Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

SỐ 263 - tâc giả NGUYỄN LIÊN



XỨNG ĐÁNG VỚI TRUYỀN THỐNG
BUÔN TRƯNG CÁCH MẠNG
Bút ký


Trong lịch trình công tác của Trại sáng tác Văn học nghệ thuật Đắk Lắk có chương trình vào buôn cách mạng. Bởi buôn đồng bào Êđê nằm khuất trong chân núi Chư Yang nên tôi chọn là điểm đầu tiên để đến. Với kinh nghiệm của người làm báo, thường thì những nơi khó khăn là những nơi có nhiều tư liệu quý để viết. Biết thế, số anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng muốn đi cùng để tìm cảm hứng nơi đại ngàn. Ừ thì đi. Đi thực tế mỗi người, mỗi chuyên ngành có cách lấy tư liệu riêng, trùng nhau đâu mà lo. Vậy là sáng sớm, chúng tôi cho xe khởi hành từ thị trấn trung tâm huyện Ea Kar. Dù bon bon đường nhựa nhưng phải đến hơn hai tiếng đồng hồ chúng tôi mới tới trung tâm xã. Theo lời giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Cư Yang, tôi được biết trong cái buôn Trưng dặt có người Êđê, là buôn căn cứ cách mạng dù còn nhiều khó khăn nhưng lại có chị H’Lanh Byă, hiện đang làm Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, và là một phụ nữ Êđê làm kinh tế giỏi.
Buôn Trưng có 161 hộ với 674 nhân khẩu. Từ trung tâm huyện Ea Kar vào tới buôn Trưng theo bảng tính đường đi về các xã của huyện là tám mươi cây số. Đường nhựa trải bóng láng đến buôn, điện sáng kéo đến từng nhà. Nghe nói thời kháng chiến, cái buôn dưới chân núi Chư Yang heo hút này là rừng già, những ngôi nhà sàn lợp lá thấp thoáng thưa thớt dọc hai bờ con sông Krông Pắc chảy qua. Bên kia núi Chư Yang là đất cách mạng Cư Pui, Yang Mao của huyện Krông Bông anh hùng. Nay buôn Trưng hầu như vắng bóng nhà sàn, nhà dài, thay vào đó là những căn nhà xây. Mừng thì mừng đấy, nhưng trong tổng số 161 hộ còn tới 90 hộ nghèo, nghĩa là hơn 50%. Nguyên do gì mà một buôn cách mạng được hưởng thụ nhiều chương trình chính sách của Đảng, Nhà nước mà vẫn còn dừng lại ở con số chậm phát triển vậy. Dù ở cái buôn Trưng đó lại nổi lên một nhân vật đã làm sáng danh vùng đất cách mạng.
Tôi sốt ruột muốn vào ngay buôn Trưng để gặp nhân vật nổi danh về làm kinh tế giỏi. Chủ tịch xã Nguyễn Văn Vỹ cho biết hôm nay cô H’Lanh báo cáo nghỉ công sở, ở nhà, đang vào vụ chăm sóc mía. Tôi nhìn đồng chí cán bộ văn hoá xã cầu cứu, đồng chí này lấy điện thoại ra bấm, biết được H’Lanh mới từ rẫy mía về, anh cán bộ văn hoá xã nổ máy xe lao đi, rất nhanh nhẹn. Lát sau, có cô gái ngồi sau xe hon đa của anh cán bộ văn hóa xã ra trung tâm buôn gặp chúng tôi. H’Lanh nhìn già dặn hơn cái tuổi 33 của chị, một con người bản lĩnh, tiếp xúc là thấy sự quả quyết trong lời nói, giống như cái mạng tuổi Tân Dậu (1981) của chị, gà tự kiếm ăn, tự lo lấy cuộc sống của mình chứ ai mang sẵn đến cho mà chờ đợi. Chỉ có điều hôn nhân trắc trở, cô gái Êđê nhanh nhẹn, đôn hậu đã phải làm lẽ một người đàn ông đã có hai con. Thế nhưng Yàng đã thương người phụ nữ có chí khí tự vượt lên trong cuộc sống góp phần nuôi hai đứa con riêng của chồng hiện nay một vào đại học, một học lớp mười một, thêm hai đứa con chung nữa còn nhỏ. Để có điều kiện nuôi con ăn học, ngoài buổi đi làm công sở với vai trò Phó chủ tich HĐND xã, về nhà H’Lanh lại xắn tay chăm sóc 11 hecta mía, 3 sào lúa nước. Dù giỏi giang đến đâu thì từng ấy diện tích với bàn tay lao động chai sần cũng đủ làm cho vợ chồng H’Lanh đầu tắt mặt tối. Nhưng đất không phụ công người, theo giá thời điểm hiện nay 800.000đ một tấn mía, mỗi hecta thu hoạch 80 tấn. Mà gia đình chị có 11 hecta, mỗi vụ đã cho hơn 700 triệu đồng. Có tiền, H’Lanh bàn với chồng mua máy cày làm thay sức người. Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn, chồng H’Lanh nghe có lý, dù gia đình còn nhiều thứ phải lo, nhưng vợ chồng đã ưu tiên thực hiện kế hoạch “cơ giới hoá” của vợ đề ra. Vậy là năm 2013, vợ chồng H’Lanh mua chiếc máy cày lớn trị giá 310 triệu đồng. Chồng H’Lanh trở thành người lái máy. Có chiếc máy cày thay sức người cày cuốc, ngoài ra cày xới giúp bà con trong buôn. Không cần sổ sách, H’Lanh tính nhẩm cho tôi thấy, năm 2013 nguồn thu từ 11 hecta mía, 3 sào lúa và máy đi cày xới thuê, trừ chi phí thuê công làm cỏ, thu hoạch mía, dầu máy, phân bón… gia đình còn thu về 500 triệu đồng.
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh tỏa đi tác nghiệp, những người viết văn chúng tôi theo chân chị H’Lanh về nhà để “mục sở thị” cái cơ ngơi của người làm kinh tế giỏi nhất buôn, vang tiếng khắp xã này. Tôi rất tò mò về cái khoản nguồn thu trong năm của gia đình chị hơn 500 triệu đồng khiến nhiều người mơ ước, mà H’Lanh cứ tỉnh bơ. Cô giải thích, làm cày xới cho bà con trong buôn chủ yếu giúp họ, chứ công cán làm đầu mùa cứ phải đến cuối mùa thu hoạch mới có người trả công bằng tiền hay sản phẩm. Ấy thế nhưng cái máy đi cày thuê năm vừa rồi tính ra cũng có được hơn 40 triệu cộng vào tổng nguồn thu các loại. Bây giờ gia đình H’Lanh lại còn làm thêm đại lý cung ứng phân bón gọi là chủ động nguồn phân bón kết hợp phục vụ cho đồng bào trong cái buôn xa trung tâm này. Ngôi nhà H’Lanh đang còn là nhà xây cấp 4, trước hè là những chồng bao phân bón, trong nhà những chồng bao cà phê hạt, bao bắp… Trước sân chiếc máy cày sừng sững đứng choán hết mặt tiền. Đúng là H’Lanh đã tính ưu tiên mua máy cày để phục vụ sản xuất, nên nhà cửa tính sau. Nhưng nhìn những thứ bày ra trước mắt đủ thấy một sự bền vững của một gia đình hoà thuận. Theo phong tục mẫu hệ của người Tây Nguyên, người phụ nữ có vai trò quyết định mọi việc trong gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được tư duy như H’Lanh. Còn nhớ có lần tiếp xúc với Ama Bôk, là một điển hình làm kinh tế giỏi ở Cuă Đăng, huyện Cư M’gar, tiếp xúc với một người Êđê làm kinh tế giỏi, tôi cứ day dứt mãi. Đó là thời điểm cà phê rớt giá chỉ hơn 2 ngàn đồng một ký cà phê nhân, nhưng Ama Bôk thản nhiên tính toán trong đầu bấm ngón tay nói với tôi: “Đây là thời điểm cà phê rớt giá thấp nhất, tôi tính trừ chi phí thuê công làm cỏ, làm cành, công thu hoạch, dầu chạy máy tưới, phân bón… tính kỹ ra mình vẫn còn được một nửa, không lỗ. Nhiều nơi thấy cà phê xuống giá thì phá bỏ trồng cây khác, nhưng không ở đâu đất hợp với cây cà phê như ở Đắk Lắk. Mình đừng nên phá đi cây truyền thống, chặt thì nhanh, nhưng trồng lại thì lâu…”. Sau đó  thì giá cà phê lên lại thật. Cái tôi muốn nói ở đây là tư duy của một người biết làm theo kế hoạch, biết nhìn xa trông rộng mà chủ động sản xuất, giá xuống rồi giá lại lên thôi. Ama Bok nói tiếp “Đa số người dân tộc Tây Nguyên biết ngày nay không biết ngày mai, đàn ông chỉ giỏi uống rượu, đàn bà gặp đâu làm đấy, nhiều người bán cà phê non đi để ăn, để uống, đến mùa trả nợ là trắng tay lại phải đi làm thuê, vậy thì làm giàu sao được!...”. Tôi ngồi nghe Ama Bôk nói mà không khỏi ngạc nhiên, thán phục; bởi tôi cũng đã từng gặp cái cảnh người phụ nữ Êđê đem một lon gạo ra tiệm tạp hóa đổi một lon trái ớt xanh về ăn. Trong khi đất vườn đất rẫy để cỏ mọc hoang, lúc đó trong đầu tôi tự đặt câu hỏi: “Đất có nhiều, kể cả trồng ớt quanh nhà cũng có cái ăn quanh năm, sao lại phải đem gạo đi đổi, không biết do không có kế hoạch làm ăn hay sống tuỳ tiện có hôm nay không cần biết ngày mai như Ama Bôk nhận xét?”. Nhưng có một điều chắc chắn, là tất cả các buôn đồng bào dân tộc tại chỗ tỷ lệ hộ đói nghèo nhiều hơn những nơi khác.

Được biết buôn Trưng từng được tỉnh, huyện quan tâm ưu tiên đầu tư các chương trình dự án theo chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào buôn cách mạng, vậy nhưng như hạt muối bỏ biển. Cái quan trọng là ý thức của đồng bào phải tự đổi mới tư duy như H’Lanh thì may ra cuộc sống mới được cải thiện. Lúc này trong tôi bỗng hiện lên hai hình ảnh trái ngược nhau trong cùng một môi trường sống, chỉ bên kia con đường nhựa trước mặt nhà H’Lanh chiếc máy cày đỏ chói sừng sững một niềm tự hào và đầy hứa hẹn cho cuộc sống thịnh vượng, thì bên kia, một ngôi nhà sàn cũ kỹ, một người phụ nữ Êđê mặc váy nhàu nát địu đứa bé trên lưng đi về phía mấy người vừa đi rẫy về hạ những chiếc gùi trên vai xuống lấy ra những ngọn rau rừng, những cái măng le bé xíu. Mấy tay nghệ sĩ nhiếp ảnh về tới, họ vội vàng bố trí chị H’Lanh mặc váy dân tộc đứng trước chiếc máy cày để chụp những hình ảnh hiện đại, rồi vội vã chạy qua nhà đối diện chụp những bộ mặt lem luốc của mấy đứa trẻ. Các em đâu có lỗi, nhưng những người làm cha mẹ nghĩ gì về tương lai của những đứa con của mình khi họ còn chưa nghĩ đến lòng tự hào trách nhiệm công dân sao cho xứng đáng với truyền thống lịch sử của buôn buôn Trưng cách mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét