BÀI HỌC CỦA BÁC HỒ
DÀNH CHO NHÀ BÁO
Báo chí có vai trò vô cùng quan trọng trong
công tác truyền thông chính sách, pháp luật đến quần chúng nhân dân. Đây là sự
tương tác hai chiều, vừa là công cụ phổ biến chính sách, đường lối, pháp luật của
Đảng – Nhà nước, vừa là nơi truyền tải ý kiến, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân
dân. Nhà báo là cầu nối giữa hai phía, đòi hỏi phải có đầy đủ mọi phẩm chất và
năng lực cần thiết mới có thể đảm nhận và hoàn thành tốt công việc của mình.
Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam đã hoàn
thành sứ mệnh lịch sử của mình. Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, báo chí Việt
Nam đảm nhận vai trò mới trong công cuộc tái thiết và từng bước xây dựng xã hội
xã hội chủ nghĩa. Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986 với xu hướng
hội nhập toàn diện, trên phạm vi khu vực và thế giới, báo chí Việt Nam tiếp tục
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng của mình. Đạt được thành quả ấy là nhờ
các nhà báo đã thấm nhuần và luôn áp dụng bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào
thực tiễn xã hội mới.
Yêu cầu đầu tiên đối với một nhà báo là phải
thật sự chín chắn trong cách nhìn nhận và diễn đạt vấn đề. Một vấn đề rất đơn
giản nhưng nếu nhà báo không có chiều sâu trong cách đánh giá và diễn đạt không
khéo sẽ không mang lại hiệu quả thông tin cần thiết. Ngược lại còn có thể gây
hiểu nhầm rất tai hại… Vào vụ lúa chiêm năm 1954, sau khi về thăm bà con nông dân
tỉnh Hưng Yên, nhiều tờ báo đã đồng loạt viết bài về sự kiện này. Sau khi đọc bài
trên báo, Bác gọi một phóng viên và dạy rằng: “Chú Quang à? Bác đã đọc bài của
chú trên báo. Viết thế là được. Nhưng Bác hỏi chú, trong bài mấy lần chú nhắc đi
nhắc lại chuyện Hồ Chủ tịch đi bộ giữa cánh đồng. Vậy ra từ trước tới nay, Bác
Hồ toàn đi xe, chưa từng lội bộ bao giờ à? Bác Hồ đi bộ, thì có cái gì mà viết
lắm thế?. Qua lời Bác dạy, chúng ta thấy việc nhấn mạnh một thông tin nào đó
là cần thiết nhưng phải cân nhắc kỹ càng đến lịch sử, bản chất của nó và hiệu
quả thực tế của biện pháp này như thế nào.
Bất kỳ một thông tin nào, dù là nhỏ nhất thì
cũng phải chính xác, toàn diện và kịp thời. Nhưng mới dừng lại ở đấy thì chưa đủ.
Để phát huy hết vai trò của mình và đạt hiệu quả giao tiếp cao nhất, báo chí còn
phải hay, phải đẹp…“Chú là nhà báo. Vậy năm mới, Bác chúc chú viết báo cho đúng,
cho hay, có nhiều người đọc”. Nói về điều này, tại Đại hội lần thứ hai Hội
nhà báo Việt Nam tháng 04 năm 1959, Bác khuyên: “Chớ viết khô khan quá. Phải
viết cho văn chương. Vì ngày trước khác, người đọc báo chí chỉ muốn biết sự thật.
Còn bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương
thì mới thích đọc”.
Muốn làm được điều này không phải là dễ, nhưng
biết cách làm và kiên trì học tập rèn luyện thì sẽ được. Năm 1954, mấy anh em
nhà báo ở chiến khu Việt Bắc, ngoài công việc chính còn tranh thủ tăng gia, chọn
mấy cây cải to nhất, ngon nhất mang biếu Bác. Bác rất vui và hỏi vì sao các chú
trồng được rau to thế? Sau khi nghe trình bày, Bác nói: “Các chú làm báo cũng
như trồng rau, phải chọn chỗ đất nào tốt nhất trồng rau cho cây rau mau to. Các
chú làm báo cũng phải chọn đề tài, chọn vấn đề tức là chọn chỗ, chọn việc, làm
sao cho phát triển như cây rau, mới thành công”. Muốn đạt kết quả cao, nhà
báo phải biết sở trường của mình là viết về mảng nào, sau khi phát hiện ra sở
trường của mình rồi phải luyện tập đều đặn như việc tưới rau vậy. Rau ngừng tưới
sẽ chết, nhà báo mà nghỉ viết tay nghề và kỹ năng sẽ giảm sút.
Vai trò của báo chí nói chung và nhà báo nói
riêng là bảo vệ chân lý. Vậy chân lý là gì? Bác giải thích rằng: “Chế độ ta
là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Đối với một vấn đề, mọi người bày
tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến,
đã tìm thấy chân lý, lúc đó, quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng
chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi
ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”. Rõ ràng, báo chí
phải phục vụ và chỉ phục vụ cho lợi ích của nhân dân, của đất nước. Cái gì có lợi
cho nhân dân, cho Tổ quốc thì dù có phải nhảy vào biển lửa, đối mặt với cái chết,
nhà báo cũng phải làm cho bằng được. Ngược lại, cái gì không có lợi thì tuyệt đối
không được làm. Trước khi đã chọn công việc này, nhà báo phải xác định mục tiêu
của mình là vì nhân dân, vì đất nước, loại bỏ tuyệt đối những tư lợi cá nhân.
Muốn vậy, nhà báo “Phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm
chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên, các báo
chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”.
Công việc của một nhà báo rất quan trọng và
vinh quang nhưng cũng đầy hiểm nguy, gian khổ nếu nhà báo không có đầy đủ những
phẩm chất cần thiết. “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ
khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”. “Cán bộ báo chí cũng là chiến
sỹ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén”, “ngòi bút của các bạn cũng
là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”, “cho nên phải có tính
chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”. Nắm giữ vũ khí sắc bén này đòi hỏi
nhà báo phải có tài năng, tâm huyết, lòng dũng cảm, đức hi sinh, tinh thần chiến
đấu. Đối tượng và mục đích cuối cùng là quần chúng nhân dân nên nhà báo phải đặc
biệt chú ý đến tính đại chúng của những bài báo.
Báo chí Việt Nam nói chung, nhà báo nói riêng
còn phải: “Làm tốt công tác thông tin đối ngoại, giúp cho cộng đồng quốc tế,
cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thông tin kịp thời, đúng đắn về tình hình
đất nước, tranh thủ sự đồng tình của nhân dân ta”. Đồng thời, “không ngừng
nâng cao chất lượng chính trị, văn hóa, khoa học công nghệ, nghề nghiệp, từng bước
hiện đại hóa”. Như vậy, báo chí Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trên
mọi mặt: Đời sống, văn hóa, giáo dục, chính trị, quân sự và đối ngoại… “Cho
nên, làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”.
Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với
báo chí Việt Nam nói chung và nhà báo nói riêng đã trải qua thực tiễn đấu tranh
bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới - hội nhập với thế giới gần
một thế kỷ qua vẫn còn nguyên những giá trị quan trọng của nó. Đây là một tài sản
lớn và quý giá của báo chí Việt Nam. Với khoảng 2000 bài báo và các tác phẩm ở
nhiều thể loại được ký bằng 174 bút danh khác nhau mà Bác đã để lại là những tác
phẩm lý luận, là kim chỉ nam cho mọi chính sách, hành động, công việc của Đảng,
Nhà nước, nhân dân ta, đặc biệt là với báo chí Cách mạng Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét