Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

SỐ: 253 - tác giả LINH NGA NIÊ KDĂM




Chú thích ảnh: Nhà văn - Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm


CHÚNG TÔI KẾT NỐI NHỮNG TRÁI TIM



Đất trời đi dần qua hạ để sang thu. Thu của những tháng ngày luôn gợi bao xúc cảm lãng đãng cho các nhà thơ tìm tứ, chọn vần, các nhạc sỹ ươm gieo những nốt nhạc thành giai điệu, tạo nên các tác phẩm “xanh mãi với thời gian”, nhất là âm nhạc. Âm nhạc không biên giới. Âm nhạc kết nối những trái tim, làm nên những điều diệu kỳ cho cuộc sống. Nhà cách mạng Tiệp Khắc Juliut Phu Xích từng nói: “Cuộc sống không có tiếng hát khác nào không có ánh nắng mặt trời”. Neo đậu một cách vững chắc trong tâm hồn con người và đời sống, thế nên từ năm 2010, ngày 3.9 được chọn là “Ngày âm nhạc Việt Nam”. Bởi 53 năm về trước, tháng 9 năm 1960, kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tại vườn Bách Thảo Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã vung “chiếc đũa nhạc trưởng” chỉ huy hàng trăm nhạc công và hàng ngàn quần chúng hát vang lời ca “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh”. Năm 2013 là năm thứ tư giới âm nhạc cả nước  tổ chức kỷ niệm Ngày âm nhạc Việt Nam, nhưng với Đắk Lắk mới là lần kỷ niệm thứ hai. Và đêm nhạc 1.9.2013 “Bài ca đất nước” đầy ắp âm thanh tuyệt đẹp ấy, góp phần làm sang trọng và phong phú thêm đời sống tinh thần của miền cao nguyên đất đỏ.
Nhân thế, mới có dịp ngẫm lại về đội ngũ tác giả và tác phẩm của lĩnh vực nhạc Đắk Lắk. Chúng tôi có 17 thành viên. Đa số hoạt động chuyên nghiệp. Có thể nói, so với các tỉnh bạn trong khu vực Tây Nguyên, Đắk Lắk là tỉnh có số hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam đông nhất (12 nhạc sỹ), gồm cả hai chuyên ngành sáng tác và giảng dạy âm nhạc.  Đồng thời cũng là tỉnh trong khu vực, có kha khá số tác giả là người dân tộc bản địa (5 người, kể cả 2 cố nhạc sỹ Kpa Púi và Y Yơn, dẫu có đi về “ bến nước ông bà”, tác phẩm vẫn còn sống mãi). Tác phẩm của một số tác giả Đắk Lắk đã vượt được cả không gian, thời gian để đến với bạn yêu nhạc trong cả nước. Đặc biệt với thanh niên dân tộc khắp các tỉnh Tây Nguyên, làm nên một nét riêng không dễ lẫn từ chất liệu âm nhạc dân gian Êđê. Như, tháng 3 nào cũng rộn ràng tràn ngập trên sóng phát thanh cả nước bài ca Tây Nguyên giải phóng của cố nhạc sỹ Kpa Púi. Cũng như âm nhạc và điệu múa Kon Tuor của ông, hơn 40 năm qua, gần như  hóa thân thành dân ca, dân vũ sống với các thiếu nữ mọi buôn làng Êđê. Chương trình phát thanh 6 thứ tiếng dân tộc Tây Nguyên của Đài TNVN chưa bao giờ ngưng phát tiếng hát của con chim Gur Tuk  cao nguyên, của cố nhạc sỹ Y Yơn. Hay như những bài ca rất dễ thương Mùa xuân em nhớ Tây Nguyên, Ra vườn hoa em chơi (của Văn Tấn – Trần Quang Huy), Đi tìm nữ thần mặt trời (của Y Phôn Ksor), Bài ca trên đồi, Ơn Bác Hồ với người Tây Nguyên (của Mạnh Trí),  Lên cao nguyên đi anh (Quang Dũng –Yên Ninh), Ơ chim Ktia (Y Sơn Niê), Mưa cao nguyên, Tiếng chim Tlang pút (Linh Nga Niê kdam), Gửi tới em (Nhật Thanh)… Không có bất cứ một sự kiện văn hóa nào của địa phương, mà thiếu sự đóng góp của anh chị em tác giả âm nhạc. Không chỉ là tác phẩm âm nhạc cất lên qua tiếng hát các ca sỹ, các dàn nhạc, mà còn là người dàn dựng những chương trình tham gia liên hoan trong tỉnh, trong khu vực hay toàn quốc, hoặc trực tiếp biểu diễn đàn, hát , giao lưu trong những đêm CLB âm nhạc; và hơn hết, bất chấp đời sống vốn vất vả bon chen hôm nay, những âm thanh đẹp nhất, chắt lọc từ sự rung động của tâm hồn các nhạc sỹ, vẫn đến với đời như một cứu cánh cho đời sống tinh thần miền cao nguyên. Tên tuổi các nhạc sỹ đã trở nên quen thuộc với bạn yêu nhạc trong địa phương và lan tỏa trong cả nước.
Mới có hơn một nửa thời gian của năm Quý Tỵ, âm nhạc Đắk Lắk đã có thêm những niềm vui mới, khi CLB âm nhạc Hoa Plang của Trường Cao đẳng VHNT và CLB Âm nhạc Đắk Lắk của Trung tâm VH tỉnh, nối tiếp nhau lần lượt ra mắt bạn yêu nhạc, nòng cốt là các nhạc sỹ, tập hợp được đông đảo các ca sỹ, vũ công. Đây không phải chỉ là sân chơi cho các nghệ sỹ, là nơi giới thiệu tác gỉả – tác phẩm mới, mà lần đầu tiên, khán giả yêu nhạc ở Đắk Lắk đã được thưởng thức âm nhạc cổ điển – thính phòng “thứ thiệt”, với những tuyệt phẩm của Bethoven, Mozart, Bize… những ca khúc nghệ thuật (romance), các trích đoạn nhạc kịch (aria - opera)… Hai cuộc giao lưu giữa các nhạc sỹ - nhà giáo (nhân ngày 20.11), nhạc sỹ và bạn yêu nhạc (nhân ngày 30.4), cũng như đêm hát cho nhau nghe tác phẩm Phạm Duy – Ngô Thụy Miên ở một hội quán, đã khiến âm nhạc như gần lại với tuổi trẻ hơn. Bên cạnh đó là những đợt trại sáng tác của Hội VHNT Đắk Lắk ở M’Drak, Krông Ana, tham dự “Liên hoan âm nhạc miền Trung – Tây Nguyên” tại Quảng Ngãi, kết hợp đi thực tế sáng tác và giao lưu với các tỉnh bạn Bình Định, Phú Yên, trại sáng tác của các Hội TW ở Sơn La, Lâm Đồng, Phú Yên… đã như những luồng gió mát lay động tâm hồn nhạy cảm của các tác giả, để rung lên các cung bậc bổng trầm của những ca khúc, hợp xướng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, giao hưởng thơ… thấm đẫm âm điệu dân nhạc Êđê và hơi thở cuộc sống mới ở mỗi vùng đất. Giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sỹ VN, Hội Văn nghệ các dân tộc thiểu số VN, Hội đồng Đội, trao cho tác phẩm của các tác giả Quang Dũng, Mạnh Trí, Sỹ Hùng, Nhật Thanh, Linh Nga Niê Kdam, Huỳnh Ngọc La Sơn; giải thưởng Đài TH thành phố HCM cho Nguyễn Văn Hạnh, Hồ Tuấn, giải thưởng Chư Yang Sin của UBND tỉnh, của Hội VHNT Đắk Lắk, giải Bài hát yêu thích trao cho Y Phôn KSor… là sự ghi nhận những đóng góp và thành công của các nhạc sỹ.
Lần ngược lại ký ức, đã có một lần chưa xa, Hội nhạc sỹ VN phối hợp với Hội VHNT và Chi hội Nhạc sỹ Đắk Lắk, tổ chức lớp bồi dưỡng phối khí nhạc nhẹ cho 21 tác giả của 4 tỉnh Tây Nguyên, những kỷ niệm khó quên với những người thầy tận tụy Đỗ Hồng Quân, Cát Vận, cố nhạc sỹ Bảo Phúc. Vậy mà nay Chi hội đã có thể đề xuất với các ngành có liên quan, tự tổ chức những lớp bồi dưỡng sáng tác âm nhạc, phối khí nhạc nhẹ… để có nguồn từ thế hệ  trẻ bổ sung cho đội ngũ của mình. 
Kế hoạch đưa tác giả - tác phẩm tới với các trường học, tìm nguồn tài trợ để mỗi tháng một lần có thể đều đặn có được một buổi trình diễn “Âm nhạc đường phố”, hoặc sinh hoạt CLB âm nhạc… là những dự định ấp ủ của cả Chi hội, để đời sống âm nhạc miền cao nguyên đất đỏ thêm phong phú.
Chợt nhớ câu thơ của nhà thơ – nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, rằng “bạn bè ở Huế thương nhau lắm”, để thấy 17 anh chị em trong Chi hội Âm nhạc Đắk Lắk cũng gắn bó thân thiết với nhau lắm đấy. Đồng nghiệp gặp tai ương, gia đình có chuyện vui, chuyện buồn, dẫu xa xôi đến mấy, anh em vẫn cùng đóng góp, sẻ chia. Yêu nghề, yêu đời, những nốt nhạc vui luôn luôn rộn ràng trên mọi nẻo đường đất đỏ, những ca khúc trữ tình lắng đọng làm trong trẻo thêm tình yêu và những bài hát thiết tha về biển đảo Việt Nam, là những dòng âm thanh kết nối mọi trái tim, mọi tâm hồn, cho cuộc sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
Đó chính là nghĩa vụ & trách nhiệm của chúng tôi: Những người nhạc sỹ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét