LTS: Từ ngày 10 – 17.06.2014
Hội văn học nghệ thuật Đắk Lắk tổ chức Trại sáng tác VHNT (đợt 1-2014); có 14
hội viên thuộc các chuyên ngành văn học và nhiếp ảnh tham dự. Tạp chí Chư Yang
Sin số này xin giới thiệu một số bài thơ, bút ký, ghi chép được việt “tốc hành”
trong thời gian dự trại của một số hội viên. Để giành “đất” cho trang chuyên đề
này, chúng tôi rút bớt nội dung của một số chuyên mục đã quen thuộc với bạn
đọc. Mong bạn đọc thông cảm.
BBT
Tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN
NHỮNG ĐÔI MẮT EA KAR
Bút ký
Chúng tôi về lại Ea Kar vào những ngày chớm mùa mưa.
Mưa như một chiếc đũa nhiệm màu trong cổ tích, đánh thức những mầm xanh trong
đất, bung nở rạng ngời. Tảng sáng, vòm mây mọng nước
chùng chình
đậu trên tán rừng Ea Sô xanh ngời ngợi, như
thể chỉ cần một câu hát airay quen thuộc cất lên là sẽ vỡ ra thành muôn ngàn
giọt mưa ấm áp, và cuộc sống mới bắt đầu sinh sôi.
Với tôi, Ea Kar vốn không nhiều duyên nợ, sao vẫn cứ nặng lòng thương mến! Tôi đã từng đặt dấu chân của mình vào cuối Khu bảo tồn thiên nhiên Ea
Sô cách đây ngót nghét 10 năm trước, khi câu chuyện về bò xám, trâu rừng còn
nóng trên các trang báo. Quốc lộ 26 đến
giờ vẫn thế, uốn khúc giữa muôn trùng đồi núi, muôn trùng nương rẫy như bằng chứng về một sự đợi chờ chung thủy. Ea Kar nằm giữa lưng
chừng đèo núi, lưng chừng dốc, e ấp vẻ đẹp xuân thì.
Đã không còn nhớ được đây là lần thứ mấy, tôi ngồi bên vỉa hè con dốc
nghiêng nghiêng qua thị trấn, nhâm nhi ly cà phê nóng hổi mà thả hồn đi theo
mây trắng, đi vào tận những cánh rừng Cư Bông hay Ea Knốp.
Thật ra, so với các địa phương khác trong tỉnh Đắk Lắk, số lượng người đồng bào
bản địa không nhiều, chỉ còn 29 buôn trong tổng số 247 thôn buôn của toàn huyện.
Những buôn làng người Êđê ít ỏi ấy lại chọn cho mình một vị trí khiêm nhường, nép mình vào bên trong những vách núi Cư
Hu, Cư Prông, Cư Elang xanh lặng lẽ. Vì thế, dù tôi đã gắng chờ, vẫn không hề thấy
một đôi mắt màu thổ cẩm đi qua phố huyện chiều nay…
Chúng tôi phải rong ruổi, đuổi theo gió, theo mây trời, để đi tìm một đôi
mắt màu thổ cẩm tin yêu. Và chúng tôi phải vượt
gần 20 cây số từ thị trấn huyện hướng vào chân núi Cư Prông để đi tìm. Buôn M’Um nằm ngủ
quên trong làn mưa bụi buổi sáng, chừng như đã chờ tôi từ lâu lắm.
Bốn chục nóc nhà ấy, sau bao nhiêu đổi dời dâu bể, đã lùi về bên núi, để giữ cho mình một nét duyên
xưa cũ.
Tôi ngồi giữa gian khách nhà buôn trưởng YBhăn Byă, tự
thưởng cho mình
một giây phút nghỉ ngơi dưới chân núi màu xanh trùng điệp,
nhắm mắt lại, nghe câu chuyện miên man giữa chủ nhà với cô phóng viên người bản
địa nói tiếng Êđê như gió chảy mây trôi. Họ đang nói về con suối nào đó trong
chân núi, có tên là Ea Sal, về lễ cũng bến nước hàng năm để tạ ơn Yàng nước, về
những chiêng núm chiêng bằng mang từ nhà văn hóa huyện về mà chưa ngân vang
được qua chín suối mười đèo, về những đứa trẻ sinh ra là để làm bạn với nương
rẫy và dốc núi, bỏ ngang con chữ, quên niềm vui đến lớp đến trường…
Gần 20 năm ngụ cư Tây nguyên, tôi đã bao đêm nằm ngủ nhà dài, bao buổi
chiều ngồi ghé cầu thang mà nghe những nỗi niềm của bà con gửi gắm trong những
câu chuyện bất tận bên bếp lửa. Buổi sáng nay, không bếp lửa, ngoài kia mưa như rây bột, những mẩu đối thoại miên man lại nhắc tôi về đôi mắt màu
thổ cẩm đã
ám ảnh mười mấy năm nay. Tiếng trái cây rụng lộp độp
trên mái nhà đánh thức, tôi mở mắt ra. Buôn trưởng YBhăn vẫn ngồi đó, cường
tráng, chắc chắn như một cây thông lớn trên đỉnh Cư Prông, đôi mắt thẳm sâu nhìn vào khoảng không trước mặt.
Đôi mắt này, ánh nhìn này, quen lắm lắm…
Tôi biết, có những điều chưa vui nhưng không thốt thành lời, nên đôi mắt
nói dùm trong im lặng. Núi Cư Prông như một vết cắt
lên bầu trời thăm thẳm những liên tưởng rời rạc, núi, mưa, buổi sáng, và đôi
mắt màu thổ cẩm… Núi giống núi, mây giống mây, mưa giống mưa, đôi mắt giống đôi
mắt, có thật vậy không?
Có những ánh nhìn không bao giờ quên được!
Kỳ lạ, những ngày ở đây, tôi lại bị ám ảnh bởi câu chuyện của những người
từ xa đến, như một sự tình cờ đầy sắp đặt của số phận. Đôi mắt của Vàng Thị
Mến, một đứa con của người H’Mông lưu lạc từ cao nguyên đá phía bắc, đến Ea
Kar, như một sự đánh cược đầy may rủi. Mến học lớp 3 ở một ngôi trường heo hút
bên bìa rừng Ea Sô. Mến rụt rè viết vào sổ tay của tôi họ và tên của mẹ mình
bằng nét chữ xiêu vẹo: Sùng Thị Tóng!
Gia đình người H’Mông ấy, như những cánh chim phiêu
bạt, vượt hơn 2.000 cây số để đến với Tây nguyên, đến với cánh rừng này. Vàng
Seo Chín, trưởng buôn Ea Púk giãi bày: Cũng là mưu sinh, đất Tây
nguyên màu mỡ, nhưng cũng không hẳn là dễ dàng… Tôi biết nói gì hơn, trước những cánh chim phiêu bạt, trước đám mây màu trắng xám đang lặng
lẽ bò đi
trên những cánh rừng Ea Sô, trong cuộc lữ hành đầy nước mắt? Với Tây nguyên,
tôi cũng chỉ là một người từ xa đến…
Tôi nằm ngủ quên trên tảng đá phẳng lỳ giữa lòng suối trong Khu bảo tồn
thiên nhiên Ea Sô, trên đầu, mây trắng vẫn còn bay. Trước
mắt tôi rõ
ràng là chiếc đầu bò rừng với đôi mắt to khắc khoải kinh hoàng. Chiếc đầu bò
ấy, sáng hôm qua, ông Bùi Đình Kính, Hạt phó Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên
nhiên Ea Sô chỉ cho tôi thấy, nó được đóng lên tường,
là tang vật của một vụ săn bắn trộm diễn ra đã từ lâu trên địa bàn. Những đôi mắt của
sừng già bị cái chết đóng đinh lên tường, như một sự mặc định
của số phận!
Tôi nhắm mắt lại, sắp đặt lại từ đầu, nhớ thương lại từ đầu: Đôi mắt của
YBhăn Byă, ánh nhìn của bé Vàng Thị Mến, đôi mắt chú bò rừng, vẫn ám ảnh, như một lời nguyền của những thân phận nhỏ nhoi đi tìm và nâng niu hạnh
phúc giữa đại ngàn…
Mà tít trên đầu ngọn núi, mây vẫn trắng như không.
Rồi thì tim lạnh, rồi thì tay mỏi, rồi thì chân run, tôi từ giã Ea Kar bằng
cái siết tay rất chặt, như những người thân yêu
nhất tiễn nhau đi. Vầng mây trắng như một lời tiễn đưa đầy lưu luyến. Rồi sẽ còn gặp lại, nhé, YBhăn
Byă, Vàng Thị Mến, Vàng Seo Chín, Ea Púk, Cư
Prông…
Hẹn ngày gặp lại nhé, những ánh nhìn màu thổ cẩm thân thương…
Ea Kar, ngày bắt đầu mưa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét