Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

SỐ: 253 - tác giả HOÀNG BÍCH HÀ





THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG
LÀ TIẾNG LÒNG CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ


Trong văn học Việt nam nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX, Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa, bởi vì thơ của bà trước hết là tiếng nói tâm tình của người phụ nữ.
Hồ Xuân Hương sinh ra vào cuối triều Lê (1592-1788) tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, trong thời kì đầy những nhiễu nhương, biến loạn của xã hội phong kiến. Hồ Xuân Hương là nhà thơ đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam đã đem đến cho thơ văn tiếng nói chung của những người phụ nữ, những tiếng than và những tiếng thét, những tiếng căm hờn với những lời châm biếm sâu cay. Ai cũng biết ở chế độ phong kiến, sự đau khổ của phụ nữ bao giờ cũng chua xót, tái tê. Họ là những người “Chân yêu tay mềm” làm lụng đầu tắt mặt tối, đói cơm rách áo, và bị trăm nghìn thứ lễ giáo ràng buộc bất công. Hồ Xuân Hương chỉ muốn dùng ngôn ngữ thơ ca để nói lên nỗi đau khổ riêng có tính chất giới tính của mình và sự bất công đối với người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung. Nhà thơ xoáy sâu vào các ngóc ngách, sự éo le của cuộc đời để nêu lên những bi kịch không kém phần cay đắng, mà nó bị xóa nhòa trong một cuộc sống rập khuôn theo những chế ước bất công của lễ giáo. Thơ Hồ Xuân Hương mục đích là công kích vào quyền lực của chế độ thối nát mà chủ yếu là người đàn ông. Ở thời đại lúc bấy giờ, đó là điều tối kỵ nên đã tạo ra một cú sốc và gây khiếm nhã đối với cá nhân bà. Chính vì thế mà những bài thơ của bà đã có tiếng vang với tài xuất chúng về sự thông minh, nhạy cảm, dí dỏm ẩn chứa trong thơ của bà. Với thái độ gợi tình của mình, Hồ Xuân Hương quay sang cái sống động khôn ngoan và ẩn dụ trong các bài thơ của mình. Trong bài Cảnh chồng chung, theo bà vợ lẽ chẳng qua chỉ là một người đi làm mướn, thậm chí còn tệ hơn, đó là người làm mướn không công: “Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm/ Cầm bằng làm mướn, mướn không công”. Cuối cùng đã căm phẫn thét lên: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!” Trong bài viết về người phụ nữ không chồng mà chửa, bà không trách cứ mà chỉ biện hộ cho người phụ nữ: “Cả nể cho nên hóa dở dang”. Người phụ nữ chỉ yêu cầu người đàn ông một điều là phải nhìn nhận sự việc cho đúng đắn. Đây là chuyện tình, chuyện nghĩa, chuyện một con người chứ không phải là chuyện bình thường: “Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa”. Còn cái kết quả đó, người đàn ông không dám nhận, thì “Mảnh tình một khối thiếp xin mang”. Cuối cùng nguời phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương thấy không thể sống quỳ gối mãi được, nàng đã ngẩng cao đầu tuyên chiến với lễ giáo phong kiến, bằng lời lẽ đanh thép: “Quản bao miệng thế lời chênh lệch/ Không có, nhưng mà có, mới ngoan”. Hồ Xuân Hương là nhà thơ yêu con người, yêu cuộc sống. Tình cảm khẳng khái và chân thành trong thơ Hồ Xuân Hương dường như lúc nào cũng che dấu bên trong một nụ cười mỉa mai và cay độc. Đối với Hồ Xuân Hương, nụ cười có ý nghĩa nhiều hơn là những giọt nước mắt. Và trong bài Thiếu nữ ngủ trưa ngòi bút của nhà thơ đã vẽ lên một bức tranh về người phụ nữ hết sức sinh động: “Đôi gò bồng đảo hương còn ngậm/ Một lạch đào nguyên suối chửa thông”. Hồ Xuân Hương ví thân phận của người phụ nữ như chiếc bánh trôi “Thân em thì trắng, phận em tròn/ Bảy nổi ba chìm với nước non/ Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”; hay như quả mít “Da nó xù xì, múi nó dày”; hoặc là con ốc nhồi “Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi”... Hồ Xuân Hương luôn chú trọng nêu bật cái đẹp bên trong tâm hồn của người phụ nữ. Quả mít tuy “vỏ nó xù xì” nhưng “múi nó dày”, còn chiếc bánh trôi: thì Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”, vậy mà “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Hồ Xuân Hương còn lên tiếng đề cao, ca ngợi người phụ nữ, tìm thấy vẻ đẹp thực sự chân chính ở họ. Những điều đó chỉ có ở Hồ Xuân Hương một bản lĩnh, một trái tim nhân hậu, nồng ấm và sự cảm thông, sẻ chia của một tâm hồn nghệ sĩ. Trái tim ấy cùng chung nhịp đập với những thân phận phụ nữ bất hạnh. Hồ Xuân Hương thay họ nói lên những tiếng nói phản kháng, thách thức, tuyên chiến với lễ giáo phong kiến “trọng nam khinh nữ”. Thơ của Hồ Xuân Hương là những nỗi niềm không chỉ của riêng tác giả mà của tất cả những phụ nữ bất hạnh trong xã hội phong kiến ở thế kỉ XIV.

Ẩn sâu trong những bài thơ của Hồ Xuân Hương là tình yêu, là khát vọng sống bình đẳng của người phụ nữ. Bà đấu tranh không khoan nhượng, mong làm cho thân phận người phụ nữ đẹp hơn, bình đẳng và trong sáng hơn. Hồ Xuân Hương phản đối mọi giáo điều tư tưởng, đạo đức, những tín ngưỡng xa rời thực tế đang áp đặt lên thân phận của người phụ nữ. Hồ Xuân Hương không phải là nhà chính trị hay nhà tư tưởng nhưng những bài thơ do bà viết ra đủ để lên án cái phi lý, bất công và bất nhân đối với người phụ nữ, đang tồn tại trong chế độ phong kiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét