Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

SỐ: 253 - tác giả TRƯƠNG BI





CÓ MỘT KHO TÀNG SỬ THI
SỐNG Ở TÂY NGUYÊN



Các nhà nghiên cứu Folklore Việt Nam và quốc tế đều khẳng định sử thi của các dân tộc bản địa Tây Nguyên là một kho tàng sử thi sống. Nó khác với sử thi Iliat - Ôđixê (Hy Lạp); Kalevala (Phần Lan); Ramayana (Ấn Độ); Bài ca chàng Rô-lăng (Pháp) và sử thi của một số nước khác trên thế giới là sử thi đã được ghi chép bằng văn bản, và được lưu truyền bằng văn bản. Nghĩa là các sử thi này đã đi vào quá khứ. Còn sử thi Tây Nguyên: Khan (Êđê); Ót N’drông (M’Nông); H’ri (Ja Rai); H’mon (Ba Na)… là sử thi truyền miệng, đang sống cùng cộng đồng trong đời sống sinh hoạt văn hóa hàng ngày. Ở đây có người kể (là những nghệ nhân trong cộng đồng), có người nghe (là tập thể già trẻ, gái trai trong cộng đồng). Và họ có một không gian kể sử thi: Dưới mái nhà dài, nhà rông, giữa sàn nhà trong những đêm trăng sáng, sau mùa nương rẫy. Đây chính là một không gian sống một không gian diễn xướng sử thi và lưu truyền sử thi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đặc biệt, nó có tính giáo dục rất cao đối với các thế hệ trong cộng đồng về ý thức dân tộc, về tinh thần đoàn kết, về nếp ăn, nếp ở, về khí phách kiên cường, bất khuất trước mọi kẻ thù xâm lược, như Dam San, Sinh Nhã, Dăm Ji, Khing Jú và đảm đang thủy chung như nàng H’Nhí, H’Bhí, H’Tang, H’Jang… Những nhân vật ấy là hình mẫu cho cả cộng đồng vươn tới, noi theo, để xây dựng buôn làng ấm no, bình yên, giàu đẹp.
Nếu sử thi Đam San được Xa-ba-chiê sưu tầm được ở Đắk Lắk và đưa về Pháp xuất bản vào năm 1927 đã gây tiếng vang lớn trong giới khoa học lúc bấy giờ thì sau ngày giải phóng miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công tác sưu tầm nghiên cứu sử thi ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Bên cạnh khan Dam San với nhiều dị bản khác nhau: Dam Di, Xing Nhã, Khing Jú, Dăm Noi, M’Hiêng, Y Thoa… gây được sự chú ý của các nhà nghiên cứu Folklore trong và ngoài nước.
Chính vì vậy, tại Hội thảo sử thi Tây Nguyên - Việt Nam do Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia và tỉnh ta tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột (vào ngày 20/5/1997), giáo sư, tiến sỹ, Viện trưởng Viện Văn hóa Dân gian Việt Nam Ngô Đức Thịnh đã kết luận: Tây Nguyên là một vùng sử thi; các dân tộc Tây Nguyên là chủ nhân của các tác phẩm sử thi; sử thi Tây Nguyên là sử thi sống vì nó tồn tại trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào; sử thi là hiện tượng văn hóa độc đáo của Tây Nguyên.
Kể từ sau Hội thảo Sử thi Tây Nguyên - Việt Nam (1997), Sở Văn hóa Thông tin Đắk Lắk (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với Viện Văn hóa Dân gian Việt Nam tổ chức nhiều cuộc điền dã, sưu tầm nghiên cứu sử thi Êđê, M’nông và đã được các nghệ nhân của hai dân tộc này cung cấp một hệ thống sử thi khá đồ sộ.
Về hệ thống sử thi Êđê có gần 40 tác phẩm, trong đó Khan Dam San được sưu tầm đầy đủ với 9 chương khác nhau. Đặc biệt có thêm Khan về tuổi trẻ Dam San, do chị H’Năm - nguyên Phó phòng Văn hóa Thông tin huyện Cư M’gar sưu tầm ở xã Ea Tul; và khan H’Nhí, H’Bhí (vợ Dam San) thời con gái do anh Y Bhiu cán bộ Mặt trận huyện Krông Búk sưu tầm được ở xã Pơng Drang. Các già làng còn kể rằng, buôn làng Dam San rộng dài hơn tiếng chiêng ngân, nhà của Dam San dài từ bến nước này sang bến nước nọ, tôi tớ đông như bầy kiến, bầy mối; kẻ ra người vào ngực chạm ngực vai chạm vai, cười nói vui vẻ. Hình như lời ca, tiếng nói của vợ chồng Dam San vẫn còn đâu đây trong những mái nhà dài, trong những đêm lễ hội vui nhộn của buôn làng. Ngày nay tuy ảnh hưởng của nền văn hóa hiện đại nhưng các già làng Êđê vẫn thường kể khan cho con cháu nghe nhất là vào những ngày hội lớn của buôn làng.
Trong những năm 90 của thế kỷ XX, sử thi M’nông cũng được sưu tầm và giới thiệu đến bạn đọc trong cả nước. Đáng kể là tác phẩm: Sử thi cổ sơ M’nông, Cây nêu thần, Mùa rẫy Bon Tiăng… càng khẳng định thêm dân tộc M’nông có một kho tàng sử thi khá độc đáo. Đặc biệt trong 2 năm 1997 - 1998, nhóm cán bộ Viện Văn hóa dân gian Việt Nam và Sở Văn hóa - Thông tin Đắk Lắk đã tổ chức nhiều đợt điền dã trên bình diện rộng thuộc các huyện: Krông Nô, Đắk Nông, Đắk R’lâp, Đăk Mil, Lắk, Krông Bông, Buôn Đôn và được các nghệ nhân cung cấp một hệ thống sử thi (Ót N’drông) khá đồ sộ, với trên 100 tác phẩm khác nhau. Trong đó có sử thi Bán tượng gỗ biết kể Ót N’drông là sử thi cuối cùng nằm trong hệ thống Ót N’drông. Các nghệ nhân kể rằng trước đây người M’nông có tượng gỗ biết kể Ót N’drông. Nhưng rồi người cháu của chàng Tiăng muốn giàu có hơn người nên đã đem bán tượng gỗ cho người Campuchia, từ đó người M’nông không còn Ót N’drông. Mất Ót N’drông, các gia đình M’nông chia nhau đi nhiều nơi để sống, xã hội thị tộc của người M’nông tan rã từ đó. Câu chuyện đơn giản thế nhưng nó đã phản ánh sự chuyển mình của xã hội M’nông, từ công xã nguyên thủy sang chế độ chiếm hữu nô lệ.
Nhằm giới thiệu và sưu tầm kho tàng sử thi sống của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, tháng 3.2001, Chính phủ đã thông qua Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên”. Dự án này được giao cho Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên thực hiện.
Qua 7 năm thực hiện dự án đã đạt được kết quả vô cùng phấn khởi: Thống kê và làm lý lịch 363 nghệ nhân hát kể sử thi thuộc các dân tộc Êđê, M’nông, Ja Rai, Ba Na, Xê Đăng, Sê Tiêng, Mạ, Raglai, Chăm H’roi; đã ghi âm 801 tác phẩm sử thi với tổng số 5.679 băng cattsete (90 phút/băng). Ngoài các sử thi nổi tiếng như Dam San, Xing Nhã, Dăm Ji, Khing Jú, M’Drông Dăm (của người Êđê); các nhóm sưu tầm đã phát hiện thêm 3 bộ sử thi liên hoàn, đồ sộ (còn gọi là sử thi chuỗi, sử thi phổ hệ). Đó là Ót N’drông của người M’nông; Đăm Giông của người Ba Na; Dông của người Xê Đăng, mỗi bộ sử thi có độ dài trên 100 tác phẩm, riêng Ót N’drông của người M’nông có 250 tác phẩm. Điều này khẳng định các bộ sử thi trên đứng vào loại các bộ sử thi có độ dài nhất thế giới, như Ramayana (Ấn Độ), Cách tát nhĩ (Tây Tạng), Giang cách nhĩ (Nội Mông). Với kết quả sưu tầm được một kho tàng sử thi Tây Nguyên đồ sộ, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã cho xuất bản đợt 1 (năm 2007) 75 bộ sử thi; đợt 2 (năm 2009) 21 bộ sử thi, với tổng số 205 tác phẩm sử thi Êđê, M’nông, Jra Rai, Ba Na, Xê Đăng, Sê Tiêng, Mạ, Raglai … gây sự sửng sốt, khâm phục của các nhà Folklore trong nước và quốc tế.
Nghệ nhân có công sưu tầm và dịch sử thi M’nông là Điểu Kâu. Trong 7 năm (2001 - 2007) ông đã sưu tầm được trên 200 sử thi, và đã dịch xong 120 sử thi từ tiếng M’nông sang tiếng Việt, mỗi sử thi dài từ 600 - 800 trang vở học sinh. Các nghệ nhân biết kể Ót N’drông là Điểu Klưt, Điểu Klung, Điểu Glơi, Điểu Kưl, Điểu Mbiếc… Các nghệ nhân tuy tuổi đã “thất thập cổ lai hy” nhưng có trí nhớ khá tốt và kể Ót N’drông rất tài tình. Các cụ có thể cho chúng ta nghe thâu đêm suốt sáng mà không biết mệt. Có lần chúng tôi đến xã Dak Rung gặp nghệ nhân Điểu Klưt, sau khi được Điểu Kâu giới thiệu: Có đoàn cán bộ ở tỉnh đến tìm hiểu về văn hóa M’nông và muốn nghe kể Ót N’drông, cụ Điểu Klưt nhìn chúng tôi cười hiền từ, rồi bảo người nhà mang ra một ché rượu mời chúng tôi uống. Khi đã có chút men nồng ấm của rượu cần, cụ bắt đầu vào chuyện. Hình như chúng tôi đã khơi dậy mạch nguồn của cụ bị dồn nén lâu ngày, nay mới có dịp bộc lộ, cho nên những lời Ót N’drông như những dòng suối thần kỳ cứ tuôn ra đều đặn theo lời kể trầm bổng của cụ. Cứ thế cụ kể liền mạch say sưa, từ 5 giờ chiều đến 4 giờ sáng hôm sau mới hết một Ót N’drông. Sau khi nghe kể xong, chúng tôi hỏi: Cụ nhớ Ót N’drông được bao nhiêu chuyện? Cụ vui vẻ nói: Khoảng 20 chuyện, các con muốn nghe thì phải ở lại buôn làng này một mùa rẫy mới nghe hết chuyện. Đó là lời nói chân thực, nhưng cho ta thấy cả một kho tàng sử thi sống về Ót N’drông của nghệ nhân Điểu Klưt đến kỳ lạ.
Dân tộc Êđê ở Đắk Lắk tính đến thời điểm Viện Khoa học Xã hội Việt Nam triển khai thực hiện đề án điều tra, sưu tầm sử thi Tây Nguyên (3/2001) có khoảng  trên  70 nghệ nhân biết hát kể sử thi, nhưng người kể hay nhất, thuộc nhiều sử thi nhất là nghệ nhân Y Nuih Niê ở xã Êa Kênh, huyện Krông Pác. Vào thời kỳ ấy nghệ nhân Y Nuih Niê được tiến sỹ Đỗ Hồng Kỳ - Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam mời lên Buôn Ma Thuột để hát kể khan và ghi âm các bài khan trong 4 tháng trời. Trong thời gian ấy, ông đã hát kể được tất cả 37 tác phẩm sử thi Êđê. Đặc biệt, khan  Dam San được nghệ nhân hát kể rất đầy đủ, với tổng số 29 băng cat sét (90’/băng) và dược dịch sang song ngữ Việt - Êđê 1.900 trang giấy A4. So với độ dày tác phẩm khan Dam San do Sa-ba-chiê xuất bản năm1927 tại Pa-ri thì sử thi do nghệ nhân Y Nuih Niê hát kể gấp 30 lần, nghĩa là khá đồ sộ. Qua đây, có thể khẳng định, trí nhớ của nghệ nhân Y Nuih thật tuyệt vời.
Người dịch sử thi Êđê có uy tín là anh Y Wơn, cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện M’Đrắk. Anh đã tham gia dịch 37 tác phẩm sử thi Êđê do nghệ nhân Y Nuih Niê hát kể.
Đối với người Êđê, nghe hát kể sử thi là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Người Êđê có câu nói: “Buổi tối dân làng ngồi nghe kể khan như thế nào, buổi sáng vẫn thấy họ ngồi đông nguyên như thế”. Người kể là một cụ già thuộc nhiều khan, có giọng tốt và có tài kể khan. Cụ ngồi trên chiếc chiếu hoa bên bếp lửa nhà sàn, già trẻ, gái trai ngồi vây quanh lắng nghe. Trời càng về khuya, giọng khan càng hấp dẫn, hơi khan đi lúc trầm hùng nhưng duyên dáng, gân guốc nhưng bóng bẩy, tựa như dòng sông lượng nước nhiều chảy ngang qua những vách núi hùng vĩ giữa một đêm sao... (Đào Tử Chí - Mấy ý nghĩ của người nghe kể khan).
Gặp gỡ các nghệ nhân kể khan Êđê, Ót N’drông M’nông, chúng tôi đều nhận thấy ở mỗi nghệ nhân đều chứa đựng trong trái tim, khối óc mình một kho tàng sử thi sống, và sử thi đã trở thành máu thịt, không thể tách khỏi cuộc sống đời thường của họ. Có thể khẳng định trong nền văn hóa Tây Nguyên có một kho tàng sử thi sống đang tồn tại trong các buôn làng. Nó chính là bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mà chúng ta cần sưu tầm, gìn giữ và phát huy nó trong cuộc sống cộng đồng làm cho nó sống thực sự trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Như người Êđê đã từng hát:
“Thiếu tiếng khan, tiếng k’ưt, tiếng chiêng
Như cuộc sống thiếu cơm, thiếu muối”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét