Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

SỐ 264 - tác giả H’SIÊU BYĂ

Tác giả H'SIÊU BYĂ




TÔI, BREM VÀ GÃ CON TRAI HỌ KPĂ
Truyện ngắn



Người Êđê giận nhau đưa bát cơm xoay lưng, xuống cầu thang mỗi người đi một hướng. Tôi và chị Brem đang như thế. Vì sao à? Vì Thin – gã con trai họ Kpă, Thin buông tiếng hát lả lơi khi chúng tôi gùi nước đi qua và đong đưa cái nhìn của con mèo rừng lấm lét ngây dại.
Tiếng hát ấy đã níu chân hai chị em tôi và chúng tôi cùng gùi tiếng hát ấy về đến cầu thang nhà dài của mí. Đêm đó, chỗ ngủ có khoảng trống lớn chính giữa, mỗi đứa quay mặt về phía vách suy nghĩ miên man về gã họ Kpă, đẹp trai và dũng mãnh như con rắn hổ mang đang gầm gừ trong hang như người già vẫn thường ví…
Trời nhập nhoạng tối, ánh sáng yếu ớt cuối cùng của một ngày tắt vụt trên thảo nguyên. Trên trời cao, những đám mây mặc váy thổ cẩm nhảy múa điệu chim Grứ. Mềm mại và uyển chuyển xoay vòng, xoay vòng rồi giận giật cánh tay, ngón tay quanh mặt trăng đang cười hả hê nửa mặt. Người ta chỉ múa điệu chim Grứ trong ngày lễ bỏ mả. Đó là điềm báo không tốt – mí tôi vẫn thường nói thế và tôi tin ngay. Điều này trái ngược với những gì thầy, cô giáo nói ở trường nhưng đối với tộc người thờ phụng các Yang như chúng tôi, phải có lòng tin thật sự thì Yang mới động lòng phù hộ con cháu đến trường học nhiều chữ, lúa thóc đầy bồ, heo gà lúc nhúc đầy sân.
Chai nước trên lưng lúc lắc theo dòng suy nghĩ như tiếng đinh năm của ama Rư đệm nhạc cho klei khan mà êa Rư vẫn kể cho con cháu hàng đêm vào mùa canh rẫy. Bóng Thin lù lù chắn hết con đường mòn mấp mô.
- Dem! Có nặng lắm không? Tôi gùi giúp nhé?
Thin tháo gùi mười chai nước nặng trịch trên lưng đưa lên vai mình. Chiếc gùi nhỏ xíu không tương xứng với bờ vai rộng và chắc như gỗ kate trong rừng. Thin cười, phô hàm răng trăng trắng. Tôi sợ điệu cười đó. Cũng không biết lí do sao nữa. Mới tối hôm qua tôi còn ước ao được nằm trong vòng tay đen bóng của chàng kia mà. Thin để tôi đi trước, chiếc váy đang mặc ướt sũng, dính sát vào người, ngại quá, có khi nào Thin đang cười tôi phía sau không? Tôi chợt nhớ đến nhiều cặp vợ chồng trong làng cũng vậy, họ chẳng bao giờ sánh bước cùng nhau, bao giờ người phụ nữ cũng mang gùi đi trước, đàn ông lững thững cầm xà gạc theo phía sau. Hồi nhỏ tôi và chị Brem từng tranh cãi nổ trời về vấn đề này. Chị Brem cho rằng do người phụ nữ làm chủ nồi cơm nên họ luôn phải đi đầu giống như khi cột ché rượu người phụ nữ luôn vít cần trước. Tôi không chịu. Bằng chứng là tuy phụ nữ làm chủ nồi cơm nhưng đàn ông vẫn là trụ cột và quyết định mọi việc lớn, bé. Người đàn ông đi sau là để bảo vệ, chở che phụ nữ. Tôi quả quyết như vậy. Chị ấy nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống sàn, môi trề xuống cả tấc. Tôi tức, xổ đến túm tóc cố dí đầu chị xuống đất. Brem khỏe hơn, nằm bẹp lên người tôi đấm thùm thụp. Mí gầm lên như một con hổ:
“Ồn lỗ tai tao quá. Chướng con mắt tao quá. Muốn giết nhau thì có xà gạc dắt ở góc củi gian gar kia”.
Chúng tôi sợ tiếng gầm của mí. Dữ dằn và đe dọa. Tôi thả tóc chị Brem ra. Chị Brem thôi không nắm áo tôi nữa. Ba bốn ngày sau thì quên bẵng. Từ đấy chúng tôi không bao giờ dám giận nhau.
Thin đưa tôi về đến mé cầu thang. Mặt chàng áp sát vào má tôi, phả lên đấy những hơi thở nóng hổi quyến rũ của con cầy hương mê hoặc. Tôi bối rối đảo mắt nhìn quanh, bắt gặp cặp mắt đen láy của chị Brem đang nhìn trộm qua khe hở. Tôi xô Thin mạnh đến nỗi chàng loạng choạng suýt úp mặt vào cầu thang.
“Dem đừng giận tôi. Tôi thương và muốn theo Dem về nhà thật lòng”.
Thin trao tôi đôi dây gùi mới tết còn nặng mùi mây. Dây gùi hình dích dắc. Đó là món quà thể hiện thương nhau đến trăm mùa rẫy của người chồng đối với vợ. Nhà dài huỳnh huỵch bước chân. Tôi không dám nhìn đôi mắt to hớp hồn của Thin nữa:
“Thin về đi”.
Căn nhà dài càng trống trải và lạnh như mùa canh rẫy (mùa này cả gia đình ở chòi ngoài rẫy). Chị Brem ghét tôi như ghét cây gai nhọn hoắt chặn lối lấy đi. Mí khinh tôi như một người đàn bà xấu giật chồng amai adei. Sáng, tối chúng tôi ngồi ăn cơm xoay lưng, xuống cầu thang mỗi người một hướng. Tôi có lỗi gì chớ? Muốn hét vào mặt hai người như thế nhưng sao tôi làm được, đó là những người đàn bà tôi rất mực thương yêu, tôi không muốn họ bị tổn thương như lời người già vẫn dạy “Bắp vế to đừng đạp lên người cha. Bắp đùi to đừng chà lên người mẹ”. Phải làm sao? Làm sao? Tôi không biết nữa. Tôi trèo lên đỉnh núi Cư Ba gần nhà hét to khàn cả giọng, Yang không những giúp mà còn đáp trả lại tiếng vọng inh tai đầy khinh bỉ. Những đám mây tiến sát về phía tôi, chúng lại trình diễn điệu chim Grứ, dồn dập và mãnh liệt hơn trước. Tôi muốn túm tóc chúng, giật mạnh bong từng mảng, từng mảng khỏi da đầu, tôi sẽ nhầu nát áo váy đẹp chúng đang mặc, nhầu nhĩ xấu xí quăn queo như lá chuối khô.
Chiều nay mí xổ tóc, giũ váy trước hiên nhà, đôi mắt rười rượi, ươn ướt.
“Chị Brem mày đi rồi. Đi Buôn Ama Thuột hái cà phê thuê. Tao không giữ nổi chân nó. Bắp chân nó to rồi. Suy nghĩ nó không còn nhỏ nữa. Để nó đi thôi”.
Rồi mí khóc, khàn khàn đùng đục như tiếng khóc hờ bên nhà người chết. Tóc mí sổ tung hai màu lẫn lộn. Mí dùng váy chùi nước mắt. Rồi chảy. Rồi chùi. Tôi ôm bờ vai gầy gầy run rẩy từng cõng hai chị em đi khắp triền đồi khe suối và khóc to theo. Tôi khóc thương mí và cho niềm oan ức của mình – tôi đã không để Thin gùi giúp chai nước về nhà nữa, đôi dây gùi tôi cũng trả. Yêu Thin nhưng tôi yêu chị Brem của tôi hơn.
Tôi kể cho mí và mí cũng kể cho tôi câu chuyện dài mà bấy lâu nay mí cất giữ trong lòng. Mí nói tôi và chị Brem có cùng ama. Mí và dì cùng yêu một người trong làng – đó là một chàng trai “kéo gỗ bằng mười sức con voi kéo, đan gùi bằng mười sức người đan, chỉnh chiêng tiếng chiêng đi xa xa, khi ca mười con chim họa mi không lại”. Mỗi tối khi ánh trăng mờ mờ lướt nhẹ trên ngọn cây, chàng đến tìm căn chòi của bà ngoại, thổi đinh năm và uống rượu say khướt. Cứ thế cho đến khi ea Jun – người cha nuôi của chàng mất. Ngày làm lễ bỏ mả người ta không thấy chàng đến khóc và làm lễ để hồn người chết không còn quấy nhiễu người sống, sớm trở thành giọt sương để quay lại làm người. Có người nói chàng đã bị hổ vồ, có người thấy chàng chung với đàn bà người Kinh trắng trẻo, môi hồng, tóc xoăn xây nhà nhìn mỏi cổ trên thành phố. Nhưng dù gì sự mất tích không rõ nguyên cũng đủ để cho mọi người hoảng sợ (nhất là bị hổ vồ) nên người ta quên ngay tên chàng, khách xa đến hỏi thì giả vờ không biết khi chưa đầy nửa mùa trăng.
Mí và dì không quên, tiếng ngọ nguậy dưới bụng ngày càng rõ. Hai người cũng không dám lên thành phố tìm vì sợ thấy cảnh ama hạnh phúc với một phụ nữ người Kinh nào đó. Dì sinh chị Brem được mấy ngày thì mất. Tôi chia sẻ một bầu vú của mí với chị.
Mí không muốn chúng tôi lặp lại chuyện cũ. Mí thương Thin, cũng muốn sang hỏi chàng ấy về làm rễ nhưng Thin chỉ có một mà con gái mí thì những hai. Mí giận mình đã hai màu tóc mà không đưa được lời dạy bảo cho hai người con mà mí yêu nhất.
Thảo nguyên đang bước vào mùa mưa. Cơn mưa dai dẳng, dầm dề và ướt át. Bếp lửa bập bùng thơm sực mùi khoai. Lũ trẻ nằm lì lắng nghe người già kể chuyện cổ tích. Ở gian gar, mí đang dệt những tấm thổ cẩm dài màu đen đỏ có đường diềm hoa văn - công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và nhẫn nại kéo dài nhiều mùa mưa. Váy, áo chúng mặc ướt thẫm mồ hôi và tình yêu của mí nên đứa trẻ nào cũng thấy ấm và thơm như sữa mẹ. Ama chúng cũng tranh thủ đan gùi, đan nia để kịp hong lên bếp lửa. Có thể bồ lúa sẽ vơi, thịt treo trên bếp sẽ hết, ớt khô, gừng cay không còn nhưng mùa mưa là mùa tôi thích nhất trên thảo nguyên quê hương.
Mí gầy sọp vì thả nhiều trận ho sặc sụa. Tôi quặn thắt và ghét Brem. Ngày mai tôi sẽ lên thành phố, lôi xềnh xệch chị ấy về với mí. Tôi sẽ khóc vào mặt chị ấy và gào lên cho chị biết mí yêu chị thế nào. Tôi lấy mớ tiền để dành trong ché tuk thiêng của bà ngoại ra đếm: mười ngàn, hai chục, một trăm,… rồi sựng lại bởi một ý nghĩ tươi rói như đóa hoa quỳ buổi sớm “Biết đâu sẽ gặp ama đẻ ra chúng tôi. Tôi sẽ làm gì đầu tiên? Ôm chầm. Chửi rủa. Hay tức tưởi khóc. Không. Tôi sẽ im lặng, nhìn kỹ mặt rồi nói xầm xì vào tai chị một điều gì đó chỉ hai chị em tôi biết thôi.” Gió đưa hơi sương mát lạnh từ khe hở nhà dài, tôi để dòng suy nghĩ miên man trộn lẫn với giấc ngủ chợp chờn, đợi chờ tiếng gà gọi ánh bình minh.

SG.30/6/2014

















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét