Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

SỐ: 253 - tác giả HỮU CHỈNH




TUỔI HOÀNG HÔN VẪN XANH MÀU LÁ
 (Đọc Lá xanh – Thơ Ngọc Bích – NXB Lao động – 2013)


Từ quê lúa Thái Bình, Ngọc Bích như chiếc lá xanh giữa điệp trùng Trường Sơn hùng tráng trong đoàn thanh niên xung phong góp phần vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Nửa sau cuộc đời, Ngọc Bích chọn Đắk Lắk làm bến đậu vẫn không nguôi nhớ quê xưa.
Yêu thơ thì đến với thơ. Ngọc Bích đã thử nghiệm nhiều thể loại nhưng thành công hơn cả là thơ lục bát. Phải chăng làn điệu chèo quê hương và cánh cò phân vân trên đồng đã thấm vào hồn cho lục bát mượt mà:
                      … Nắng chiều vàng vọt chân đê
                      Đây ngôi nhà nhỏ, con về. Mẹ đâu?
                      Mẹ ơi! Chín tủi mười sầu
                      Mái nhà tắt nắng sương đau giọt thiền…
                                                                              (Mẹ ơi!)
Đấy là nỗi xót thương, là nỗi đau nhân thế của người con đi xa, khi về không còn có mẹ ở trên đời nữa. Câu hỏi “Mẹ đâu?” tuy là hỏi vào hư không nhưng lại quặn lòng.
Còn đây nỗi buồn tưởng vu vơ mà không vu vơ chút nào. Điệp từ “sầu” đồng âm khác nghĩa khá đắt. Chữ “sầu” đầu tiên chỉ tiếng kêu, chữ thứ hai chỉ tên loài ve, chữ thứ ba là trạng thái tâm lý của người:
                      Vui chi – ve đã sầu rồi
                      Còn kêu bên cánh phượng rơi nét buồn
                      Ve sầu chi để sầu tuôn.
                                                                              (Ve sầu)
Bài Rượu cần Buôn Đôn có sự lắng đọng tâm tư ẩn dưới niềm vui là nỗi buồn trầm tích:
                      Mặc ai uống, mặc ai say
                      Quả si tím cứ rơi đầy trước sân
                      Sông sâu nước gọi thì thầm
                      Cầu treo nghiêng ngả…
                      Anh cầm tay em.
Cầm tay để dìu nhau khi cầu treo đung đưa nghiêng ngả là có thật hay còn vì quả si tím, vì sông nước thì thầm.
Bài Đừng chiều được ngắt nhịp xuống dòng, cùng với dấu chấm lửng tăng hiệu quả cho thơ. Thấm vào nỗi buồn man mác, hoài niệm. Mong thời gian ngừng trôi, đừng tắt nắng để đừng xa:
                      Những mong hòa quyện hồn thơ
                      Đừng…
                      Mang chiều nhớ…
                      Vẩn vơ…
                      Đừng chiều.
Ngọc Bích cũng có kỷ niệm của thời mơ mộng ở quê lúa đồng bằng Bắc bộ:
                      Đầu mùa hương cốm thơm nồng
                      Thẹn thùng gói lá sen hồng trao tay
                      Nửa câu thề cũng loay hoay
                      Gói bao kỷ niệm đong đầy ước mơ
                                                                              (Tình quê)
Hương cốm gói lá sen hồng lá gói kỷ niệm theo suốt cuộc đời. Thơ có tứ hay lại được câu thơ hay neo giữ: Nửa câu thề cũng loay hoay. Chính cái loay hoay đó mới là nghĩa, là tình sâu nặng.
Từ đầu tới giờ chỉ trích thơ lục bát. Thật không công bằng với thể thơ khác. Đành lòng vậy, cầm lòng vậy. Quả thật, thơ lục bát của Ngọc Bích nhuần nhuyễn, nổi trội hơn.
Tuy vậy, thể thơ khác cũng có thành công nhất định bởi tính chân thực. Bài Sông quê nằm trong số đó:
                      Ôi! Trà Lý yêu thương
                      Đây con sông quê hương
                      Qua bao mùa nước lũ
                      Sông buồn nhưng không ngủ
                      Lặng lẽ chở phù sa.
Hồn quê làm nên tính người. Vào tuổi 65, Ngọc Bích vẫn mượt mà trong làn điệu chèo hay hóa thân thành cô gái Kinh Bắc mắt chao nghiêng trong vành nón ba tầm, lạc quan như tuổi thanh xuân khi còn ở thanh niên xung phong. Tuổi hoàng hôn vẫn xanh màu lá.
Đã từng góp thơ trong nhiều tập, Lá xanh là tập in riêng đầu tiên, Ngọc Bích biết ơn những người đã động viên, giúp đỡ cho mình biết làm thơ. Phảng phất bóng dáng lớp đàn anh dìu dắt như Chính Tâm, Triệu Cơ, Triệu Miện…
Để kết thúc bài này, xin mượn bài Mừng Câu lạc bộ Đam San đã in trong tập Lá xanh, cũng là mừng cho Ngọc Bích, sống có nghĩa, có tình nên cứ vui, cử trẻ:
                      Đam San đã trọn tuổi mười lăm
                      Đến hẹn lại lên mỗi đêm rằm
                      Thi hữu về đây vui, trẻ lại
                      Câu thơ, tiếng hát sáng vầng trăng.

                                                                                                       

                                                                                        Tháng 7-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét