Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

SỐ 263 - tác giả PHẠM VĂN HẢI





ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN VỀ TÁC PHẨM
BÍ MẬT RỪNG THIÊNG CỦA NHÀ VĂN HỒNG CHIẾN


Tôi đã may mắn được đọc một số tác phẩm của nhà văn Hồng Chiến, người con xứ Thanh, hiện đang là Phó tổng biên tập tạp chí văn nghệ Chư Yang Sin. Anh viết nhiều về mảnh đất Tây Nguyên. Mỗi tác phẩm đều đem đến cho người đọc những cảm nhận khác nhau, nhìn chung đều toát lên vẻ đẹp hùng vĩ, bí hiểm, tiềm ẩn, linh thiêng của đại ngàn hùng vĩ.
Trong Bí mật rừng thiêng, nhà văn đã đi sâu nghiên cứu rất tỉ mỉ, tinh tế về sự chuyển đổi giao hòa của thiên nhiên và con người, sự cộng sinh của mọi sinh thể sống trong triết lí “vạn vật hữu linh” và theo thuyết nhân – quả.
Với cái nhìn mới mẻ, nhà văn đưa người đọc đến một thế giới tuổi thơ đầy màu sắc lung linh, một cái nhìn chân thật về thế giới tự nhiên. Ở đó con người thông qua lao động, sáng tạo chế ngự thiên nhiên, khám phá những kì bí và sống chan hòa với chúng như người bạn gần gũi. 
Thông qua nhân vật H’Chi, một em bé người đồng bào Êđê, tác giả đề cao tính nhân văn, khơi gợi tình yêu thương trong mỗi con người với thiên nhiên hoang dã. H’Chi với những suy nghĩ mộc mạc, trong sáng, em đã vượt qua nỗi sợ hãi, vượt qua lời nguyền của “rừng xanh” để đi tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ và cho mọi người.
Tác giả như vô tình để cô bé lạc vào “Rừng thiêng” từ đó, một mình em đã tự mình khám phá và rút ra nhừng bài học bổ ích vốn không có trong sách vở mà H’Chi đã được học, một kĩ năng sống, một sự đấu tranh vừa bản năng vừa trí tuệ trong sự sinh tồn của con người. Đó chính là tình huống truyện đặc sắc mà ta ít gặp ở một số tác phẩm khác khi viết về Tây Nguyên.
Bí mật rừng thiêng gồm IX chương, mỗi chương là một mẩu chuyện  được xây dựng có tính logic chặt chẽ, xuyên suốt trong từng câu chuyện kể. Mới đọc thoáng qua, ta tưởng chừng như là những câu chuyện rời rạc. Nhưng đọc kỹ ta sẽ phát hiện ra đó là một thế giới tự nhiên, một khu vườn bách thú, những loài thú quí hiếm trong “sách đỏ” được bảo tồn. Ngay từ đầu cuốn sách ta bắt gặp “Chuyện lạ bên sình.” H’Chi đi tìm thuốc tình cờ lại bắt gặp được bài thuốc chữa trị khi bi rắn cắn, thông qua hình ảnh nhưng con khỉ chữa bệnh cho nhau, đó cũng chính là tình yêu thương, trong một tập thể sống bầy đàn có tổ chức mà bầy khỉ tồn tại được trong thế giới tự nhiên. Cái hay nữa là những lá thuốc con khỉ đầu đàn chữa trị cho khỉ con lại nằm ngay trong rẫy nhà H’Chi mà lâu nay H’Chi không hề biết.
Đến chương II “Voi rừng”, ta lại khám phá ra được những phép mầu nhiệm từ thế giới tự nhiên, khi mà loài voi rất căm ghét những người ăn thịt voi, và cũng vì tình yêu thương đồng loại mà voi sẵn sàng phá nát một ngôi nhà sàn có chứa chấp những kẻ săn, ăn thịt voi. Đặc biệt, nó sẵn sàng giết chết chủ nó khi mà vi phạm điều cấm kỵ này. Sau khi quật chết người chủ của mình, voi biết mình sai nó sẵn sàng đón nhận hình phạt, cũng như chấp nhận cái chết mà không phải bất cứ loài nào cũng có được. Ngay cả chính con người cũng không thể làm được điều như vậy. Cái hay của câu chuyện là thế, nó chứa đựng một triết lí sâu xa về bài học làm người, nó giúp cho con người với con người sống tốt đẹp hơn. Câu chuyện hồn nhiên, đi vào thế giới của tuổi thơ những bài học về đạo đức mà tác giả đã làm được.
Tiếp tục ta lại khám phá tiếp câu chuyện thứ ba, “Cuộc gặp gỡ bất ngờ”. Lần này tác giả lại mang đến cho người đọc về ý thức bảo vệ môi trường sống, sự cân bằng của hệ sinh thái. Khi mà loài gấu tấn công con người. Một cuộc gặp thật kỳ lạ, vừa mơ hồ nhưng chứa đựng một nguyên tắc sống, khi hai vợ chồng người nông dân đang làm rẫy gặp gỡ con con gấu trong trạng thái căm phẫn, nó sẵn sàng chống lại con người khi mất đi ngôi nhà nó đang sống đó là “Rừng”. Đến câu chuyện thứ tư ta cảm nhận được điều mới lạ ở những con “Gà rừng”, tác giả không có ý tưởng là khám phá cách săn gà rừng thế nào cho hiệu quả mà ở đó nhà văn đưa ra cách sống tập tính của gà rừng, khi săn nếu như gặp được đàn gà rừng thi hãy chọn con gà trống mà bắn trước thì tất cả lũ gà con lại như mất đi một vị thủ lĩnh, sẽ không biết xử lí thế nào.
Đến chương V, ta lại bắt gặp một cuộc đấu tranh sinh tồn không cân sức giữa lợn rừng và hổ. Tác giả đặt cho cái nhan đề rất hấp dẫn “Anh hùng hội ngộ” thực ra là người viết muốn đưa đến chúng ta một cái nhìn về sự đấu tranh sinh tồn trong cuộc sống, không phải lúc nào kẻ mạnh cũng là kẻ chiến thắng. Cái đặc sắc trong mỗi câu chuyện là tác giả luôn khéo léo lồng ghép những vị thuốc được khám phá, những món ăn đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên được pha trộn của các vùng miền khác mà khi di cư người ta đã đem theo vào đây. Mỗi câu chuyện kể cứ lôi cuốn người đọc trong sự tìm tòi tỉ mỉ của người viết, giúp người đọc hình dung ra trước mắt như mình đang được tham quan trong khu bí mật của “Rừng thiêng”.
Trong “Rừng đêm” ta bắt gặp những loài vật mà tưởng chừng như quá rõ đối với những ai ở Tây Nguyên, nhưng khi đọc tác phẩm ta cũng phải ngỡ ngàng trước sự mới lạ: thiên nhiên còn nhiều điều bí ẩn. Từ những tiếng tắc kè trong đêm, tiếng hú gọi của bầy sói, tiếng chim trong đêm, lời thủ thỉ của heo rừng… gần như đã đưa người đọc đi cùng người viết chứng kiến cảnh sắc thiên nhiên hoang dã.
   Tác giả đã vận dụng lối viết giản dị, chân thật, với sức sáng tạo độc đáo trong từng câu chuyện, nhưng ta vẫn cứ còn như nuối tiếc một điều gì đó ở tác phẩm. Giá như tác giả đi sâu vào từng chi tiết để tăng thêm phần thú vị ở chiều sâu, tăng cường màu sắc Tây Nguyên trong ngôn ngữ của người đồng bào thì đặc sắc biết bao nhiêu. Tuy nhiên, vẫn rất nhiều thông điệp nhân văn, rất nhiều những khám phá bí mật và bài học về tình yêu thiên nhiên hoang dã mãi khắc sâu trong tâm trí của thế giới tuổi thơ, trong tâm trí mỗi người khi đọc tác phẩm này.

Là người đọc, tôi rất cảm ơn tác giả đã giúp cho tôi hiểu nhiều về mảnh đất Tây Nguyên, đặc biệt rất nhiều điều bổ ích về những qui luật của “Rừng xanh”. Tôi mong cuốn sách được đến tay nhiều độc giả là các em thiếu nhi. Những câu chuyện với những cái kết có hậu sẽ giúp cho các em hiểu được thế giới tự nhiên, từ đó sẽ có ý thức ngay từ nhỏ về sự bảo vệ rừng, đặc biệt là có tình yêu thương của con người với con người, con người với thiên nhiên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét