KHÚC TRÁNG CA
CỦA NÚI RỪNG
(Đọc Từ sông
Krông Bông – Tiểu thuyết của Trúc Hoài –
NXB Công an nhân dân – 2012)
Với khổ giấy 14,5 x
20,5 cm, in chữ nhỏ mà cũng gần 600 trang, cho thấy Trúc Hoài có sức viết của
người lực điền, cần cù cày xới trên trang giấy khi đã ở tuổi bảy mươi.
Tiểu thuyết dựng lại thời kỳ chống Mỹ gian khổ, ác liệt ở chiến trường Đắk
Lắk mà tác giả là nhân chứng, dòng Krông Bông làm biểu tượng chứng kiến sự bi hùng
của giai đoạn “ra ngõ gặp anh hùng”, có thể một đi không trở lại.
Ở chiến trường Đắk Lắk,
ngoài việc đánh giặc, làm công việc chuyên môn còn lo tự túc lương thực, có ăn
mới tồn tại để mà chiến đấu. Có chuyện thật mà như bịa, những người mới về cơ
quan nào, sau khi gặp gỡ chào hỏi dăm ba câu là được phân chia dao quắm và hướng
dẫn cách sử dụng. Phát rẫy, đốt rẫy, gieo trồng, đuổi chim thú, thu hoạch, bảo
quản là cả một quá trình tích lũy kinh nghiệm:
“Ông Tâm điều khiển đốt rẫy như chỉ huy một trận đánh. Ông vừa văng tục vừa
quát bảo phải lựa cây nhỏ, khô, lót một lợp thật dày rồi mới khiêng cây chất lên
tiếp… Gió càng lớn. Tất cả những ngọn lửa vặn mình, vật vã, lúc phóng lên cao
như muốn vọt thẳng lên trời, lúc bổ nhào phả trên mặt rẫy một cách giận dữ. Rồi
lửa cười rần rật. Gỗ cháy nổ mọi cỡ âm thanh.”
Xa hậu phương miền Bắc,
xa cả Trung ương cục miền Nam, nằm trong Khu V nhưng Bộ Chỉ huy Quân khu lại ở
Quảng Nam, cho nên Đắk Lắk chỉ được chi viện người là chính. Vũ khí, thuốc men
còn thiếu thì nói gì đến lương thực, thực phẩm. Việc phải đổi miếng ăn bằng máu
thường xuyên xảy ra khi nhà cửa, đất đai, hoa màu, nông cụ đều là mục tiêu hủy
diệt của Mỹ, huống gì là con người. Cánh đồng Lờ Lư ở Khuê Ngọc Điền lúa đã chín
rục mà trực thăng ngày nào cũng quần đảo, không ai dám ra cắt lúa. Một chú bé ở
thôn Ba làm giao liên đã có sáng kiến: Làm áo tơi cỏ để người mặc đi cắt lúa lẫn
vào màu cỏ, màu lúa: “Chằm áo tơi cỏ thì
dễ ợt, sẵn tre, sẵn cỏ, có nhắm mắt ai cũng chằm được. Mang áo tơi, ruộng ai nấy
gặt. Nếu có giúp nhau, một nhóm hai ba người thôi, không tập trung đông, chết
chùm. Thì mình chấp nhận cái chuyện nó bóp cò, nghề nghiệp của nó mà. Nó muốn mình
sợ, đứng nhìn lúa, rồi chết đói”. Gian nan thử thách giữa cái sống và cái
chết mà vẫn lạc quan, có chút tếu táo làm giảm độ căng thẳng của chiến trường ác
liệt. Đồng bào Khuê Ngọc Điền bị bom đạn đánh phá, bị địch càn quét phải bỏ
dinh điền chạy dạt vào rừng. Lấy gì ăn để sống? Câu hỏi đặt ra cho mỗi người ở
mọi nơi, mọi lúc và trong cả cuộc họp của thôn về chuyên đề tìm cách lấy khoai,
sắn từ dinh điền cũ: “Chỉ lo bom nổ chậm,
biết nó nổ lúc nào. Rồi các loại mìn dày đặc. Nào là mìn clây mo bọn bộ binh gài
đâu đó. Nào là mìn vướng từ máy bay rải xuống thì càng mù mịt hơn, không lường
trước được nó vướng ở đâu. Rồi bọn bộ binh bảo an chia thành tốp nhỏ, bí mật phục
kích cho đến chiều tối. Bà con lúi húi đào mì, chúng nổ súng, nếu không chết tại
chỗ, cắm cổ chạy thoát thân, lại vướng mìn. Quả thật, chúng đã biến cái dinh điền
vất vả trù phú này thành miền đất chết”.
Nguồn lương thực ngoài
khoai, mì, lúa, bắp còn rau, chuối, cà, ớt… đều nằm trong cái bẫy của tử thần.
Càng hiểu vì sao Krông Bông thành huyền thoại. Riêng Khuê Ngọc Điền có hơn sáu
nghìn dân, sau khi bị chết, o ép, xúc tát và một số đi thoát ly hoạt động cách
mạng chỉ còn hơn ba trăm người. Trần Trương, Bí thư H9 (Krông Bông) nói với tôi:
“Đây là gạo trên sàng, ngọc trên sàng!”.
Tôi là người vào Dak
Lak giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh nên mấy anh chị bám trụ và vào trước bảo
tôi: sướng hung rồi! Sướng là vùng giải phóng đã mở rộng, không bị địch truy đuổi,
dồn ép. Sướng là vì có khoai, mì, bắp, đậu, rau và những ngày lễ tết còn có gạo
nấu cơm. Không gian khổ đạn bom như những người đi trước. Chẳng riêng gì Khuê
Ngọc Điền mà từ Thăng Lễ, Quảng Cư đến Phước Trạch, Vụ Bổn hay Buôn Khanh, Buôn
Ngô, Buôn Chàm đến Đắk Tua, Ea Chố, Năng Tâng, Năng Tí… Suốt dải Krông Bông chứng
kiến nỗi đau mất mát gắn với sự tích kiêu hùng. Nếu không được nghe trực tiếp
nhân chứng kể lại thì khó tin là sự thật. Tôi được Ba Lại, người Xã đội trưởng
và chú Xứng (ba của em Đích, người thật, có tên trong tác phẩm của Trúc Hoài) kể
rằng: Muốn đi đào khoai, đào mì, muốn lấy bắp, lấy rau phải cầm cành le nhỏ, dài
quơ phía trước xem có vướng dây mìn nào không để còn gỡ hoặc khóa kíp mìn. Phía
sau có sẵn cáng thương, bông gạc. Biết là có thể chết vì miếng ăn nhưng vẫn phải
làm.
Trúc Hoài tập trung
nhiều trang bi thương về việc giành giật cái ăn. Nhiều trang đẫm nước mắt. Đây
là trang viết về cái chết của Khánh, khi cô đi cắt lúa bị trực thăng bắn trúng
mặt, vỡ đầu: “Cô gái mới đến cầm bàn tay
người chết lên coi. Cô rút ra chiếc nhẫn, lau vô vạt áo cho sạch bùn, rồi bấm đèn
pin, xem kỹ. Một lúc, cô không nói gì, hất chiếc mũ tai bèo ra phía sau gáy, để
lộ khuôn mặt dân dấn nước mắt. Cô lục túi áo bà ba của người chết, rút ra chiếc
lược màu trắng, dài bằng nửa gang tay. Cô ngước mặt nhìn bà con xung quanh, rồi
nhìn chiếc nhẫn, chiếc lược. Cô bật lên tiếng khóc và giọng mếu máo nói với người
đã chết và nói với cả người đang sống:
- Trời ơi, răng mà ra nông nỗi ni, hở Khánh? Rứa là mi bỏ tao rồi!”
Chi tiết cái nhẫn, cái
lược cho ta thấy con người khát yêu, khát sống, còn thanh xuân và chuẩn bị lấy
chồng. Thế mà bị chết vì đi cắt lúa để tìm cái ăn. Rõ ràng là bi kịch của chiến
tranh.
Bi kịch còn đẩy lên mức
độ cao hơn khi có người chết vì đói: “Một
người đàn ông mặc áo bà ba đen, quần đùi đen, ngã nằm úp sấp trên con đường mòn.
Gánh lúa nặng văng sang một bên. Anh thôn đội trưởng vừa gọi, vừa lật người ông
dậy. Ông ta đã chết. Xem kĩ, không thấy vết đạn, cũng không thấy dấu rắn cắn,
chân tay còn nguyên lành… Mặt ông xanh như tàu lá, má hóp sâu, bụng thì lép kẹp.
Như ri thì chắc do đói quá mà ngã xuống chết”. Vì là nhóm người đi cắt lúa,
không có cuốc xẻng nên huyệt mộ được đào bằng dao găm. Trên trời chiếc máy bay
L.19 vẫn u u, hai cánh lấp lóa vẫn soi mói, đe dọa. Có một chi tiết khá đắt, đó
là trong nhóm người cắt lúa, có mụ Quý nhà đông con mà mót được ít lúa nhất, mọi
người để mụ Quý mang gánh lúa của ông về mà nuôi con. Đoạn văn thật cảm động: “Người đàn bà phủi phủi cho hai tay áo phẳng
lại, rồi bước tới phía chân ngôi mộ. Bà quỳ hai gối xuống, chắp hai tay lạy ba
lạy. Khi ngẩng mặt lên, Hà thấy khuôn mặt đầy xúc động của bà đã ướt tràn nước
mắt, giọng nức nở: Cầu mong ông ở chín suối yên bề. Xin ông phù hộ cho bà con còn
ở lại”.
Sự sống bắt nguồn từ
cái chết. Văn chương nhân loại đã có nhiều biểu tượng tái sinh. Trúc Hoài được
thừa hưởng và học tập được nhiều trong văn chương Nga – Xô Viết qua cuộc chiến
tranh vệ quốc vĩ đại nên cũng theo lý tưởng đó mà thể hiện trong tiểu thuyết.
Gian nan tìm cái ăn nên
một lần cùng đoàn người đi nhổ mì về, Hà bị thương do vướng mìn, nhưng may chỉ
vào phần mềm lại được Hồng Thắm băng bó nên vẫn gánh được gánh mì.
Hai người có cảm tình
với nhau nên đi cuối đoàn, kịp cho Hồng Thắm tặng hộp cao Sao vàng cho Hà để ngày
mai mình chuyển công tác sang thôn Năm. Hộp cao đó lại đựng muối, sau này mới
biết. Đỉnh điểm được đẩy lên thành bi kịch. Hồng Thắm chết ngay trong đêm đó
khi rẽ khỏi lối mòn để đi tiểu. Rớt xuống hầm đột ngột, lưng nặng gùi mì, bị bể
bóng đái mà chết không kịp kêu: “Một cái
hầm cá nhân lâu ngày, cỏ mọc phủ miệng. Dưới ánh đèn pin, hai vạt áo bà ba đen,
bao mang cũng màu đen hiện ra. Hồng Thắm trong tư thế ngồi bó gối. Anh Mẹo đưa
tay vô mũi cô và bảo mọi người cùng đưa cô lên. Hà trải chiếc võng của Hồng Thắm
tặng anh xuống cỏ. Hồng Thắm nằm ngay ngắn không hề động đậy”. Đó là cái chết
lặng lẽ, đau xót, bi ai, chỉ chiến trường Tây Nguyên mới có. Nhớ lại ngày mới gặp,
K’Pa Púi và Minh Phong ở Đoàn văn công Đắk Lắk. Lúc ấy rẫy của hai cơ quan Văn
hóa, Giáo dục kề nhau. Nghỉ trưa cùng vào ngồi dưới gốc cây to ven suối Ua, tôi
hỏi về việc chuyên môn của anh. Nhạc sĩ của núi rừng trả lời: Chuyên môn của
tao là phát rẫy, bạn của tao là dao quắm! Điều này lý giải vì sao Trúc Hoài có
nhiều trang viết về giành giật cái để ăn như vậy. Tính chân thực của chiến tranh
ở Đắk Lắk khác biệt với nơi khác là như vậy.
Trúc Hòa ưu ái xây dựng nhân vật thằng Đích cũng là người thật ở Ban Giáo dục,
tuổi thanh niên đói ăn, đói ngủ nên còi cọc như con nít. Đích bảo: không sợ Mỹ,
chỉ sợ đói. Nó chỉ ước ao sau ngày chiến thắng được về quê ở Châu Ổ để má nấu nồi
cơm bự ăn với nước mắm cá mòi. Mơ ước thật giản đơn.
Kẻ thù định hủy diệt
ta bằng mọi cách. Chúng rải chất độc để diệt màu xanh sự sống cũng là diệt tất
cả và để di hại về sau. Nguy hại nhất là chất độc dạng nước: “Chất độc trắng đục như sương mù thì rớt xuống
đâu, cứ nằm nguyên chỗ đó. Miếng rẫy bị chất độc rải xuống, sau năm sáu tháng,
khi đi qua, mùi tanh ói còn bốc lên nồng nặc. Đói. Đói. Đói. Cái đó thì chắc chắn
rồi… Nhưng cái gì sẽ còn lại”.
Như vậy khát vọng ăn
cũng là khát vọng sống, khát vọng chiến đấu ở chiến trường Đắk Lắk mà tiểu thuyết
đã phần nào lý giải. Đó cũng là thành công khi viết về đề tài chiến tranh từ một
vùng đất, vì một vùng đất.
***
Sau cuộc kháng chiến
chống Pháp, dân tộc ta phải đương đầu với kẻ thù hùng mạnh hơn, man rợ hơn với
vai trò sen đầm quốc tế. Lớp thanh niên phần lớn có trình độ văn hóa cấp II, cấp
III, không ít người tạm xếp bút nghiên từ các giảng đường đại học, được giác ngộ
và tự giác ngộ vì sự sống còn của cả dân tộc mà sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì lý
tưởng.
Lứa tuổi hai mươi của
một thời sống đẹp, quê hương ở miền Bắc còn bố mẹ già, đã có vợ con hoặc mới chỉ
bâng khuâng xao xuyến với bóng áo hồng, áo trắng nào đó đã sẵn sàng viết đơn tình
nguyện đi B (chiến trường miền Nam). Bên cạnh đó là lớp học sinh miền Nam tập kết
ra miền Bắc, trưởng thành sau mười năm rèn luyện, xin trở về giải phóng quê hương.
Cùng với đội ngũ chi
viện, tiểu thuyết còn có nhân vật là người thật, kiên trung bám trụ, nằm vùng từ
thời chống Pháp được cài cắm lại mà quê ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… Không
ít người đã cà răng, căng tai cho dễ hoạt động. Rồi những người dân Quảng Nam –
Đà Nẵng do trung dũng kiên cường mà bị hốt lên Đắk Lắk bị kìm kẹp trong các
dinh điền cùng các ama, amí, Y, H’ được tuyên truyền giác ngộ cùng tạo nên làn
sóng đấu tranh bởi sẵn lòng yêu nước nồng nàn. Tất cả hội tụ ở chiến trường Đắk
Lắk qua tiểu thuyết của Trúc Hoài. Giữa chiến trường ác liệt, tình yêu muôn thuở
vẫn vút lên cung bậc, lãng mạn và bi ca, tráng ca như đời vẫn vậy.
Nhân vật Hà đã nói ở
trên được Thắm có cảm tình tặng hộp cao Sao vàng đựng muối (nên nhớ, muối thời điểm
đó quý hơn vàng). Hà là con một nhà khảo cổ học, em gái được chọn đi học ở nhạc
viện Traicốpski của Liên Xô. Hà rời giảng đường đại học để đi B, khi có mối tình
thơ mộng với học viên trường múa là Phương Đông, dù chưa hẹn thề: “Ta yêu em biết mấy nhưng ta không nói lời hẹn
ước khi lên đường. Bởi ta biết lắm, phía trước cuộc đời em đường mở rộng thênh
thang. Còn phía trước đời ta, có bom đạn và thử thách”. Thế hệ sinh viên để
lại giảng đường, để lại người yêu, để lại gia đình trên miền Bắc với mục đích
thực hiện lý tưởng, hoài bão của mình là góp phần giành độc lập cho đất nước.
Thực tế hoàn cảnh chiến
trường và nhựa sống thanh xuân phơi phới nên Hà đã xúc động và yêu Nguyệt, một
cô gái khá đẹp, làm văn thư của Ban Tuyên giáo: “Thu Nguyệt mặc bộ bà ba đen, ngồi đánh máy dưới hố bom sâu hoắm, bốn bề
đất đỏ tươi. Đợt bom thứ ba, cánh rừng rung chuyển, đất rung chuyển, đất tung lên,
rơi xuống ào ào trên đầu Nguyệt… Thu Nguyệt ở trong máu thịt, trong từng nhịp
thở của ta. Cô ấy là cuộc sống của ta.”
Đám cưới Hà – Nguyệt
chờ đợi mãi rồi cũng đến. Tôi cũng từng chứng kiến đám cưới thời chiến. Có đám
cưới, chi bộ Đảng phải họp để có nghị quyết cho giã mấy gùi lúa, cử những ai đi
bắn thú rừng… Đám cưới trong tiểu thuyết của Trúc Hoài đặc biệt điển hình trong
hoàn cảnh điển hình. Ấy là mùa khô năm 1967, địch đã rải chất độc hóa học trước
đó nên hết cả lương thực. Đêm cưới lại bị cháy lán nên máy bay L.19 đã bắn rốc két
xuống khu lán. Ngôi nhà hạnh phúc cũng tan nát. Phó bí thư Chi bộ là ông Tâm thấy
hoàn cảnh đó nên cho Nguyệt – Hà ra rẫy Cây Sung (coi như phòng tân hôn). Ông còn
dặn: “- Nhớ xách cái nồi ra rẫy, bẻ mấy
trái bắp nấu ăn tối. Bắp mới héo râu, ngon không biết chê đâu được.
Nguyệt hỏi lại ngạc nhiên:
- Dạ, Chi bộ mới ra nghị quyết không được ăn bắp tươi, chờ bắp khô vỏ mới được
thu hoạch mà chú…
- Ừ còn chuyện nghị quyết thì khỏi lo, tao nói nhỏ với ông Chín một tiếng.
Trường hợp đặc biệt mà. Không lẽ cơ quan tiếc một nồi bắp tươi để mừng tân hôn
hai đứa bay sao.”
Đây là chi tiết đắt,
tình người sáng lên lấp lánh, đó cũng là bản chất cộng sản chân chính. Kẻ thù vẫn
rêu rao: cộng sản không có tình. Nhưng không phải thế, chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc
nên nhiều khi phải dằn lòng cam chịu, gạt bỏ tình riêng cho tình chung vì nước,
vì dân.
Hạnh phúc ở chiến trường
chỉ tính từng ngày. Sau đám cưới, địch càn vào căn cứ. Hà và Y Krô chặn địch
cho cơ quan rút vào hang đá. Hà bị thương ở chân, không nhảy qua được khe đá nên
bị rớt xuống hang. Mọi người dùng dây thả Y Krô xuống hang tìm kiếm. Đến lượt Tám
xuống, thấy tiếng ú ở, biết Hà còn sống, mọi người đã mừng. Cùng lúc đó, hai máy
bay AD6 quần đảo. Mọi người phải tránh để đá khỏi lăn đè vào người khi chúng thả
bom. Bom dội khoảng nửa giờ, đá lăn xuống ầm ầm, lấp dần khe đá nơi có Hà ở dưới.
“Tám đưa cho Nguyệt chiếc mũ tai bèo màu tím đậm. Cậu nói:
- Em gởi chị chiếc mũ của anh Hà. Nó nằm trên mặt tảng đá xuống hang. Chị ơi!
Tám ôm cánh tay Nguyệt, khóc nức nở. Nước mắt che mờ đôi mắt to của Nguyệt…
Giọng Nguyệt mếu máo:
- Không lẽ chồng tôi chỉ còn lại như vầy sao?... Để cho tôi nhìn thấy chồng
tôi ngã xuống chỗ nào?”
Chiến tranh đẩy sự sống
và cái chết chỉ còn gang tấc. Vừa có nụ cười hạnh phúc lại đến tiếng khóc bi ai
cắt lìa đôi lứa. Khúc bi tráng từ dòng Krông Bông là vậy. Câu nói của Nguyệt đau
xé lòng, gieo vào tâm khảm lên án chiến tranh.
Bên cạnh mối tình
Nguyệt – Hà, Trúc Hoài còn mất nhiều trí lực để xây dựng, bồi đắp máu thịt cho
nhân vật Quang và Thanh Xuân. Quang là đội trưởng đội công tác có năng lực, kiên
cường, dũng cảm bám địa bàn. Một lần thấy anh trinh sát Tỉnh đội bị thương nên
mang giúp ba lô. Địch đánh phá nên hai người thất lạc nhau. Không ngờ trong chiếc
ba lô đó có máy định vị là cây nhiệt đới mà địch rải xuống, anh trinh sát nhặt được,
mà anh đâu có biết là cái gì, định mang về hỏi anh em. Thế là Quang mang tội,
Quang ở đâu là máy bay đánh phá ở đó. Tổ chức nghi ngờ, tách Quang khỏi đội công
tác để đi trông rẫy. Sau khi giải oan được cài cắm vào Buôn Ma Thuột làm tình báo,
đóng giả làm con trung tá ngụy Phan Văn Mẫn đúng lúc Mẫn hấp hối, không phân biệt
thật giả, giao con nhờ bạn chăm sóc, nâng đỡ, đưa vào làm việc tại tổng hành
dinh quân đoàn II của tướng Vĩnh Lộc. Đây là tâm trạng của Quang trước khi đi, đã
gần một năm chưa gặp mặt Thanh Xuân: “Vậy
mà chỉ còn mười mấy giờ nữa thôi, anh lại lên đường, đến một nơi chưa xác định.
Lại xa em không biết đến bao giờ… Vậy thì ngay bây giờ, em hãy ra mảng rừng già
ấy đi, để anh ôm súng AK đứng gác đầu suối cho em tắm, như ngày nào.”
Chiến tranh có những
khoảnh khắc đẹp và lãng mạn như vậy. Rồi Thanh Xuân cũng đến nhưng lại từ chối
lời cầu hôn của Quang: “Em thương anh, em
muốn làm vợ anh lắm lắm… Nhưng em không thể làm vợ anh được.”
Chính Quang cũng thấy
lạ, Thanh Xuân đã giải thích cho Quang hiểu và có cả dẫn chứng cụ thể là những
chị cùng cơ quan đã sinh ra những đứa con dị dạng, không được làm người nên có
bà mẹ đã phát điên. Vì quá yêu nên Thanh Xuân không muốn làm gánh nặng cho người
yêu. Chuyện dừng ở đó, đã có người giục Quang lên đường. Trước khi đi còn gửi
Thanh Xuân đồ mừng đám cưới Nguyệt – Hà: mấy cuộn chỉ, một lố kim và tấm dù
hoa. Chiến trường chỉ có vậy thôi nhưng là tình yêu thương chan chứa. Sau khi
Quang đi, tâm trạng của Thanh Xuân nặng trĩu: “Không lẽ, đến ngày hòa bình em xuống tóc đi tu, vô chùa làm một ni cô
gõ mõ suốt đời. Em còn có ai nữa để sum vầy. Xe GMC chúng nó chở xác cha mẹ em đổ
ra ngoài gò giữa đồng. Em gái em chúng nó quẳng xuống giếng. Em đã đội xác chết
để đứng lên, không lẽ em lại bơ vơ trên mặt đất này. Anh Quang ơi! Anh có thấu?”
Đoạn văn thật xúc động.
Đau đớn tột cùng, hờn căm tột cùng nên yêu thương tột cùng. Điều đó cũng giải
thích vì sao chúng ta dám đánh Mỹ và thắng Mỹ. Nhưng Thanh Xuân không được dự đám
cưới Nguyệt – Hà. Trên đường về gặp L.19 quần đảo, phóng rốc két để gọi pháo
150 trên cứ điểm đồi Chư La bắn cấp tập. Thanh Xuân hy sinh có một phần lỗi của
Thuần: “Anh ngẩng mặt lên, thấy phía trên
mô đất, bầu trời đêm không trăng nhưng rất sáng, thấy những mảng mây trắng lớn đang
trôi với muôn vì sao lấp lánh. Đám cháy lùi lại phía sau nhưng lá khô hai bên dải
đất hẹp vẫn tiếp tục cháy lan tới phía trước, tạo nên hai đường viền bằng lửa dọc
theo bước chân Thuần. Và cứ mỗi bước lên cao, Thuần như đang ôm thi thể Thanh
Xuân lên gần bầu trời đầy sao ấy.”
Đoạn văn có hồn, nâng tầm sự hy sinh như về chốn thiên đàng. Trúc Hoài để Hà
rồi Thanh Xuân chết, còn Nguyệt và Quang lẻ loi. Bi kịch của chiến tranh là thế.
Nhưng mỗi sự hy sinh đều trở thành tráng ca. Gộp lại thành khúc bi tráng rừng
xanh bên dòng Krông Bông – biểu tượng của chiến trường Đắk Lắk.
Tiểu thuyết khá dài,
mở ra nhiều bình diện. Tôi chỉ tạm cày xới hai điểm nổi trội. Đó là việc phải tự
túc lương thực, có ăn mới tồn tại mà đánh giặc. Cả quân, dân, chính, Đảng đều
như vậy. Đến gần cuối cuộc chiến tranh mới được chi viện lương thực. Nên nhiều
người hy sinh vì tìm cái ăn thật tức tưởi, đau lòng. Bên cạnh đó là tình yêu đôi
lứa, họ biết hy sinh cái riêng cho cái chung để quê hương, đất nước được độc lập,
hòa bình.
Chủ nghĩa anh hùng cách
mạng chỉ được hun đúc, nảy sinh, phát triển khi cả dân tộc phải lao vào cuộc
quyết đầu chống lại cái ác để khẳng định bản lĩnh của dân tộc trường tồn từ nghìn
xưa với lời khẳng định của Lý Thường Kiệt:
Nam
quốc sơn hà Nam đế cư
của Nguyễn Trãi:
Mở
nền thái bình muôn thuở
của Chủ tịch Hồ Chí
Minh:
Không
có gì quý hơn Độc lập, Tự do!
Tiểu thuyết Từ sông Krông Bông của Trúc Hoài phần nào
lý giải sức mạnh dân tộc đã chiến đấu, hy sinh ở chiến trường Đắk Lắk, góp phần
vào chiến thắng kẻ thù hung hãn nhất của nhân loại.
Tác phẩm khá thành công
khi tái hiện chiến trường Đắk Lắk nhưng người đọc có thể yêu cầu cao hơn với tác
phẩm. Đó là, dù đã có nhắc tên Ama Bốc, Y Krô, H’Đrai… nhưng các nhân vật người
dân tộc thiểu số chưa đủ xương thịt làm nên nhân vật điển hình, mà đã là tiểu
thuyết viết về Đắk Lắk thì không thể không có. Cùng với đó, đôi lúc tác giả lạm
dụng kiến thức các ngành khoa học, nghệ thuật đưa vào tác phẩm nên làm loãng chủ
đề.
Điều khẳng định là tác
phẩm chân thực, xúc động, được viết ra bởi lửa nhiệt tình nung nấu, lòng tri ân
với đất và người mà bản thân mình là nhân chứng, cùng chiến đấu trong những ngày
sống đẹp của cuộc đời mình.
Tác phẩm là khúc tráng
ca của rừng xanh, dù có trang bi ai nhưng những sự hy sinh mang lý tưởng thẩm mỹ.
Tháng 1-2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét