GỬI VỀ THÁP
CỔ
Truyện ngắn.
Chú yêu thương.
Khi chú nhận thư này thì cháu đã về lại quê nhà khá lâu. Đang
đi làm và mọi việc dần bình thường trở lại sau chuyến đi đầy thú vị lẫn ngỡ ngàng.
Xuất phát từ một dòng sông để trở về bên một dòng sông quen thuộc sau khi đi
qua bao dòng sông mà hướng về phương Nam. Chặng đường đến Tuy Hòa thật nhiều đèo
núi, thung sâu, nhiều cánh đồng, bãi soi dọc theo đường cái quan và kể cả những
chất giọng của mỗi vùng nghe cứ ngồ ngộ thoảng qua trong nắng gió của đất miền
Trung.
Vào Tuy Hòa trong một mùa gió ào ạt lộng thổi của nam mái,
nam cồ trên những con đường rộng thênh chang nắng; nóng oi bức ngột ngạt thêm cái
gió hanh hao khô se, người cứ rin rít vì mồ hôi vì những hạt bụi len lỏi vào người.
May mà khách sạn sát ngay thềm biển tạo vẻ êm dịu cho mọi người. Nhớ lúc xe đi
dọc đèo Cù Mông thì cảnh vật lặng im, qua Sông Cầu mát rượi của biển, Tuy An thì
đường gập ghềnh ổ voi, ổ gà lỏng chỏng cứ nghĩ vùng đất này sẽ chẳng gì vui, nó
nằm lọt thỏm giữa hai đèo Cù Mông và đèo Cả, thắt chặt lại, cô đơn cho một vùng
đất. Ôi dào, nghe ai cũng bảo cứ nghỉ tạm, mai lại vào Nha Trang. Nghe ai cũng
bảo cái gió Tuy Hòa là hung dữ, là cuộn sôi sùng sục đầy ngang tàng; nó làm con
người chao đảo khi gặp gió, mệt nhoài vì gió bởi nó phóng túng đi ngang đi dọc.
Vậy mà khi gặp chú, được đặt hẳn đôi chân trên đất Tuy Hòa
có vòng cung biển, nghe rõ cả tiếng sóng rì rào vỗ bờ, cháu đã choáng ngợp trước
một con người chứ không phải choáng ngợp bởi gió. Lạ thiệt. Cũng như bao người
khác nhưng có tiếng nói ngồ ngộ xứ Nẫu, cái cười nửa miệng và đôi mắt nheo nheo
luôn chớp, cũng kỳ kỳ là mái tóc dần bạc trước tuổi. Hiếm lắm nghe chú. Có người
cố xua đi tuổi già bằng cách đi nhuộm, có người để bạc thêm cho ra vẻ đạo mạo,
ta đây là người lớn, tụi mi thứ con nít. Còn chú, tỉnh rụi thả lòa xòa trước trán,
để tóc tràn qua tai, tung bay theo gió như một việc mặc nhiên, như không cần
quan tâm đến nó. Vậy mà cháu vẫn chăm chú nhìn bởi hình như, cháu đã từng gặp
chú đâu như từ một tiềm thức thì phải; nó như cái thời của cháu khi bắt đầu biết
yêu một chàng trai nơi bờ sông lộng gió, nơi tháng tư vừa đến mang theo dư vị của
đầu mùa gió lào khô se tràn ngập vườn cũ phía quê nhà.
Chú yêu thương.
Tháp Nhạn mà chú kể rồi đưa đoàn lên ấy thật đẹp và lãng
mạn bởi sự cô liêu trầm mặc của núi, của cây, của đất mọc lên giữa lòng thành
phố. Đêm lung linh ánh điện bên dưới, còn trên này, độ cao của gió rít như gợi
về thời Chămpa cổ, gợi nhớ các điệu múa Apsara một thời được khắc trên bốn bức
tường gạch cao vọi. Tháp cổ trầm mặc, rêu phong cho Tuy Hòa hiền dịu. Tháp cổ
trong lòng thành phố, để phố ôm lấy dáng núi hình mu rùa mà mặc tưởng; cho dù
buổi sáng lung linh nắng, cho dù buổi chiều hoàng hôn tím nhạt tỏa lên dòng sông
bên dưới. Ngạc nhiên hơn khi từ cao nhìn xuống là một vòng cung, con đường lên
tháp cong cong, cây cầu cong cong, bờ biển cong cong, con sông Ba từ Tây nguyên
đổ về làm nên một dòng sông dài cong cong… Chú cười với cả đoàn, bảo: Cổ tháp
thiêng lắm, đôi tình nhân nào từ nơi xa đến hãy úp lòng bàn tay cả hai vào tường
gạch gan gà sẽ có hạnh phúc. Và cháu nhẹ đặt bàn tay mình lên bức tường gạch, đặt
một mình khi bên kia, hai người trong đoàn đang len lén chồng tay lên nhau. Tự
nhiên, trong sâu thẳm cõi lòng, cháu cần bàn tay của chú kề cận.
Biển Tuy Hòa không đẹp, nó vẫn còn hoang sơ cùng những lều
quán tạm bợ dù những khách sạn trên đường Độc Lập mọc lên nhiều đủ hình dáng
cao thấp. Cát mìn mịn dưới chân, sóng xô tràn bờ và những con dã tràng chạy dọc
ngang. Nơi kia là hàng dương và cát cứ trải dài cho rau muống biển tha hồ mọc.
Bên này là cái dáng cao cao, mái tóc bị gió xáo tung như vừa bị người yêu trêu
chọc vần vò, cổ áo không cài nút trên cũng bị gió thốc vào lộ ra một màu đỏ với
vòm ngực rộng. Chú bảo, còn hai năm nữa nơi này sẽ thoáng đãng vì có một quảng
trường, những công trình đang xây dựng để đất này đón 400 năm hình thành tỉnh lỵ.
Bốn trăm năm là bao đời người, là bao biến đổi trôi qua. Nhưng trong ý nghĩ riêng
khiến cháu cười tủm tỉm một mình, là chỉ có hai người và ngôi cổ tháp đậm nét
thời gian.
Đêm. Chỉ có hai người trước biển lúc mọi người vượt lên đi
trước, cháu ngước mắt kiễng chân vì nhỏ con quát trong gió lộng vào tai chú:
tay chú đâu? Chú nheo mắt cười. Hình như lúc ấy, trên con đường có nhiều người
qua lại tò mò nhìn cả hai và cũng hình như lúc ấy, cháu chợt nhớ ông Khái Hưng
viết truyện Trống Mái có hai nhân vật Vọi - Hiền gặp nhau trên biển. Nhưng không
thể được, Vọi đi biển và mãi mãi không về và cũng không thể được, câu chuyện xảy
ra ở Sầm Sơn chứ không phải ở Tuy Hòa. Tuy Hòa là cháu đi bên chú đây. Cổ tháp
lung linh ánh điện có cháu đi bên chú đây. Và hai người đang ở hai thành phố dù
khác nhau và xa vời vợi. Một nơi có gió hiu hắt với những bến sông cùng hàng cây
in bóng và một nơi là gió đi ngang đi dọc; nhưng giờ cái gió nơi này sao nhẹ tênh,
sao ấm áp khác xa sự đồn thổi.
Ra gành Đá Đĩa thật xa và nắng nóng kinh người nhưng thật
đẹp. Từng lớp đá hình đĩa xếp chồng lên
nhau cao vút và bên dưới sóng xô bờ ào ạt, những cánh chim biển dang rộng bay vụt
khi thấy bóng người. Viện lý do đi giày cao gót nên bắt chú đi cạnh và nắm tay
cháu vượt qua những bãi đá. Mặt chú tỉnh bơ như đêm trên núi Nhạn cháu phải tìm
nắm tay chú để xuống con dốc cong cong. Còn nơi đây cháu vẫn nắm tay chú, nắm
chặt đến run rẩy bởi khung cảnh đẹp rực rỡ và thảng thốt nhận ra rằng, con người
này tạo cho ta một cảm giác yên bình đã từng có, đã vụt mất đi và giờ trở lại và
cũng nghẹn ngào nhận ra rằng, có một khoảng cách địa lý quá xa, một lứa tuổi quá
xa, có bao người ở quanh bên chú. Ghen thật tình. Nhưng lúc này, trong biển
xanh ngăn ngắt kia, gió lộng tràn trề kia, chú bên cạnh đây, hiện hữu ở ngay đây
thì cứ xem là chộp được khoảnh khắc hạnh phúc đã.
Chú yêu thương. Ngồi mà nhớ lại vào đêm Tuy Hòa yên ả. Thành
phố về đêm dịu mát, đường Hùng Vương rộng thoáng với cây xanh, đường Nguyễn Huệ
trầm lắng vì thành phố gì mà mới chín giờ tối đã vắng hoe, mùa mưa chắc càng thê
thảm. Hèn chi chú hút nhiều thuốc, hút hoài nghe mưa rơi rả rích phải không? Hèn
chi chú hay cười nhẹ bởi gió đã lấn át phải không? Thành phố gì mà đi một đoạn
lại có ruộng, có hai ngọn núi, bốn cây cầu lớn khi mà Tuy Hòa như bàn tay nắm lại
đã hết.Thành phố của gió và nắng và mưa sụt sùi bởi hai mùa rõ rệt. May sao còn
có cổ Tháp bên dòng sông rộng dài, bãi biển Long Thủy để có chỗ mà khoe, Đá Bia
mà ngắm, Chóp Chài mà nhìn. Nhưng nhìn chú nheo mắt nói là đủ thấy đẹp. Đẹp và
thương như những ly nước mang ra, cháu đánh bạo cho ống hút vào ly chú để thử.
Phát hiện ra nó dở òm. Chú cười vuốt tóc cháu, sao chú không thể hiện một vòng
tay ôm nhỉ? Hẳn nhiên sẽ ngọt ngào cho chú và ấm áp cho người đi xa.
Tuy Hòa của chú có hai công viên nhỏ như lỗ mũi của cháu.
Một cái ở ở đầu vào thành phố bên chân núi Nhạn, một cái ở cuối thành phố sát mé
biển lúc nào cũng đông người; hàng ăn thức uống bày la liệt, khói bay la liệt,
bàn ghế la liệt như khu chợ chồm hổm ngoài cháu. Nghe chú nói không phải hai mà
có rất nhiều nằm rải rác từng khu vực nội ô. Nhưng cần gì công viên, phố có đồng,
có biển, có sông, có núi đã hơn nhiều thành phố khác. Nhưng cháu muốn nói, có công viên thì chú sẽ dẫn cháu
ra đấy mà tìm chiếc ghế đá vắng người, dưới vòm lá thấp, cháu sẽ kể câu chuyện
người từ phương Bắc đã qua bao dòng sông, tìm về như người từ trăm năm người
qua sông rộng...Hình như chú đoán biết, gỗ đá đâu mà không đoán biết, ông nhạc
sĩ Trịnh còn có ca từ cực hay là “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” kia mà, nên
chú hẹn vào tối sẽ dẫn cháu dạo biển.
Tối chú vào khách sạn gọi người bạn thân đi trong đoàn và
kêu cháu ra biển cho mát và để ngắm sao. Sao gì mà sao, làm như chỉ Tuy Hòa có
sao một mình chắc. Ngoài quê cháu sao còn rực rỡ hơn trong này nhiều. Mà cắc cớ
chi phải đi ba người, chỉ một đôi cho đẹp vì biển nơi nào cũng vậy, vào tối là
dành cho các cặp tình nhân. Thôi, dằn dỗi nhưng trong lòng thì ngập tràn yêu thương.
Đi thì đi, đi để lắng nghe người bạn khen nhà chú có vườn cảnh đẹp, mùa này vào
thu hoa cúc vàng nở rộ trên lối đi. Chú cười, mái tóc vờn bay theo gió trông như
gã nghệ sĩ nửa mùa và cháu đã bảo ông bạn chú đi ra phía ngoài để cháu có dịp vô
tư nắm tay chú mà dung dăng dung dẻ. Cháu hỏi “Giống gì chú?” - “Cha và con và
bạn bên cạnh!”. Ừ, thì cha con cũng đặng. Cháu le lưỡi ngước nhìn chú rồi quàng
tay chú mà dài chân bước.
Người bạn chú bảo hai người cứ đi dạo rồi xin kiếu về phòng.
Chú đưa cháu ra biển. Dãy đèn đánh cá phía xa hắt vào ánh sáng mờ ảo nơi khuôn
mặt trầm tư của chú. Đêm nhàn nhạt trong mênh mông gió cát, trong cô tịch bủa vây.
Hình như cháu nhón chân thở nhẹ sát chú, hình như chú đã cúi xuống, hình như
trong gió có nụ hôn thoảng qua, thật nhẹ và mềm mại. Và kia rồi, cháu đã thấy
những vì sao lấp lánh rồi thấp mãi, thấp mãi rồi vỡ òa tràn đầy tinh tú. Không
phải, đó là ánh sáng từ tháp cổ soi rọi, đó là hai bàn tay cháu ấp chặt vào lòng,
đôi tay của người thiếu nữ trẻ trung, nhí nhảnh chứ không phải hai bàn tay của
hai người áp vào cổ tháp để mơ về khoảng trời xanh. Lâu sau, có tiếng
thở dài “Thôi mình về”, cháu
ngoan ngoãn theo về, lặng im, cách chú một vòng tay, không nhí nhảnh, không bám
víu, không ngước mặt mà sao cứ run rẩy, co ro như cả người vừa trải qua một cơn
mê mộng mị có và không, như một đợt mưa nhỏ vừa chao nghiêng qua người và trôi đi
vội vã.
Chú yêu thương. Rồi cũng phải ra đi. Cả đoàn tíu tít chia
tay người Tuy Hòa. Cháu lên xe sau chót để đợi vòng tay ôm giã biệt, vòng tay ôm
như một cử chỉ thân thiện mà chú dành cho mọi người không phân biệt một ai và
quay đi nơi khác chỉ còn thấy mái tóc bồng bềnh chớm bạc trong nắng tháng bảy
khô se, hừng hực nóng rải trên đất Tuy Hòa. Lại biển, lại những con đường thoáng
rộng dưới các vòm cây, lại tháp cổ, cánh đồng, dòng sông. Tuy Hòa dần xa sau lưng
khiến cháu muốn bật khóc. “Sao chú không đi cùng cháu?”; một bước chân là chú đã
vào xe và bước nữa đã nhẹ nhàng ngồi bên cháu. Dịu dàng, ấm êm biết bao. Tháp cổ
kia rồi, xe vẫn chạy trên vùng đất có những con đường ngắn rộng như không hết vòng
tay ôm, đi đâu cũng thấy tháp, nên đi đâu cũng ước mơ về một miền hạnh phúc.
Cháu đã đi qua các
vùng đất miền Trung rồi ngược lên Tây Nguyên gió ngàn với hoa dã quỳ trải dài đẹp
rực. Nhưng cháu xoay lưng tất cả, chỉ dõi về miền đất có ngôi tháp cổ dù nơi ấy
nó còn hoang sơ, tĩnh lặng nhưng vô cùng đằm thắm. Nơi ấy dung dị như nụ hôn
theo gió của chú, nơi ấy là những gì thoáng qua nhưng vô cùng sâu đậm từ một bước
chân trên biển, một bàn tay trên tháp cổ, một cái nhìn dõi theo con nước từ một
vòng cung dòng sông... Khi trở về nơi mình ra đi, cháu luôn nghĩ đến một con người,
những bước chân trên cát ngày cũ, dấu chân ấy sẽ còn mãi để một ngày nào đó cháu
tìm về trong nỗi nhớ đong đầy. Khi ấy, sẽ gọi chú bằng một vế khác gần hơn, trìu
mến hơn và cả chú cũng vậy, chú nhé, sẽ có hai bàn tay đặt nhẹ trên viên gạch
tháp cổ trong gió lộng cùng với yêu thương ngập lòng.
Buổi sáng nơi công viên bệnh viện thành phố phía Nam. Người
đàn ông ngồi trên ghế đá dưới vòm cây lần giở từng trang giấy viết tay đã nhòe
mực, đã sờn các nếp gấp rồi nheo nheo mắt đọc, rồi vu vơ cười mỉm một mình. Ngày
mai ông sẽ rời nơi này về lại Tuy Hòa khi mà các bác sĩ đã lắc đầu từ chối…Ông
sẽ quay về với biển xanh, cát trắng, nắng vàng với những cơn gió nam non, nam mái,
nam cồ. Mùa này hoa cúc vàng đã rộ trong vườn như lúc cô gái ấy đặt chân trên
tháp cổ vào một mùa thu hoa cúc. Đã quá lâu cô ấy không vào để dạo chơi trên cát
có sóng vỗ bờ. Và nó cũng đã khác trước chỉ còn những đợt gió trôi qua từng mùa.
Ông sẽ choàng vai cô ấy mà nâng nhẹ cho một gót chân son đặt vào làn nước biếc
như ước mong của cô và cả người mềm mại còn lại, sẽ ngập tràn vào ông. Ông biết
đã lỗi hẹn cho ngày gặp lại dù ngày mai ông có trở về vùng đất có ngôi cổ tháp
mọc giữa lòng thành phố miền Trung…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét