Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

SỐ 263 - tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN

Tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN

BI KỊCH CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ TRONG TÁC PHẨM
VŨ NHƯ TÔ CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG
(Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài – Trích Vũ Như Tô. Ngữ văn 11, tập 1)



Vũ Như Tô là một trong những tác phẩm đỉnh cao của đời văn Nguyễn Huy Tưởng. Kịch bản văn học này được đưa vào giảng dạy trong nhà trường với trích đoạn hồi V, phần cuối vở kịch.
Vũ Như Tô là vở bi kịch năm hồi, viết về một sự kiện lịch sử xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 – 1517. Vũ Như Tô là một kiến trúc sư có tài, bị vua Lê Tương Dực bắt xây Cửu Trùng Đài để vui chơi với các cung nữ. Vốn là nghệ sĩ chân chính gắn bó với nhân dân nên ông từ chối. Nhưng sau nghe lời khuyên của cung nữ Đan Thiềm nên trổ tài xây một lâu đài vĩ đại làm niềm hãnh diện của dân tộc. Công trình làm tốn nhiều mồ hôi xương máu và tài sản nên bị nhân dân vô cùng căm ghét. Nhân mâu thuẫn ấy, Quận công Trịnh Duy Sản dấy binh, lôi kéo thợ làm phản giết Lê Tương Dực, Vũ Như Tô, Đan Thiềm và thiêu hủy Cửu Trùng Đài.
Trong lời đề tựa của tác phẩm, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết: “Than ôi! Như Tô phải, hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm.” Lời đề tựa đã thể hiện toàn bộ nội dung cũng như mâu thuẫn, nỗi băn khoăn của chính tác giả.
Bi kịch của Vũ Như Tô là ở chỗ: Là một nghệ sĩ tài năng, ông ta mong muốn và có quyền khao khát xây dựng được một công trình nghệ thuật vĩ đại cho dân tộc, để lại cho muôn đời sau. Khao khát ấy là chính đáng. Nhưng nếu sẽ ra sao nếu công trình ấy lại mâu thuẫn với đời sống của nhân dân, trở nên gánh nặng cho quần chúng? 
Lúc đầu, Vũ Như Tô cũng đã nhận ra mâu thuẫn ấy và dứt khoát chối từ, nhưng rồi niềm say mê sáng tạo, sự động viên của cung nữ Đan Thiềm đã khiến cho ông bắt tay vào xây dựng công trình “tranh tinh xảo với hóa công”. Và để công trình ấy trở thành hiện thực, tất nhiên phải đổi bằng máu và nước mắt của nhân dân.
Bi kịch là ở đó.
Trong đoạn trích giảng, tức đến cuối vở kịch, khi quân nổi loạn bắt Vũ Như Tô để xử tử, Vũ Như Tô vẫn tin rằng, mình vô tội. “Ta có tội gì. Không, ta chỉ có một hoài bão là tô điểm đất nước, đem hết tài ra xây dựng cho giống nòi một tòa đài tráng lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với hóa công. Vậy thì ta có tội gì?”
Rõ ràng, Vũ Như Tô – một nghệ sĩ tài hoa – đã chưa thể trả lời được câu hỏi: Nghệ thuật đứng ở đâu, vị trí nào trong cuộc đời này? Việc mong muốn có được một công trình nghệ thuật kì vĩ sẽ không có gì sai nếu như nó không mâu thuẫn với cuộc sống của nhân dân. Nếu công trình ấy được xây dựng vào một thời kì yên bình hưng thịnh, để tô điểm thêm cho cuộc sống thái bình thì sẽ không có bi kịch xảy ra. Đằng này, ở đây, muôn dân đang rên xiết dưới bàn tay cai trị của hôn quân Lê Tương Dực, Cửu Trùng Đài được xây dựng cũng là để làm chỗ ăn chơi trụy lạc cho vua chúa. Vậy, nghệ thuật sinh ra để vì ai?
Nghệ thuật không thể đứng cao hơn cuộc sống, cao hơn cả sự sống còn của nhân dân.
Việc nhân dân nổi dậy đập phá Cửu Trùng Đài và giết Vũ Như Tô là quá tay, nhưng từ đó, làm nổi bật lên vấn đề: Nếu nghệ thuật trở thành gánh nặng cho dân chúng, thì đó là thứ nghệ thuật có tội!
Vũ Như Tô và cung nữ Đan Thiềm là những người quá say mê nghệ thuật mà quên đi thực tế cuộc đời. Nghệ sĩ phải có đam mê sáng tạo, nhưng cũng cần có sự tỉnh táo của một công dân, có hành vi ứng xử đúng đắn trong những hoàn cảnh cụ thể.
Ở đây, bi kịch của Vũ Như Tô cũng là bi kịch chung của người nghệ sĩ, những người luôn ấp ủ trong mình ngọn lửa sáng tạo nhưng đã không tỉnh táo khi đứng trước sự lựa chọn nghiệt ngã mà cuộc sống đặt ra: Nghệ thuật thuần túy, cao siêu hay là lợi ích và số phận của nhân dân?
Khi thấy công trình mơ ước của mình bị quân nổi dậy đốt cháy không thương tiếc, Vũ Như Tô đã thét lên: “Trời ơi! Phú cho ta cái tài để làm gì?” Tài năng của Vũ Như Tô sinh ra đã không gặp thời, lại đặt không đúng vị trí, cho nên, đã trở thành vô dụng, thậm chí gây nguy hại cho mạng sống chính mình.
Vở kịch chất chứa nhiều suy ngẫm, đặt ra nhiều vấn đề, trong đó, có những mâu thuẫn không dễ gì giải quyết được, cho nên, vẫn là một sự trăn trở muôn đời cho người nghệ sĩ, những người mang trên vai mình trọng trách sáng tạo nghệ thuật.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét