Tác giả VĂN THẢNH
GIEO LÚA VÀ TRỒNG RỪNG Ở ĐẮK LẮK
Ký
Hồi còn ở ven cánh đồng chiêm trũng ngoài quê, không hiểu
sao tôi cứ hình dung về ĐắkLắk một địa phương có mênh mông những rừng già, đồi
dốc, suối sâu… ai dè, đến khi đã là công dân của xứ sở “bạt ngàn cà phê, bạt ngàn
cao su, cao nguyên lộng gió…”, tôi mới té ngửa ra rằng, ĐắkLắk còn có rất nhiều
những cánh đồng lúa nước bao la bát ngát không kém cạnh những đồng lúa “thẳng cánh
cò bay” của Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa… Đó là cánh đồng Buôn Trấp xanh tít
tắp xanh và bây giờ vẫn vậy. Cánh đồng ấy cùng với một số nơi trong tỉnh từng đã
được đón cố Phó thủ tướng – nhà thơ Tố Hữu vào thăm. Hoặc như các cánh đồng lúa
nước Ea Lê, Ea Rok (huyện Ea Súp), Khuê Ngọc Điền, Ea Trul, Hòa Lễ (huyện Krông
Bông), cánh đồng Ea Yiêng, 719 (huyện Krông Pắk), Hòa Khánh, Hòa Phú (Tp.Buôn
Ma Thuột) và hiện hữu là cánh đồng lúa nước Buôn Triết kéo dài suốt từ bờ tây Hồ
Lắk đến tận chân Dốc Muỗi xa xôi – nơi bà con kinh tế mới Đông Hưng (tỉnh Thái
Bình) đang sống quây quần. Ở những nơi ấy, tôi đã cùng mọi người xuống đồng đắp
bờ cuốc góc, làm cỏ lúa bằng tay hoặc cắt lúa bằng liềm để tránh lũ… Tôi cũng từng
độn rơm rạ ngồi đầu bờ ruộng giải lao, ăn cơm với cá trắng, cá đen đánh bắt từ
sông Krông Ana, sông Krông Pắc… Khi ấy, tôi chẳng khác mấy nếu không muốn nói là
in hệt những nông dân “chân đất mắt ướt” từ Thái Bình, Thanh Hóa, từ Nam – Ngãi
– Bình – Phú lên Đắk Lắk lập nghiệp từ cây lúa vậy!
Tôi còn nhớ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk sau giải phóng:
Tướng Trần Kiên, ông chính là tác giả và là tổng chỉ huy triển khai Công trường
lúa nước Buôn Triết (cách thành phố Buôn Ma Thuột hiện nay 60km). Ông từng là
nhân vật đặc biệt mà cán bộ và dân chúng Đắk Lắk lẩy vè theo bài thơ của nhà thơ
lính Trường Sơn thời chống Mỹ: Nằm ngửa thấy Trần Kiên/ Nằm nghiêng thấy Buôn
Triết/ Nôn nao ngồi dậy thấy Buôn Ngồ (tức Ngô) đoạn đầu nối ống dẫn nước thủy
lợi lớn nhất Tây nguyên lúc ấy). Về sau tướng Trần Kiên ra Hà Nội giữ chức Trưởng
Ban kiểm tra trung ương rồi nghỉ hưu và mất vì già cả. Nghe tin ông mất, dư luận
ở Buôn Ma Thuột ồn ào, xao động ít bữa. Tôi cảm thấy buồn vì từ khi ông rời Đắk
Lắk thì dường như công trường lúa nước Buôn Triết cũng teo tóp dần đi. Những cánh
đồng lúa nước còn lại bây giờ vẫn đang xanh tốt mỡ màu, vẫn làm ra “hạt thóc vàng”
nhưng cũng chỉ đủ “sàng sảy” để nuôi người Đắk Lắk mà thôi. Lại buồn thêm khi
nghĩ thế hệ con cháu tôi ở Đắk Lắk bây giờ (và có khi cả mai sau nữa) chúng không
còn biết – và cũng không cần biết tướng Trần Kiên là ai và tác giả của cánh đồng
lúa nước Buôn Triết. Mai mốt, rất có thể có người lục tìm nghiên cứu về lịch sử
xây dựng và phát triển Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, chắc là sẽ đọc đôi dòng về tướng
Trần Kiên. Còn gặp địa danh Buôn Triết, có chăng cũng từ Atlast hoặc câu: Buôn
Triết là dấu vết bảo thủ của thời bao cấp!... Tôi càng buồn khi một bạn văn đi
huyện xa về nói: Buôn căn cứ cũ Đắk Tuar ở vùng lúa Khuê Ngọc Điền bây giờ đói
vẫn hoàn nghèo! Anh tặng tôi cuốn tiểu thuyết dày 600 trang vừa in xong. Tôi đọc
rồi nói: Cuốn tiểu thuyết “Từ sông Krông Bông” của anh nó chẳng êm đềm chút nào.
Ngoài bạn bè ra thì có mấy ai đọc sách anh?! Vùng căn cứ kháng chiến cũ Khuê Ngọc
Điền, giờ đầy lúa nước mà người ta còn không đọc, nói gì đến buôn Đắk Tuar? Như
thế cũng có nghĩa là những năm tháng mà cán bộ, bộ đội và nhân dân các dân tộc Đắk
Lắk kháng chiến đầy gian khổ, hi sinh… đã trở thành chuyện quá vãng, vô cảm mất
rồi!
Ngớ ngẩn, sao toàn là chuyện buồn quá thể vậy? Ồ không, có
chuyện vui vui chứ!
Mấy năm nay, cả nước tấp nập xây dựng những “cánh đồng mẫu
lớn” nghe nói có rất nhiều lợi điểm; còn ở Đắk Lắk thì chỉ mong sao có cơm trắng
cá kho đủ ăn để lên rẫy hái cà phê hoặc cạo mủ cao su chứ nhìn quanh, có mô hình
“mẫu lớn nhỏ” nào đâu để mà học hỏi?! Đến bao lâu nữa thì có xã ở Đắk Lắk loan
báo đã xong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới? Khó lắm thay. Tôi đem chuyện ấy
hỏi một nhà báo đi nhiều, viết sâu sắc những vấn đề mà anh đề cập. Anh nói vắn
tắt: À là do Đắk Lắk còn nghèo (tuy có kha khá mấy năm nay do bán cà phê và mủ
cao su thô). Vả, phần lớn các HTX nông nghiệp trong tỉnh đã “chết… nhưng chưa kịp
báo tử!”. Tôi vớt vát nói theo: Ừ thôi, ai chết, ai chôn, thây kệ. Còn nông dân
chúng em thì bỏ ruộng, lên đồi trồng mươi lăm hécta cao su tiểu điền, chắc ăn hơn!
Đúng ra, các vùng cấy lúa nước ở cả tỉnh Đắk Lắk không chỉ vẫn xanh tốt như xưa;
không chỉ người M’nông bản địa và người kinh ở đồng bằng lên quen làm lúa nước
mà kể cả người Êđê, người J’rai, Xê đăng, Bana… cứ thấy ở đâu trũng thấp sình lầy,
bất kể diện tích lớn bé là bung ra gieo sạ tức thời. Ấy thế nhưng cũng chỉ là “để
đảm bảo cái ăn trong nhà” mà thôi. Còn cái mặc, cái xe máy, tủ lạnh, ô tô, xe cày…
đều phải trông cả vào mấy chén mủ cao su hoặc mươi hạt cà phê vậy.
Ngắm nhìn bà con mình làm ăn, tôi đi đến nhận xét: Đắk Lắk
hiện có 1,9 triệu dân, nhưng sống điêu đứng dặt dẹo nhất phải kể đến hai hạng
người “cuối bảng tổng sắp” (tất nhiên không nhiều). Thứ nhất là những nông dân
có chút ít ruộng nước. Họ từ các tỉnh phía Bắc vào (kể cả người đồng bằng, người
rẻo cao) và có một số nữa ở các vùng duyên hải miền Trung lên khai phá xâm
canh, chủ yếu là cấy, sạ lúa nước, không có đất để nuôi trồng cây con khác. Chỉ
có cấy lúa thì đủ ăn đã là khá rồi, mà sao nói đến chuyện giàu có được. Hạng thứ
hai nói hơi ngoa, chủ yếu là bao chiếm đất đồi (đất rẫy) nhưng không được tự lựa
chọn trồng cà phê, hồ tiêu (hoặc mươi năm gần đây là cao su), nhất nhất phải y
lệnh: chọn trồng rừng (theo Dự án Năm triệu hécta rừng trồng mới của Chính phủ)!
Thế là mọi chuyện từ gạo mắm cho đến cá khô, đều phải trông cả vào đồng lương “còm”
cộng với phụ cấp cho mỗi hécta rừng trồng dặm hoặc tu bổ do Phân trường giao
theo chỉ tiêu hàng năm.
Cho đến bây giờ (2014) cả tỉnh Đắk Lắk không còn có một nông
trường nào hoặc một đội sản xuất của nông, lâm trường nào chỉ có một nghề nghiệp
chuyên môn là cấy, sạ lúa nước. Lúa chỉ là cây phụ mà thôi. Người mới vào sau năm
1978 đến người cũ (di cư năm 1954 hoặc bị Diệm xúc vào dinh điền theo luật
10/59) đều thừa lí do mà nhao hết lên đồi, lên rẫy đất bazan để chăm sóc cây cà
phê hoặc bạt rừng (bất kể rừng già, rừng non, rừng nguyên sinh, đặc dụng cho đến
rừng phòng hộ…) để trồng cây cao su (kể cả tiểu điền cho đến đại điền). Làm cà
phê và cao su phải có vốn ban đầu tuy lớn thật đấy, nhưng bù lại từ năm thứ tư
(đối với cây cà phê) và năm thứ 8 (đối với cây cao su) người trồng thu bộn tiền,
một vài năm sau đấy đã tính chuyện huề vốn. Thời giá mủ cao su ướt cuối năm
2008, cứ ngủ kĩ một đêm tỉnh dậy đã có hơn một triệu bạc mỗi héc ta. Bảo thế,
ai không ham? Vậy thì rừng già đã là cái thá gì? Trong rừng ấy có vài ba cây gỗ
quý cả gốc bị bọn lâm tặc nó “xin đểu” xong rồi. Vì thế, rừng chỉ còn là rừng tạp
hoặc rừng bụi cây lúp xúp, cây gai mắc cỡ. Càng thế, người ta càng có cớ để “phát
hoang” mà trồng mới cà phê hoặc cao su. Đó là cách giàu nhanh hơn cả. Ở Đắk Lắk
bây giờ, thời lấy lại hạt lúa để nuôi thiên hạ hoặc để… bán cũng đã xuống hạng
“xưa rồi Diễm ơi!”dẫu cả nước xuất khẩu gạo 5% tấm chính ngạch 7,6 triệu tấn, đứng
thứ 3 thế giới sau Thái Lan và Ấn Độ! Dù có muộn mằn song hiện nay mới là thời
của cà phê và cao su. Các nông trường và nông dân Đắk Lắk nắm rất rõ điều đó nên
đã đẩy nhanh tốc độ canh tác và sơ chế cà phê, cao su, coi đó là các loại cây mũi
nhọn. Và vì thế mà người cấy lúa và người trồng rừng đương nhiên thành ra lép vế!
Còn nhớ thời tôi được tháp tùng đoàn văn nghệ sỹ trung ương
đi thăm một số vùng phát triển kinh tế thế mạnh của Đắk Lắk như: Vườn cà phê 30
tuổi của ông Đoàn Dũng ở Nông trường Phước An, rừng điều và rừng trồng của ông
Phong ở Buôn Gia Wằm, vùng lúa nước ở giáp Eo Đờn nối sang các cánh đồng lúa mênh
mông dọc theo hai bờ sông Krông Ana… Đoàn khá đông, đi xe Hải Âu của Ty Văn hóa
- Thông tin, tôi nhớ mấy tên tuổi nổi tiếng như Phan Huỳnh Điểu, Phạm Tuyên,
Nguyễn Thành Long, Trần Lê Văn, Kpa Y Lăng… Còn những người đi lẻ tẻ không tính
như Xuân Diệu, Trinh Đường, Nguyễn Cường, Dương Thụ… Lúc ấy hoặc là họ đã có tuổi,
hoặc còn trẻ, thế mà bây giờ, đa phần đã đi xa, số còn lại cũng đã yếu. Đi với đoàn
tập thể toàn những nhân vật nổi tiếng, tôi rất háo hức song cũng mệt lử. Đấy là
thời của chế độ bao cấp. Văn nghệ sỹ đi tìm hiểu để sáng tác được tỉnh… bao cấp,
nông dân cấy lúa: bao cấp, và công nhân trồng rừng ở Chư Né, ở Buôn Gia Wằm cũng…bao
cấp. Còn mấy anh văn nghệ tỉnh thì yên tâm sáng đi tối về! Bữa ấy tôi viết bài
thơ ngợi ca một chị công nhân lâm trường sinh con giữa lúc đang trồng dặm rừng đồi,
chồng lại đi công tác xa, đường rừng thì sâu hun hút. Bài thơ được in ở tập san
Văn hóa – Văn nghệ Đắk Lắk và được bạn bè hoan nghênh. Tôi nhớ nhạc sỹ Phan Huỳnh
Điểu nói một câu khiến tôi hởi lòng. Được đấy! Vào rừng mà viết thế là khá đấy!
Nhưng thật éo le, sáng hôm sau, một vị lãnh đạo không hài lòng. Ông nói: Cuộc sống
thiếu gì cái để viết, đằng này sao lại đưa hết cả tã lót bọc rốn trẻ sơ sinh vào
thơ? Tôi “tá lả” mồ hôi nhưng vui vui vì dầu sao thì bài thơ đã in và tập san đã
phát hành, không có chuyện thu hồi. Tôi xin chép đoạn thơ bị phê phán ấy để mọi
người tham khảo: “…Chị phơi tã căng dây hai đầu núi/ Đụn mây trắng về như áo
trẻ sơ sinh/ Làng lâm nghiệp khói bếp lên màu sữa/ Quấn quýt nhau cây cỏ cũng có
tình…”.
Năm nọ ở Hà Nội người ta mua đọc và xôn xao về bài bút kí
“Làng tôi bên chân sóng” của tác giả Hoàng Hữu Các thì ở Đắk Lắk, tạp chí CưYangSin
cũng cho in bài ký của tôi có tiêu đề: “Làng tôi góc bể chân trời”. Thế là 2 tư
tưởng nhỏ không hẹn mà gặp. Anh Các ca cẩm về cái làng anh ngập ngụa ven bờ biển.
Còn làng tôi, đã cửa biển lại còn cả cửa sông, không chỉ ngập ngụa mà còn lênh đênh
góc bể chân trời. Chuyện kể rằng, đứa em họ tôi, thân gái dặm trường vào Kiên
Giang chỉ một mùa mót lúa mà được 2 tấn! Chuyện như đùa vậy, người làng cũ chẳng
dám mơ. Lại chuyện kể rằng, ông lão Vần nghèo kiết xác, ruộng không có, quanh năm
cắp nón đi cày thuê. Thế mà từ ngày vào làm công nhân cấy lúa ở nông trường 719
(thuộc sư đoàn 333 cũ đóng quân giữa 2 huyện lúa Krông Pắk và Krông Bông) cứ mỗi
năm, “trừ định mức”, thuế má các kiểu, chỉ còn có… 11 tấn thóc! Lão giục vợ con
xúc thóc ùn ùn đổ giữa nền nhà ngói 3 gian đến mức phải bới cật lực mới lòi ra
cái bàn thờ cúng tiên tổ. Thế mà từ đứa em họ đến lão Vần, phàm những người sống
chết với cây lúa nước, có ai giàu lên được đâu! Hình như cũng do câu chuyện
“tay bị, tay gậy” xưa thì phải. Mà nào có dám “ăn chơi” gì gì cho cam?!
Nhân năm con Hổ cách đây không lâu, tôi vào chợ vùng sâu
Ea Rôk thăm một chị công nhân trồng rừng bị hổ vồ, nay chị còn khỏe. Tiện đường,
tôi rẽ vào thị trấn Ea Súp thăm anh Phạm Đức Tùy - Bí thư huyện ủy - nguyên hiệu
trưởng một trường cấp II ngoài quê. Anh dẫn tôi đi thăm công trình thủy lợi Ea
Súp thượng lớn nhất Tây nguyên. Lên đến mặt đập, anh thủ thỉ: Trung ương đã đầu
tư vào cả trăm tỉ hơn mà tới đây không làm cho huyện Ea Súp trở thành vựa lúa lớn
nhất tỉnh thì tôi xin nghỉ chức Bí thư Huyện ủy, về đuổi gà cho vợ! Người gốc
quê lúa thường hay nói kiểu “chặt to, kho mặn” như vậy. Ấy thế mà rồi, từ bí thư
một huyện rừng sâu biên giới, anh được bầu vào Ban Thường vụ tỉnh ủy rồi Phó Bí
thư Tỉnh ủy cho đến ngày nghỉ hưu 2011. Vui chuyện, tôi kể cho anh nghe về một
người bạn vong niên quê gốc ở huyện Đông Hưng đi theo diện kinh tế mới vào cấy
lúa ở Buôn Triết (huyện Lắk). Những năm đầu mới vào gặp cánh đồng ngút ngát,
anh ấy thích lắm. Này nhá: Thóc lúa đầy cót, đầy sân, gạo trắng đầy rương, cá
cua lúc nhúc đầy đầm, đầy sông. Thế mà bây giờ về già, anh lại “chán chường” với
cái dinh cơ, ruộng lúa mà vợ chồng anh tạo lập. Anh nói: Ở Buôn Triết bây giờ,
dân tình xuống ruộng cấy lúa chỉ để đủ nuôi mấy miệng ăn. Còn lại, người ta đua
nhau lên giành giật đất đồi, nơi thì đã thu bán cà phê từ mươi năm trước, nơi
thì trồng đến cả dăm bảy hécta cao su. Chi tiêu mua sắm trong nhà với trẻ nhỏ
chúng nó xuống Sài Gòn thuê trọ học đều trông cả vào đồi chứ có ai nhờ vào ruộng
đâu?! Anh Phạm Đức Tùy gật đầu hưởng ứng. “Phải, phải, người Thái Bình ở Đắk Lắk
bây giờ nghĩ khác lắm, làm khác lắm. Còn những anh vào đây mà “cày đường nhựa”
như chúng mình thì trông cho nước nổi, bèo nổi theo vậy”. Tôi xua tay ca cẩm: Đến
bao giờ thì xe tải vào rừng chở gỗ về làm bột giấy cũng tấp nập như thời ông Trần
Kiên cho chở giống lúa và hom sắn qua Ngã Sáu ấy nhỉ? Mọi người cùng cười. À há,
thì ra tư duy của người Đắk Lắk bây giờ coi tương quan giữa cây lúa với cây cao
su và cây bạch đàn khác với hồi mới giải phóng lắm lắm. Thế còn quỹ đất. Ôi cao
nguyên sao nhiều chuyện thế!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét