang mùa đông lạnh giá. Với bảo vật trong tay, tôi nào biết sợ là gì.
Tất nhiên rồi, tôi đã được tiếp thêm sức mạnh!
Bất ngờ tôi thấy, bên cạnh, cũng có những người đang bay. Những đường bay mờ mịt, rối bời. Trong tay họ, chắc chắn cũng có những bảo vật, nếu không chắc chắn họ đã rơi rồi. Mà đúng thế, thỉnh thoảng, vẫn có người rơi. Ấy là khi họ không còn đủ sức níu giữ những thân thương gần gũi về phía mình. Tiếng rơi âm thầm như là tiếng khóc.
Tôi hỏi hai vì tinh tú trước mắt: Bây giờ thì con sẽ đi về phía…? Tinh tú nheo mắt chân chim, cười như tỏa nắng rạng ngời: Tùy… Đó chính là lời của mẹ, không lẫn đi đâu được, nhỏ nhẹ, ít ỏi nhưng không bao giờ thiếu tình, thiếu ý. Giọng hơi trầm, pha phất u hoài, nhưng lại thấm rất lâu. Tôi xiết mạnh tay, đạp mạnh chân, bắt đầu đổi hướng, về phía biển cả mênh mông…
Chân trời trong xanh như một tờ giấy học trò, tỏ ý nghi ngờ: Anh sẽ bay về…? Tôi cả quyết: Tất nhiên, sẽ… Tôi hiểu sự hoài nghi của tờ giấy trắng tuổi học trò rồi. Khi chúng tôi lớn lên, bầu vú mẹ đã không còn quan trọng nữa, đúng không? Vậy nên, tất cả mọi người, kể cả tôi, theo bản năng, vẫn đi tìm một bầu vú khác, một dòng sữa khác, một tình yêu khác, một chân trời khác. Nhưng rồi, hầu như, tất cả đều thất vọng, đúng không? Vì sao vậy?
Tôi không đủ tỉnh táo để trả lời nữa. Tôi hỏi những người đang bay bên cạnh: Vì sao…? Nhưng không ai thèm trả lời. Mỗi người, với một bầu tinh tú nở hoa trước mắt, đang bay. Tôi nghĩ, mọi sự giải thích cặn kẽ bây giờ, đều là giả dối. Nếu suy nghĩ thật lâu để tìm câu trả lời đích đáng, biết đâu rồi, tôi sẽ buông tay, sẽ rơi, sẽ vụn, sẽ tan ra làm muôn ngàn mảnh…
Mà tôi, vốn còn yêu lắm cuộc đời này!
Tôi vẫn bay cùng với những vì sao rạng ngời trước mặt. Bay về phía biển mênh mông. Tiếng mẹ thủ thỉ bên cạnh: Biển như là một nỗi đau ngày ta sinh nở… Tai tôi ù ù như xay lúa. Dưới xa kia, đã bắt đầu thấy biển mù khơi. Những dáng hình còm cõi màu xám lặng lẽ di chuyển. Không biết đó là những chú dã tràng bất hạnh hay là những ngư dân đang ngày đêm bám biển? Những chiếc thuyền nhỏ như lá tre đang rạch sóng trôi đi, để lại phía sau, những vệt sóng đỏ ngầu, như lá cờ, hay như máu trong mưa…
Tiếng nức nở ở đâu đây, gần lắm. Là tiếng dã tràng, hay tiếng của mẹ, hay tiếng của tôi? Dưới kia, những chiếc thuyền lá tre lượn lờ, xé dọc xé ngang như dàn quân tập trận. Tiếng nức nở càng nhiều hơn. Tôi ao ước, giá như ai đó, đừng khóc, mà hãy cười lên thì hay biết mấy. Tôi hét to: Hay là cứ cười lên! Không ai cười hết. Chỉ có tiếng sóng gầm gào như vỡ trận. Bọn chim gì đó hét toáng lên đinh tai nhức óc. Mệt nhoài, đau đớn. Tôi nói, mẹ ơi, con… Mẹ không trả lời. Hai vệt sao chổi hình như cũng vừa đổi sang màu đỏ úa, và không đủ sức vươn cao nữa. Tôi nghĩ, có lẽ…
Và tôi buông tay ra, rơi xuống, giữa muôn trùng sóng dữ, muôn trùng tiếng hò la vang dội, và những chiếc thuyền, những vệt máu, xé nát biển dưới chân.






Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

SỐ 262 - tác giả VŨ DY



Đường biên



Bên kia đường biên tay em
xanh rớt ngày cơn bệnh
những lông tơ run lên

Thức dậy như loài sâu
trên thảm lá lỗ chỗ vết cắn
bữa tiệc thời gian mặt người
thừa mứa

Bên kia đường biên ngày mưa
loài tứ diện lan tươi màu
cuối đông tôi
giọt giọt môi em

Bên kia không cùng
là hư ảo
tháng năm cứ mù khơi
bầy thiên di mù biệt
trên đỉnh thê hà lê thê mắt em
đầy chân trời
quê xứ

Bên kia là cận cảnh
bắt đầu những giả vờ phố thị
sự mù màu lặp lại
khép và mở từng góc cắt ngoạn mục

Phía bất ổn của rừng
những gió chết từng reo
qua vòm xanh xưa biến mất
dưới hốc muồng già trăm năm sét đánh
nứt toác một thế giới
mưa sâu xanh
trên diện tích trống không

kết thúc một bắt đầu
những khoảng nhòe không còn biên giới
chết đi để bắt đầu
trong lớp lớp hồi sinh.

15.01.2010


Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

SỐ 262 - tác giả VĂN THẢNH

Tác giả VĂN THẢNH


GIEO LÚA VÀ TRỒNG RỪNG Ở ĐẮK LẮK



Hồi còn ở ven cánh đồng chiêm trũng ngoài quê, không hiểu sao tôi cứ hình dung về ĐắkLắk một địa phương có mênh mông những rừng già, đồi dốc, suối sâu… ai dè, đến khi đã là công dân của xứ sở “bạt ngàn cà phê, bạt ngàn cao su, cao nguyên lộng gió…”, tôi mới té ngửa ra rằng, ĐắkLắk còn có rất nhiều những cánh đồng lúa nước bao la bát ngát không kém cạnh những đồng lúa “thẳng cánh cò bay” của Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa… Đó là cánh đồng Buôn Trấp xanh tít tắp xanh và bây giờ vẫn vậy. Cánh đồng ấy cùng với một số nơi trong tỉnh từng đã được đón cố Phó thủ tướng – nhà thơ Tố Hữu vào thăm. Hoặc như các cánh đồng lúa nước Ea Lê, Ea Rok (huyện Ea Súp), Khuê Ngọc Điền, Ea Trul, Hòa Lễ (huyện Krông Bông), cánh đồng Ea Yiêng, 719 (huyện Krông Pắk), Hòa Khánh, Hòa Phú (Tp.Buôn Ma Thuột) và hiện hữu là cánh đồng lúa nước Buôn Triết kéo dài suốt từ bờ tây Hồ Lắk đến tận chân Dốc Muỗi xa xôi – nơi bà con kinh tế mới Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) đang sống quây quần. Ở những nơi ấy, tôi đã cùng mọi người xuống đồng đắp bờ cuốc góc, làm cỏ lúa bằng tay hoặc cắt lúa bằng liềm để tránh lũ… Tôi cũng từng độn rơm rạ ngồi đầu bờ ruộng giải lao, ăn cơm với cá trắng, cá đen đánh bắt từ sông Krông Ana, sông Krông Pắc… Khi ấy, tôi chẳng khác mấy nếu không muốn nói là in hệt những nông dân “chân đất mắt ướt” từ Thái Bình, Thanh Hóa, từ Nam – Ngãi – Bình – Phú lên Đắk Lắk lập nghiệp từ cây lúa vậy!
Tôi còn nhớ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk sau giải phóng: Tướng Trần Kiên, ông chính là tác giả và là tổng chỉ huy triển khai Công trường lúa nước Buôn Triết (cách thành phố Buôn Ma Thuột hiện nay 60km). Ông từng là nhân vật đặc biệt mà cán bộ và dân chúng Đắk Lắk lẩy vè theo bài thơ của nhà thơ lính Trường Sơn thời chống Mỹ: Nằm ngửa thấy Trần Kiên/ Nằm nghiêng thấy Buôn Triết/ Nôn nao ngồi dậy thấy Buôn Ngồ (tức Ngô) đoạn đầu nối ống dẫn nước thủy lợi lớn nhất Tây nguyên lúc ấy). Về sau tướng Trần Kiên ra Hà Nội giữ chức Trưởng Ban kiểm tra trung ương rồi nghỉ hưu và mất vì già cả. Nghe tin ông mất, dư luận ở Buôn Ma Thuột ồn ào, xao động ít bữa. Tôi cảm thấy buồn vì từ khi ông rời Đắk Lắk thì dường như công trường lúa nước Buôn Triết cũng teo tóp dần đi. Những cánh đồng lúa nước còn lại bây giờ vẫn đang xanh tốt mỡ màu, vẫn làm ra “hạt thóc vàng” nhưng cũng chỉ đủ “sàng sảy” để nuôi người Đắk Lắk mà thôi. Lại buồn thêm khi nghĩ thế hệ con cháu tôi ở Đắk Lắk bây giờ (và có khi cả mai sau nữa) chúng không còn biết – và cũng không cần biết tướng Trần Kiên là ai và tác giả của cánh đồng lúa nước Buôn Triết. Mai mốt, rất có thể có người lục tìm nghiên cứu về lịch sử xây dựng và phát triển Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, chắc là sẽ đọc đôi dòng về tướng Trần Kiên. Còn gặp địa danh Buôn Triết, có chăng cũng từ Atlast hoặc câu: Buôn Triết là dấu vết bảo thủ của thời bao cấp!... Tôi càng buồn khi một bạn văn đi huyện xa về nói: Buôn căn cứ cũ Đắk Tuar ở vùng lúa Khuê Ngọc Điền bây giờ đói vẫn hoàn nghèo! Anh tặng tôi cuốn tiểu thuyết dày 600 trang vừa in xong. Tôi đọc rồi nói: Cuốn tiểu thuyết “Từ sông Krông Bông” của anh nó chẳng êm đềm chút nào. Ngoài bạn bè ra thì có mấy ai đọc sách anh?! Vùng căn cứ kháng chiến cũ Khuê Ngọc Điền, giờ đầy lúa nước mà người ta còn không đọc, nói gì đến buôn Đắk Tuar? Như thế cũng có nghĩa là những năm tháng mà cán bộ, bộ đội và nhân dân các dân tộc Đắk Lắk kháng chiến đầy gian khổ, hi sinh… đã trở thành chuyện quá vãng, vô cảm mất rồi!
Ngớ ngẩn, sao toàn là chuyện buồn quá thể vậy? Ồ không, có chuyện vui vui chứ!
Mấy năm nay, cả nước tấp nập xây dựng những “cánh đồng mẫu lớn” nghe nói có rất nhiều lợi điểm; còn ở Đắk Lắk thì chỉ mong sao có cơm trắng cá kho đủ ăn để lên rẫy hái cà phê hoặc cạo mủ cao su chứ nhìn quanh, có mô hình “mẫu lớn nhỏ” nào đâu để mà học hỏi?! Đến bao lâu nữa thì có xã ở Đắk Lắk loan báo đã xong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới? Khó lắm thay. Tôi đem chuyện ấy hỏi một nhà báo đi nhiều, viết sâu sắc những vấn đề mà anh đề cập. Anh nói vắn tắt: À là do Đắk Lắk còn nghèo (tuy có kha khá mấy năm nay do bán cà phê và mủ cao su thô). Vả, phần lớn các HTX nông nghiệp trong tỉnh đã “chết… nhưng chưa kịp báo tử!”. Tôi vớt vát nói theo: Ừ thôi, ai chết, ai chôn, thây kệ. Còn nông dân chúng em thì bỏ ruộng, lên đồi trồng mươi lăm hécta cao su tiểu điền, chắc ăn hơn! Đúng ra, các vùng cấy lúa nước ở cả tỉnh Đắk Lắk không chỉ vẫn xanh tốt như xưa; không chỉ người M’nông bản địa và người kinh ở đồng bằng lên quen làm lúa nước mà kể cả người Êđê, người J’rai, Xê đăng, Bana… cứ thấy ở đâu trũng thấp sình lầy, bất kể diện tích lớn bé là bung ra gieo sạ tức thời. Ấy thế nhưng cũng chỉ là “để đảm bảo cái ăn trong nhà” mà thôi. Còn cái mặc, cái xe máy, tủ lạnh, ô tô, xe cày… đều phải trông cả vào mấy chén mủ cao su hoặc mươi hạt cà phê vậy.
Ngắm nhìn bà con mình làm ăn, tôi đi đến nhận xét: Đắk Lắk hiện có 1,9 triệu dân, nhưng sống điêu đứng dặt dẹo nhất phải kể đến hai hạng người “cuối bảng tổng sắp” (tất nhiên không nhiều). Thứ nhất là những nông dân có chút ít ruộng nước. Họ từ các tỉnh phía Bắc vào (kể cả người đồng bằng, người rẻo cao) và có một số nữa ở các vùng duyên hải miền Trung lên khai phá xâm canh, chủ yếu là cấy, sạ lúa nước, không có đất để nuôi trồng cây con khác. Chỉ có cấy lúa thì đủ ăn đã là khá rồi, mà sao nói đến chuyện giàu có được. Hạng thứ hai nói hơi ngoa, chủ yếu là bao chiếm đất đồi (đất rẫy) nhưng không được tự lựa chọn trồng cà phê, hồ tiêu (hoặc mươi năm gần đây là cao su), nhất nhất phải y lệnh: chọn trồng rừng (theo Dự án Năm triệu hécta rừng trồng mới của Chính phủ)! Thế là mọi chuyện từ gạo mắm cho đến cá khô, đều phải trông cả vào đồng lương “còm” cộng với phụ cấp cho mỗi hécta rừng trồng dặm hoặc tu bổ do Phân trường giao theo chỉ tiêu hàng năm.
Cho đến bây giờ (2014) cả tỉnh Đắk Lắk không còn có một nông trường nào hoặc một đội sản xuất của nông, lâm trường nào chỉ có một nghề nghiệp chuyên môn là cấy, sạ lúa nước. Lúa chỉ là cây phụ mà thôi. Người mới vào sau năm 1978 đến người cũ (di cư năm 1954 hoặc bị Diệm xúc vào dinh điền theo luật 10/59) đều thừa lí do mà nhao hết lên đồi, lên rẫy đất bazan để chăm sóc cây cà phê hoặc bạt rừng (bất kể rừng già, rừng non, rừng nguyên sinh, đặc dụng cho đến rừng phòng hộ…) để trồng cây cao su (kể cả tiểu điền cho đến đại điền). Làm cà phê và cao su phải có vốn ban đầu tuy lớn thật đấy, nhưng bù lại từ năm thứ tư (đối với cây cà phê) và năm thứ 8 (đối với cây cao su) người trồng thu bộn tiền, một vài năm sau đấy đã tính chuyện huề vốn. Thời giá mủ cao su ướt cuối năm 2008, cứ ngủ kĩ một đêm tỉnh dậy đã có hơn một triệu bạc mỗi héc ta. Bảo thế, ai không ham? Vậy thì rừng già đã là cái thá gì? Trong rừng ấy có vài ba cây gỗ quý cả gốc bị bọn lâm tặc nó “xin đểu” xong rồi. Vì thế, rừng chỉ còn là rừng tạp hoặc rừng bụi cây lúp xúp, cây gai mắc cỡ. Càng thế, người ta càng có cớ để “phát hoang” mà trồng mới cà phê hoặc cao su. Đó là cách giàu nhanh hơn cả. Ở Đắk Lắk bây giờ, thời lấy lại hạt lúa để nuôi thiên hạ hoặc để… bán cũng đã xuống hạng “xưa rồi Diễm ơi!”dẫu cả nước xuất khẩu gạo 5% tấm chính ngạch 7,6 triệu tấn, đứng thứ 3 thế giới sau Thái Lan và Ấn Độ! Dù có muộn mằn song hiện nay mới là thời của cà phê và cao su. Các nông trường và nông dân Đắk Lắk nắm rất rõ điều đó nên đã đẩy nhanh tốc độ canh tác và sơ chế cà phê, cao su, coi đó là các loại cây mũi nhọn. Và vì thế mà người cấy lúa và người trồng rừng đương nhiên thành ra lép vế!
Còn nhớ thời tôi được tháp tùng đoàn văn nghệ sỹ trung ương đi thăm một số vùng phát triển kinh tế thế mạnh của Đắk Lắk như: Vườn cà phê 30 tuổi của ông Đoàn Dũng ở Nông trường Phước An, rừng điều và rừng trồng của ông Phong ở Buôn Gia Wằm, vùng lúa nước ở giáp Eo Đờn nối sang các cánh đồng lúa mênh mông dọc theo hai bờ sông Krông Ana… Đoàn khá đông, đi xe Hải Âu của Ty Văn hóa - Thông tin, tôi nhớ mấy tên tuổi nổi tiếng như Phan Huỳnh Điểu, Phạm Tuyên, Nguyễn Thành Long, Trần Lê Văn, Kpa Y Lăng… Còn những người đi lẻ tẻ không tính như Xuân Diệu, Trinh Đường, Nguyễn Cường, Dương Thụ… Lúc ấy hoặc là họ đã có tuổi, hoặc còn trẻ, thế mà bây giờ, đa phần đã đi xa, số còn lại cũng đã yếu. Đi với đoàn tập thể toàn những nhân vật nổi tiếng, tôi rất háo hức song cũng mệt lử. Đấy là thời của chế độ bao cấp. Văn nghệ sỹ đi tìm hiểu để sáng tác được tỉnh… bao cấp, nông dân cấy lúa: bao cấp, và công nhân trồng rừng ở Chư Né, ở Buôn Gia Wằm cũng…bao cấp. Còn mấy anh văn nghệ tỉnh thì yên tâm sáng đi tối về! Bữa ấy tôi viết bài thơ ngợi ca một chị công nhân lâm trường sinh con giữa lúc đang trồng dặm rừng đồi, chồng lại đi công tác xa, đường rừng thì sâu hun hút. Bài thơ được in ở tập san Văn hóa – Văn nghệ Đắk Lắk và được bạn bè hoan nghênh. Tôi nhớ nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu nói một câu khiến tôi hởi lòng. Được đấy! Vào rừng mà viết thế là khá đấy! Nhưng thật éo le, sáng hôm sau, một vị lãnh đạo không hài lòng. Ông nói: Cuộc sống thiếu gì cái để viết, đằng này sao lại đưa hết cả tã lót bọc rốn trẻ sơ sinh vào thơ? Tôi “tá lả” mồ hôi nhưng vui vui vì dầu sao thì bài thơ đã in và tập san đã phát hành, không có chuyện thu hồi. Tôi xin chép đoạn thơ bị phê phán ấy để mọi người tham khảo: “…Chị phơi tã căng dây hai đầu núi/ Đụn mây trắng về như áo trẻ sơ sinh/ Làng lâm nghiệp khói bếp lên màu sữa/ Quấn quýt nhau cây cỏ cũng có tình…”.
Năm nọ ở Hà Nội người ta mua đọc và xôn xao về bài bút kí “Làng tôi bên chân sóng” của tác giả Hoàng Hữu Các thì ở Đắk Lắk, tạp chí CưYangSin cũng cho in bài ký của tôi có tiêu đề: “Làng tôi góc bể chân trời”. Thế là 2 tư tưởng nhỏ không hẹn mà gặp. Anh Các ca cẩm về cái làng anh ngập ngụa ven bờ biển. Còn làng tôi, đã cửa biển lại còn cả cửa sông, không chỉ ngập ngụa mà còn lênh đênh góc bể chân trời. Chuyện kể rằng, đứa em họ tôi, thân gái dặm trường vào Kiên Giang chỉ một mùa mót lúa mà được 2 tấn! Chuyện như đùa vậy, người làng cũ chẳng dám mơ. Lại chuyện kể rằng, ông lão Vần nghèo kiết xác, ruộng không có, quanh năm cắp nón đi cày thuê. Thế mà từ ngày vào làm công nhân cấy lúa ở nông trường 719 (thuộc sư đoàn 333 cũ đóng quân giữa 2 huyện lúa Krông Pắk và Krông Bông) cứ mỗi năm, “trừ định mức”, thuế má các kiểu, chỉ còn có… 11 tấn thóc! Lão giục vợ con xúc thóc ùn ùn đổ giữa nền nhà ngói 3 gian đến mức phải bới cật lực mới lòi ra cái bàn thờ cúng tiên tổ. Thế mà từ đứa em họ đến lão Vần, phàm những người sống chết với cây lúa nước, có ai giàu lên được đâu! Hình như cũng do câu chuyện “tay bị, tay gậy” xưa thì phải. Mà nào có dám “ăn chơi” gì gì cho cam?!
Nhân năm con Hổ cách đây không lâu, tôi vào chợ vùng sâu Ea Rôk thăm một chị công nhân trồng rừng bị hổ vồ, nay chị còn khỏe. Tiện đường, tôi rẽ vào thị trấn Ea Súp thăm anh Phạm Đức Tùy - Bí thư huyện ủy - nguyên hiệu trưởng một trường cấp II ngoài quê. Anh dẫn tôi đi thăm công trình thủy lợi Ea Súp thượng lớn nhất Tây nguyên. Lên đến mặt đập, anh thủ thỉ: Trung ương đã đầu tư vào cả trăm tỉ hơn mà tới đây không làm cho huyện Ea Súp trở thành vựa lúa lớn nhất tỉnh thì tôi xin nghỉ chức Bí thư Huyện ủy, về đuổi gà cho vợ! Người gốc quê lúa thường hay nói kiểu “chặt to, kho mặn” như vậy. Ấy thế mà rồi, từ bí thư một huyện rừng sâu biên giới, anh được bầu vào Ban Thường vụ tỉnh ủy rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy cho đến ngày nghỉ hưu 2011. Vui chuyện, tôi kể cho anh nghe về một người bạn vong niên quê gốc ở huyện Đông Hưng đi theo diện kinh tế mới vào cấy lúa ở Buôn Triết (huyện Lắk). Những năm đầu mới vào gặp cánh đồng ngút ngát, anh ấy thích lắm. Này nhá: Thóc lúa đầy cót, đầy sân, gạo trắng đầy rương, cá cua lúc nhúc đầy đầm, đầy sông. Thế mà bây giờ về già, anh lại “chán chường” với cái dinh cơ, ruộng lúa mà vợ chồng anh tạo lập. Anh nói: Ở Buôn Triết bây giờ, dân tình xuống ruộng cấy lúa chỉ để đủ nuôi mấy miệng ăn. Còn lại, người ta đua nhau lên giành giật đất đồi, nơi thì đã thu bán cà phê từ mươi năm trước, nơi thì trồng đến cả dăm bảy hécta cao su. Chi tiêu mua sắm trong nhà với trẻ nhỏ chúng nó xuống Sài Gòn thuê trọ học đều trông cả vào đồi chứ có ai nhờ vào ruộng đâu?! Anh Phạm Đức Tùy gật đầu hưởng ứng. “Phải, phải, người Thái Bình ở Đắk Lắk bây giờ nghĩ khác lắm, làm khác lắm. Còn những anh vào đây mà “cày đường nhựa” như chúng mình thì trông cho nước nổi, bèo nổi theo vậy”. Tôi xua tay ca cẩm: Đến bao giờ thì xe tải vào rừng chở gỗ về làm bột giấy cũng tấp nập như thời ông Trần Kiên cho chở giống lúa và hom sắn qua Ngã Sáu ấy nhỉ? Mọi người cùng cười. À há, thì ra tư duy của người Đắk Lắk bây giờ coi tương quan giữa cây lúa với cây cao su và cây bạch đàn khác với hồi mới giải phóng lắm lắm. Thế còn quỹ đất. Ôi cao nguyên sao nhiều chuyện thế!


Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

SỐ 262 - tác giả VÕ HOÀNG NAM





ĐỔI MỚI BÁO CHÍ PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI
TOÀN DIỆN CỦA ĐẤT NƯỚC



Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng nước ta không ngừng phát triển, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đã đạt được những thành tựu vô cùng quan trọng. Từ những thành tựu đó, trách nhiệm của người làm báo phải phản ánh thông tin chính xác, kịp thời, đa dạng, phong phú cho người đọc, góp phần ổn định chính trị để tiếp tục công cuộc đổi mới. Báo chí không những phải phản ánh cuộc sống không ngừng phát triển và đổi mới của đất nước, phản ánh các chính sách, phát huy quyền dân chủ của nhân dân, mà đồng thời phải chống lại các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, của những kẻ mượn danh dân chủ và nhân quyền, thực hiện những ý đồ chính trị xấu phá hoại công cuộc đổi mới của đất nước. Đối với những cái xấu, cái sai trong xã hội, trong Đảng, trong đội ngũ cán bộ, công chức và trong nhân dân, người làm báo, phải đấu tranh một cách trung thực, chân thành. Nhà báo trong công cuộc đổi mới phải vượt qua những cám dỗ, thậm chí cả sự đe dọa đến mạng của bản thân và gia đình để đấu tranh vạch trần những cái ác. Nhà báo phải đi sâu, đi sát thực tế, sâu sát quần chúng, nói lên sự thật đó là phong cách làm báo của Bác. Bác dạy rằng: “Viết báo không những chỉ viết những cái tốt mà còn phải viết những cái xấu để phê phán một cách đúng đắn, chân thành…”. Bác Hồ của chúng ta vừa là nhà báo, nhà cách mạng. Bác làm thơ và viết văn từ chính từ những điều máu thịt của mình để phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân, để đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng loài người... Trong Thư gửi trí thức Nam bộ ngày 25.5.1947, Bác viết "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà". Trong những lần gặp gỡ các nhà báo, Bác còn căn dặn về cách viết: “Thế nào là viết ngắn, viết dài, viết cho thiết thực để người khác có thể làm theo được…”. Học tập cách viết của Bác, có lẽ phải học từ gốc, tức là nhà báo phải trang bị cho mình thành một "chiến sĩ", đồng thời phải hiểu “vũ khí”, “chiến trường”, “đồng đội” và “kẻ thù” của mình, mới có thể "phò chính, trừ tà" được. Nhà báo trong thời kỳ đổi mới khi cầm vũ khí sắc bén của mình, nên hướng vào đâu để thực hiện được sứ mệnh “phò chính trừ tà”? Đương nhiên, phải biết cái chính, cái tà là gì. Đó là lương tâm trách nhiệm của người làm báo. Năm 1946, khi trả lời phỏng vấn của nhà báo, Bác khẳng định: "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào... Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn đến tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn được độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Có lẽ học tập tư tưởng, đạo đức và cách trở thành người chiến sĩ trên mặt trận báo chí thì cái gốc là ở đây. Người làm báo phải có tấm lòng và sự ham muốn vì dân vì nước, chứ không vì một chức danh, một sự nổi tiếng, hay vì bổng lộc nào đó mà cầm bút. Hạnh phúc của những nhà báo chân chính, không thể chỉ vì vợ đẹp, con khôn, một mái nhà bình lặng và cuộc sống sung túc của riêng mình! Mà là biết lo cho nỗi lo chung của đất nước. Càng ngày xã hội càng thấy tác dụng to lớn của báo chí. Trách nhiệm của những người làm báo rất nặng nề. Báo chí phải đổi mới hơn nữa, sát với cuốc sống hơn nữa, tạo ra dư luận xã hội lành mạnh để đưa đất nước từng bước thành công trên con đường hội nhập, bảo đảm sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đi đến thắng lợi huy hoàng.
Những người làm báo hôm nay luôn luôn gắn bó với truyền thống vẻ vang của báo chí Việt Nam, luôn luôn lấy sự nghiệp báo chí cách mạng của Bác Hồ làm kim chỉ nam cho hoạt động chính trị, nghiệp vụ để rèn luyện ngòi bút của mình trở thành ngòi bút chiến đấu cho sự nghiệp đổi mới của đất nước.   















Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

SỐ 262 - tác giả NGUYỄN ĐỨC KHẨN



SỐ 262 - tác giả NGUYỄN NGỌC HƯNG




Ơi đảo chìm đảo nổi


Giữa 200.000 km2 chỉ 11 km2 thụt thò trên mặt nước
Như những cánh tay cố vươn lên nối đất với trời

Máu nước mắt mồ hôi
Đời nối đời
Góp hài cốt cho biển thêm nồng mặn

Mấy ai biết vì sao nơi đây trái bàng vuông chằn chặn
Những cụm phong ba nở bung cành hoa trắng
Bao lít nước ngọt nhường một khay đất rau xanh

Năm một mùa vui biển lặng yên lành
Mười thắc thỏm với tính khí thất thường bão giông vặn vẹo

Nắng gió quật liên hồi đến đá xanh cũng héo
Riêng những nụ cười lính trẻ vẫn xanh tươi

Trường Sa ơi
Còn một nhịp tim còn một con ngươi
Quyết không cho bất kỳ ai vô cớ xâm lăng dẫu một giây bóng tối

Và cứ thế người theo sóng biển Đông ôm đảo chìm đảo nổi
Chìm để lắng sâu
Nổi để nâng tầm…



Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

SỐ 262 - tác giả NGUYỄN DUY XUÂN

Tác giả NGUYỄN DUY XUÂN

Việt Nam -  Tổ quốc anh hùng

Tôi nghe tiếng cha ông
Từ ngàn xưa vọng lại
Triệu Thị Trinh cất lời khảng khái
“Cưỡi gió, đạp sóng chém cá kình ở biển Đông”
Sóng Bạch Đằng lại cuộn dâng nhấn chìm tàu giặc
Những cọc gỗ ngàn năm lại nhằm thẳng tim thù
Và âm hưởng hào hùng bài thơ Thần đất nước
“Chúng bay đến đất này sẽ chuốc lấy “bại hư”
Rung trời tiếng trống trận, dậy đất tiếng reo hò
Của đại quân Quang Trung
Tiến vào Thăng Long chiều mùng năm Tết
“Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn
Để chúng biết nước Nam anh hùng là có chủ”

Tôi nghe lời hiệu triệu của lãnh tụ
“Chúng ta muốn hòa bình…
Chúng ta càng nhân nhượng…”
Không!
Một tấc đất của Tổ quốc thiêng liêng
Không thể để quân thù xâm phạm tới
Nghe hừng hực hào khí Điện Biên
Cả dân tộc ào ào đứng dậy
Kẻ thù nào ngăn nổi bước chân ta!

Ôi đất nước mấy ngàn năm lịch sử
Luôn đối mặt với láng giềng say mộng bá vương
Những bài học của ông cha xưa, chúng vẫn chưa tỉnh ngộ
Để mai kia lại thêm những Bạch Đằng
Những Chi Lăng, Đống Đa
Và Điện Biên Phủ – Hoàng Sa dâng trào bão tố
Nhấn chìm mọi lũ xâm lăng!

7.5.2014


Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

SỐ 261 - tác giả HUỆ NGUYÊN




 Tác giả HUỆ NGUYÊN

Biển gọi


Lạy mẹ!
biển ngoài kia vẫy sóng
gọi chân con vững thêm
những con mắt thèm thuồng giọt biển
vẫn lăm lăm ghì sóng tới gần

con chẳng thể ngồi yên ngày rách những thân tàu
bạn con giành giật tương lai cho các em mình trên đầu
mũi đạn
máu vẫn chảy mặn đường cong chữ S
con có thể ngồi yên?

ông cha đã dạy con ý nghĩa của hòa bình
khi nằm lại Điện Biên, Khe Sanh, Đường Chín
anh con vì một ngày biển lộng
vùi xác giữ Gạc Ma
con có thể ngồi yên
những mũi khoan gặm sâu vào lòng thế hệ?

bỏ cuốc cày lạy mẹ
lội qua ngày bước chân cha anh con thuở trước
thì thầm gọi Hoàng Sa, Trường Sa

xin gửi mẹ giấc san hô lặng sóng.


7.5.2014