Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

SỐ 261 - tác giả TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG


Tác giả TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG


ĐỌC TẬP THƠ PHÍA NGÀY LOANG NẮNG
CỦA HUỆ NGUYÊN


Đã lâu lắm tạm gác thơ ca để lo cơm áo, ấy vậy mà khi cầm trên tay tập thơ Phía ngày loang nắng của nhà thơ trẻ Nguyễn Văn Hợp bút danh Huệ Nguyên lòng lại bổi hổi, bồi hồi như lần đầu cầm tay con gái. Bởi con người thơ này quá đặc biệt… và tôi hiểu, hơn ai hết, để tập thơ thứ tư này ra đời, Huệ Nguyên đã phải vượt qua biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ, bệnh tật luôn hành hạ thể xác và vì thế đứa con tinh thần của Huệ Nguyên thật đáng trân trọng biết bao.
Hơn cả, nhiều bài thơ của Huệ Nguyên đã làm trái tim tôi run rẩy, nghèn nghẹn, chen những cảm xúc dịu dàng, mê đắm về cảnh đẹp quê hương đất nước, về cuộc sống, con người và tình đời mênh mang. Có một chiều cao nguyên lạc trong anh/ hoàng hôn vén màn sương mê dụ lắm/ những đỉnh núi quấn khăn sương nõn trắng/ tựa cô gái đôi mươi/ quyến rũ lạ thường!... ai lỡ ngắm núi chiều nay lõa thể/ em đừng mách kẻo có người xấu hổ/ mảnh voan mây anh vừa trộm mang về (Sương trôi chiều Đăk Mil)
            Với thân thể mang trọng bệnh, Huệ Nguyên ngồi bên ô cửa sổ trong ngôi nhà xiêu vẹo thuộc vùng sâu, vùng xa huyện Lăk, tỉnh Đắk Lắk suốt nhiều năm trường, anh chọn thơ ca như người bạn tri kỷ “ăn cũng thơ, ngủ cũng thơ…” và người bạn thơ đó đã trở thành nguồn động lực to lớn, là cánh tay, là đôi chân giúp Huệ Nguyên vững bước vượt trên nỗi đau bệnh tật, vượt trên nỗi sợ hãi về cái chết có thể đến bất cứ lúc nào để sống một cuộc sống thật sự ý nghĩa. Tôi chợt hiểu giấc mơ tràn ngực phố/ có nỗi niềm hòn cuội lấm môi sóng, đắm tuổi trăng/ Tôi chợt yêu từng hơi thở gấp/ tràn ngày phù sa! (Mọc phía ban mai).
            Cuộc sống đầy năng lượng được ví như dòng sông tràn ngày phù sa liên tục bồi đắp. Mỗi ngày Huệ Nguyên đón bình minh bên ô cửa sổ bằng tư thế ngồi một chỗ gần như bất di bất dịch vì căn bệnh loạn dưỡng cơ DUCHENNE quái ác. Tất cả mọi di chuyển đều phải có người giúp đỡ. Anh thèm khát được trải mình, thèm khát được làm một con người bình thường như bao người khác. Nghịch cảnh trớ trêu hay trò đùa của số phận không làm Huệ Nguyên tắt đi niềm tin, khát khao sống cống hiến: lăn lóc đuổi bóng mình trên đất/ ướt mèm sương trinh nguyên/ vỡ điều khát bỏng/ ngày miên man lời mê dụ/ xanh!... (Trôi trong bình minh).
            Ngày, có ngày nắng ngày mưa, đó là ngày của trái đất bất cứ ai cũng thấy và cảm nhận được. Ngày miên man lời mê dụ/ xanh là ngày trong ý chí của Huệ Nguyên. Tôi cho rằng: Tác giả tập thơ không vô tình chọn màu cho những ngày tháng còn lại của đời người là màu xanh. Màu xanh của niềm tin, màu xanh hy vọng… Chữ xanh… của Huệ Nguyên trong nghĩa rộng cả ở thì hiện tại - tương lai. Chính vì vậy anh khao khát yêu, khao khát sống. Cả thơ cũng quẫy đạp cuồng si: Thèm quá em ơi cánh heo may/ Ta khát thu uống cạn ngày chưa hết khát/… Ta thèm quá giọt mắt em/ ngọt ngào neo vào thu con gái (Gửi mùa chút nhớ).
Ở đó mỗi ngày Huệ Nguyên như đang trong cuộc thi chạy nước rút. Thảm chạy cuộc đời trải ra dưới chân ngút ngát ân tình và đẹp đẽ vô ngần, thúc dục mỗi trái tim phải biết sống cống hiến như nguồn năng lượng vô tận, như mặt trời để vỡ ra chân lý nhân sinh hết sức nhân bản là mầm xanh yêu đời: Tôi chạy trong nhịp thở/ có vạt nắng bơi trong biếc xanh lời cỏ/ nắng khát ngày trút cạn nguồn mình/ vỡ ra mầm sống/ bật chồi xanh (Gọi ngày).
