TÍNH DÂN TỘC TRONG BÀI THƠ TƯƠNG TƯ
CỦA NGUYỄN BÍNH
Nhận xét về phong cách thơ Nguyễn Bính, SGK Ngữ Văn
11 viết: “Trong khi phần lớn các thi sĩ cùng thời chịu ảnh hưởng của
thơ phương Tây thì Nguyễn Bính lại tìm về với hồn thơ dân tộc và hấp dẫn người đọc
chính bởi hồn thơ này” (tập 2, tr. 49). Trong Thi nhân Việt
Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân cũng cho rằng: “Và thơ Nguyễn Bính đã đánh
thức người nhà quê đã ẩn náu trong lòng ta” (Nxb Thanh Hóa, 2006, tr, 337).
Nguyễn Bính được mệnh danh là “thi sĩ của đồng quê”, thơ ông mang phong vị ca
dao và đậm đà tính dân tộc. Bài thơ Tương tư (rút ra từ tập Lỡ
bước sang ngang in năm 1940) rất tiêu biểu cho điều này.
Trên phương diện nội dung:
Tính dân tộc trong tác phẩm văn học biểu hiện trước hết
qua hiện thực lịch sử, xã hội, đời sống tâm tư tình cảm của một dân tộc được phản
ánh lại trong các sáng tác của nhà văn. Điều này cũng dễ hiểu, bởi nhà văn sinh
ra và lớn lên, lao động nghệ thuật trong hoàn cảnh xã hội nhất định của dân tộc.
Thậm chí với những tác giả sống và viết bên ngoài tổ quốc, tính dân tộc trong tác
phẩm của họ vẫn không hề mất đi. Hiện thực đời sống dân tộc tạo nguồn cảm hứng
bất tận, cung cấp chất liệu phong phú cho nhà văn sáng tác, đồng thời, những giá
trị tinh thần của một dân tộc nuôi dưỡng, chắp cánh không ngừng cho hồn thơ văn
mỗi tác giả. Cho nên, dù tự giác hay không tự giác, các tác phẩm được nhà văn
viết ra đều ít nhiều mang tính dân tộc. Có thể biểu hiện ở các mức độ đậm nhạt
khác nhau nhưng tính dân tộc là một trong những thuộc tính tất yếu của tác phẩm
văn học, tồn tại trên cả hai phương diện nội dung tư tưởng và hình thức nghệ
thuật. Trong bài thơ Tương tư, có thể kể ra một số dấu hiệu cơ bản
của tính dân tộc trong tác phẩm trên phương diện nội dung như sau:
Trước hết, bài thơ gợi lên khung cảnh làng quê truyền thống
Việt Nam, cụ thể là thôn quê Bắc bộ ngày trước. Bức tranh làng cảnh ấy hiện lên
khá sinh động, chân thực, có các thôn trong làng (Hai thôn chung lại một làng),
có dòng sông, bến nước (Bảo rằng cách trở đò giang), mái đình (Nhưng
nay cách một đầu đình), có giàn trầu (nhà em có một giàn giầu), hàng
cau (Nhà anh có một hàng cau liên phòng)... Tuy chỉ được nói đến như là
phương tiện để bày tỏ tình cảm; mặt khác, lại không được đề cập nhiều đến các cảnh
vật nhưng bức tranh làng quê nước ta vẫn hiện lên thật đầy đủ, trọn vẹn. Bởi
thi nhân đã lựa chọn những hình ảnh rất tiêu biểu cho hồn quê dân tộc, nhắc đến
mái đình, bến nước, hàng cau, giàn trầu, ta nghĩ ngay đến quê hương Việt Nam thân
yêu. Đây là nét đặc trưng trong đặc điểm làng Việt. Do đó, tính dân tộc trong bài
thơ được thể hiện rất rõ nét, điều này ta sẽ thấy kĩ hơn trong các bình diện tiếp
theo.
Cùng thời với Nguyễn Bính, nhiều thi sĩ trong phong trào
Thơ mới đã miêu tả thành công những “bức tranh quê” Việt Nam như Anh Thơ, Đoàn
Văn Cừ, Bàng Bá Lân… nhưng thổi được cái “hồn xưa đất nước” vào những những bức
tranh làng cảnh ấy một cách đậm đà phải đến Nguyễn Bính. Trong thơ của “thi sĩ
nhà quê” này, bức tranh thôn quê Việt Nam bao giờ cũng hiện lên gắn với con người
dân quê cùng những nét đặc trưng nhất. Trong Trương tư, đó là hình
ảnh chàng trai yêu đương, chủ thể trữ tình, hiện lên với nhiều nét rất tiêu biểu
cho tính cách, tâm hồn người Việt: Lối suy nghĩ gắn với cỏ cây, trời đất, lấy
thiên nhiên làm chuẩn cho nhiều giá trị tinh thần do gắn liền với nền kinh tế nông
nghiệp lâu đời (điều này biểu hiện rất rõ trong thơ ca trung đại. Trong Truyện
Kiều, Nguyễn Du viết “Nửa năm hơi tiếng vừa quen/ Sân ngô cành biếc đã
chen lá vàng” để chỉ sự vận động của thời gian thì trong Tương tư,
Nguyễn Bính cũng viết tương tự “Ngày qua ngày lại qua ngày/ Lá xanh nhuộm đã
thành cây lá vàng”); lối nói xa xôi bóng gió mà tình tứ, ý nhị (Hai thôn
chung lại một làng/ Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này; Bao giờ bến mới gặp
đò; Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào…);
nét tính cách có phần rụt rè, thiếu chủ động nhưng cũng không ít sự nung nấu,
khát khao (Hai thôn chung lại một làng/ Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này;
Nhưng đây cách một đầu đình/ Có xa xôi mấy mà tình xa xôi)… Chàng trai
trong bài thơ vì thế rất gần gũi, quen thuộc, không chỉ còn là một chàng trai tương
tư cá thể, riêng biệt nào nữa mà dường như trở thành con người chung cho nhiều
nét tính cách Việt ta có thể bắt gặp trong đó
Trên phương diện hình thức:
Với một nội dung được biểu hiện nhất định sẽ có một hình
thức nghệ thuật là cái biểu hiện tương ứng với nó, chính sự hài hòa này làm nên
giá trị cho tác phẩm. Với một nội dung đậm đà tính dân tộc thì bài thơ sẽ đi tìm
cho mình một hình thức thể hiện mang tính dân tộc tương xứng là điều tất yếu. Có
thể thấy, trong bài thơ Tương tư, các bình diện của hình thức nghệ
thuật đều mang tính dân tộc rõ nét. Có thể kể ra một số bình diện cơ bản sau đây.
Về từ ngữ, bài thơ kể
cả nhan đề có 142 chữ. Trong đó, 36 chữ là từ Hán Việt, chiếm 25,35 %. Từ thuần
Việt có 106 chữ, chiếm 74,65 %. Rõ ràng trong bài thơ, từ thuần Việt chiếm một
tỉ lệ cao hơn hẳn (gấp 3 lần) so với từ Hán Việt. Đây là điều không phải tác phẩm
nào cũng làm được, bởi ta biết, hơn 60% từ vựng tiếng Việt là từ Hán Việt. Mặt
khác, tuyệt đại đa số từ Hán Việt trong bài thơ đều là những từ được Việt hóa
hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn, rất gần gũi trong đời sống ngôn ngữ của người Việt
(tương tư, thôn, Đoài, Đông, bệnh, thành, đầu, đình, tình, xa, hoa,
giang hồ…). Bài thơ chiếm đa số là từ thuần Việt, nhiều câu thơ không có từ
Hán Việt xuất hiện được đặt cạnh nhau (Một người chín nhớ mười mong một người,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này, Ngày qua ngày lại qua ngày, Không
sang là chẳng đường sang đã đành, Biết cho ai, hỏi ai người biết cho,…)
đã phát huy tối đa thế mạnh của từ ngữ thuần Việt trong việc bộc lộ tình cảm của
con người Việt, cụ thể là nỗi nhớ mong của chàng trai Việt dành cho cô gái mình
thầm thương trộm nhớ bấy lâu. Bởi xét cho cùng, chỉ có tiếng nói dân tộc mới đủ
khả năng diễn đạt, phản ánh một cách chính xác, tinh vi những ngõ ngách trong đời
sống tinh thần, tâm hồn của dân tộc ấy. Do đó, xét trên phương diện từ ngữ, bài
thơ mang đậm bản sắc dân tộc. Tiếc rằng, ở cuối khổ thơ thứ nhất, tác giả đã để
lọt vào hai cụm có chứa từ Hán Việt lạc điệu là “hoa khuê các”, “bướm giang hồ”
làm phá vỡ tính hệ thống toàn bài thơ. Tuy vậy, xét trên tổng thể, thành công của
tác giả vẫn là chủ yếu, nó được thể hiện ở việc sử dụng từ ngữ một cách trong sáng,
linh hoạt, uyển chuyển, tương ứng hài hòa với nội dung mà chúng biểu đạt.
Về thể thơ, Tương
tư được viết bằng thể thơ lục bát. Đây là thể thơ thuần Việt, có nguồn
gốc nội sinh (từ văn học dân gian) mang trong nó những đặc trưng phù hợp với tâm
thức, điệu hồn người Việt. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều đỉnh cao của văn học
dân tộc gắn liền với thể thơ này (Truyện Kiều, thơ lục bát Tố Hữu,
Huy Cận, Nguyễn Bính, Nguyễn Duy…). Với việc tìm về, lựa chọn và sử dụng thuần
thục thể thơ truyền thống này, Nguyễn Bính đã làm cho nhiều sáng tác của mình,
trong đó có Tương tư mang đậm tính dân tộc, trở nên gần gũi và
chiếm được cảm tình của độc giả thuộc nhiều tầng lớp, trong đó có nhiều bài thơ
gần như được ca dao hóa, trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn học dân
tộc. Thật không quá khi cho rằng Nguyễn Bính là nhà thơ lục bát xuất sắc nhất của
phong trào Thơ Mới và đỉnh cao sự nghiệp văn chương của ông gắn liền với thể thơ
này. Bài thơ Tương tư là một minh chứng cho điều này.
Về thi liệu, Tương
tư đã huy động sử dụng một lượng lớn các chất liệu có nguồn gốc từ văn
học dân gian (hình ảnh thôn Đoài-thôn Đông, con đò-bến nước, hàng
cau-giàn trầu; lối nói so sánh ví von, ẩn dụ hay gặp trong ca dao dân ca như
ở các câu Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông, Bao giờ bến mới gặp đò, Cau
thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào,…), từ lời ăn tiếng nói hằng ngày của dân
tộc làm cho lời thơ trở nên mộc mạc, dân dã và gần gũi, dễ nhớ dễ thuộc mà cũng
rất đỗi thân thương (Bảo rằng cách trở đò giang/ Không sang là chẳng đường
sang đã đành/ Nhưng nay cách một đầu đình/ Có xa xôi mấy mà tình xa xôi ?...).
Có thể nói, trong khi nhiều thi sĩ cùng thời đội trên đầu năm bảy nhà
thơ Pháp (Hoài Thanh) thì Nguyễn Bính đã chọn cho mình một lối đi riêng, tìm
về với cội nguồn dân tộc, sử dụng những chất liệu tưởng như quê mùa, cục mịch
nhưng hóa ra lại mang trong mình những giá trị bất ngờ. Và ông đã thành công bởi
lối đi riêng độc đáo này trên nhiều phương diện, trong đó có phương diện tính dân
tộc đậm đặc. Tương tư với việc lựa chọn, sử dụng linh hoạt các
thi liệu như trên là một tác phẩm tiêu biểu cho hướng đi ấy của “nhà thơ chân
quê” họ Nguyễn này.
Tóm lại, Tương tư là một bài thơ mang đậm tính
dân tộc. Tính dân tộc trong thi phẩm này biểu hiện rõ nét trên cả hai phương diện
nội dung và hình thức. Dĩ nhiên, đây cũng chỉ là sự tách bạch tương đối mà thôi,
trong cấu trúc tổng thể, giữa nội dung và hình thức tác phẩm luôn có sự hòa quyện,
xuyên thấm vào nhau. Do vậy, cần đặt tính dân tộc của thi phẩm trong tính chỉnh
thể hài hòa ấy để có sự cảm thụ một cách toàn diện hơn. Có thể nói, Tương
tư là bài thơ rất thành công của Nguyễn Bính bởi nó mang lại nhiều giá
trị, trước hết là “đem đến cho người đọc những hình ảnh thân thương của quê
hương đất nước và tình người đằm thắm thiết tha” thông qua tính dân tộc đậm
đà từ tác phẩm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét