Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

SỐ 264 - tác giả LỆ HẢI

Tác giả LỆ HẢI

Tơ hồng vàng


Tơ hồng vướng rào dâm bụt
Rưng rưng nắng gió
Cho cải ngồng ngóng sắc vàng hoa

Một hạt mưa sa – nửa giấc mơ buồn
Sợi tóc xanh hờn rụng
Lung linh hoa kiều trinh
Rong ruổi
níu cánh thiên thần
Vương vương cành bưởi
Nợ nơi xuống đất
Duyên bay về trời

Mây giăng mắc
cải ngồng đỏ mắt
Ngất ngưởng say
Kiều trinh qua ngõ
Hoa dâm bụt đỏ tơ hồng vàng dây.

2012


Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

SỐ 264 - tác giả HUỆ NGUYÊN

Tác giả HUỆ NGUYÊN

Mưa vắt ngang ngực núi


cơn mưa vắt ngang ngực núi
cầm ngày tháng bảy rong chơi
con chuồn kim quên quảy nắng
qua cơn mơ tôi ướt đầm

ai dắt mùa về qua ngõ
bàn chân lặng hát điều gì?
mà tôi buồn như lũ sẻ
nhặt chùm cô đơn trên cành

mặc ngày cứ hồn nhiên thế
bazan cựa mình để xanh
chân trời ngủ mê bầy cỏ
dã quỳ thức gọi miên man

chỉ em môi chiều dịu ngọt
chồi non bừng giấc đại ngàn
ru tôi võng mưa kẽo kẹt
bằng thì thầm lời cánh đồng.

14.7.2014






Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

SỐ 264 - tác giả H’SIÊU BYĂ

Tác giả H'SIÊU BYĂ




TÔI, BREM VÀ GÃ CON TRAI HỌ KPĂ
Truyện ngắn



Người Êđê giận nhau đưa bát cơm xoay lưng, xuống cầu thang mỗi người đi một hướng. Tôi và chị Brem đang như thế. Vì sao à? Vì Thin – gã con trai họ Kpă, Thin buông tiếng hát lả lơi khi chúng tôi gùi nước đi qua và đong đưa cái nhìn của con mèo rừng lấm lét ngây dại.
Tiếng hát ấy đã níu chân hai chị em tôi và chúng tôi cùng gùi tiếng hát ấy về đến cầu thang nhà dài của mí. Đêm đó, chỗ ngủ có khoảng trống lớn chính giữa, mỗi đứa quay mặt về phía vách suy nghĩ miên man về gã họ Kpă, đẹp trai và dũng mãnh như con rắn hổ mang đang gầm gừ trong hang như người già vẫn thường ví…
Trời nhập nhoạng tối, ánh sáng yếu ớt cuối cùng của một ngày tắt vụt trên thảo nguyên. Trên trời cao, những đám mây mặc váy thổ cẩm nhảy múa điệu chim Grứ. Mềm mại và uyển chuyển xoay vòng, xoay vòng rồi giận giật cánh tay, ngón tay quanh mặt trăng đang cười hả hê nửa mặt. Người ta chỉ múa điệu chim Grứ trong ngày lễ bỏ mả. Đó là điềm báo không tốt – mí tôi vẫn thường nói thế và tôi tin ngay. Điều này trái ngược với những gì thầy, cô giáo nói ở trường nhưng đối với tộc người thờ phụng các Yang như chúng tôi, phải có lòng tin thật sự thì Yang mới động lòng phù hộ con cháu đến trường học nhiều chữ, lúa thóc đầy bồ, heo gà lúc nhúc đầy sân.
Chai nước trên lưng lúc lắc theo dòng suy nghĩ như tiếng đinh năm của ama Rư đệm nhạc cho klei khan mà êa Rư vẫn kể cho con cháu hàng đêm vào mùa canh rẫy. Bóng Thin lù lù chắn hết con đường mòn mấp mô.
- Dem! Có nặng lắm không? Tôi gùi giúp nhé?
Thin tháo gùi mười chai nước nặng trịch trên lưng đưa lên vai mình. Chiếc gùi nhỏ xíu không tương xứng với bờ vai rộng và chắc như gỗ kate trong rừng. Thin cười, phô hàm răng trăng trắng. Tôi sợ điệu cười đó. Cũng không biết lí do sao nữa. Mới tối hôm qua tôi còn ước ao được nằm trong vòng tay đen bóng của chàng kia mà. Thin để tôi đi trước, chiếc váy đang mặc ướt sũng, dính sát vào người, ngại quá, có khi nào Thin đang cười tôi phía sau không? Tôi chợt nhớ đến nhiều cặp vợ chồng trong làng cũng vậy, họ chẳng bao giờ sánh bước cùng nhau, bao giờ người phụ nữ cũng mang gùi đi trước, đàn ông lững thững cầm xà gạc theo phía sau. Hồi nhỏ tôi và chị Brem từng tranh cãi nổ trời về vấn đề này. Chị Brem cho rằng do người phụ nữ làm chủ nồi cơm nên họ luôn phải đi đầu giống như khi cột ché rượu người phụ nữ luôn vít cần trước. Tôi không chịu. Bằng chứng là tuy phụ nữ làm chủ nồi cơm nhưng đàn ông vẫn là trụ cột và quyết định mọi việc lớn, bé. Người đàn ông đi sau là để bảo vệ, chở che phụ nữ. Tôi quả quyết như vậy. Chị ấy nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống sàn, môi trề xuống cả tấc. Tôi tức, xổ đến túm tóc cố dí đầu chị xuống đất. Brem khỏe hơn, nằm bẹp lên người tôi đấm thùm thụp. Mí gầm lên như một con hổ:
“Ồn lỗ tai tao quá. Chướng con mắt tao quá. Muốn giết nhau thì có xà gạc dắt ở góc củi gian gar kia”.
Chúng tôi sợ tiếng gầm của mí. Dữ dằn và đe dọa. Tôi thả tóc chị Brem ra. Chị Brem thôi không nắm áo tôi nữa. Ba bốn ngày sau thì quên bẵng. Từ đấy chúng tôi không bao giờ dám giận nhau.
Thin đưa tôi về đến mé cầu thang. Mặt chàng áp sát vào má tôi, phả lên đấy những hơi thở nóng hổi quyến rũ của con cầy hương mê hoặc. Tôi bối rối đảo mắt nhìn quanh, bắt gặp cặp mắt đen láy của chị Brem đang nhìn trộm qua khe hở. Tôi xô Thin mạnh đến nỗi chàng loạng choạng suýt úp mặt vào cầu thang.
“Dem đừng giận tôi. Tôi thương và muốn theo Dem về nhà thật lòng”.
Thin trao tôi đôi dây gùi mới tết còn nặng mùi mây. Dây gùi hình dích dắc. Đó là món quà thể hiện thương nhau đến trăm mùa rẫy của người chồng đối với vợ. Nhà dài huỳnh huỵch bước chân. Tôi không dám nhìn đôi mắt to hớp hồn của Thin nữa:
“Thin về đi”.
Căn nhà dài càng trống trải và lạnh như mùa canh rẫy (mùa này cả gia đình ở chòi ngoài rẫy). Chị Brem ghét tôi như ghét cây gai nhọn hoắt chặn lối lấy đi. Mí khinh tôi như một người đàn bà xấu giật chồng amai adei. Sáng, tối chúng tôi ngồi ăn cơm xoay lưng, xuống cầu thang mỗi người một hướng. Tôi có lỗi gì chớ? Muốn hét vào mặt hai người như thế nhưng sao tôi làm được, đó là những người đàn bà tôi rất mực thương yêu, tôi không muốn họ bị tổn thương như lời người già vẫn dạy “Bắp vế to đừng đạp lên người cha. Bắp đùi to đừng chà lên người mẹ”. Phải làm sao? Làm sao? Tôi không biết nữa. Tôi trèo lên đỉnh núi Cư Ba gần nhà hét to khàn cả giọng, Yang không những giúp mà còn đáp trả lại tiếng vọng inh tai đầy khinh bỉ. Những đám mây tiến sát về phía tôi, chúng lại trình diễn điệu chim Grứ, dồn dập và mãnh liệt hơn trước. Tôi muốn túm tóc chúng, giật mạnh bong từng mảng, từng mảng khỏi da đầu, tôi sẽ nhầu nát áo váy đẹp chúng đang mặc, nhầu nhĩ xấu xí quăn queo như lá chuối khô.
Chiều nay mí xổ tóc, giũ váy trước hiên nhà, đôi mắt rười rượi, ươn ướt.
“Chị Brem mày đi rồi. Đi Buôn Ama Thuột hái cà phê thuê. Tao không giữ nổi chân nó. Bắp chân nó to rồi. Suy nghĩ nó không còn nhỏ nữa. Để nó đi thôi”.
Rồi mí khóc, khàn khàn đùng đục như tiếng khóc hờ bên nhà người chết. Tóc mí sổ tung hai màu lẫn lộn. Mí dùng váy chùi nước mắt. Rồi chảy. Rồi chùi. Tôi ôm bờ vai gầy gầy run rẩy từng cõng hai chị em đi khắp triền đồi khe suối và khóc to theo. Tôi khóc thương mí và cho niềm oan ức của mình – tôi đã không để Thin gùi giúp chai nước về nhà nữa, đôi dây gùi tôi cũng trả. Yêu Thin nhưng tôi yêu chị Brem của tôi hơn.
Tôi kể cho mí và mí cũng kể cho tôi câu chuyện dài mà bấy lâu nay mí cất giữ trong lòng. Mí nói tôi và chị Brem có cùng ama. Mí và dì cùng yêu một người trong làng – đó là một chàng trai “kéo gỗ bằng mười sức con voi kéo, đan gùi bằng mười sức người đan, chỉnh chiêng tiếng chiêng đi xa xa, khi ca mười con chim họa mi không lại”. Mỗi tối khi ánh trăng mờ mờ lướt nhẹ trên ngọn cây, chàng đến tìm căn chòi của bà ngoại, thổi đinh năm và uống rượu say khướt. Cứ thế cho đến khi ea Jun – người cha nuôi của chàng mất. Ngày làm lễ bỏ mả người ta không thấy chàng đến khóc và làm lễ để hồn người chết không còn quấy nhiễu người sống, sớm trở thành giọt sương để quay lại làm người. Có người nói chàng đã bị hổ vồ, có người thấy chàng chung với đàn bà người Kinh trắng trẻo, môi hồng, tóc xoăn xây nhà nhìn mỏi cổ trên thành phố. Nhưng dù gì sự mất tích không rõ nguyên cũng đủ để cho mọi người hoảng sợ (nhất là bị hổ vồ) nên người ta quên ngay tên chàng, khách xa đến hỏi thì giả vờ không biết khi chưa đầy nửa mùa trăng.
Mí và dì không quên, tiếng ngọ nguậy dưới bụng ngày càng rõ. Hai người cũng không dám lên thành phố tìm vì sợ thấy cảnh ama hạnh phúc với một phụ nữ người Kinh nào đó. Dì sinh chị Brem được mấy ngày thì mất. Tôi chia sẻ một bầu vú của mí với chị.
Mí không muốn chúng tôi lặp lại chuyện cũ. Mí thương Thin, cũng muốn sang hỏi chàng ấy về làm rễ nhưng Thin chỉ có một mà con gái mí thì những hai. Mí giận mình đã hai màu tóc mà không đưa được lời dạy bảo cho hai người con mà mí yêu nhất.
Thảo nguyên đang bước vào mùa mưa. Cơn mưa dai dẳng, dầm dề và ướt át. Bếp lửa bập bùng thơm sực mùi khoai. Lũ trẻ nằm lì lắng nghe người già kể chuyện cổ tích. Ở gian gar, mí đang dệt những tấm thổ cẩm dài màu đen đỏ có đường diềm hoa văn - công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và nhẫn nại kéo dài nhiều mùa mưa. Váy, áo chúng mặc ướt thẫm mồ hôi và tình yêu của mí nên đứa trẻ nào cũng thấy ấm và thơm như sữa mẹ. Ama chúng cũng tranh thủ đan gùi, đan nia để kịp hong lên bếp lửa. Có thể bồ lúa sẽ vơi, thịt treo trên bếp sẽ hết, ớt khô, gừng cay không còn nhưng mùa mưa là mùa tôi thích nhất trên thảo nguyên quê hương.
Mí gầy sọp vì thả nhiều trận ho sặc sụa. Tôi quặn thắt và ghét Brem. Ngày mai tôi sẽ lên thành phố, lôi xềnh xệch chị ấy về với mí. Tôi sẽ khóc vào mặt chị ấy và gào lên cho chị biết mí yêu chị thế nào. Tôi lấy mớ tiền để dành trong ché tuk thiêng của bà ngoại ra đếm: mười ngàn, hai chục, một trăm,… rồi sựng lại bởi một ý nghĩ tươi rói như đóa hoa quỳ buổi sớm “Biết đâu sẽ gặp ama đẻ ra chúng tôi. Tôi sẽ làm gì đầu tiên? Ôm chầm. Chửi rủa. Hay tức tưởi khóc. Không. Tôi sẽ im lặng, nhìn kỹ mặt rồi nói xầm xì vào tai chị một điều gì đó chỉ hai chị em tôi biết thôi.” Gió đưa hơi sương mát lạnh từ khe hở nhà dài, tôi để dòng suy nghĩ miên man trộn lẫn với giấc ngủ chợp chờn, đợi chờ tiếng gà gọi ánh bình minh.

SG.30/6/2014

















Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

SỐ 264 - tác giả LÊ ANH PHONG




Hồn đá Tây Nguyên


Người tiền sử
Nén tiếng lòng trong đá
Ba ngàn năm còn vọng đến bây giờ
Bao tâm sự khát khao hồn đá
Lưu dấu hoa văn trong nét tạc hoang sơ…

Đá ngân rung
Những cung bậc không ngờ
Suối nguồn nỉ non róc rách
Chim chơ-rao rỗn rang chào khách
Đại ngàn trầm hùng áng sử thi

Ba ngàn năm
Trong ruột đất lầm lỳ
Giọng “goong-lú” ủ lời của đá
Điệu đàn đá mãi ngân vang huyền sử
Ngân vang lời Khan huyền hoặc đam mê

Bạt ngàn Tây Nguyên
Ăm ắp sử thi
Chân mộc Tây Nguyên
Trong veo tiếng trúc tre, sừng, ốc
Hồn Tây Nguyên níu neo trong ruột đất
Đàn đá ngân lên nhạc khúc không lời…

Hồn đá Tây Nguyên
Xao động đất trời!






Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

SỐ 264 - tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN

Tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN



HOA ĐẤT
Truyện ngắn



Có một bông hoa bằng đất. Khi tôi về đến núi Chư Mang thì hoa vừa mãn khai. Trong cơn cuồng phong vần vũ của trận mưa đầu mùa, tôi đã gặp hoa, ngay bên lối đi cạnh núi. Tôi hỏi: “Làm cách nào mà bạn có mặt ở đây, bên núi này, trước mặt cơn giông?”. Hoa xoay tròn trong gió và cười rất tươi, chỉ lên bầu trời. Trên ấy đầy mây, tôi biết, chỉ một chút nữa thôi, khi đám mây nứt đôi, nước sẽ đổ xuống, chúng tôi, là tôi và hoa, đều sẽ ướt. Nếu tôi bị ướt, tôi vẫn sẽ là tôi. Nhưng một bông hoa được cấu tạo từ vô vàn hạt bụi đất đỏ, thì sẽ làm sao? Tôi lo, mặc dù hơi ngớ ngẩn, nhưng không thể không lo, nếu mình đã yêu hoa. Tôi nói: “Chốc nữa thế nào cũng…”. Hoa không nghe rõ lời tôi nói. Tôi hét toáng lên: “Chui vào đây nè!”. Tôi vạch áo, vạch da, vạch thịt, vạch xương của mình để dọn một chỗ trú ngụ cho hoa, trước khi cơn mưa vừa kịp trút xuống…
Từ trong sâu thẳm, hoa nói vọng ra, bạn hãy đưa tôi về núi nhé! Chắc chắn rồi, tôi nói nho nhỏ để hoa vừa đủ nghe, mình sẽ đưa bạn lên núi…
Tôi không còn nhớ mình đã từng lên núi Chư Mang mấy lần. Ngày trước, khi còn mang kiếp khỉ, tôi từng chọn nơi này làm nơi trú ngụ, thật mà. Ngòi nước này, thung lũng này, cổ thụ này, tôi chẳng lạ. Chỉ có điều khác biệt, bây giờ, tôi lên núi với một bông hoa bằng đất, màu đỏ, bazan. Tôi không cần mở mắt vì đường đi quen lắm, nhưng phải đi thật chậm vì lỡ ra, hoa còn ở trong mình.
Tôi cúi khom người bước đi vì trời vẫn còn mưa. Tôi ghé sát tai mình vào ngực để nghe chừng. Hình như hoa đang hát, có lẽ hoa đang thầm thì kể chuyện. Hoa có nhiều chuyện để kể cho tôi nghe, tôi tin thế. Nhưng, thật bất ngờ, tôi nghe rõ một khúc hát ru của ngày xưa cũ. À ơi, đôi bàn tay nhỏ, mắt, môi, một lần thôi, một lần thôi… Bỗng dưng tôi thấy bước đi chòng chành, mình rung rinh, chao đảo… Ban đầu, tôi định che chở một bông hoa, rồi sau đó, ngược lại, hoa lại hát ru mình. Tôi đi như người mộng du.
Núi Chư Mang đội mưa trắng xóa đứng chờ…
Bàn tay ấy, nhỏ thôi, nhưng rất ấm. Cuống hoa ấy, nhỏ thôi, nhưng rất sắc. Hình như đã có một vết rách ở đâu đó tôi chưa kịp thấy, nằm ở rất sâu. Nước mưa cũng đã ngấm vào rất sâu. Mà đường lên núi ngày càng dốc, thăm thẳm. Từ lưng chừng dốc nhìn xuống, thấy tất cả mọi thứ đang đứng nghiêng, đi nghiêng và nằm nghiêng. Hình như chúng sắp sụp đổ, tất cả! Tôi thử nhắm mắt lại, thử không nhìn bằng mắt, thử nhìn bằng tai, vẫn thế. Những âm thanh xào xạc nằm nghiêng, đi nghiêng, đứng nghiêng, sắp đổ. Tôi thử bịt tai lại, nhìn bằng mũi, vẫn thế. Những mùi vị quen thuộc của mưa của núi của đất đang chênh chao, nghiêng ngả. Tôi thử bịt hết mọi giác quan lại, không nghe không nhìn không ngửi. Vẫn thế!
Mà bông hoa màu đỏ ấy vẫn còn hát mãi không thôi…
Tôi nghĩ, bây giờ, nếu mình là một con chim thì cảnh vật xung quanh mình có nghiêng như thế này không? Nếu mình là một con đười ươi, con gấu, con cáo, con vân vân gì đó, thế giới có nghiêng như thế này không? Không có gì chắc chắn. Trên đỉnh núi bắt đầu xuất hiện những vì sao, sáng như mắt người say, lúng liếng trượt dọc sườn núi rồi lăn ra vỡ tan tành giữa đồng cỏ mênh mông. Tôi hỏi nhỏ: Bạn đang ru tôi bằng màu đỏ của mình? Bạn có thấy những vì sao đang trượt và lăn? Bạn có… Trả lời những câu hỏi miên man của tôi, hoa chỉ cười rất nhẹ. Cứ thế, chúng tôi lên đỉnh núi Chư Mang.
Có lẽ là khuya lắm. Những vì sao vui tính đã bắt đầu mệt mỏi, đứng im giữa đỉnh trời mùa hạ. Mắt tôi díp lại, bâng khuâng. Tôi chọn một vạt cỏ nghiêng nghiêng, ngồi xuống, nhẹ nhàng rạch da thịt mình lần nữa, để bạn chui ra. Chúng tôi nằm bên cạnh nhau, có cả câu hát ru à ơi nữa. Tôi nói, nào, bây giờ chúng ta nhắm mắt lại nhé. Lần lượt chúng tôi nhắm mắt, và bắt đầu trượt xuống, từ từ, như những vì sao đi lạc trong đêm.

Có những mảnh vỡ màu đỏ lung linh nằm rải rác dưới chân núi Chư Mang vào buổi sáng hôm sau. Những vỡ mảnh li ti, trong suốt như gương và ngân nga như một bài hát về thảo nguyên mùa gieo hạt, ướt đầm đìa, như là nước mắt ngày mưa.

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

SỐ 264 - tác giả NGUYỄN TIẾN LẬP




Mẹ ơi


Ngực trần hứng gió heo may
Pơ lang ứa nụ đỏ cay khói chiều

Chân trần vách núi liêu xiêu
Nghiêng gùi Mẹ cõng nắng chiều về sân

Trụ niềm đau tõe bàn chân
Quai gùi lõm vẹt vai trần Mẹ ơi

Giữa buồn đau  nửa cuộc đời
Chắt chiu gom nhặt nụ cười tặng con

Bếp nghèo sưởi nỗi cô đơn
Lời ru Mẹ
sưởi nỗi buồn tháng năm

Gom từng sợi thức thâu đêm
Nối đời Mẹ – với đời con – với đời

Gian nan thuở ấy xa rồi
Khóe mắt Mẹ
rạng nụ cười trong veo.






Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

SỐ 264 - tác giả TRẦN QUANG PHONG




Sông Hồng


Tôi chưa từng bơi lội giữa sông Hồng
Nhưng sông Hồng tắm mát tôi từ oa oa tiếng khóc
Từng giọt máu râm ran cội rễ
Mỗi lần da thơm phảng phất ngọn nguồn
Sông Hồng mượt mà người con gái thắt đáy lưng ong
Gánh mùa màng châu thổ
Mang thanh lịch kinh kỳ
Trẩy hội ngày xuân
Sông Hồng lung linh vàng ban mai trang sách
Đứa con phù sa đỏ
Tạ từ ngàn dâu xanh
Gió hú trắng miền biên tái
Đoàn người băng mịt mù hiểm trở
Câu mở cõi ngọt ngào mênh mang sông nước trời Nam
Sông Hồng dạt dào máu thịt cha ông
Ngựa đá hiển linh
Hãi hùng xâm lược
Áng thiên cổ hùng văn lu mờ nhật nguyệt
Đất nước yên bình thanh thản câu kinh
Ấm áp lời dặn dò vị tướng bình Nguyên
Cọc nhọn bao lần bạc đầu huyền sử
Tượng binh tiến vào Thăng Long thành vươn cao vòi ngạo nghễ

Xác giặc ngổn ngang che lấp cửa sông
Sông Hồng xanh rì bãi cỏ
Chiếc áo nâu đòng đòng hồn nhiên ngọn lúa
Vắt ngang nhân gian
Ngàn năm thao thức

Sông Hồng…


Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

SỐ 264 - tác giả HỮU CHỈNH

Tác giả HỮU CHỈNH






BIỂN ĐÔNG CỒN SÓNG TRONG TÔI


Ngày 20-1-1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam do chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát. Lúc đó cả dân tộc ta đang dồn nhân tài, vật lực cho giai đoạn quyết liệt giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước nên tạm nhẫn nhịn. Nhưng bản chất bành trướng, bá quyền ăn sâu hàng nghìn năm trong tầng lớp cầm quyền Trung Quốc qua các thời đại không hề thay đổi.
Ngày 14-3-1988, Trung Quốc vô cớ mang tàu chiến trang bị vũ khí hiện đại, tấn công, chiếm một số đảo đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu đời.
Về phía ta là những cán bộ, chiến sĩ xây đảo thuộc các tàu HQ505, HQ604, HQ605 và cán bộ, chiến sĩ, thủy thủ Đoàn 146, đơn vị Công binh 83 Hải quân, trong tay chỉ có dao xây, xà beng, cuốc xẻng và súng bộ binh mà phải đương đầu với lực lượng hùng hậu, trang bị hiện đại của kẻ xâm lược. Sự chênh lệch lực lượng quá lớn, địch đã chiếm đóng các đảo: Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Su Bi.
Trong trận chiến này, 3 tàu của ta bị bắn cháy, 64 chiến sĩ chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Những tấm gương anh hùng liệt sĩ tiêu biểu như: Trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146; Đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ604; anh hùng Nguyễn Văn Lanh bị thương nặng vẫn không rời vị trí, bám đảo đến cùng… Các anh hùng liệt sĩ vì biển đảo của Tổ quốc mà hy sinh đều là những tấm gương cao đẹp. Ở đây tôi ghi lại ấn tượng xúc động về hai anh hùng liệt sĩ trong số 64 anh hùng liệt sĩ ấy.
Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước kẻ thù hung tợn ào ạt xông lên, anh vẫn bình tĩnh chỉ huy để bảo vệ tàu, bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trong giây phút hiểm nguy, trước thế lực ngoại xâm hùng hậu, biết rằng khó giữ được đảo, anh đã lấy lá cờ Tổ quốc quấn quanh thân mình, động viên đồng đội chiến đấu tới cùng. Máu chiến sĩ tô thắm thêm lá cờ Tổ quốc đúng cả nghĩa đen, nghĩa bóng. “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước” lời Quốc ca được cất lên hào hùng giữa biển xanh.
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, Chỉ huy tàu HQ505 bị tàu địch vây bọc đã chỉ huy chiến đấu ngoan cường. Biết không thể chống lại bè lũ xâm lược, man rợ, trước tình thế mất đảo trong gang tấc, đã mưu trí cùng thủy thủ đoàn chấp nhận hy sinh, lái tàu lao lên bãi đá ngầm Cô Lin, con tàu trở thành pháo đài, thành tượng đài khẳng định chủ quyền biển đảo…
Hơn một tháng nay, từ ngày 1-5-2014 Trung Quốc lại hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lịch sử bốn nghìn năm ta đã hiểu bệnh thâm căn cố đế của Trung Quốc qua các thời đại. Đó là tư tưởng bành trướng, bá quyền, cho nên thè cái lưỡi bò để liếm cả Biển Đông đâu có gì xa lạ.
Bản Tuyên ngôn Độc lập lần thứ nhất: Nam quốc sơn hà Nam đế cư đã trải nghìn năm, mỗi người Việt Nam đều thuộc. Bài thơ này Bác Hồ đã ngâm vào tháng 6-1964 khi trả lời câu hỏi của các nhà báo Pháp: Việt Nam có lệ thuộc vào Trung Quốc? Bác của chúng ta vung tay mạnh mẽ đáp: KHÔNG BAO GIỜ!
Mỗi người Việt Nam và bạn bè quốc tế đều hoan nghênh bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 21-5-2014 tại Philippines: “Việt Nam không chấp nhận đánh đổi độc lập, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.
Mỗi người Việt Nam tin Đảng, Chính phủ với những đối sách, quyết sách đúng đắn của mình. Trung Quốc đã từng nêu quan hệ 4 tốt và 16 chữ vàng với Việt Nam, chẳng lẽ là đất sét mạ vàng.
Từ núi rừng Tây Nguyên, lòng tôi cũng cồn sóng Biển Đông.





Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

SỐ 264 - tác giả PHẠM THỊ NGỌC THANH


Hoàng hôn - TG Hồng Chiến



Viết về Tổ quốc tôi




Tôi đi trong màu mận chín hoàng hôn
Nghe Tổ quốc tôi kể về những ngày tranh đấu
Nghe quê hương đang cuộn trào con sóng
Người lính tuổi hai mươi còn xanh nét mặt
Mỗi dịp thăm nhà lại kể chuyện hành quân

Có những câu chuyện dài cho cả nghìn năm
Có những đóa linh lan mọc lên từ cỗi cằn sỏi đá
Biển giấu hiền hòa giữa mặn mòi tôm cá
Giai điệu cuộc đời ngân mãi khúc Mùa Thu

Tôi đi trong diễm lệ màu thơ
Thấy những con người đất nước tôi đang vẽ nên hình hài Tổ quốc
Cha tôi kể về Hoàng Sa, Trường Sa
       và những con người đã hi sinh máu thịt
Mệ tôi kể cho từng đứa trẻ quê tôi về chiến tích anh hùng

Tổ quốc khắc tên từng người vào trang lịch sử xanh
Để bốn mùa mướt một màu tươi sáng
Người lính nước tôi không chỉ biết cầm súng hiên ngang
Mà con biết làm thơ, biết ôm đàn hát những khúc tình ca lãng mạn
Con tim họ cháy ngời ngọn lửa tình yêu

Chúng tôi lớn lên từ những lời ru, ngọt mát câu Kiều
Yêu Tổ quốc bằng tình yêu thiêng liêng nhất
Mỗi khi Tổ quốc cần chúng tôi sẽ đồng lòng có mặt
Triệu con tim cùng chung nhịp đập

Viết ca khúc khải hoàn trên phiến đá ngàn năm.

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

SỐ 264 - tác giả LÊ ĐÌNH LIỆU




NGƯỜI CHỈ HUY NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM
Ghi chép

Năm 1994, có một thanh niên người xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đưa người nhà đi xây dựng kinh tế mới ở Đắk Lắk. Sau 2 tháng ở lại vùng đất mới huyện Ea Kar, thấy đất rộng người thưa khiến chàng trai sẵn có cá tính năng động, quyết định trở về quê vận động gia đình chuyển vào định cư tại thôn 12, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk; tất cả vốn liếng lúc đó của gia đình chỉ đủ mua 1700m2 đất làm nhà và trồng cà phê theo người dân trên địa bàn.
Trên quê mới, Nguyễn Minh Chuyền tên người thanh niên vùng đồng bằng sông Hồng phải đi làm công cho người khác để lấy tiền trang trải cuộc sống gia đình hằng ngày. Bằng sự cần cù và chịu khó làm việc, kinh tế gia đình anh dần dần ổn định. Năm 1998, Nguyễn Minh Chuyền xin đi học lớp trung cấp kinh tế - kế toán theo chương trình của tỉnh đầu tư cho các xã. Sau 2 năm theo học, anh trở về địa phương chờ việc. Thời gian này, anh được Ban Công an xã mời làm công an viên. Nhận nhiệm vụ mới không hợp với chuyên môn đào tạo, nhưng anh vẫn tận tụy với công việc, được chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá rất cao. Tháng 11 năm 2000, Sở Nội vụ ra quyết định tiếp nhận Nguyễn Minh Chuyền về làm kế toán tại xã Ea Ô. Được bố trí đúng chuyên môn, người thanh niên trẻ nhiệt tình cống hiến tài năng và sức lực cùng đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện mục tiêu xây dựng xã Ea Ô thành vùng quê trù phú.
Những năm làm nhân viên kế toán của Ủy ban nhân dân xã, Nguyễn Minh Chuyền thường xuyên học hỏi qua sách báo, trao đổi kinh nghiệm với các kỹ sư chuyên ngành về xã công tác để tìm cách phát triển kinh tế. Anh say mê tìm tòi những loại cây, con mới có giá trị kinh tế cao thay thế những cây, con có thu nhập thấp. Từ thành công ở vườn nhà, anh vận động nhân dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng và chất lượng sản phẩm. Với những thành tích trong công tác và tu rèn, năm 2003 Nguyễn Minh Chuyền được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2005 ở tuổi 31, anh được bầu làm Phó chủ tịch UBND xã. Để hoàn thành công việc mà mình đảm nhận, Nguyễn Minh Chuyền tình nguyện đi học, nâng cao trình độ; năm 2009, nhận bằng đại học quản trị kinh doanh; năm 2010 nhận bằng cử nhân kinh tế và được Đảng, nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã cho tới nay.
Xã Ea Ô ở phía tây nam huyện Ea Kar, diện tích tự nhiên 5.528ha; với 11.000 nhân khẩu, gồm 11 dân tộc anh em cùng sinh sống. Xã hoàn thành chương trình 135 năm 2006. Hiện nay đang thực hiện xã điểm xây dựng Nông thôn mới của tỉnh Đắk Lắk. Từ năm 2010, trên cương vị là người đứng “mũi chịu sào”, Chủ tịch Nguyễn Minh Chuyền đã đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện và có những quyết định kịp thời, đúng đắn cho sự phát triển nhiều mặt của địa phương. Nhớ lại năm 2009, cây cầu tại thôn 7A bị lũ cuốn trôi, khi đó cần làm gấp một cây cầu phục vụ đi lại cho nhân dân. Cấp trên dự toán xây cây cầu hết 900 triệu. Do điều kiện kinh phí của xã, huyện khó khăn, mặt khác cây cầu ở vị trí hiểm trở, các đơn vị thi công không muốn thực hiện trong mùa mưa lũ. Trước tình thế đó, Nguyễn Minh Chuyền đã tự thiết kế và tổ chức thi công cây cầu thôn 7A bằng dầm sắt, lan can sắt, mặt lát gỗ với giá thành chỉ 220 triệu đồng vừa đảm bảo mỹ quan, tiết kiệm được ngân sách và kịp thời đảm bảo việc đi lại của nhân dân trong vùng, được cấp trên đánh giá rất cao.
Về xã Ea Ô hôm nay, người dân thường nhắc đến vai trò ông chủ tịch xã biết gắn mình với cơ sở, trực tiếp cùng với nhân dân các thôn, bàn bạc thống nhất trên tinh thần dân chủ, công khai, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đưa chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào lòng người và trở thành phong trào thi đua sôi nổi tại địa phương. Chính vì thế, tháng 1 năm 2012, UBND xã tổ chức giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông nông thôn được nhân dân hết sức ủng hộ. Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 của Ban chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh Đắk Lắk:  “xã Ea Ô, huyện Ea Kar lấy phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đóng góp sức của, sức người đầu tư nâng cấp được gần 183,6 km đường liên thôn, liên xã (nhựa và bê tông) trị giá hàng trăm tỷ đồng; xây dựng một cầu bắc qua sông Krông Pắc trị giá 27 tỷ đồng, hai cây cầu khác đang được thi công, giao thông đi lại được đảm bảo”. Đạt được kết quả nêu trên, nhân dân địa phương còn nhắc mãi chuyện trong những ngày đầu thi công chương trình này, do thiếu vốn, Chủ tịch Nguyễn Minh Chuyền đã mang bìa đất gia đình thế chấp ngân hàng vay 200 triệu đồng lấy tiền mua dầu chạy máy cùng nhân dân giải phóng dứt điểm mặt bằng với tinh thần "Lửa thi đua đã rực cháy, quyết không để tắt lửa". Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp đường giao thông liên thôn, xã còn chú trọng phát triển kinh tế nâng cao mức sống cho nhân dân như đầu tư khai hoang xây dựng “cánh đồng năng suất”, đưa diện tích gieo trồng lên 4.764 ha, sản lượng lương thực đạt trên 21.000 tấn. Tổng giá trị sản xuất của xã năm 2014 ước đạt trên 340 tỷ đồng.
Trên mặt trận an ninh, tuy đảm nhiệm chức Chủ tịch xã, nhưng Nguyễn Minh Chuyền vẫn trực tiếp tham gia chỉ đạo lực lượng công an xã làm tốt công tác an ninh trật tự xã hội, thường xuyên gặp gỡ các đối tượng lầm lỡ, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; từ đó phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển rộng khắp, đạt được kết quả cao. Ghi nhận thành tích đó, xã được Công an tỉnh tặng nhiều giấy khen. Bộ Công an tặng bằng khen; năm 2012 và năm 2013 được nhận Cờ thi đua của Bộ Công an về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Nguyễn Minh Chuyền, một Đảng viên gương mẫu, một Phó bí thư Đảng ủy tận tâm, tạo sự đoàn kết thống nhất trong tập thể Ban chấp hành; một Chủ tịch xã năng động, nhiệt tình, “nói đi đôi với làm”, góp phần quyết định xây dựng thành công chương trình Nông thôn mới trên địa bàn xã Ea Ô. Khi trao đổi với chúng tôi về bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, anh cười trả lời: Có gì đâu, Đảng ủy và Chính quyền xã làm đúng đường lối của Đảng là: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; thế là phong trào được nhân dân ủng hộ và nòng cốt đi tiên phong phải là cán bộ, đảng viên để dân noi theo, vậy thôi! Bài học rút ra từ một xã điển hình thật đơn giản nhưng sâu sắc, nếu nơi nào cũng làm được điều “đơn giản” như xã Ea Ô; lãnh đạo biết phát huy dân chủ, người cán bộ, đảng viên lĩnh ấn tiên phong thì chương trình “Xây dựng nông thôn mới” mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện chắc chắn sẽ thành công.


Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

SỐ 263 - tác giả LÊ ĐÌNH LIỆU

Tác giả Lê Dình Liệu



NIỀM TIN CƯ ELANG
                                                                                                                        Ghi chép

     

Tôi cùng nhà văn Hồng Chiến - Phó chủ tịch thường trực Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk về thăm xã Cư Elang đúng vào ngày Ủy ban nhân xã tổ chức sơ kết 3 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (2011-2013).
Ngày 29 tháng 4 năm 2005 xã Cư Elang được thành lập. Sau 9 năm, một vùng sâu vùng xa phía đông Đắk Lắk với diện tích tự nhiên 8264 ha, có 1658 hộ với 7629 khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 79,2% gồm 11 dân tộc anh em cùng chung sống đang vững bước đi lên trên đà phát triển đồng bộ về mọi mặt tạo cơ sở vững chắc để nhân dân góp sức xây dựng Nông thôn mới. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Kim Hùng - Bí thư đảng ủy cho biết: Đảng bộ Cư Elang hiện có 128 đảng viên trong đó 50% là người dân tộc thiểu số. Toàn xã có 10 thôn, buôn đều có chi bộ. 4 năm liên tục (2010 – 2013) Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh.
Chúng tôi hỏi về công tác tuyên truyền vận động nhân dân thời gian vừa qua trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, đồng chí Nguyễn Kim Hùng cho biết:
Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết số 10 ngày 17 tháng 10 năm 2011 về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2030. Lãnh đạo xã luôn quan tâm và tạo điều kiện để nhân dân hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng Nông thôn mới”; tổ chức tuyên truyền ở 10 thôn, buôn với 1000 hộ tham gia 10 buổi tọa đàm; cấp 120 cuốn tài liệu hỏi đáp về xây dựng Nông thôn mới cho các thôn, buôn; xây dựng thành công thôn 6C và buôn Vân Kiều đạt “Thôn Văn hóa cấp huyện”, chọn thôn 6D xây dựng thành thôn trọng điểm làm mô hình nhân rộng trên địa bàn xã.
Chúng tôi đi cùng chị Chu Thị Nguyễn - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã vào thăm buôn Vân Kiều, một buôn vừa dược công nhận là “Buôn văn hóa cấp huyện”. Trên đường đi chị kể cho chúng tôi nghe về từng con đường đất lầy lội khi mùa mưa tới. Ngày mới thành lập xã Cư Elang, bộ máy lâm thời chủ yếu là người xã Ea Ô được điều vào (Cư Elang là xã được tách ra từ xã Ea Ô) cả xã chưa có được 1m đường bê-tông hay nhựa. Gian nan cho cán bộ phải vật lộn trên đoạn đường từ nhà vào nơi làm việc gần 10 cây số, vượt qua chiếc cầu treo bắc qua sông Krông Pắc tồn tại từ năm 1998 - 2008 cầu có chiều cao 11m, dài 40m. Người dân thôn 7A xã Ea Ô phải dùng tới 53m3 gỗ làm cầu. Đã có những mùa lũ cầu bị cuốn trôi. Đã có những lần xe công nông chạy trên cầu bị lật xuống sông và có cả người đi xe máy trượt xuống dòng sông tử nạn. Chị nhớ lại vào năm 2007 có một hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk gửi tặng buôn Vân Kiều bài thơ có tựa đề “Chỉ sợ cái tình người thưa”. Người Vân Kiều đón nhận bài thơ vì rằng tác giả đã thay lời muốn nói cho dân gửi tới mọi người. Chị bảo chúng tôi nghe chị đọc một vài câu: Đường về Vân Kiều trời mưa/ Đất đỏ sẽ ôm kín dép/ Nếu ngại giảm đi vẻ đẹp/ Người ơi đừng đến Vân Kiều. Rồi chị chiêm nghiệm 4 câu  kết của bài thơ mà theo chị đây là tấm lòng của người buôn Vân Kiều nhắn gửi cho nhau: Đường về Vân Kiều vùng sâu/ Đất đường khi mưa khi nắng/ Không lo nẻo đường xa vắng/ Chỉ sợ cái tình người thưa. Dứt lời chị quay sang nói với nhà văn Hồng Chiến: Buôn Vân Kiều luôn chờ đón các nhà thơ về với vùng sâu vùng xa để có những bài viết hay về Vân Kiều rồi chị cười: “Chỉ sợ cái tình người thưa”.
Tới buôn Vân Kiều, một buôn có tới 9 dân tộc anh em. Nghe đồng bào nói cán bộ Nguyễn nó biết thương chúng tao, biết lo cho buôn nhiều lắm. Vân Kiều tin nó và làm theo nó. Thì ra chị Nguyễn vừa là Chủ tịch Hội Phụ nữ lại kiêm Bí thư chi bộ buôn Vân Kiều. Được gặp đồng bào ở một buôn thôi, chúng tôi nhận thấy người dân nơi đây chuyên tâm làm ăn phát triển kinh tế; không tin, không nghe lời kẻ xấu xúi giục. Với 8 đảng viên trong đó có 5 là người dân tộc thiểu số, 7 năm liên tục (2007 - 2013) chi bộ đều đạt “Trong sạch vững mạnh”, buôn Vân Kiều đạt “Buôn văn hóa cấp huyện”.
Đi trên cây cầu Ea Rớk có chiều dài 137m bê-tông với tổng kinh phí gần 30 tỉ đồng bằng nguồn vốn nhà nước đầu tư thay thế chiếc cầu treo trên sông Krông Pắc nối liền Cư Elang với các xã trên địa bàn huyện Ea Kar tạo nên con đường huyết mạch hình thành các mối liên kết công – nông – lâm nghiệp phía đông Đắk Lắk. Mới sang tuổi thứ 9 mà tên tuổi và sự khởi sắc của Cư Elang đã lan tỏa trên diện rộng huyện Ea Kar.
Tiếp chúng tôi tại Văn phòng Ủy ban nhân dân xã đồng chí Hoàng Văn Lập - Chủ tịch xã cho biết: Năm 2005 tổng giá trị sản xuất đạt 10 tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người 1.900.000đ/năm; đến năm 2013 tổng giá trị sản xuất đạt 107 tỉ, thu nhập bình quân đầu người 14.600.000đ/ năm. Con số 82% hộ nghèo ngày thành lập xã bây giờ còn lại 53,8%. Tương lai không xa con số này không còn nữa. Cả xã đã có 19km đường bê-tông, nhựa. 60% hộ dân đã được sử dụng điện. Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đạt hơn 30 tỉ đồng. Toàn xã hiện có 4 trường học với 2113 học sinh (1 trường mần non, 2 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở). Tỉ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi đạt trên 98%. Duy trì sĩ số đạt 98,9%. Tỉ lệ học sinh khá giỏi hàng năm đạt 29,6%. Xã được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và trung học cơ sở; chất lượng giáo dục ngày một nâng cao đáp ứng yêu cầu cho sự nghiệp giáo dục tại địa phương.
Chúng tôi hỏi về quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới xã gặp phải những khó khăn nào, đồng chí chủ tịch tâm sự: Xã Cư Elang có địa bàn rộng, dân cư phân bổ không tập trung, tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 80%, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, mặt bằng dân trí thấp, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, địa phương không có nguồn thu nên công tác huy động nguồn lực tại chỗ còn rất hạn chế, cán bộ của một số ban tự quản, ban phát triển thôn buôn năng lực còn yếu nhất là công tác tuyển truyền vận động đóng góp xây dựng Nông thôn mới chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. 100% các tuyến đường ra vùng sản xuất chưa được đầu tư. Nhiều cụm dân cư chưa có điện sinh hoạt. Phòng học cho các em còn thiếu.19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới tính đến thời điểm này xã mới đạt 3 tiêu chí: Quy hoạch và tổ chức công bố quy hoạch; Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; An ninh, trật tự xã hội dược giữ vững. Mục tiêu giai đoạn 2013-2015 phấn đấu hoàn thành 4 tiêu chí: Về chợ nông thôn; về cơ cấu lao động; về hình thức tổ chức sản xuất và công tác y tế. Dứt lời, đồng chí chủ tịch đưa chúng tôi bản báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội bảo đảm an ninhquốc phòng 2013. Bên cạnh việc tập trung đầu tư hoàn thiện các tiêu chí đã xây dựng trong từng giai đoạn, xã đang đề nghị UBND tỉnh, huyện tạo điều kiện đầu tư một số lĩnh vực: Xây dựng đường giao thông và kéo điện sinh hoạt cho nhân dân thôn 3 là thôn duy nhất chưa có điện và đường giao thông. Nâng cấp trạm y tế, đảm bảo đủ phòng học và trang thiết bị dạy học. Tổ chức bàn giao hiện trạng công trình hồ, đập và cánh đồng Ea Dê để địa phương quản lí và lập phương án giao đất.
Chia tay chúng tôi, đồng chí Chủ tịch Hoàng Văn Lập vẫn còn mặn mà với những lời tâm sự về chương trình mục tiêu quốc gia. UBND xã sẽ rà soát lại quy hoạch tổng thể, những hạng mục của đề án xây dựng Nông thôn mới được điều chỉnh phù hợp cho kịp tiến độ. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các ban ngành đoàn thể. Tiếp tục công tác tuyên truyền vận động, chú trọng công tác đào tạo cán bộ để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng kịp thời  yêu cầu nhiệm vụ.
Cư Elang một vùng đất mới đang lên. Một địa danh của núi rừng hoang vắng những năm 90 còn đan dầy dấu chân thú dữ. Giờ đây đất và người đang dồn lên sức sống mãnh liệt thu hút từng đoàn người khắp mọi miền đất nước về đây lập nghiệp. Một Cư Elang thôi đã hội tụ 11 dân tộc anh em. Phong trào toàn dân chung tay xây dựng Nông thôn mới bắt đầu khởi sắc theo chương trình mục tiêu quốc gia. Chúng tôi hiểu các anh, các chị những cán bộ chủ chốt, là người cầm quân nơi cửa ải núi rừng bạt ngàn còn lâm tặc, bọn tội phạm... Các anh sẽ giành được thắng lợi; bởi vì các anh đã xây dựng được nền tảng vững chắc đó là sự đồng thuận của toàn dân. Tất cả sẽ là tiềm năng và động lực để thúc đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Chúng ta đón nhận ở ngày mai một Cư Elang giàu mạnh trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.

                                                          Trại sáng tác Eakar 06/2014