Ở đó mỗi chiều, Huệ Nguyên sống trong hơi thở mùa xuân, mùa ong bay tìm mật, mùa vương vãi phấn thơm, mùa của tình yêu chất ngất với nụ hôn đầu và mỗi buổi chiều thành chuỗi mùa xanh không tuổi: Em ạ, chiều nay những cánh ong bay tìm mật/ phác họa mùa vung vãi phấn thơm/ để vạt gió bung túi hương trời đất/ miên man chồi non đói giấc đại ngàn/ anh bơi trong hơi thở mùa xuân/ uống trọn sắc hoa cà phê trắng trinh như giấc mơ em một dạo/ ngào ngọt tựa chiếc hôn đầu/ anh cháy trong màu xanh không tuổi (Cao nguyên mùa xuân).
Ở đó mỗi đêm, Huệ Nguyên thao thức: Đêm nhắn gì hỡi đêm/ trăng vắt ngang trời hát ngàn năm và đã lâu hơn vậy/ để sớm mai lại mọc đầy/ nụ nắng (Nụ nắng sớm mai mọc đầy).
Không chỉ mạnh ở khía cạnh niềm tin yêu cuộc sống, tập thơ còn đi sâu nhiều vấn đề về hiện thực cuộc sống như mất rừng, tình yêu đất nước và ý thức của người công dân, nỗi trăn trở về những thân phận người, đặc biệt là hình ảnh người mẹ, người cha lam lũ. Mảng thơ tình trong tập cũng tương đối nhiều… Những câu thơ mang âm hưởng dân gian rất đỗi gần gũi mộc mạc mà tình ý thẳm sâu:
Tôi ăn cơm nhà người, tôi phát rẫy nhà người/ tôi nhớ em!/ Lát măng rừng người làm, đắng mùa xưa/ Bàn tay em xước gai rướm máu/ lội suối lên nương, con suối đong màu mắt em chờ./ Tôi rót ngày vào những đêm tràn mùa trở trăn/ dải tóc bạc phủ kín giấc mơ môi em thơm nụ/ lòng buồn như tiếng hú trườn mãi chẳng hết nếp nhà dài/ tôi ước như sợi gió/ vượt suối băng ngàn/ chạy tướp không gian đến bên em rồi như gió tan chảy (Lời yêu chẳng nảy mầm).
Ta vẫn xa hơn một không gian/ chỉ gần hơn nỗi nhớ/ ta đã nếm những giọt chờ đắng nghét/ mơn xanh màu cô đơn/ phố có buồn không em?/ Ngày có buồn không em? (Chỉ một điều phố biết)
Năm lần bảy lượt phải ngồi xe đi chữa bệnh, Huệ Nguyên cũng kịp chấm phá bức tranh đại ngàn Tây Nguyên trước cơn lốc phá rừng tàn khốc bằng những câu thơ chế diễu hóm hỉnh mà không kém phần chua xót: Rừng được khoác lên mình bằng màu xanh của những nương ngô/ những rẫy mì ngút ngát/ những tấm biển đề “Rừng cấm”/ nằm hiên ngang/ thách thức thời gian, nắng mưa, bão táp/ dăm cây bụi cao chưa đầy ba mét/ hồn nhiên hát lời rừng xanh (Mồ côi tuổi gió).
Ama mắc tuổi mình lên nếp nhăn mẫu hệ/ buốt lòng ngọn gió đi hoang/ chiều cúi mặt khâm liệm cánh rừng già tức tưởi/ những cánh cung ngủ mê trong lời khan huyền thoại/ đường ong bay lạc phía kỉ niệm buồn/ sông trơ đáy trừng trừng xoáy hận/ bầy dã thú soi bóng mình hóa thạch/ Yang cạn khô nước mắt*/ lầm lũi đi vào lời ru (Nỗi buồn không tuổi).
Cuộc sống như vô tình vẫn trôi mải miết, kéo theo cả niềm vui, nỗi buồn nhân thế, kéo theo cả những ước mơ… pha nỗi đau rất người của con trẻ: Con phác họa một ngôi nhà rất đỗi bình thường/ mẹ đeo kính xâu kim may áo/ cha nhấp tách trà khề khà chuyện con thằng út bi bô tập nói đến mắc cườibởi không thể vượt qua những hạn định cuộc đời/ con thèm một giây ánh mắt cha ấm từng bước chân bầm vết ngã/ những đọt buồn mọc đầy ngày tháng bảy/câu thơ con côi cút ngõ về! (Dự cảm ngày tháng bảy).
Chả phải vô cớ mà Huệ Nguyên viết Dự cảm ngày tháng bảy, mùa Vu Lan báo hiếu ơn nghĩa các bậc sinh thành. Cha Hợp sau những tháng ngày miệt mài đưa con trai đi chữa bệnh khắp nơi không khỏi. Lo buồn, và cuộc sống kham khổ thiếu thốn, ông bị ung thư phổi. Những ngày cuối năm 2013 ông đã mãi mãi ra đi cho dù nỗi lo lắng cho đứa con bệnh tật và người bạn đời chung thủy vẫn còn đó.
Liều thuốc tăng dần cạn những bữa cơm non/ cơn đau trùm lên cả giấc mơ thơm nụ cười thằng cháu nội/ mầm nấm độc di căn ngũ tạng/ giấu biệt tiếng dế góc vườn nhà cha vẫn thường nghe/ ngồi xếp lại những trăn trở cho một cuộc hành trình/ cha sợ tiếng chim trong trẻo quên rót bên góc ngày đứa con khuyết tật/ thương vợ tuổi mòn nắng muộn/ sớm chợ mưa chiều manh áo cộc mỏng manh (Lần đêm mót lại tuổi mình).
Với người mẹ khốn khổ, ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đêm lại thao thức vuốt những cơn ho tắc nghẹn của đứa con bệnh tật, thơ Huệ Nguyên như chùng xuống với những cảm nhận máu thịt: Người thanh niên trôi cùng đêm xơ xác/ lưng trơ những dẻ xương/ tiếng ho mắc cạn đêm/ giãy giụa/ vẫn dịu dàng bàn tay người mẹ/ vỗ về…/ vỗ về… (Trôi trong Đêm).
Tình yêu quê hương, Đất nước trong thơ Huệ Nguyên với nhiều cung bậc xúc cảm và rộng ở cách chọn đề tài. Khi là những hoài niệm tuổi thơ trong sáng: Thuở tắm truồng rám cả tuổi thơ tôi/ cáu bám vào thời gian chảy ngược/ tôi chảy vào dòng sông dòng sông chảy vào tuổi nhớ/ những con ốc con cua lội vào giấc mơ…(Trở giấc ngày tuổi dại).
Theo dõi thời sự qua màn hình vi tính, Huệ Nguyên cũng ý thức góp tiếng nói vào cuộc đấu tranh không tiếng súng, nhưng cũng không kém phần quyết liệt để giữ gìn biển đảo Tổ quốc. Lời thơ như như bà mẹ chở che, khuyến khích những đứa con vững tay súng nơi biên cương hải đảo, lúc lại nhắc nhớ lịch sử đừng bao giờ quên công ơn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Một ngày không chiến tranh/ trừng mắt sóng tiếng hờn đau giấc biển/ những linh hồn thủy thủ vang câu hát/ loang ra…/ nức nở Gạc Ma ngày nhuốm máu/ lời yêu đượm hơi sương/ lời yêu trôi hồn sóng/ lộng biển chiều nay gió/ chiến tranh không ghi ngày (Tiếng hát trên cánh sóng).
Đã bao lần Trường Sa bão thức/ Con lội qua nỗi lo mẹ thắt dạ rụng khuya/ Cây súng nhắn vững lòng chốt gác/ bên con có mẹ chở che (Vỡ mưa đảo nhớ).
Vâng, tôi chỉ mới gặp Huệ Nguyên ngoài đời một lần duy nhất, hàn huyên một buổi chiều gần như chưa đủ thấm… nhưng anh đã gieo vào tôi sự đồng cảm và ngấm ngầm là một ý chí vươn lên quật khởi. Xin mượn nhận xét của Hội văn học nghệ thuật Đắc Lắc khi đánh giá về Huệ Nguyên trong tập thơ Mùa Gọi của anh “Anh đã cho chúng ta thấy những giá trị đích thực của cuộc sống bằng chính những cố gắng lớn lao trong hoàn cảnh sống, trong nỗi nghiệt ngã của số phận và trong lao động nghệ thuật của mình… Với những câu thơ lời văn tài hoa thấm đẫm ước vọng, khát khao yêu thương và mang hơi thở của miền đất cao nguyên ngập tràn nắng gió, Huệ Nguyên đã thực sự làm nên một trong những điều kỳ diệu của cuộc sống”.
Đọc xong tập thơ Phía ngày loang nắng, đứa con tinh thần thứ tư của Huệ Nguyên, mà lòng thấy thanh thản lạ lùng. Những lo toan tất bật đời thường nhẹ nhàng như cơn gió thoảng, những vệt nắng loang cuối ngày cũng trở nên réo rắt những cảm xúc yêu thương ngập lòng “Tôi chợt yêu từng hơi thở gấp/ tràn ngày phù sa/ Phía ban mai/ mọc lên những bước chân thầm lặng” (Mọc phía ban mai).
Và tâm sự của Huệ Nguyên văng vẳng bên lề cuộc sống đang tấp nập, sôi động “Phía ngày loang nắng là tập thơ với 90% số bài trong tập được viết vào buổi chiều, xuyên suốt tập thơ là những trở trăn về cuộc sống, về tình yêu, tình người, về cuộc đời. Những giọt nắng tràn qua miền xúc cảm đọng lại cõi lòng để bật lên những câu thơ về một cõi người còn bao điều phiền muộn. Với hy vọng, nơi “Phía ngày loang nắng” ấy, những giọt nắng tràn dư sẽ sưởi ấm những trái tim biết yêu thương bằng tình người”….
Con sẻ nâu rinh hạt thóc vàng/ cần mẫn/ chúng hiểu điều khó nhọc/ hót vang ngày/ tôi ru điều mông muội/ vần thơ tình hương say (Vô thanh).










2 nhận xét: