Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

SỐ 264 - tác giả HỮU CHỈNH

Tác giả HỮU CHỈNH






BIỂN ĐÔNG CỒN SÓNG TRONG TÔI


Ngày 20-1-1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam do chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát. Lúc đó cả dân tộc ta đang dồn nhân tài, vật lực cho giai đoạn quyết liệt giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước nên tạm nhẫn nhịn. Nhưng bản chất bành trướng, bá quyền ăn sâu hàng nghìn năm trong tầng lớp cầm quyền Trung Quốc qua các thời đại không hề thay đổi.
Ngày 14-3-1988, Trung Quốc vô cớ mang tàu chiến trang bị vũ khí hiện đại, tấn công, chiếm một số đảo đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu đời.
Về phía ta là những cán bộ, chiến sĩ xây đảo thuộc các tàu HQ505, HQ604, HQ605 và cán bộ, chiến sĩ, thủy thủ Đoàn 146, đơn vị Công binh 83 Hải quân, trong tay chỉ có dao xây, xà beng, cuốc xẻng và súng bộ binh mà phải đương đầu với lực lượng hùng hậu, trang bị hiện đại của kẻ xâm lược. Sự chênh lệch lực lượng quá lớn, địch đã chiếm đóng các đảo: Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Su Bi.
Trong trận chiến này, 3 tàu của ta bị bắn cháy, 64 chiến sĩ chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Những tấm gương anh hùng liệt sĩ tiêu biểu như: Trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146; Đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ604; anh hùng Nguyễn Văn Lanh bị thương nặng vẫn không rời vị trí, bám đảo đến cùng… Các anh hùng liệt sĩ vì biển đảo của Tổ quốc mà hy sinh đều là những tấm gương cao đẹp. Ở đây tôi ghi lại ấn tượng xúc động về hai anh hùng liệt sĩ trong số 64 anh hùng liệt sĩ ấy.
Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước kẻ thù hung tợn ào ạt xông lên, anh vẫn bình tĩnh chỉ huy để bảo vệ tàu, bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trong giây phút hiểm nguy, trước thế lực ngoại xâm hùng hậu, biết rằng khó giữ được đảo, anh đã lấy lá cờ Tổ quốc quấn quanh thân mình, động viên đồng đội chiến đấu tới cùng. Máu chiến sĩ tô thắm thêm lá cờ Tổ quốc đúng cả nghĩa đen, nghĩa bóng. “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước” lời Quốc ca được cất lên hào hùng giữa biển xanh.
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, Chỉ huy tàu HQ505 bị tàu địch vây bọc đã chỉ huy chiến đấu ngoan cường. Biết không thể chống lại bè lũ xâm lược, man rợ, trước tình thế mất đảo trong gang tấc, đã mưu trí cùng thủy thủ đoàn chấp nhận hy sinh, lái tàu lao lên bãi đá ngầm Cô Lin, con tàu trở thành pháo đài, thành tượng đài khẳng định chủ quyền biển đảo…
Hơn một tháng nay, từ ngày 1-5-2014 Trung Quốc lại hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lịch sử bốn nghìn năm ta đã hiểu bệnh thâm căn cố đế của Trung Quốc qua các thời đại. Đó là tư tưởng bành trướng, bá quyền, cho nên thè cái lưỡi bò để liếm cả Biển Đông đâu có gì xa lạ.
Bản Tuyên ngôn Độc lập lần thứ nhất: Nam quốc sơn hà Nam đế cư đã trải nghìn năm, mỗi người Việt Nam đều thuộc. Bài thơ này Bác Hồ đã ngâm vào tháng 6-1964 khi trả lời câu hỏi của các nhà báo Pháp: Việt Nam có lệ thuộc vào Trung Quốc? Bác của chúng ta vung tay mạnh mẽ đáp: KHÔNG BAO GIỜ!
Mỗi người Việt Nam và bạn bè quốc tế đều hoan nghênh bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 21-5-2014 tại Philippines: “Việt Nam không chấp nhận đánh đổi độc lập, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.
Mỗi người Việt Nam tin Đảng, Chính phủ với những đối sách, quyết sách đúng đắn của mình. Trung Quốc đã từng nêu quan hệ 4 tốt và 16 chữ vàng với Việt Nam, chẳng lẽ là đất sét mạ vàng.
Từ núi rừng Tây Nguyên, lòng tôi cũng cồn sóng Biển Đông.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét