Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

SỐ: 250 - tác giả NGUYỄN THỊ ÁNH HUYỀN



     
   
BÀI HỌC CỦA BÁC HỒ
DÀNH CHO NHÀ BÁO



Báo chí có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật đến quần chúng nhân dân. Đây là sự tương tác hai chiều, vừa là công cụ phổ biến chính sách, đường lối, pháp luật của Đảng – Nhà nước, vừa là nơi truyền tải ý kiến, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân. Nhà báo là cầu nối giữa hai phía, đòi hỏi phải có đầy đủ mọi phẩm chất và năng lực cần thiết mới có thể đảm nhận và hoàn thành tốt công việc của mình. Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, báo chí Việt Nam đảm nhận vai trò mới trong công cuộc tái thiết và từng bước xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986 với xu hướng hội nhập toàn diện, trên phạm vi khu vực và thế giới, báo chí Việt Nam tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng của mình. Đạt được thành quả ấy là nhờ các nhà báo đã thấm nhuần và luôn áp dụng bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn xã hội mới.
Yêu cầu đầu tiên đối với một nhà báo là phải thật sự chín chắn trong cách nhìn nhận và diễn đạt vấn đề. Một vấn đề rất đơn giản nhưng nếu nhà báo không có chiều sâu trong cách đánh giá và diễn đạt không khéo sẽ không mang lại hiệu quả thông tin cần thiết. Ngược lại còn có thể gây hiểu nhầm rất tai hại… Vào vụ lúa chiêm năm 1954, sau khi về thăm bà con nông dân tỉnh Hưng Yên, nhiều tờ báo đã đồng loạt viết bài về sự kiện này. Sau khi đọc bài trên báo, Bác gọi một phóng viên và dạy rằng: “Chú Quang à? Bác đã đọc bài của chú trên báo. Viết thế là được. Nhưng Bác hỏi chú, trong bài mấy lần chú nhắc đi nhắc lại chuyện Hồ Chủ tịch đi bộ giữa cánh đồng. Vậy ra từ trước tới nay, Bác Hồ toàn đi xe, chưa từng lội bộ bao giờ à? Bác Hồ đi bộ, thì có cái gì mà viết lắm thế?. Qua lời Bác dạy, chúng ta thấy việc nhấn mạnh một thông tin nào đó là cần thiết nhưng phải cân nhắc kỹ càng đến lịch sử, bản chất của nó và hiệu quả thực tế của biện pháp này như thế nào.
Bất kỳ một thông tin nào, dù là nhỏ nhất thì cũng phải chính xác, toàn diện và kịp thời. Nhưng mới dừng lại ở đấy thì chưa đủ. Để phát huy hết vai trò của mình và đạt hiệu quả giao tiếp cao nhất, báo chí còn phải hay, phải đẹp…“Chú là nhà báo. Vậy năm mới, Bác chúc chú viết báo cho đúng, cho hay, có nhiều người đọc”. Nói về điều này, tại Đại hội lần thứ hai Hội nhà báo Việt Nam tháng 04 năm 1959, Bác khuyên: “Chớ viết khô khan quá. Phải viết cho văn chương. Vì ngày trước khác, người đọc báo chí chỉ muốn biết sự thật. Còn bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới thích đọc”.
Muốn làm được điều này không phải là dễ, nhưng biết cách làm và kiên trì học tập rèn luyện thì sẽ được. Năm 1954, mấy anh em nhà báo ở chiến khu Việt Bắc, ngoài công việc chính còn tranh thủ tăng gia, chọn mấy cây cải to nhất, ngon nhất mang biếu Bác. Bác rất vui và hỏi vì sao các chú trồng được rau to thế? Sau khi nghe trình bày, Bác nói: “Các chú làm báo cũng như trồng rau, phải chọn chỗ đất nào tốt nhất trồng rau cho cây rau mau to. Các chú làm báo cũng phải chọn đề tài, chọn vấn đề tức là chọn chỗ, chọn việc, làm sao cho phát triển như cây rau, mới thành công”. Muốn đạt kết quả cao, nhà báo phải biết sở trường của mình là viết về mảng nào, sau khi phát hiện ra sở trường của mình rồi phải luyện tập đều đặn như việc tưới rau vậy. Rau ngừng tưới sẽ chết, nhà báo mà nghỉ viết tay nghề và kỹ năng sẽ giảm sút.
Vai trò của báo chí nói chung và nhà báo nói riêng là bảo vệ chân lý. Vậy chân lý là gì? Bác giải thích rằng: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Đối với một vấn đề, mọi người bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó, quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”. Rõ ràng, báo chí phải phục vụ và chỉ phục vụ cho lợi ích của nhân dân, của đất nước. Cái gì có lợi cho nhân dân, cho Tổ quốc thì dù có phải nhảy vào biển lửa, đối mặt với cái chết, nhà báo cũng phải làm cho bằng được. Ngược lại, cái gì không có lợi thì tuyệt đối không được làm. Trước khi đã chọn công việc này, nhà báo phải xác định mục tiêu của mình là vì nhân dân, vì đất nước, loại bỏ tuyệt đối những tư lợi cá nhân. Muốn vậy, nhà báo “Phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên, các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”.
Công việc của một nhà báo rất quan trọng và vinh quang nhưng cũng đầy hiểm nguy, gian khổ nếu nhà báo không có đầy đủ những phẩm chất cần thiết. “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”. “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén”, “ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”, “cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”. Nắm giữ vũ khí sắc bén này đòi hỏi nhà báo phải có tài năng, tâm huyết, lòng dũng cảm, đức hi sinh, tinh thần chiến đấu. Đối tượng và mục đích cuối cùng là quần chúng nhân dân nên nhà báo phải đặc biệt chú ý đến tính đại chúng của những bài báo.
Báo chí Việt Nam nói chung, nhà báo nói riêng còn phải: “Làm tốt công tác thông tin đối ngoại, giúp cho cộng đồng quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thông tin kịp thời, đúng đắn về tình hình đất nước, tranh thủ sự đồng tình của nhân dân ta”. Đồng thời, “không ngừng nâng cao chất lượng chính trị, văn hóa, khoa học công nghệ, nghề nghiệp, từng bước hiện đại hóa”. Như vậy, báo chí Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trên mọi mặt: Đời sống, văn hóa, giáo dục, chính trị, quân sự và đối ngoại… “Cho nên, làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”.

Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với báo chí Việt Nam nói chung và nhà báo nói riêng đã trải qua thực tiễn đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới - hội nhập với thế giới gần một thế kỷ qua vẫn còn nguyên những giá trị quan trọng của nó. Đây là một tài sản lớn và quý giá của báo chí Việt Nam. Với khoảng 2000 bài báo và các tác phẩm ở nhiều thể loại được ký bằng 174 bút danh khác nhau mà Bác đã để lại là những tác phẩm lý luận, là kim chỉ nam cho mọi chính sách, hành động, công việc của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta, đặc biệt là với báo chí Cách mạng Việt Nam.

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

SỐ: 250 - tác giả TRẦN CHI

NGƯỜI NÔNG DÂN KIỂU MẪU

                                                                             Ghi chép

Text Box:  Chiều, chúng tôi đến UBND xã Ea Pil làm việc, nhưng đợi mãi vẫn không gặp được Chủ tịch như lịch hẹn. Trong lúc chờ đợi, tôi hỏi chị phụ trách văn hóa xã về những người nông dân sản xuất giỏi của địa phương, hầu như tất cả cán bộ của xã đang có mặt đều nói lên một cái tên: ông Hoàng Văn Thụ.
Sau khi hẹn với cán bộ của ủy ban xã sẽ quay lại lấy tư liệu, anh em trong đoàn mời hai cán bộ xã cùng lên xe phóng về thôn 14, cách trung tâm xã hơn 5 cây số để đến với người nông dân sản xuất giỏi này. Xe chạy vào đường đất pha cát một đoạn thì bị lầy, mặt đường ngang dọc những rãnh. Chúng tôi lội bộ băng ngang những cánh đồng mía, khoai mì bạt ngàn xanh mơn mởn sau cơn mưa đầu mùa. Đi mãi rồi cũng phải đến, chúng tôi gặp được anh Hoàng Văn Thụ ngay trên cánh đồng mía của anh, xa xa là 8 ha cao su anh trồng đã hơn 5 năm tuổi đang chờ ngày thu hoạch.
Anh Hoàng Văn Thụ sinh năm 1957, quê huyện Hạ Lang tỉnh Cao Bằng, vào bộ đội Biên phòng Cao Bằng năm 1978. Sau 14 năm trong quân đội, năm 1992 anh xin phục viên với quân hàm đại úy và xin nhận trợ cấp một lần. Với số tiền 4,5 triệu lúc đó tương đương chừng 50 triệu đồng hiện nay, anh vào Dak Lak tìm đất đưa gia đình vào lập nghiệp… Là một người quyết đoán, sau khi đi khảo sát nhiều nơi tại M’Drak, anh quyết định lập nghiệp tại thôn 14, xã Ea Pil hiện nay. Anh đã mua 20 ha đất trống, đồi núi trọc và đất rừng nghèo toàn lau lách, cỏ tranh, cây ngạnh ngạnh, cây kơ nia… để lập trang trại. Dựng tạm ngôi nhà tranh, anh về quê đưa gia đình vào khai hoang, trồng trọt. Một gia đình 5 nhân khẩu (2 vợ chồng cùng 3 người con) đã đổ mồ hôi, công sức hơn 10 năm trời mới có được cơ ngơi vững vàng như ngày hôm nay.
Đưa chúng tôi đi tham quang trang trại, anh hào hứng nói: Hàng năm gia đình anh trồng chừng 5 ha mía, trồng xen canh 6 ha sắn trong đất cao su và 3 ha lúa nước 2 vụ. Ngoài ra anh còn trồng thêm 3 ha cây keo tai tượng và 8 ha cây cao su là để chuẩn bị cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong những năm sắp tới… Về chăn nuôi, gia đình đào ao nuôi cá nhưng mục đích chính là trữ nước để tưới tiêu cho những lúc khô hạn và  nuôi 2 con trâu, 1 con bò chủ yếu dùng cho sức kéo. Anh cho biết thêm: sở dĩ gia đình chưa đầu tư vào chăn nuôi là do gia đình chỉ thuê thêm nhân công vào những tháng cao điểm của thời vụ như lúc gieo trồng hoặc thu hoạch mía, sắn… mà thôi.
Dạo một vòng qua nương rẫy, chúng tôi về nhà anh, căn nhà xây kiểu Thái khang trang, bề thế trị giá trên 300 triệu đồng được gia đình xây dựng vào  năm 2008. Khi được hỏi vì sao anh lại mạnh dạn trồng cây cao su trong khi ở huyện hầu như chưa có mô hình nào như thế? Anh tâm sự: Đất của của xã Ea Pil là đất đen pha cát, hầu như không thể trồng được các loại cây như: cà phê, hồ tiêu, điều… và nếu cứ bám vào các loại cây như mía, sắn… thì chỉ trong vài năm đất đai bạc màu hết. Vì vậy trong thời gian nông nhàn tôi đã đi tham quan, học hỏi ở nhiều nơi trong tỉnh. Về suy nghĩ mãi mới mạnh dạn đầu tư trồng 8 ha cao su, 3 ha cây keo tai tượng. Dự kiến trong 2 năm nữa cây cao su sẽ cho thu hoạch mủ và thắng lợi thì gia đình sẽ mạnh dạn thu hẹp diện tích các loại cây trồng khác như: mía, sắn để trồng thêm một số diện tích nữa. Tiếp đó sẽ trồng cỏ để chăn nuôi thêm các loại gia súc, gia cầm khác!
Năm 1994 khi mới thành lập xã Ea Pil anh được chỉ định làm Chủ tịch lâm thời UBND xã, rồi chủ tịch HĐND xã, đến nay do tuổi cao nhưng anh vẫn nhiệt tình cống hiến sức lực của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ Xã đội trưởng xã Ea Pil. Hơn 20 năm vào Dak Lak khai hoang lập nghiệp anh vẫn phát huy tốt vai trò xung kích của anh bộ đội cụ Hồ. Có thể nói người cựu chiến binh Hoàng Văn Thụ là một trong những người công dân kiểu mẫu, một người nông dân tiêu biểu của thôn 14, xã Ea Pil, huyện M’drak, biết vượt qua khó khăn để vừa hoàn thành tốt công tác xã hội, vừa sản xuất giỏi và góp phần giúp đỡ các hộ gia đình khác cùng phát triển kinh tế thoát nghèo, tiến lên làm giàu trên mảnh đất cằn Ea Pil. Anh làm được điều đó vì luôn nhớ lời dạy của Bác: “Không có việc gì khó/chỉ sợ lòng không bền…”
Những người như anh thực sự xứng đáng là những hạt giống “đỏ” góp phần làm nên cuộc sống mới xanh tươi ở một vùng đất đang còn nhiều khó khăn như Ea Pil, huyện M’Drak. Cách thức làm ăn cũng như việc mạnh dạn đổi mới cây trồng của gia đình anh trong những năm qua là một mô hình xứng đáng được nhân rộng để xã Ea Pil nói riêng, huyện M’Drak nói chung trở mình thành một vùng nông thôn mới trù phú.


GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ: 250 - THÁNG 6 NĂM 2013

Tạp chí Văn Nghệ CHƯ YANG SIN
Xuất bản hàng tháng

Số: 250

Tháng 6/2013


                                   Tòa soạn:                    
172 Điện Biên Phủ - TP.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk
ĐT :  0500.3840 276
Email: cuyangsindaklak@gmail.com
                                              
Quyền Tổng biên tập:
LÊ KHÔI NGUYÊN

Phó Tổng biên tập thường trực:
 HỒNG CHIẾN

Phó Tổng biên tập:
 ĐẶNG BÁ TIẾN

Ban biên tập:
NGUYỄN VĂN THIỆN
PHẠM HUỲNH
AN QUỐC BÌNH
HUỲNH NGỌC LA SƠN

Trình bày:

Y KUAN NY NIÊ

AN QUỐC BÌNH

Thiết kế mỹ thuật:
AN QUỐC BÌNH

Sửa bản in:
TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT

Trong số này


 VĂN:
      l Người nông dân kiểu mẫu (ghi chép) – TRẦN CHI
l      Màu cuộc sống (tản văn) – H’XÍU HMOK
l      Thành phố mưa bay (truyện ngắn) MỘC ANH
l Đàn bà (truyện ngắn) – HUỲNH THẠCH THẢO 
l      Thức dậy một tiềm năng (ghi chép) – HỒNG CHIẾN
l Chuyện những người “cõng chữ” vào rừng Cư San () VÂN TRANG
l Có một M’đrăk khác… (ghi chép) TRẦN CHI
l Màu xanh Cư Króa (ghi chép) ĐẶNG BÁ TIẾN
l Sự tích Dray Knao (truyện ngắn) H’SIÊU BYA
l Jatin và đôi giày xăng đan (Truyện ngắn nước ngoài) VÕ HOÀNG MINH (dịch)




THƠ của các tác giả:
NGUYỄN VĂN CHƯƠNG – LƯU TIẾN LỄ - HOÀNG THẾ - TRẦN CỘNG SẢN – NGUYỄN LOAN – NGUYỄN NGỌC CHIẾN – NGUYỄN HƯNG HẢI – NINH ĐỨC HẬU – VƯƠNG VĂN BẠNG – TRẦN CHI – NGUYỄN VIẾT CHỮ - VĂN LUÂN – HUỆ NGUYÊN – HOÀNG THANH HƯƠNG – NGUYỄN NGỌC TIẾN – HOÀNG ANH TUẤN – TRẦN PHỐ - LÊ VĨNH TÀI – TRẦN VĂN TƯƠNG – LÊ THỊ MINH NGHIỆM – ĐẶNG BÁ TIẾN – ĐÀM LAN

Nghiên cứu giới thiệu – phê bình:

l                       Bài học của bác Hồ dành… -  NGUYỄN THỊ ÁNH HUYỀN
l                       Trẻ mục đồng với bức...      –  PHẠM TUẤN VŨ
l                       Gia phả của người M’nông…   - TRƯƠNG BI
l                       Nghệ sĩ Trương Ân…               – THU HƯƠNG
l                       Sự tích Krông Bông và…          - Y CHINH
                                     
NHẠC
       M'Drak yêu thương - LÊ NHẬT THANH
      Khoảng khắc Đray Knao - DƯƠNG TẤN BÌNH
     Hát trên cánh đồng mía M'Drak - NGUYỄN HƯNG                                        

     
               
 Ảnh Bìa 1: Theo bóng  –  Ảnh :   BẢO HƯNG
                                                                                                     
            
     
                     v TRANH - ẢNH và minh họa của các tác giả:

    PHẠM HUỲNH - AN QUỐC BÌNH – HỒNG CHIẾN – NGUYỄN HUY LỘC – NGUYỄN LIÊN –  XUÂN CHIẾN  -  PHAN VŨ - PV…
                 
       
Giấy phép xuất bản số 2687 BC-GPXB của Bộ Văn hóa Thông tin  cấp ngày 15 -11 - 2012. In tại Công ty CP In & DVVH Gia Lai – 102 Phạm Văn Đồng – TP. Pleiku – Gia Lai.


TRÁCH NHIỆM
CỦA NGƯỜI CẦM BÚT HÔM NAY



Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, chỉ tính từ năm 1919 đến 1969 (50 năm), Bác đã viết 1524 bài báo. Riêng trên báo Nhân Dân, từ năm 1951 – 1969 Bác đã viết 1205 bài với nhiều bút danh khác nhau. Các tác phẩm báo chí, văn chương của Bác bao giờ cũng được người đọc đón nhận với tất cả niềm say mê, niềm tin và thấm sâu vào gan ruột. Bởi nội dung trong các tác phẩm ấy bao giờ cũng thiết thực, gần gũi với đời sống của nhân dân, lối viết giản dị, trong sáng, nhiều hình ảnh ví von dân dã, ngắn, dễ nhớ, dễ thuộc… Có được điều đó, ngoài vốn hiểu biết cao, rộng, sâu sắc, bản lĩnh sống và viết vững vàng, Bác còn xác định được cho mình một tâm niệm đúng mà ngày nay đã trở thành nguyên lý của bất cứ người cầm bút nào, là:  “Viết cho ai, viết để làm gì?”. Cũng chính vì vậy, Bác không chỉ là nhà cách mạng, là người đặt nền móng cho báo chí, văn nghệ cách mạng Việt Nam ra đời, phát triển, mà còn là nhà báo, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Học tập Người - Cầm - Bút - Hồ Chí Minh vĩ đại, các nhà báo, nhà văn hôm nay ngoài việc phải hướng ngòi bút của mình vào những sự kiện quan trọng của đất nước để góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, còn phải thể hiện được bản lĩnh của mình trong việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa 11) để bảo vệ những người dân bị mất đất vô cớ, bảo vệ những người lao động nghèo đang phải làm việc quần quật cho các đại gia, nhưng chỉ nhận được đồng lương chết đói, dám lên án những tên “địa chủ mới” tàn ác: Thả chó bẹc giê ra cắn nát thịt những cụ già, em bé nghèo đi mót cà phê…
Người cầm bút anh đang ở đâu trong cuộc chiến thầm lặng hôm nay nhưng đầy cam go thử thách? anh đang làm gì để góp phần xóa bỏ những ngang trái, bất công trong xã hội để thực hiện điều mơ ước “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”? Đấy là những câu hỏi đồng thời là trách nhiệm, phải được xuất hiện thường trực trong trái tim, trí não của những người cầm bút hôm nay.             

                                                            CHƯ YANG SIN


Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

SỐ: 249 - tác giả ĐÔNG THÀNH






LỄ CÚNG THẦN GIÓ
CỦA ĐỒNG BÀO ÊĐÊ



Trong hệ thống lễ nghi về nông nghiệp của đồng bào Êđê có thể kể đến lễ cúng thần Gió (ngă yang angin) gắn với sản xuất nông nghiệp, săn, bắt của đồng bào Êđê trên cao nguyên Đắk Lắk. Lễ này được tiến hành vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô hàng năm (khoảng đầu tháng 11 dương lịch). Vì từ đầu tháng 11 trời Tây Nguyên chuyển mùa, gió từ rừng đại ngàn thổi về như bão, cây rừng rụng lá, sông suối khô cạn, dễ gây ra hỏa hoạn. Do đó, người Êđê thường tổ chức cúng thần Gió để cầu mong sự bình yên cho cộng đồng.
Chuẩn bị đến ngày lễ, ông pô jâu (chủ lễ) cho người đi góp gạo các gia đình trong buôn để về ủ rượu. Sau đó ông chủ bến nước (pô pin êa) đi chọn địa điểm chuẩn bị nơi làm lễ. Thường thường họ chọn một khoảng đất rộng ngay đầu buôn. Ở đây họ dựng một cái cổng tượng trưng, gọi là cổng nhà giàng, trên hai cột cổng có một sợi dây buộc ngang. Sau đó họ treo lên một sợi dây kơning (dây săn voi) một cây gậy kơ ku (gậy có mấu để điều khiển voi) và một ống nứa để làm cơm (đing asei). Người Êđê quan niệm rằng gió có sức khỏe như voi, nên cần phải có những vũ khí săn voi mới trị được gió.
Ngay giữa cổng, họ đặt một cái bàn làm bằng tre có treo các dụng cụ để lấy mật ong. Phía trước bàn là 7 ché rượu được buộc vào 7 chiếc cột thành một hàng ngang. Đến ngày lễ mọi người trong buôn tụ hội đông đủ. Ông thầy cúng (pô riu yang) lần lượt đọc các bài cúng: “Gọi thần gió”, “Bài cầu mùa”, “Bài bắt ong”. Ông đọc theo một nhịp điệu thong thả trầm bổng, nghe như lời một bài khan:
Này đây ché đầy rượu ngọt
Này đây heo thiến béo vàng
Gió giông chớ nổi
Chớp giật hãy tan
Khiên đao chẳng chạm buôn làng
Qua bức màn hư ảo đó, chúng ta thấy nội dung các bài cúng đã vượt hẳn ra ngoài phạm vi chật hẹp của lễ cúng thần Gió, để lồng vào hình ảnh sinh động của cuộc sống lao động chinh phục núi rừng Tây Nguyên:
Ong ơi, hãy đậu cho say
Để ta bắt đặng tổ đầy bốn năm
Nhiều như thóc nghìn, thóc trăm
Ong dòng, ong họ về nằm cho đông …
Đây là bức tranh sinh động, mô tả những công việc lao động độc đáo, vất vả nhưng vô cùng hứng thú của người Êđê trong cuộc chinh phục  núi rừng thiên nhiên. Nó khẳng định những giá trị cao đẹp của cuộc sống, của tình yêu con người, yêu núi rừng làng buôn và những ước mơ lý tưởng cao đẹp của người dân Êđê:
Cầu cho bắp lúa đầy chòi
Mưa thuận, gió hòa, nương rẫy tốt tươi …
Sau khi đọc xong những bài cúng, ông thầy cúng cầm ống nước đầy vẩy xung quanh, ý muốn cho mưa gió thuận hòa để nương rẫy tốt tươi, nhà nhà no ấm.
Sau đó mọi người về nhà chủ bến nước tổ chức lễ cúng các vị thần, tổ tiên ông bà, cúng sức khỏe cho chủ bến nước, lễ vật là 7 ché rượu, 01 con heo nhỏ.
Cuối cùng mọi người lần lượt trao cần ché rượu vừa uống theo nghi thức M’năm ring (nối cần cho nhau) vừa xem các chàng trai, cô gái nhảy múa, ca hát bài “Bắt ong”, “Cầu được mùa”, tiếng hát trầm bổng, ngân vang hòa cùng tiếng chiêng, tiếng trống trầm hùng, biểu hiện sức sống kỳ diệu của con người trên núi rừng Tây Nguyên.
Lễ cúng thần Gió của người Êđê là một phong tục đẹp, nhằm hướng con người vươn lên chinh phục núi rừng, thiên nhiên; đồng thời giáo dục cho mọi thành viên trong cộng đồng tình yêu lao động, yêu cuộc sống, yêu phong tục tập quán của ông cha để lại với mục đích hướng tới một cuộc sống bình yên, no đủ và giàu đẹp.


SỐ: 249 - tác giả TRỊNH VĨNH PHÚ








Mày ơi...
 (Tặng những người bạn THPT Chu Văn An –
                Buôn Ma Thuột khóa 1990 – 1993)




Một chút thôi...
kỷ niệm chợt ùa về
Trang facebook nhỏ nhoi
Không chứa hết nỗi niềm nhung nhớ
“Cậu ở đâu hở?
“Mày có khỏe không?”
Tiếng hỏi han bật ra từ lồng ngực
Đã nén lâu ngày
ta mãi kiếm tìm nhau
Cuộc sống nào có ai biết được
Đến một ngày...
ta lại cần những kỷ niệm để lớn lên
Đôi lúc
chợt thèm bạn bè ở gần bên
Để cùng nhau tìm lại trang lưu bút
Đọc câu thơ ngày nào ai viết vội
Vẫn giữ hoài
chút nắng của ngày xanh
Một cánh phượng đã thẫm màu thời gian
Vẫn hanh hao với ngàn điều ước vọng
“Tao – Mày” mãi
giữa dòng đời biến động
Đã “Bàn Bè”...

          mãi thế nhé Mày ơi...

SỐ: 249 - tác giả LÊ VẤN

MỸ THUẬT ĐẮK LẮK
NHÌN TỪ HỘI THẢO MỸ THUẬT
NAM MIỀN TRUNG VÀ TÂY NGUYÊN

Trong 2 ngày 13 và 14 tháng 4 năm 2013, tại Quy Nhơn, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị – Hội thảo Mỹ thuật Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ I. Nhiều tham luận tổng kết, đánh giá, trao đổi về quá trình phát triển của mỹ thuật Đắk Lắk đã được đề cập trong một số tham luận đánh giá về hoạt động mỹ thuật chung của cả khu vực.
Đắk Lắk là địa phương sớm có những hoạt động của Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Tháng 3 năm 1975, đoàn họa sĩ 6 người của Hội Mỹ thuật Việt Nam gồm Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Ký, Huỳnh Văn Thuận, Hoàng Minh Hằng, Tạ Diệu Hương, Lê Văn Tài đã theo đường Trường Sơn vào đến Buôn Ma Thuột ngay sau những ngày mới giải phóng. Theo thư của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ: “… Chúng tôi tới Buôn Ma Thuột ngày 15 tháng 4, từ đó đến nay vẫn ở thị xã và gần thị xã thôi, không xuống được các huyện vì không có xe. Từ 15 – 30 tháng 4, chúng tôi có giúp Ty thông tin tổ chức ngày 1 tháng 5 để chào mừng thắng lớn của toàn khu V. Bọn tôi vẽ được chân dung Bác Hồ cao 3m và hai tranh cổ động khổ 4x8m và 4x6m. Lễ đài huy hoàng, cán bộ đi qua có nói là dự lễ mít tinh chiến thắng ở Huế – Đà Nẵng mà chưa thấy ở đâu to và đẹp như ở Buôn Ma Thuột”. (Trích tham luận cua họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam).
Đắk Lắk cũng là địa phương có nhiều quan tâm đến hoạt động triển lãm mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Trong 17 triển lãm mỹ thuật khu vực, từ năm 1996 đến năm 2012, đến nay đã có 8/9 tỉnh thành đăng cai tổ chức triển lãm trong đó: 03 tỉnh đăng cai tổ chức 03 lần, đó là tỉnh Đắk Lắk vào các năm 1998, 2004 và 2010.
Về lực lượng sáng tác: Cho đến hết năm 2012, theo số liệu từ các hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành thuộc khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên thì tổng số Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và các hội, chi hội thuộc hội văn học nghệ thuật địa phương có 268 hội viên đang sinh hoạt, trong đó có 83 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và 185 hội viên Hội Mỹ thuật địa phương. Đắk Lắk có 5 hội viên của Hội mỹ thuật Việt Nam và 15 hội viên của địa phương.
Đắk Lắk là tỉnh có số lượng hội viên mỹ thuật không nhiều nhưng là tỉnh có số hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam đứng hàng thứ 4 trên 9 tỉnh, đáng mừng là một tỉnh có hội viên trẻ dưới 35 tuổi và đáng tiếc là tỉnh không có hội viên nữ.
Về giải thưởng triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên:
Từ năm 1993, nhà nước bắt đầu cấp kinh phí cho các hội để xét tặng giải thưởng hàng năm cho các tác phẩm xuất sắc. Hội MTVN đã tổ chức xét giải thông qua các tác phẩm gửi về Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong các năm 1993, 1994, riêng năm 1995, đã tổ chức thêm triển lãm khu vực miền Trung (bao gồm Bắc miền Trung và Nam miền Trung và Tây Nguyên). Trong 3 năm đó, Hội chỉ xét tặng giải thưởng Hội MTVN bao gồm giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và giải Khuyến khích. Khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên có 3 tác giả đã được tặng giải thưởng đó là: Lê Văn Trí (giải Nhì – 1996), Bùi Văn Quang và Lê Bá Điều (giải Khuyến khích). Từ 1996 – 2006, có 6 giải thưởng, trong đó có 2 giải Nhì và 4 giải Ba, trong đó họa sĩ Lê Văn Trí (Khánh Hòa) – Nhì 1995, Nhì 1999, Ba 1997; Nguyễn Thị Dư Dư (Đà Nẵng) – Ba 2000; Đàm Đăng Lại (Đắk Lắk) – Ba 2004; Võ Thủ Đức (Khánh Hòa) – Ba 2005.
Để tập hợp đông đảo các tác giả tham gia giải hàng năm của Hội, sau triển lãm mỹ thuật Nam miền Trung năm 1995, từ năm 1996, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tiến hành chấm giải thưởng trên cơ sở 8 triển lãm Mỹ thuật khu vực vào tháng 11 hàng năm (vào thời kỳ này thời tiết không thuận lợi), sau đó đã chuyển về tháng 8 để kết hợp chào mừng hai ngày lễ lớn kỷ niệm CMT8 và Quốc khánh 2.9. Tại triển lãm mỹ thuật khu vực, Hội chọn xét tặng giải Nhất, Nhì, Ba và Tặng thưởng, trên cơ sở đó, Hội đồng nghệ thuật giới thiệu tác phẩm dự giải thưởng Hội MTVN hàng năm. Tác phẩm được tặng giải thưởng Hội MTVN thì tác giả đó không nhận giải thưởng khu vực. Thời gian đầu, giải thưởng khu vực được chia thành giải A, B, C và Tặng thưởng.
Qua 17 lần tổ chức triển lãm mỹ thuật, các hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam ở khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên đã giành được 113 giải thưởng, trong đó: 03 A, 14 B, 26 C và 70 Tặng thưởng, đã có 46 Hội viên trong khu vực được tặng giải.
“Có thể kể tới một số tác giả được giải thưởng như: Lê Vấn 09 giải, Bùi Văn Quang 07 giải; Lê Hùng 06 giải; Nguyễn Trọng Dũng; Phan Thị Lan Hương, Nguyễn Quang Tuyến, Nguyễn Chơn Hiền mỗi tác giả 05 giải; Vũ Dương, Tường Vinh, Hồ Thị Xuân Thu mỗi tác giả 04 giải; Lê Văn Trí 03 giải; Đoàn Xuân Hùng, Y Nhi Ksor, Hồ Thu, Lê Văn Duy, Thanh Hồ, Hồ ĐÌnh Nam Kha mỗi tác giả 03 giải; Trần Anh Vinh, Nguyễn Thượng Hỷ, Trần Nhơ, Nguyễn Văn Nhâm, Nguyễn Huy Lộc, Nguyễn Đình Khánh, Lê Duy Hồng, Hồ Minh Quân, Bùi Nam, Phạm Văn Vết, Trần Quyết Thắng, Trần Văn Binh mỗi tác giả 02 giải; Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Viết Huy, Ngô Thái Bình, Tôn Thất Việt, Hoàng Đặng, Nguyễn Duy Ninh, Nguyễn Liêu, Trần Hà, Nguyễn Ngọc Aån, Lê Công Dũng, Hồ Văn Hậu mỗi tác giả 01 giải. Như vậy 9 tỉnh trong khu vực đều có tác giả nhận được giải thưởng”.
Từ năm 1945 đến nay có 17 kỳ triển lãm mỹ thuật toàn quốc vào các năm 1945, 1946, 1954, 1955, 1958, 1960, 1962, 1975, 1976, 1980 và từ đó tới nay các triển lãm cách nhau 5 năm một lần. Các họa sĩ Nam miền Trung – Tây Nguyên đoạt 16 giải thưởng, trong đó Đắk Lắk có 2 tác giả (Lê Vấn và Hồ Hậu).

Ngoài giải thưởng triển lãm mỹ thuật toàn quốc, triển lãm mỹ thuật hàng năm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, một số hội viên còn được giải thưởng của LH VHNT Việt Nam, giải VHNT Chư Yang Sin, giải Biểu trưng tỉnh Đắk Lắk, các giải thưởng của Hội văn học nghệ thuật Đắk Lắk.

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

SỐ: 249 - tác giả TRẦN VĂN HỘI


Nhà thơ TRẦN VĂN HỘI
Quê quán: Làng Chuồn, Thừa Thiên - Huế
Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk
Làm thơ viết văn trước năm 1975, đã có thơ, văn đăng trên các tạp chí Sông Hương, Văn nghệ, Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Thanh niên.
Tác phẩm:
- Cái lùng tung (thơ) – Giải C, giải thưởng VHNT Chư Yang Sin lần thứ I
- 40 bài lục bát (sắp in)


Bây chừ… ở  Huế





Bây chừ ở Huế mùa thu
Cũng đành lá rụng sương mù chưa em
Nhặt dùm anh sợi tơ mềm
Chút hương hồ cạn ngó sen cuối mùa
Trăm năm như thể trò đùa
Với em thơ dại đeo bùa trăng non
Nhớ thăm cỏ rối dốc mòn
Gió từ thủa ấy gió còn mênh mông
Một mình đừng bước qua sông
Lỡ khi bóng ngã giữa dòng ai hay
Em về gió lạnh bàn tay
Ủ trong vạt áo đợi ngày nắng lên.


Lục bát 21



Bềnh bồng
Với núi trong mây
Hỏi trời
Hỏi đất
Hỏi cây
Bồng bềnh
Hỏi vách đá
Dựng
Chênh vênh
Hỏi ta
Ta cũng gập ghềnh
Thế thôi.
Yên Tử 2009





Lục bát 16



Thế là
Bèo dạt
Mây trôi
Nương theo bóng rượu
Vẫn côi cút mình
Cuộc vui
Ngửa chén
Chợ tình
Về gom nhan sắc
Yêu tinh
Để dành.

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

SỐ: 249 - tác giả NGUYỄN TẤN THÁI



Bóng thức
    (Gửi Văn Cầm Hải)

Bình mình lên da non
cát soãi mình sóng sượt
giấc mơ ngày nhặt được
một mình yên chốn nhà

Biển tung hồng miên ca
qua ẩn mình dụ hoặc
tôi hồng hoang tìm nhặt
dáng hồn nhiên tình đầu

Mai thả đời về đâu?
giật lùi tương tư biển
tôi thành linh lưu viễn
hình khói hương quê nhà.


Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

SỐ: 249 - tác giả NGUYỄN NGUYÊN ÁNH VINH




NHỌC NHẰN SÁNG TẠO VĂN CHƯƠNG
             
                                                               

Lao động trong mọi lĩnh vực đều vất vả, đều tạo ra những giá trị vật chất hoặc tinh thần quan trọng và cần thiết cho cuộc sống. Lao động nghệ thuật nói chung, lao động sáng tác văn chương nói riêng là một công việc vô cùng nhọc nhằn do những đặc điểm riêng biệt của nó. Những người dám dấn thân vào văn chương đều là những cá nhân có khí phách, có tài và thiên lương. Tất cả đều đáng quý, đáng trân trọng và cần được hỗ trợ để họ cống hiến nhiều hơn, tốt hơn cho nền văn học, văn hóa nước nhà.
Lao động trong lĩnh vực văn chương phải là những người làm việc thực sự nghiêm túc. Người viết đương nhiên phải có tài, có tâm... nhưng thái độ nghiêm túc trong suốt quá trình sáng tạo là điều cốt yếu tạo nên kết quả cuối cùng. Nói về điều này, nhà văn Nam Cao khẳng định: cẩu thả trong mọi nghề đều khốn nạn nhưng cẩu thả trong văn chương là khốn nạn nhất. Vincent Van Gogh cũng khẳng định: “Nghệ thuật không nước đôi. Nghệ thuật không nửa vời. Nghệ thuật không san sẻ. Hoặc bạn là nghệ sĩ, hoặc không. Đã làm nghệ thuật thì đừng tham vọng gì khác. Đã có tham vọng gì khác thì thôi nghệ thuật”. Nghề văn không chấp nhận kiểu làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm. Kiểu làm việc này chỉ tạo ra những tác phẩm nhàn nhạt, xuất hiện một lần rồi sẽ vĩnh viễn nằm im trong quên lãng. Nó ru ngủ người đọc và cản trở sự phát triển của văn chương....
Khi đã quyết định dấn thân vào nghề văn thì phải chấp nhận từ bỏ tất cả để toàn tâm, toàn ý và sống chết với văn chương. Phải chấp nhận bao khốn khó và ai mạnh mẽ chống cự lại được với nó sẽ thành công, sẽ đến được với chân trời vinh quang vì văn chương luôn hướng con người tới Chân - Thiện - Mỹ, phản ánh một cách sinh động nền văn minh và văn hóa dân tộc, đồng thời phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan của chính tác giả. Nhưng trước khi được nếm trải những giây phút ngọt ngào ấy, đầu tiên người viết phải đối mặt với bao “Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu). “Ai bảo mắc duyên vào bút mực/ Suốt đời mang lấy số long đong/ Người ta đi kiếm giàu sang cả/ Mình chỉ mơ toàn chuyện viển vông” (Nguyễn Bính). Muôn đời nay vẫn thế, khó khăn lớn nhất của người viết văn là phải đối đầu với những rắc rối về kinh tế. Người viết phải làm việc bằng tất cả năng lực, đạo đức nghề nghiệp của mình một cách hết sức nghiêm túc và nhọc nhằn nhưng công sức làm việc của họ không được đền bù một cách xứng đáng nên họ vẫn thường xuyên bị cơm áo ghì sát đất.
Nếu những nghề khác, người lao động luôn có sẵn một lượng công việc cụ thể để làm thì đối với nghề văn, người lao động không bao giờ có sẵn một công việc nào mà phải tự tìm, tự tạo ra công việc cho mình. Đây là khó khăn lớn của nghề viết nhưng chính nó lại là bản chất của sự sáng tạo. Để tìm được một vấn đề có thể viết được thành bài, thành tác phẩm đã là một khó khăn lớn và không mấy người vượt qua. Có đề tài, xác định được nội dung sẽ viết, nhưng việc hoàn thành nó lại là một khó khăn lớn hơn. Phải mất nhiều thời gian và công sức để thu thập tài liệu liên quan cho bài viết. Phải xử lý nó một cách hợp lý và khoa học. Phải tìm ra phương pháp và nghệ thuật hiệu quả… Nhưng như thế vẫn chưa đủ, nếu người viết không có một lượng kiến thức nền tảng đã được tích lũy trong suốt quá trình học tập ở nhà trường và những trải nghiệm thực tế cuộc sống cũng như những kiến thức tự cập nhật, tự tích lũy thì cũng không có cách nào hoàn thành bài viết.
Tuy vậy, tiền nhuận bút của mỗi bài viết lại thường không đủ cho việc “đầu tư tái sản xuất” như mua thêm sách, vở, tài liệu để tiếp tục viết tốt chứ chưa nói gì đến các chi phí khác. Để hoàn thành một cuốn sách, phải mất trung bình từ một đến hai năm nhưng nhà văn chỉ nhận được khoảng ba đến năm triệu tiền nhuận bút. Đó là chưa kể nhiều nhà văn phải tự bỏ tiền túi để xuất bản. Ngoài ra, “Vấn đề bản quyền và tác quyền được nhắc đến nhiều, nhưng chưa được áp dụng triệt để hoặc tương xứng. Cuối cùng, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là tác giả - người đã “vắt óc” để có được tác phẩm nghệ thuật” (Trầm Thiên Thu).
Nghề văn quả là một nghề khắc nghiệt, vì “Văn chương không cần những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu suy nghĩ, biết tìm tòi, biết khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Nam Cao). Để đáp ứng yêu cầu này nhà văn phải làm việc bằng tất cả trí tuệ, tâm huyết và vắt kiệt khả năng của mình. Càng về sau càng phải nỗ lực hơn nhiều để không lặp lại người khác và không lặp lại chính mình. Người viết giống như một cây nến, muốn tỏa sáng phải tự đốt cháy chính mình. Ánh sáng ấy càng rực rỡ, càng tỏa rộng thì thân thể mình càng hao mòn nhanh hơn. Đó là một quy luật nghiệt ngã nhưng nhà văn phải chấp nhận vì đó là bản chất của nghệ thuật và không ai có thể làm khác được.
Trong xã hội hiện đại, con người có xu thế coi trọng những giá trị vật chất, kinh tế cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình giải trí, các phương tiện thông tin đại chúng thì nhà văn còn phải đối diện với sự thờ ơ của công chúng. Đó là chưa kể đến những trở ngại từ những người đọc có trình độ, năng lực thẩm mỹ yếu, đạo đức kém và thói quen quy kết tùy tiện khiến cho nhà văn phải nhiều phen khốn đốn...
Sau mỗi lần miệt mài lao động một cách nhọc nhằn và hoàn thành bài viết, nhà văn sẽ tự nhận thấy mặt mày mình nhầu nhĩ đi nhiều, mắt sâu hơn, thêm nhều vết nhăn xuất hiện. Đó là dấu vết của mỗi quá trình sáng tạo vì người nghệ sĩ lao động nghệ thuật “bằng cách tự nhào nặn mình trong cuộc sống, qua hành động, và cũng tự nhào nặn thường xuyên qua lao động nghệ thuật nữa. Chính lao động nghệ thuật ấy tiếp tục sáng tạo ra nội dung, sáng tạo ra tâm hồn. Không phải rằng lúc ta đến bàn viết, lúc ta vào xưởng vẽ là ta đã có sẵn, hoàn chỉnh, tác phẩm trong đầu và chỉ còn cái việc thể hiện ra bằng tay vẽ, tay viết. Làm như là đã mang sẵn tác phẩm trong tâm trí và chỉ việc phiên dịch ra bằng ngôn ngữ nghệ thuật, bằng chữ hay bằng nét vẽ hoặc màu sắc! Trăm lần không phải như vậy! Lúc anh ngồi vào bàn hay vào xưởng, anh chỉ mới có cái “khung”, chỉ mới có một niềm xúc động. Nhưng anh còn phải lao động đổ mồ hôi để cụ thể hóa niềm xúc động ấy, để cho niềm xúc động ấy đầu thai vào những hình tượng, thành những hình tượng. Anh còn phải vật lộn trầy xương với cái vật chất của chữ, của vật liệu, của đường nét, của màu sắc, của âm thanh, làm cho cái vật chất ấy chịu nói cái tâm hồn mà anh cảm thấy đang hình thành, mà không có vật chất ấy thì cái tâm hồn kia cũng không hình thành được”.
Rõ ràng quá trình lao động của nhà văn là quá trình vật lộn khốc liệt mà có lẽ chỉ những ai đã từng tham gia vào công việc này mới có thể hiểu và cảm nhận hết những nỗi nhọc nhằn, vất vả và cả những trăn trở đến mức có khi phải ngồi bật dậy giữa đêm đông lạnh giá... Nói về điều này, nhà thơ Thanh Thảo khẳng định: “Thơ đúng nghĩa là sự bộc lộ tận cùng của nhà thơ. “Chảy ra từ huyết quản, chỉ có thể là máu”, một nhà văn nổi tiếng đã viết như vậy. Điều đó cũng đúng với thơ. Nếu ai đó coi thơ là “trò chơi” thì nó là trò chơi bật máu, trò chơi mà nhà thơ phải cược vào đó cả đời mình, thậm chí tính mạng của mình”. Người lao động trong lĩnh vực văn chương bao đời nay vẫn lạc quan chơi “trò chơi” bật máu để tạo ra những tác phẩm mang các giá trị vĩnh hằng, nắm giữ vai trò quan trọng và quyết định trong việc hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống, tình cảm của mỗi con người. Tuy vậy, người sáng tạo ra những tác phẩm như thế không dễ dàng nhận được những đền đáp xứng đáng và kịp thời. Thực tế cho thấy “Bao nghệ sĩ đã từng chịu vất vả, thiếu thốn, đến khi được quan tâm thì có người đã thành “người thiên cổ” hoặc chỉ còn sống những ngày cuối đời” (Trầm Thiên Thu)! Điều này khiến cho Nguyễn Bính cũng phải thốt lên rằng: “Nhất kiêng cấm lấy chồng thi sĩ/ Nghèo lắm, con ơi, bạc lắm con”.
Bao đời nay người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật dẫu có đôi lúc vì quá nhọc nhằn, cơ cực mà thốt lên những lời thở than nhưng đó chỉ là những giải bày, những chia sẻ cho vơi đi nỗi lòng... Trước khi dấn thân vào nghề ai cũng ý thức được những khó khăn và cả những sự “bạc bẽo” thường tình nhưng vì lòng yêu nghề, sự đam mê văn chương và trách nhiệm với nền văn học nước nhà mà họ luôn mạnh mẽ chấp nhận và nỗ lực vượt qua nó. Dẫu vậy, nếu có “sự quan tâm, chu đáo nâng đỡ những tài năng, đất nước mới khả dĩ có thêm những tài năng thực sự góp phần xây dựng nền văn hoá và văn nghệ nước nhà”.
Xin được kết thúc bài viết này bằng niềm mong ước của Trầm Thiên Thu và cũng là ước ao của những người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng: “Mong sao những người hữu trách có quy định rạch ròi và nghiêm túc về quyền lợi tương xứng với công sức của tác giả đối với mỗi loại hình nghệ thuật, vì lao động trí óc hoặc lao động nghệ thuật cũng là một loại hình lao động bình thường. Dẫu biết rằng “đã làm nghệ thuật thì đừng tham vọng gì khác”, nhưng để “sống và làm việc” thì không thể không chi phí sinh hoạt thường nhật. Thiết tưởng, đó không là “tham vọng” mà là “nguyện vọng” cần thiết và chính đáng vì lợi ích chung chứ không riêng cá nhân nào”.