ĐỔI MỚI BÁO CHÍ PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI
TOÀN DIỆN CỦA ĐẤT NƯỚC
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí
cách mạng nước ta không ngừng phát triển, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi Cách
mạng tháng Tám năm 1945, chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo vệ nền độc
lập dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đã đạt được những thành
tựu vô cùng quan trọng. Từ những thành tựu đó, trách nhiệm của người làm báo phải
phản ánh thông tin chính xác, kịp thời, đa dạng, phong phú cho người đọc, góp
phần ổn định chính trị để tiếp tục công cuộc đổi mới. Báo chí không những phải
phản ánh cuộc sống không ngừng phát triển và đổi mới của đất nước, phản ánh các
chính sách, phát huy quyền dân chủ của nhân dân, mà đồng thời phải chống lại các
luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, của những kẻ mượn danh dân chủ và nhân quyền,
thực hiện những ý đồ chính trị xấu phá hoại công cuộc đổi mới của đất nước. Đối
với những cái xấu, cái sai trong xã hội, trong Đảng, trong đội ngũ cán bộ, công
chức và trong nhân dân, người làm báo, phải đấu tranh một cách trung thực, chân
thành. Nhà báo trong công cuộc đổi mới phải vượt qua những cám dỗ, thậm chí cả
sự đe dọa đến mạng của bản thân và gia đình để đấu tranh vạch trần những cái ác.
Nhà báo phải đi sâu, đi sát thực tế, sâu sát quần chúng, nói lên sự thật đó là
phong cách làm báo của Bác. Bác dạy rằng: “Viết báo không những chỉ viết những
cái tốt mà còn phải viết những cái xấu để phê phán một cách đúng đắn, chân thành…”.
Bác Hồ của chúng ta vừa là nhà báo, nhà cách mạng. Bác làm thơ và viết văn từ
chính từ những điều máu thịt của mình để phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ
nhân dân, để đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp,
giải phóng loài người... Trong Thư gửi trí thức Nam bộ ngày 25.5.1947, Bác viết
"Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò
chính, trừ tà". Trong những lần gặp gỡ các nhà báo, Bác còn căn dặn về
cách viết: “Thế nào là viết ngắn, viết dài, viết cho thiết thực để người khác
có thể làm theo được…”. Học tập cách viết của Bác, có lẽ phải học từ gốc, tức
là nhà báo phải trang bị cho mình thành một "chiến sĩ", đồng thời phải
hiểu “vũ khí”, “chiến trường”, “đồng đội” và “kẻ thù” của mình, mới có thể
"phò chính, trừ tà" được. Nhà báo trong thời kỳ đổi mới khi cầm vũ khí
sắc bén của mình, nên hướng vào đâu để thực hiện được sứ mệnh “phò chính trừ tà”?
Đương nhiên, phải biết cái chính, cái tà là gì. Đó là lương tâm trách nhiệm của
người làm báo. Năm 1946, khi trả lời phỏng vấn của nhà báo, Bác khẳng định:
"Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào... Bao giờ đồng
bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn đến
tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn được độc lập, dân ta hoàn toàn được tự
do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Có lẽ
học tập tư tưởng, đạo đức và cách trở thành người chiến sĩ trên mặt trận báo chí
thì cái gốc là ở đây. Người làm báo phải có tấm lòng và sự ham muốn vì dân vì nước,
chứ không vì một chức danh, một sự nổi tiếng, hay vì bổng lộc nào đó mà cầm bút.
Hạnh phúc của những nhà báo chân chính, không thể chỉ vì vợ đẹp, con khôn, một
mái nhà bình lặng và cuộc sống sung túc của riêng mình! Mà là biết lo cho nỗi
lo chung của đất nước. Càng ngày xã hội càng thấy tác dụng to lớn của báo chí.
Trách nhiệm của những người làm báo rất nặng nề. Báo chí phải đổi mới hơn nữa,
sát với cuốc sống hơn nữa, tạo ra dư luận xã hội lành mạnh để đưa đất nước từng
bước thành công trên con đường hội nhập, bảo đảm sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh
đạo của Đảng đi đến thắng lợi huy hoàng.
Những người làm báo hôm nay luôn luôn gắn bó với truyền
thống vẻ vang của báo chí Việt Nam, luôn luôn lấy sự nghiệp báo chí cách mạng của
Bác Hồ làm kim chỉ nam cho hoạt động chính trị, nghiệp vụ để rèn luyện ngòi bút
của mình trở thành ngòi bút chiến đấu cho sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét