Tác giả Nguyễn Văn Thiện
SUỐI HÁT
Truyện ngắn
Suối Đắk Kar đã cạn từ mấy tháng qua. Nắng như rây lửa thiêu đốt đến héo quắn lại những mảng rêu bám trên đá. Người già trong bon Bù Bir ước đoán: Phải hai tuần trăng nữa mới có mưa về! Người hay hoài nghi thì lắc đầu: Chưa biết chừng nắng cho đến hết tháng sáu cũng nên… Mọi người đều lo lắng, chỉ có thằng Nhôn bình chân như vại. Nó nói: Có nắng, tao cũng say, mà có mưa, tao cũng say! Nhà Y Nhôn ở sát ngay cạnh suối, từ khi bà mẹ già lọm khọm chống gậy đeo gùi sang bon khác ở với con rể, Nhôn ở một mình. Nhắc cái tên Y Nhôn với một trăm người ở Bù Bir thì cả một trăm người ngán ngẩm lắc đầu. Cái thằng đó, ớn lắm! Người ta ớn cái tính khí khác người của Nhôn. Hắn không thích lên rẫy. Cầm lấy cái xà gạc là tay nó nhũn ra như dây rừng. Hắn bỏ xà gạc đấy, rút thuốc ra hút rồi đi vòng quanh đám rẫy, một lúc sau thì mất hút. Hắn về chợ, ai cũng biết thế. Cứ nhìn cái mặt thì biết, đờ đẫn vì rượu. Hắn kết bạn với mấy đứa người Kinh ngoài chợ, cũng vẫn những cái mặt đờ đẫn giống nhau. Không chỉ uống rượu, có khi chúng còn hút cái thuốc cấm, hút xong thì lên cơn sung sướng gào thét, nhảy múa như điên. Người tốt bụng trong bon nhìn hắn ái ngại, thương cho mẹ Nhôn có thằng con bị Yang bắt tội. Không ai khuyên nhủ được hắn, bon trưởng hay già làng với hắn chẳng bằng con gà, hắn coi khinh hết. Hắn tuyên bố: Chỉ khi nào H’Phương chịu yêu hắn, chịu làm vợ hắn, hắn mới quay về! Còn không, đời hắn coi như bỏ đi giữa cái chợ này. Lần đầu, nghe người ta mách lại câu nói ấy, H’Phương giận sôi gan, nhưng nghe lâu rồi cũng thành quen. Bây giờ, H’Phương nghe cũng như không nghe, thấy cũng như không thấy. Nắng nhiều, cái cây quen chịu nắng, mưa nhiều, cái cây quen chịu mưa. H’Phương như cái cây bên suối Đắk Kar quen nắng quen mưa. Chị không giận Y Nhôn nữa, chỉ tiếc… Ngày trước, Y Nhôn không hư nát như bây giờ. Y Nhôn khỏe mạnh, hào hiệp, sẵn lòng giúp đỡ người khác. Bạn bè ai cũng khen Y Nhôn hát hay, đàn giỏi. Những đêm trăng, con trai con gái xuống bãi đá bên suối Đắk Kar đàn hát, chuyện trò vui vẻ. H’Phương nghĩ, giá như cuộc sống đứng im như cái cây không bị gió, có lẽ vui hơn nhiều. Nhưng, làm sao mà không gió? Gió mạnh rồi giông lốc kéo qua khi người ta xây chợ Bù Bir ngay cạnh bon. Y Nhôn hiếu động, ham vui, bạn bè nhiều. Mỗi lần gặp nhau lại vào quán nhậu bên chợ. Uống để mừng gặp bạn cũ, uống để mừng quen bạn mới, uống để mừng cho bạn mới và bạn cũ trở thành bạn của nhau… bao nhiêu là lý do thỏa đáng để say. Mà toàn rượu cồn mười ngàn một chai bự. Uống thế, sao không hư, sao không chết! Người ngồi không ăn hết cả cánh rừng, không làm việc, lấy tiền đâu để mua rượu, dù là rượu cồn nước lã! Những đứa bạn rượu lại bày chuyện trộm cắp. Gần sáng, chúng xách thùng sang bên nông trường cao su trút mủ tươi về bán. Bao nhiêu lần nhắc nhở, giáo dục, đâu vẫn vào đấy. Cũng có người bảo, cho nó đi tù là xong đó mà! Nhưng mới trộm vặt dăm bảy chục ngàn, chưa tù được, thế là hôm sau lại thấy Y Nhôn uống rượu say hát lè nhè ngoài quán chợ… H’Phương học hết cấp hai, bỏ ngang con chữ về làm rẫy. Nhìn bạn bè cùng lứa lưng không đeo gùi mà đeo cặp sách, đạp xe đến trường học cấp ba, buồn rũ chân rũ tay. Bước lên rẫy mà như đi giữa đống dây rừng. Nhà nghèo, đâu dám mơ mộng, chỉ cặm cụi cuốc xới chăm cho đám rẫy đừng mọc cỏ tranh, đừng lên cỏ gai, cỏ xước, vậy là mừng rồi. H’Phương đẹp, cả bon Bù Bir đều công nhận, mắt sáng, da trắng nõn, tóc dài. Nhưng đẹp có đem ra ăn no được đâu, H’Phương buồn bã nghĩ. Ở bon Bù Bir này, đâu chỉ một mình Y Nhôn mê mẩn vẻ đẹp của H’Phương, cứ nhìn vào mắt các chàng trai khi H’Phương đi qua thì biết. Bao nhiêu là ước ao, bao nhiêu là mơ mộng. Nhưng H’Phương vẫn chưa chọn ai, chị sợ… Như cái suối Đắk Kar đó, mới ào ạt cuồng nộ chảy đó thôi, mà chỉ sau ba tuần trăng, đã cạn trơ đáy. Bụng dạ đàn ông, ai biết được mà dám chắc. Chị cắm cúi bước đi, mặc cho bao nhiêu ánh mắt dõi theo, ước ao mơ mộng. Đầu tháng sáu, anh cán bộ đoàn xã dẫn một tốp thanh niên thành phố áo xanh mũ tai bèo về bon Bù Bir, nói rằng, đây là đội thanh niên tình nguyện ở tận thành phố về với bon làng. Nhìn những gương mặt cũng xinh đẹp và trẻ như mình, bụng H’Phương chợt vui, như cái cây bất ngờ có gió thổi qua, vỗ về. Ờ, nhà H’Phương rộng, để một thanh niên tình nguyện ở cùng được mà. Bảy người tìm bảy nhà ở chung. Nhiều người nghi ngại lắc đầu, người lạ vào ở trong bon, kỳ kỳ sao ấy. Nhưng vài ngày sau thì hết lo. Đám trẻ nghỉ hè chạy lông nhông được gom lại cho vào lớp học, rồi tổ chức trò chơi, hoạt động nhóm, vui hết biết. Nhìn lũ trẻ được hướng dẫn trò chơi, H’Phương nghĩ đến những ngày còn đi học. Phượng, cô thanh niên tình nguyện cười cười: H’Phương rảnh thì ra sân hướng dẫn các em chơi với thanh niên tụi mình luôn? H’Phương góp sức mình, đứng lên tập hát, bài dân ca quen thuộc của người M’nông… Buổi tối, chuẩn bị ngủ, Phượng còn cười mãi: Không ngờ H’Phương hát hay lạ, bằng ca sĩ rồi còn gì! H’Phương vui vẻ: Ca sĩ gì đâu, vui quá nên hát quên mệt đó mà! Phượng nói: Tự dưng, hai chị em mình, từ rất xa, không quen biết, đến khi ở chung nhà, lại trùng tên nữa, hay ghê nhá! H’Phương nghĩ, cũng kỳ, Phương với Phượng, gần giống nhau, lại ở chung nhà… Bất giác, Phượng hỏi: H’Phương có người thương rồi chứ? Lại chuyện người yêu, nghĩ đến Y Nhôn, H’Phương lặng thinh không đáp, nằm nghe gió lùa trên mái nhà vi vút. Không nghe câu trả lời, Phượng tiếp: Trong đội thanh niên tình nguyện có ba anh chàng đẹp trai đó, hay mình làm mai cho H’Phương nhé! Phải khó khăn lắm, sau gần một tuần lễ chung nhà, H’Phương mới dám thổ lộ với người bạn mới về Y Nhôn. Phượng có cách nào giúp được Nhôn không? Phượng nói: Ừm, để xem, tụi mình phải gặp Y Nhôn đã mới biết được. Vừa nhắc đến hổ thì thấy hổ về, vừa nhắc Y Nhôn thì Y Nhôn đến. Lạ, hôm nay hắn không có vẻ say xỉn. Gặp hai người đang ngồi trước nhà cộng đồng, Nhôn dừng lại, bối rối: Chào H’Phương, chào thanh niên… Phương cười thoải mái: Hóa ra chàng Y Nhôn đấy hả! Y Nhôn càng bối rối hơn, tự dưng, H’Phương thấy mủi lòng, bảo, Y Nhôn ngồi chơi đi, đừng lóng ngóng như người bị phạt vạ thế nữa. Rất lâu sau, Y Nhôn mới nói thành lời điều muốn nói: Thanh niên tình nguyện cho mình tham gia với, uống rượu miết rồi cũng… buồn! H’Phương thở phào, nhẹ nhõm. Nhôn rất khéo tay. Lũ trẻ lần lượt thay phiên nhau ngồi lên chiếc ghế kê cao bên thềm, Nhôn húi đầu cho từng đứa một, cẩn thận, kĩ càng như một người anh lớn. Buổi tối, đốt lửa lên múa hát, Y Nhôn lại là giọng ca khỏe nhất, trong nhất. Nhôn hát dân ca M’nông cùng với H’Phương, người già trong bon cũng ghé qua để nghe hát. Trên đường về, H’Phương hỏi: Nhôn không nhớ rượu nữa à? Y Nhôn lảng sang chuyện khác: Mẹ sắp quay về ở với Y Nhôn rồi, vui quá! H’Phương không còn giận Nhôn, càng vui nữa! Rồi mùa mưa mong đợi cũng về. Bắp lúa lên xanh đầu ngọn suối. Suối Đắk Kar cất lên bản nhạc dìu dặt muôn thuở. Nước tràn qua đá, chảy phăng phăng về bên kia núi. Những đêm mùa mưa, bon vui như mở hội. Người già mừng trong bụng vì cây lúa cây đậu đã có nước, nhú mầm xanh trên rẫy. Bọn trẻ thì vui vì có các anh chị thanh niên về, có thêm chị H’Phương, anh Nhôn chăm sóc, chỉ bảo. Niềm vui của H’Phương thầm kín hơn, chỉ có cô bạn thanh niên ở chung nhà là biết tỏng. H’Phương ơi, nhanh tay lên, sắp tối rồi, chàng Nhôn sắp sang nhà đấy! H’Phương ơi, tối nay, mặc váy đẹp nhất để hát dân ca với chàng Nhôn nhé! Phượng gọi Y Nhôn là chàng Nhôn, nghe là lạ, vui vui. H’Phương chỉ cười, không nói. Tay chân tự dưng lóng ngóng, gọt cái măng không đứt, chẻ thanh củi không xong. Nhoáng cái, tháng bảy sắp đi qua. Nhanh quá! – H’Phương buồn bã nghĩ – mới đó, đã giữa mùa mưa. Hôm liên hoan chia tay với đội thanh niên tình nguyện, H’Phương hát bài tiễn bạn mà nước mắt chảy dài như suối. Bọn trẻ con không kìm được nước mắt, có đứa khóc nấc lên. Anh bí thư đoàn xã phải tếu táo: Không được khóc, nếu ai còn khóc thì sang năm thanh niên không về bon mình nữa! Buổi sáng, cả bon Bù Bir nghỉ một buổi rẫy để tiễn thanh niên tình nguyện về lại thành phố. Qua suối Đắk Kar, mọi người dừng lại, chiếc xe màu xanh bắt đầu lăn bánh ra đường lớn. Có bao nhiêu cánh tay đều đã giơ lên vẫy. Phương hét to: H’Phương ở lại vui nhiều nhé! Tiếng của Phượng đã bị gió thổi bạt đi, lẫn vào tiếng suối đang chảy. H’Phương không chạy theo, đứng im lại bên đường. Đúng rồi, H’Phương không buồn nữa, phải vui nhiều. Đêm qua, bí thư đoàn xã đã giao việc của đoàn của bon Bù Bir cho H’Phương. Nhất định H’Phương phải hoàn thành, phải vui như con suối mùa mưa. Bên cạnh, Y Nhôn đứng im, không nói gì mà nước mắt chảy dài trên gò má. Thấy H’Phương ngẩng lên nhìn, Nhôn bối rối chữa thẹn: - Ờ, suối Đắk Kar này, nước ở đâu ra mà chảy dữ! - Y Nhôn không biết, suối đang hát đấy! Người già, trẻ em đã quay về. Chỉ còn H’Phương và Y Nhôn đứng lại sau cùng. Cả hai im lặng lắng nghe tiếng suối lúc vang dội, lúc dạt dào, có khi vi vút như gió qua đại ngàn. Cho tới khi họ đã bước về tận trong bon, vẫn còn nghe tiếng nước tràn qua bờ đá, rạo rực ngân xa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét