Tác giả NGUYỄN HOÀNG THU
TRÊN VÙNG ĐẤT EA KAR
Bút ký
Ea
Kar, vùng đất lên màu sự sống tốt tươi lại hiện ra trước mắt
tôi. Một Ea Kar hoàn toàn đổi mới; từ đường phố thị trấn huyện lị sầm uất đông
vui với những tòa nhà khang trang cùng những cửa hàng bóng bẩy đêm ngày bày bán
đủ đầy các loại sản phẩm tiêu dùng..., cho đến những con đường nhựa nông thôn
mở rộng đi về các xã gần xa, đó đây không còn lồi lõm nắng bụi mưa bùn. Tất cả đang hình thành dần diện mạo đời sống nông thôn mới lồng lộng màu xanh
các loại cây nông nghiệp và công nghiệp cho thu hoạch đầy đặn trên diện tích hơn 68.000 hec ta, riêng tổng sản lượng lương thực năm 2013 đạt 145.000 tấn,
hứa hẹn tăng lên 163.500 tấn trong năm 2014. Bên cạnh đó, diện tích các loại
cây lâu năm: cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, ca cao của những trang trại lớn nhỏ
và vườn nhà người dân, bước sang năm 2014 có khả năng tăng lên 17.000 hecta, là
nguồn thu lớn đáng kể; hàng năm lại có gần 20.000 hecta: mía, sắn...cho sản
lượng cao trên đất màu bazan, từ đó huyện này đã có một nhà máy chế biến đường kết tinh
đạt sản lượng 37.600 tấn/năm và một nhà máy tinh bột sắn sản xuất được 36.000
tấn/năm. Một Ea Kar hôm nay tỏ rõ niềm vui sống, dù còn nhiều điều phải làm cho
ngày mai tốt đẹp hơn, trước mắt đã điểm tô khuôn mặt người cười cùng ngàn cây
xanh tươi, hân hoan từng mùa thu hoạch, mua sắm
thêm tiện nghi phục vụ đời sống gia đình. Nhiều năm qua,
đường dây điện đã kết nối ánh sáng vào mọi nhà tận các xã vùng sâu vùng xa,
cách thị trấn huyện lị 40-50 km, như xã Cư Prông, Cư Elang, Cư Bông bên dãy núi Cư Pah và Cư Yang.
Một Ea Kar hôm nay rộn ràng niềm vui từng bước chân tuổi thơ thanh thản đến
trường; từ mầm non cho đến các cấp học hiện nay, tại 14 xã và 2 thị trấn của
huyện này có tất cả 81 ngôi trường, trong đó có 29
trường đạt chuẩn quốc gia. Mỗi năm có hàng ngàn học sinh bước vào các trường
đại học trong tỉnh và trong nước. Một Ea Kar nhiều đổi thay cả vật chất và tinh
thần, được hun đúc từ bàn tay trí tuệ nhân dân đồng tình quyết tâm cùng cán
bộ các ngành các cấp đã làm nên cuộc sống mới sinh động hôm nay, trên vùng đất
rộng từ bao đời chỉ có đất trống và rừng hoang…
*
Huyện
Ea Kar được thành lập từ năm 1986, một vùng đất rộng hơn 100.000 hecta thuộc
tỉnh Đắk Lắk, có sông Krông Păk từ thượng nguồn núi cao Cư M'Drăk chảy qua cùng
mấy mươi con suối hợp lưu thành dòng nước lớn tắm đẳm đất đai ruộng đồng cho các loại cây trồng và hoa màu lên
xanh. Đến nay, vùng đất này có hơn 150.000 người dân, đa số là người Kinh và
người dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền Bắc đến lập nghiệp. Người bản địa Êđê
trước sau chỉ có 29 buôn làng trong số 247 thôn buôn của huyện, từ bao đời sống
an cư tại các xã mang tên sông suối núi rừng của vùng đất Tây Nguyên thân yêu.
Ngày đầu tiên tại huyện
Ea Kar, tôi đến xã Cư Bông bên suối thác đẹp D'Rây Pơ hãy còn hoang sơ, thả dòng
nước len lách dưới chân dãy núi Cư
Yang. Xã Cư Bông có 12 thôn buôn, gồm 1.450 gia đình, đa số là người
dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc đến tìm đất sống, chỉ có 4 buôn người bản địa Êđê;
cuộc sống của xã mới thành lập hơn 10 năm qua hãy còn hơn 37% hộ
nghèo, đáng quan tâm là các buôn làng người Êđê, phần đông
còn nghèo
khó hơn. Tôi không thể không nghĩ đến buôn Trưng gần căn cứ
kháng chiến đã
qua, với số dân 674 người mà nghèo khó hiện nay có đến 60%,
là chênh lệch quá lớn khi nghĩ đến toàn huyện Ea Kar chỉ có 10% hộ dân nghèo,
trong đó, Ea Ô là xã điểm nông thôn mới ở phía đông-nam gần trung tâm huyện chỉ còn
6,5% hộ nghèo. Làm sao để sớm xóa bỏ tình trạng nghèo khó ở các xã cách xa trên
vùng đất huyện Ea Kar là điều đáng quan
tâm và đang quan tâm của các ngành các cấp cùng sự nỗ lực chăm lo hơn của người
dân nghèo trên từng thước đất vườn cây ruộng đồng...
Tại
buôn Trưng xã Cư Bông cũng có nhiều gia đình làm kinh tế giỏi.
Nổi bật nhất là chị H'Lanh Byă, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã cùng chồng là
anh Lê Hoàng Lâm, cả hai người đồng tâm quyết chí
khai khẩn đất hoang, không chịu dừng lại với 3 sào lúa nước thâm canh mỗi năm 3
vụ hơn 10 tấn lúa, nhiều năm qua đã ra sức mở rộng được 11 hecta mía bên hồ buôn
Trưng. Một con số biết nói biết cười nở rộ ra trên ruộng
đồng mía rộng của vợ chồng chị H'Lanh Byă, đã cho thu hoạch 800-900 tấn/năm; trừ chi phí
sản xuất ra, mỗi năm gia đình chị còn lại 400-500 triệu đồng, là con số ước mơ đã
lường trước được từ quyết tâm và tính toán của hai vợ
chồng. Thêm niềm vui nữa, con gái lớn của đôi vợ chồng người Êđê và người Kinh
ở buôn Trưng xã Cư Bông này đang là sinh viên Đại học Khoa
học xã hội
và nhân văn tại thành phố Hồ Chí Minh. Niềm vui của gia đình H'Lanh Byă đã lan
truyền sang tôi với ước mong sao những tháng năm sắp tới
có thêm nhiều gia đình người dân xã Cư Bông đạt được cuộc sống vui tươi đủ đầy...
Thêm
một ngày tôi đến buôn làng M'Um tọa lạc êm đềm cuối xã Cư
Prông có dòng
suối Ea Sal chảy dài theo chân dãy núi Cư Pah. Buôn trưởng
Y Bhăn Byă và vợ là H'Thuận Niê cùng niềm nở tiếp khách trên
căn nhà sàn rộng dài giữa bốn bề vườn cây xanh đang mùa ra quả. Khuôn mặt buôn
trưởng đẹp rắn rỏi của người bản địa Êđê ngồi đối diện tôi,
bên cạnh người vợ luôn lộ nét vui hồn hậu dịu dàng.
-
Buôn M'Um còn khó khăn, có 40 căn nhà sàn dài dựng lên đều đặn hai bên đường,
chỉ có 197 người dân mà có đến 90 người nghèo. Diện tích lúa nước, thì
ít thôi, chỉ có 12 hecta, còn lại là bắp; sắn thì có nhiều hơn, 20 hecta, và trồng thêm mía, được 5 hecta, anh ạ! Bấy nhiêu đó thôi,
cũng đủ sống qua ngày; không có ai đói đâu!
Buôn
trưởng Y Bhăn Byă nói cho tôi nghe bằng giọng chân chất
thật thà, không lộ chút gì buồn khi mời tôi uống nước. Trong giây lát
tôi nghĩ: người Êđê cũng như bao người dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên, sống
là sống vui cùng thiên nhiên, đủ thôi là được, không nặng nề bon chen... Sau
lời nói của chồng, chị H'Thuận Niê, chủ tịch phụ nữ xã nói, giọng tâm tình:
"Hàng năm, đến ngày 4 tháng 1, buôn M'Um vẫn còn giữ tục cúng bến nước tại suối Ea Sal; mọi người đều có mặt từ buổi sáng, đông vui và đoàn
kết, cùng nghe tiếng cồng chiêng và uống rượu cần; sau đó, buổi trưa thì cùng về nhà già làng
Y Gút Byă, tỏ rõ tình ý biết ơn bến nước, cầu mong cuộc
sống yên vui, nhắc nhở tình đoàn kết yêu thương giữa mọi người trong
buôn làng; và, trong niềm vui mừng ngày cúng bến nước, thiêng liêng và thân ái
ấy, trên căn nhà sàn dài rộng của già làng lại tổ chức ăn uống bên tiếng nhạc
cồng chiêng cộng hưởng tâm tình người và sông núi kề cạnh
buôn làng..."
Rời
xa M'Um, buôn làng còn nghèo mà thủy chung tình người,
trên đường về đến thị trấn huyện lị Ea Kar sáng ánh đèn đêm nhộn nhịp người xe
quán xá nhà hàng, vẫn còn đeo đẳng trong tôi tình cảm trân trọng quí mến những khuôn mặt
người Êđê chân thật, giàu lòng yêu thiên nhiên và con người. Bằng những nghĩ suy thực tế và mới mẻ hơn, mong sao những tháng ngày
không xa, buôn M'Um thêm bàn tay mở rộng thêm đất màu trồng trọt, chăn nuôi,
cùng các thôn làng của xã Cư Prông nâng cao mức sống hơn, không còn là xã nghèo nhất của
huyện Ea Kar...
*
Một
niềm vui trọn vẹn trong tôi khi đến xã Ea Ô, chỉ cách xa huyện lị Ea Kar hơn 10 km. Dòng
sông Krông Păk chảy ngang qua xã này nhiều năm qua tắm tưới thêm phù sa cho
ruộng đồng lúa vườn cây xanh các loại của vùng đất rộng hơn 5.500 hecta, đem
lại sự sống vững vàng cho hơn 11.000 người dân các
dân tộc: Kinh, Mông, Thái, Dao, Tày, Nùng, Mường, Vân Kiều... từ các tỉnh phía
Bắc đến lập nghiệp, đa số là người Kinh quê quán ở Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình... Xã Ea Ô được
thành lập từ đầu năm 1994, hiện là xã khá nhất của huyện Ea Kar, mỗi năm
đều tăng trưởng giá trị kinh tế, bình
quân thu nhập năm 2013 vừa qua của một người là 21,3 triệu đồng, đến nay chỉ
còn 6,5% gia đình nghèo, hứa hẹn trong năm nay sẽ giảm thêm nữa. Tiêu biểu về
những người sản xuất giỏi của xã Ea Ô hiện nay là bà
Lê Thi Ký ở thôn 8, chuyên ươm các loại cây giống: cà
phê, điều, cao su, các loại cây ăn quả, thu nhập bình quân 500 triệu
đồng/năm, đã sẵn lòng dành 50 triệu đồng làm từ thiện giúp đỡ các gia đình
nghèo; bên cạnh đó, vườn tiêu thâm canh hơn 1 hecta của ông
Vũ Thanh Bình
ở thôn 2 đã đem lại 500 triệu đồng trong năm qua. Điều đáng nói nữa, người dân
xã này cùng đồng tình xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn, tự nguyện đóng góp
công sức đất đai hoa màu và tiền bạc chung vào ngân sách nhà nước, mở rộng những con đường nhựa và bê tông nối liền thôn xóm với chiều
dài hơn 90 kilômét. Trong số 2.770 hộ dân đã có gần 1.900 căn nhà xây kiên cố, tọa lạc
khang trang bên những con đường liên thôn liên xã, không còn nhà tạm bợ giữa
một vùng đất luôn xanh màu lúa, ngô, sắn, vườn
cây ăn quả cùng các loại cây công nghiệp lâu năm: cà phê, ca cao, đào lộn hột
và cao su. Vui biết mấy khi thấy mỗi thôn làng có 5-7 sân bóng chuyền, lại thêm
dự tính đến năm 2015 sẽ hoàn thành công trình nhà văn hóa và khu thể thao xã Ea Ô. Trên
địa bàn xã có một khu thương mại bày bán đầy đủ
tiện nghi đời sống, có cả cửa hàng tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện, bếp gas...và
dịch vụ sửa chữa điện máy dọc dài hai bên con đường nhựa gần trung tâm xã, thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua sắm không phải đi xa đến thị trấn.
Khuôn
mặt bí thư Đảng ủy xã, Vũ Quang Đôn và Chủ
tịch ủy ban nhân dân xã, Nguyễn Minh Chuyền cùng hiện rõ niềm vui khi nói với
tôi trên đường đến thăm một ngôi trường tiểu học: "Ở Ea Ô hiện nay tất cả
các cháu đến tuổi học hành đều đến trường; xã có 2 trường
mầm non, 3 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở, tất cả đều sạch đẹp
khang trang... Chất lượng giáo dục hàng năm đều tăng lên, đa số học sinh đạt
khá giỏi, có 3 trường các cấp của xã đạt chuẩn quốc gia... Tại trường tiểu học Lê
Văn Tám, có cháu gái Trần Thu Diễm học sinh lớp 5 vừa đạt học sinh giỏi cấp
quốc gia về môn tiếng Anh vào cuối tháng 4 năm 2014, là niềm vui của xã
nhà..."
Niềm
vui của xã Ea Ô, của huyện Ea Kar trong cuộc sống mới đã lan truyền sang tôi để
tin tưởng hơn về tương lai của vùng đất này; đất đai luôn xanh màu tốt tươi các loại cây trồng, bên cạnh ao hồ thả cá và chuồng trại chăn nuôi phát
triển thêm lên; tất cả nhờ bàn tay trí tuệ người dân thuận tình cùng chủ trương của nhà nước. Một vùng đất rộng, có sức mạnh nhân dân tự tin tự chủ;
dân tin cán bộ và cán bộ quan tâm gần gũi dân như là một, có chung hướng nhìn về tương lai, sao cho không còn ai nghèo khó... Những ngày đi đó đây trên vùng đất Ea
Kar, đã cho tôi thấy rõ, huyện miền núi cao nguyên Đắk Lắk này của Trường Sơn-Tây Nguyên sẽ còn phát triển hơn nữa; màu xanh sự sống
không chỉ là vườn cây, đồng lúa, nương ngô mà còn là niềm vui xanh màu
tốt tươi trong nghĩ suy cảm thụ những giá trị văn hóa tinh
thần, người người đến với nhau trong tình thương yêu hơn...Có
được như thế, người người trên vùng đất Ea Kar này sẽ
cảm thấy lòng
mình nhẹ nhàng hơn, đáp đền được ơn nghĩa của rừng... Lặng
lẽ cam chịu, từng tháng năm qua từng cánh rừng nguyên sinh đã mất đi cho từng vườn
cây, ruộng đồng lên xanh; rừng đã hào phóng cho người
sự sống đủ đầy, tốt tươi lâu dài trên vùng đất Ea Kar một
thời bạt ngàn rừng cây xanh. Rừng hy sinh nhan sắc cho vẻ đẹp đời sống con
người luôn tươi tắn sinh động sắc màu...
Buôn
Ma Thuột, ngày 27-6-2014.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét