TẤM LÒNG CỦA BÁC HỒ
QUA MỘT BÀI THƠ CHÚC TẾT TRUNG THU
Trên báo Cứu Quốc số 1904 ra ngày 12-9-1951 có đăng
Thư chúc tết Trung thu của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thiếu niên nhi đồng toàn quốc.
Mở đầu bức thư, sau lời chào thăm “Các cháu yêu quý” là bốn dòng thơ lục
bát nói về tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi cả nước:
Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung.
Nếu đứng độc lập, có thể xem bốn dòng lục bát trên là một
bài thơ hoàn chỉnh. Hơn thế nữa, đây là bài thơ mà hầu như trẻ em Việt Nam nào
cũng thuộc lòng và yêu quý. Trong nhiều bài thơ viết về thiếu nhi của Bác Hồ, bài
thơ trong Thư chúc tết Trung thu 1951 này là một trong những bài hay và cảm động
nhất, có lẽ trước hết bởi đó là tấm lòng của một lãnh tụ vĩ đại dành cho thiếu
niên nhi đồng.
Sinh thời, Hồ Chủ tịch dành nhiều tình cảm yêu thương đặc
biệt cho các cháu thiếu nhi. Trong các sáng tác của mình, Người cũng dành những
vần thơ đẹp nhất cho lứa tuổi măng non là tương lai đất nước này. Trong mảng thơ
viết cho thiếu nhi, thơ chúc tết Trung thu của Bác lại là một bộ phận quan trọng,
đặc sắc. Trung thu 1952, cuối thư chúc, Người viết bài thơ cảm động : “Ai yêu
nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh/ Tính các cháu ngoan ngoãn/ Mặt các cháu xinh
xinh…”. Một năm sau, Trung thu 1953, trong niềm vui sướng cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp đang trên đà thắng lợi giòn giã, trong đó công lao của thiếu
niên nhi đồng là không nhỏ, Người làm những vần thơ dạt dào tình cảm : “Chín tết trung thu/ Tám năm kháng chiến/ Các cháu khôn
lớn/ Bác rất vui lòng/ Thu này Bác gửi thư chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần
xa”. Trung thu 1954, khi hòa bình vừa lập lại trên miền Bắc thì Mỹ
nhảy vào miền Nam hòng chia cắt đất nước ta lâu dài, cuối thư chúc Trung thu, Bác
viết hai dòng: “Bao giờ Nam Bắc một nhà/ Các cháu xúm xít thì ta vui lòng”.
Trung thu năm 1965, trong hoàn cảnh đất nước đang còn chia cắt, Bác gửi thiếu
nhi miền Nam ruột thịt những vần thơ tâm huyết: “Bắc Nam sẽ sum họp một nhà/
Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi
cháu là một anh hùng thiếu nhi”. Ấy là những vần thơ sống mãi trong dòng thơ
thiếu nhi nước ta, cũng như Hồ Chủ tịch sống mãi trong lòng dân tộc vậy.
Trong những bài thơ chúc tết Trung thu của Bác, bài thơ năm
1951 được xem là tác phẩm thành công, trọn vẹn. Lời thơ giản dị nhưng nén chặt
tình thơ chan chứa, qua đó, ta thấy hết được tấm lòng cao cả của một lãnh tụ dành
cho thiếu niên nhi đồng trong hoàn cảnh nước nhà còn chiến tranh gian khổ. Tấm
lòng ấy thể hiện qua những chuyển biến từ cảnh sang tình rồi đến hành động
trong bài thơ rất cụ thể mà vô cùng tinh tế, đậm chất hiện đại mà phảng phất dấu
ấn Đường thi, thể hiện thi nhân vừa ở một tâm trạng xúc động dâng tràn lại vừa
trong tâm thế ung dung, thư thái.
Mở đầu bài thơ là một không gian tràn ngập ánh trăng “Trung
thu trăng sáng như gương”. Cảnh thu hiện lên đơn sơ mà trong sáng, tươi đẹp.
Không giống “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” huyền ảo trong bài Cảnh
khuya, chi tiết “trăng sáng như gương” cho phép ta liên tưởng đến ánh
trăng lúc này hiện lên giữa bầu trời quang đãng không gợn mây, thời gian cũng đã
dần về khuya. Thời gian này phù hợp với tâm trạng con người, đồng thời sẽ là chất
xúc tác dễ khiến người ta bộc lộ tình cảm, nhất là những tình cảm chôn chặt, kìm
nén. Có thể nói, “Thơ Bác đầy trăng” (Hoài Thanh). Trăng dạt dào trong
thơ Người đồng thời cũng là người bạn tri giao thân thiết của Bác trên nhiều chặng
đường hoạt động cách mạng khác nhau. Có ánh trăng tương hòa, “đồng cảm tương liên”
với người ở cảnh tù đày trong bài Ngắm trăng; có ánh trăng mờ ảo, mơ hồ
khiến người càng thêm nặng lòng ưu tư với vận mệnh dân tộc trong bài Cảnh
khuya; có ánh trăng tươi mát, viên mãn, tràn đầy lạc quan cách mạng trong bài
Rằm tháng giêng; lại có ánh trăng tinh nghịch, hồn nhiên trong bài Tin
thắng trận… nhưng có lẽ hiếm có ánh trăng nào lại đơn sơ mà trong trẻo, giản
dị mà ấm áp như ánh trăng này. Trăng Trung thu là viên mãn nhất, sáng nhất
trong năm, cũng là ánh trăng dễ mang lại cho con người nhiều cung bậc cảm xúc
nhất, là nơi những tình cảm chôn chặt sẽ dễ dâng trào. Một ánh trăng thu giản dị,
sáng trong nơi núi rừng Việt Bắc những ngày kháng chiến gian lao thôi nhưng cũng
đủ làm cho thi nhân chạnh lòng. Ánh trăng ấy vừa là cái cớ vừa lại nơi giãi bày
nỗi nhớ mà Bác nói đến trong câu thơ tiếp theo.
Trăng, nhất là trăng trung thu thường gắn với quê nhà,
gia đình, gắn với cảm xúc buồn man mác. Ngắm trăng dễ khiến người ta chạnh lòng
nhớ về quê hương, mái nhà. Xưa Thi tiên Lí Bạch cũng từng thoáng “ngẩng đầu
nhìn trăng sáng” để rồi ngậm ngùi, lặng lẽ “cúi đầu nhớ cố hương”
trong đêm trăng thu yên tĩnh nơi đất khách quê người (Tĩnh dạ tư). Còn Bác
Hồ thì ở trong hoàn cảnh khác. Đó là giai đoạn cuộc kháng chiến của dân tộc ta đang
trên đà quyết liệt, gian khổ để đi tới thắng lợi hoàn toàn. Tình thế cấp bách,
vận nước nguy nan, vậy mà người xưa và nay lại gặp nhau ở chỗ: Cũng ngắm trăng
sáng và dâng tràn nỗi nhớ. Chỉ khác ở chỗ Lí Bạch xưa nhớ quê nhà, còn “Bác
Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”. Cũng dễ hiểu thôi, cả một đời Người cống
hiến tất cả cho sự nghiệp cách mạng, hi sinh hạnh phúc riêng vì hạnh phúc chung
của nhân dân, đất nước, những giờ phút cuối cùng trước lúc đi xa, Bác vẫn chưa
nghĩ đến cho mình điều gì. “Người không con mà có triệu con/ Nhân dân ta gọi
Người là Bác/ Cả đời Người là của nước non” (Nguyễn Đình Thi, Quê hương
Việt Bắc). Chính Bác cũng từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có
con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em đều là con cái tôi”.
Như vậy, “Bác Hồ ngắm cảnh” cũng nhớ đến gia đình đó thôi, nhưng không
phải gia đình nhỏ của riêng mình vì Người đã hi sinh cho dân tộc rồi, mà là đại
gia đình trong đó nhi đồng là “con cái” Bác. Câu thơ “Bác Hồ ngắm cảnh
nhớ thương nhi đồng” dường như chùng xuống, trĩu nặng bởi một tấm lòng vĩ đại,
nghĩ suốt một đời cho dân cho nước, chưa một phút nghĩ riêng cho mình. Đến đây,
ta hiểu hết tấm lòng lãnh tụ bao la, thấy hết được tình yêu thương không bờ bến
Người dành cho thiếu nhi Việt Nam. Cảm động trước tấm lòng vĩ đại ấy, Tố Hữu từng
viết: “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta/ Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa/ Chỉ
biết quên mình cho hết thảy/ Như dòng sông chảy nặng phù sau” (Theo chân
Bác).
Trong hai câu thơ đầu, cảnh chuyển sang tình một cách tự
nhiên, hợp lí. Hai câu thơ này mang dáng dấp thơ Đường ở kết cấu “tức cảnh sinh
tình”. Thế nhưng thơ Bác còn có sự kết hợp hài hòa giữa chất cổ điển và chất hiện
đại. Trường hợp hai câu thơ sau khá tiêu biểu. Nếu trong thơ cổ điển, chủ thể
trữ tình thường chìm vào những dòng tâm tư cảm xúc triền miên không dứt thì
trong thơ Bác, sự vật thường được vận động theo hướng vươn lên, ít chịu sự ngưng
đọng đứng im. Khi nỗi “nhớ thương nhi đồng” đạt đến đỉnh điểm, Người không
để cho tâm trạng trôi theo dòng cảm xúc miên man vô định mà có hành động cụ thể.
“Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi thăm các cháu tỏ lòng nhớ nhung”. Có thể
xem hai câu thơ này như “lời nói đầu” cho bức thư Chúc tết trung thu, động viên,
khuyên nhủ thiếu nhi của Bác được viết ngay tiếp theo sau đó. Nhưng qua đây, cũng
ít nhiều thấy được tình yêu thương bao la của Bác đối với trẻ em là “búp trên
cành”, những mầm non tương lai đất nước. Tình yêu của Bác phải gắn với hành
động cụ thể, thiết thực. Yêu thương là phải đem lại hạnh phúc, ấm no. Ngay cả
việc gửi thư, tặng quà, thăm hỏi động viên các cháu thiếu niên nhi đồng mỗi dịp
tết Trung thu, ngày 1.6 của Bác đã nói lên điều đó. Tiến sĩ sử học, nhà báo
E.V. Cô-bê-lép từng khẳng định: Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Bác là
vô cùng yêu quý thiếu nhi, Người đã dành tất cả tình yêu thương của mình cho hàng
triệu trẻ em Việt Nam mà Người trìu mến gọi là cháu. Như vậy, tấm lòng của Bác
dành cho thiếu nhi qua bài thơ không chỉ được thể hiện ở nỗi nhớ thương vì chiến
tranh Bác cháu cách xa, mà cao cả hơn, đó còn là những hành động, việc làm cụ
thể, thiết thực. Bận trăm công ngàn việc trong hoàn cảnh đất nước dầu sôi lửa bỏng,
Bác vẫn luôn nghĩ đến và dành cho thiếu nhi những tình cảm tốt đẹp nhất, tấm lòng
lãnh tụ đơn sơ mà ấm áp, vĩ đại là ở đó.
Trung thu lại về, Bác Hồ cũng đã đi xa. Nhưng những vần
thơ chúc tết trung thu năm nào của Bác vẫn còn vang vọng mãi, như Người vẫn hằng
sống mãi với non sông, sống mãi trong lòng dân tộc. Tưởng nhớ Người, thiếu nhi
Việt Nam hôm nay nguyện phấn đấu học tập, rèn luyện theo Năm điều Bác Hồ dạy,
đưa đất nước vươn tới “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như Người vẫn hằng
ao ước và cùng hát vang bài ca “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh/ Ai yêu
Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” (Phan Huỳnh Điểu, bài hát Nhớ ơn
Bác).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét