Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

SỐ: 253 - tác giả ĐINH LÊ TUYẾT TRINH




HẠT CÁT

Truyện ngắn

Tôi là sinh viên văn khoa.
Thời học sinh tôi chỉ là một con bé bình thường của lớp học gần như dốt nhất khối. Mười hai năm mài đũng quần trên ghế nhà trường kết thúc, cũng đi thi đại học như ai. Đậu một lúc ba trường mà trường nào cũng rơi vào tình cảnh vừa đủ điểm sàn kèm thêm dăm bảy điều kiện ưu tiên khuyến khích nên được xét đậu. Tôi chọn tờ giấy báo của khoa văn trong ba tờ giấy báo nhập học đang cầm trên tay lúc đó. Ngày nhập học tôi leo lên cái xe khách quá tải chạy tuyến Sài Gòn cùng với một cái ba lô con cóc và mấy trăm ngàn mẹ dúi vào tay lúc buổi chiều. Suốt chặng đường dài hơn 10 giờ xe chạy tôi cứ buồn cười cảm thấy mình giống một con nhỏ bỏ nhà đi bụi hơn là một cô tân sinh viên đi nhập trường. Không nôn nao háo hức, chẳng có gì rùm beng ồn ào, cứ tưng tửng vậy thôi. Rồi những môn học đại cương, môn học chuyên ngành, kiến tập, thực tế, thực tập triền miên chính thức biến tôi thành sinh viên: Sinh viên khoa văn! Mỗi khi tôi chuyển chỗ làm thêm hay gặp những người mới quen biết người ta đều tròn mắt lên hỏi : “Rồi ra trường em làm gì?”. Tôi nghe mãi cũng quen, chỉ cười. Môt vài người vui tính hơn thì bảo: “Mai mốt làm nhà văn nhớ tặng anh chị vài cuốn sách”, tôi cũng cười trừ. Lâu dần ôm mộng thành nhà văn thật. Cũng tập tành viết lách, thơ phú, truyện ngắn, truyện dài đủ kiểu. Cũng gửi đi đủ các báo, có bài đăng bài không. Lâu lâu đi cà phê cùng bạn lại đứng lên giành trả tiền, tươi rói: “Tao mới lãnh nhuận bút”.
Thời tôi, công nghệ thông tin phát triển, mạng xã hội, blog, web tràn lan, các sản phẩm công nghệ đua nhau ra đời. Con bé con lớp 3 mà tôi dạy kèm cũng dùng ipad quả táo. Thỉnh thoảng nhác học, lười dạy hai cô trò lại hý hoáy gửi bài tập qua cái màn hình 7 in-xơ rưỡi “cô ơi cô giảng bài này giùm con”. Nhờ công nghệ thông tin, mộng nhà văn của tôi cũng được khai thác phát triển triệt để. Thơ văn tôi viết tràn lan trên mạng xã hội, có cả web riêng, trang riêng và fanclub vài ngàn người. Mỗi ngày đều bật sáng nick, online gần 24/24. Mỗi bài đăng lên lập tức có hàng trăm bình luận, vui thì trả lời, buồn thì thôi. Nhiều lúc viết liên tục, sòn sòn như gà mái đẻ trứng rồi chẳng nặn ra được thêm ý tưởng nào. Thế là cứ nửa cái này ghép với nửa cái kia, thay tên nhân vật, thêm bớt tình tiết rồi đăng, cũng truyện của mình cả mà. Không nhỡ đâu lâu quá không đăng bài fan lại bảo: “Chị ơi chị lâu rồi sao không đăng bài? Em là em chờ truyện của chị mãi…” vân vân và vân vân. Lâu lâu họp mặt fanclub, vẫn đi, nhưng vẫn nói với fan: “Chị đang ở nước nọ nước kia, tỉnh nọ tỉnh kia lấy tư liệu viết, về gặp mọi người không kịp”, thực ra nào có đi đâu làm gì ngoài việc chúi mũi vào cái màn hình laptop 14 inch trong căn phòng mười sáu mét rưỡi. Đi, để nhìn người ta hâm mộ mình, nhìn mình hâm mộ mình. Đi, vì biết sẽ chẳng ai nhận ra mình. Ừ, ảnh thì vẫn đăng, mạng xã hội vẫn để trạng thái mở, ai xem cũng được, nhưng photoshop chán chê ra rồi mới đăng hình thì có giời cũng không biết con bé mặc quần jean, áo thun đi giày bụi trong góc quán kia là mình – là tác giả - là người được hâm mộ của buổi gặp mặt hôm đó.
Năm cuối đại học, bạn bè ai cũng bận rộn lo cho tương lai. Người xin làm cộng tác viên, xin thực tập ở các báo để cắm sẵn “chân”, kẻ lo lót chạy chọt về giáo dục, xuất bản. Học thêm đủ thứ, từ anh văn tới nghiệp vụ, ai cũng nơm nớp lo xã hội không chứa mình. Tôi cứ thế, học nhàng nhàng, ngày một buổi học, hai buổi làm thêm, ăn bớt của giấc ngủ thêm dăm ba tiếng viết lách. Nhìn lại bảng điểm của mình thấy cũng nhàng nhàng, 5 phẩy có, 6, 7, 8 phẩy cũng có; tổng kết ra trường, khá cũng được, giỏi cũng tốt mà trung bình cũng chẳng sao. Nhìn lại điều kiện cũng nhàng nhàng, gia đình làm nông, đủ ăn, không đủ nuôi hai đứa đang học đại học, tiền không có, quen biết không có, cũng bình thường. Con bạn thân đôi lúc lo giùm: “Mày không sợ thất nghiệp à”. Tôi chỉ cười cười: “Quá lắm ra trường tao treo bằng đi rửa bát thuê, không đói được đâu”. Nhỏ bạn chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Mà biết đâu tôi sẽ làm vậy thật, nhưng rửa bát thuê thì nghèo lắm. Thôi thì mình cầm bằng cử nhân văn chương đi buôn lậu, rồi viết vào pro5 trên mạng xã hội là “Nghề viết tự do”. Thời kinh tế thị trường mà, đâu ai quan tâm mình làm gì. Ra đường có gặp bạn bè cũ thì cũng đi chơi, cứ chung đủ, chi đủ là “sống đẹp” là “chơi hay”. Mà nghề buôn lậu thì giàu lắm nhé, bao nhiêu người cũng làm đấy thôi, tôi đã chẳng gọi nó là: NGHỀ còn gì. Cứ sang Campuchia hay Lào một tháng vài lần, mua chục cái Iphone Tàu về mua đi bán lại là có lời chán. Ai hỏi sao đi nhiều vậy thì cứ bảo: Em đi lấy tư liệu để “viết”, ai bắt bẻ gì được tôi, tôi khai báo nghề nghiệp là “tự do” cơ mà.
Sinh viên văn khoa - cử nhân văn chương tương lai - nhà văn mạng, rồi thì vẫn phải chật vật lo toan cho cuộc sống, cũng cười nói tỉnh say với người, với đời. Danh bạ hàng trăm số điện thoại cũng chỉ nhớ được số mẹ và anh trai. Thi thoảng nhớ thêm số vài cậu bạn đang quen, chia tay rồi cũng quên. Đến mức có làm mất số điện thoại cũng không nhớ đủ năm số điện thoại thường xuyên liên lạc để làm lại sim. Công việc nào cũng làm qua, người kiểu nào cũng biết. Bước ra đường thỉnh thoảng lại có người reo lên: “A, chào cô nhóc, hôm anh em mình gặp nhau ở A ở B, em nói chuyện vui lắm, hôm nào uống cà phê nhé”, lại cười nói, chào hỏi, về tới nhà mới nặn óc nghĩ xem đó là ai. Khoa văn rèn luyện cho tôi khả năng ăn nói, cuộc sống sinh viên nghèo rèn luyện cho tôi kỹ năng thích nghi để tồn tại. Dần dần thấy mình giống con tắc kè bông, đi tới đâu đổi màu tới đấy. Nhiều người yêu quý hoặc tỏ vẻ yêu quý, quay lưng rồi chẳng nhớ nổi mình là ai.
Tôi, hạt cát con rớt giữa đời, chật vật để sống, bon chen để tồn tại.
Bé nhỏ!

Mong manh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét