NGƯỜI CHỈ HUY NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM
Ghi chép
Năm 1994, có một thanh niên người xã Thống
Nhất, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đưa người nhà đi xây dựng kinh tế mới ở Đắk
Lắk. Sau 2 tháng ở lại vùng đất mới huyện Ea Kar, thấy đất rộng người thưa
khiến chàng trai sẵn có cá tính năng động, quyết định trở về quê vận động gia
đình chuyển vào định cư tại thôn 12, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk; tất
cả vốn liếng lúc đó của gia đình chỉ đủ mua 1700m2 đất làm nhà và trồng
cà phê theo người dân trên địa bàn.
Trên quê mới, Nguyễn Minh Chuyền tên người
thanh niên vùng đồng bằng sông Hồng phải đi làm công cho người khác để lấy tiền
trang trải cuộc sống gia đình hằng ngày. Bằng sự cần cù và chịu khó làm việc,
kinh tế gia đình anh dần dần ổn định. Năm 1998, Nguyễn Minh Chuyền xin đi học
lớp trung cấp kinh tế - kế toán theo chương trình của tỉnh đầu tư cho các xã.
Sau 2 năm theo học, anh trở về địa phương chờ việc. Thời gian này, anh được Ban
Công an xã mời làm công an viên. Nhận nhiệm vụ mới không hợp với chuyên môn đào
tạo, nhưng anh vẫn tận tụy với công việc, được chính quyền và nhân dân địa
phương đánh giá rất cao. Tháng 11 năm 2000, Sở Nội vụ ra quyết định tiếp nhận
Nguyễn Minh Chuyền về làm kế toán tại xã Ea Ô. Được bố trí đúng chuyên môn,
người thanh niên trẻ nhiệt tình cống hiến tài năng và sức lực cùng đội ngũ cán
bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện mục tiêu xây dựng xã Ea Ô thành vùng quê
trù phú.
Những năm làm nhân viên kế toán của Ủy ban
nhân dân xã, Nguyễn Minh Chuyền thường xuyên học hỏi qua sách báo, trao đổi
kinh nghiệm với các kỹ sư chuyên ngành về xã công tác để tìm cách phát triển
kinh tế. Anh say mê tìm tòi những loại cây, con mới có giá trị kinh tế cao thay
thế những cây, con có thu nhập thấp. Từ thành công ở vườn nhà, anh vận động
nhân dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất
cây trồng và chất lượng sản phẩm. Với những thành tích trong công tác và tu
rèn, năm 2003 Nguyễn Minh Chuyền được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 2005 ở tuổi 31, anh được bầu làm Phó chủ tịch UBND xã. Để hoàn thành công
việc mà mình đảm nhận, Nguyễn Minh Chuyền tình nguyện đi học, nâng cao trình
độ; năm 2009, nhận bằng đại học quản trị kinh doanh; năm 2010 nhận bằng cử nhân
kinh tế và được Đảng, nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã cho tới
nay.
Xã Ea Ô ở phía tây nam huyện Ea Kar, diện
tích tự nhiên 5.528ha; với 11.000 nhân khẩu, gồm 11 dân tộc anh em cùng sinh
sống. Xã hoàn thành chương trình 135 năm 2006. Hiện nay đang thực hiện xã điểm
xây dựng Nông thôn mới của tỉnh Đắk Lắk. Từ năm 2010, trên cương vị là người
đứng “mũi chịu sào”, Chủ tịch Nguyễn Minh Chuyền đã đóng góp không nhỏ vào việc
xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện và có những quyết định kịp thời, đúng đắn cho
sự phát triển nhiều mặt của địa phương. Nhớ lại năm 2009, cây cầu tại thôn 7A
bị lũ cuốn trôi, khi đó cần làm gấp một cây cầu phục vụ đi lại cho nhân dân.
Cấp trên dự toán xây cây cầu hết 900 triệu. Do điều kiện kinh phí của xã, huyện
khó khăn, mặt khác cây cầu ở vị trí hiểm trở, các đơn vị thi công không muốn
thực hiện trong mùa mưa lũ. Trước tình thế đó, Nguyễn Minh Chuyền đã tự thiết
kế và tổ chức thi công cây cầu thôn 7A bằng dầm sắt, lan can sắt, mặt lát gỗ
với giá thành chỉ 220 triệu đồng vừa đảm bảo mỹ quan, tiết kiệm được ngân sách
và kịp thời đảm bảo việc đi lại của nhân dân trong vùng, được cấp trên đánh giá
rất cao.
Về xã Ea Ô hôm nay, người dân thường nhắc
đến vai trò ông chủ tịch xã biết gắn mình với cơ sở, trực tiếp cùng với nhân
dân các thôn, bàn bạc thống nhất trên tinh thần dân chủ, công khai, tạo sự đồng
thuận trong nhân dân, đưa chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào lòng người
và trở thành phong trào thi đua sôi nổi tại địa phương. Chính vì thế, tháng 1
năm 2012, UBND xã tổ chức giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông nông
thôn được nhân dân hết sức ủng hộ. Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 của
Ban chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh Đắk
Lắk: “xã Ea Ô, huyện Ea Kar lấy phương
châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, được nhân dân đồng tình
hưởng ứng, đóng góp sức của, sức người đầu tư nâng cấp được gần 183,6 km đường
liên thôn, liên xã (nhựa và bê tông) trị giá hàng trăm tỷ đồng; xây dựng một
cầu bắc qua sông Krông Pắc trị giá 27 tỷ đồng, hai cây cầu khác đang được thi
công, giao thông đi lại được đảm bảo”. Đạt được kết quả nêu trên, nhân dân địa
phương còn nhắc mãi chuyện trong những ngày đầu thi công chương trình này, do
thiếu vốn, Chủ tịch Nguyễn Minh Chuyền đã mang bìa đất gia đình thế chấp ngân
hàng vay 200 triệu đồng lấy tiền mua dầu chạy máy cùng nhân dân giải phóng dứt
điểm mặt bằng với tinh thần "Lửa thi đua đã rực cháy, quyết không để tắt
lửa". Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp đường giao thông liên thôn, xã còn chú
trọng phát triển kinh tế nâng cao mức sống cho nhân dân như đầu tư khai hoang
xây dựng “cánh đồng năng suất”, đưa diện tích gieo trồng lên 4.764 ha, sản
lượng lương thực đạt trên 21.000 tấn. Tổng giá trị sản xuất của xã năm 2014 ước
đạt trên 340 tỷ đồng.
Trên mặt trận an ninh, tuy đảm nhiệm chức
Chủ tịch xã, nhưng Nguyễn Minh Chuyền vẫn trực tiếp tham gia chỉ đạo lực lượng
công an xã làm tốt công tác an ninh trật tự xã hội, thường xuyên gặp gỡ các đối
tượng lầm lỡ, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế, ổn
định cuộc sống; từ đó phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển
rộng khắp, đạt được kết quả cao. Ghi nhận thành tích đó, xã được Công an tỉnh
tặng nhiều giấy khen. Bộ Công an tặng bằng khen; năm 2012 và năm 2013 được nhận
Cờ thi đua của Bộ Công an về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Nguyễn Minh Chuyền, một Đảng viên gương
mẫu, một Phó bí thư Đảng ủy tận tâm, tạo sự đoàn kết thống nhất trong tập thể
Ban chấp hành; một Chủ tịch xã năng động, nhiệt tình, “nói đi đôi với làm”, góp
phần quyết định xây dựng thành công chương trình Nông thôn mới trên địa bàn xã
Ea Ô. Khi trao đổi với chúng tôi về bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn,
anh cười trả lời: Có gì đâu, Đảng ủy và Chính quyền xã làm đúng đường lối của
Đảng là: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; thế là phong trào được
nhân dân ủng hộ và nòng cốt đi tiên phong phải là cán bộ, đảng viên để dân noi
theo, vậy thôi! Bài học rút ra từ một xã điển hình thật đơn giản nhưng sâu sắc,
nếu nơi nào cũng làm được điều “đơn giản” như xã Ea Ô; lãnh đạo biết phát huy
dân chủ, người cán bộ, đảng viên lĩnh ấn tiên phong thì chương trình “Xây dựng
nông thôn mới” mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện chắc chắn sẽ thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét