NGƯỜI NÔNG DÂN KIỂU MẪU
Ghi chép
Chiều, chúng tôi đến UBND xã Ea Pil làm việc, nhưng
đợi mãi vẫn không gặp được Chủ tịch như lịch hẹn. Trong lúc chờ đợi, tôi hỏi chị
phụ trách văn hóa xã về những người nông dân sản xuất giỏi của địa phương, hầu
như tất cả cán bộ của xã đang có mặt đều nói lên một cái tên: ông Hoàng Văn Thụ.
Sau khi hẹn với cán bộ của ủy ban xã sẽ quay lại
lấy tư liệu, anh em trong đoàn mời hai cán bộ xã cùng lên xe phóng về thôn 14,
cách trung tâm xã hơn 5 cây số để đến với người nông dân sản xuất giỏi này. Xe
chạy vào đường đất pha cát một đoạn thì bị lầy, mặt đường ngang dọc những rãnh.
Chúng tôi lội bộ băng ngang những cánh đồng mía, khoai mì bạt ngàn xanh mơn mởn
sau cơn mưa đầu mùa. Đi mãi rồi cũng phải đến, chúng tôi gặp được anh Hoàng Văn
Thụ ngay trên cánh đồng mía của anh, xa xa là 8 ha cao su anh trồng đã hơn 5 năm
tuổi đang chờ ngày thu hoạch.
Anh Hoàng Văn Thụ sinh năm
1957, quê huyện Hạ Lang tỉnh Cao Bằng, vào bộ đội Biên phòng Cao Bằng năm 1978.
Sau 14 năm trong quân đội, năm 1992 anh xin phục viên với quân hàm đại úy và
xin nhận trợ cấp một lần. Với số tiền 4,5 triệu lúc đó tương đương chừng 50 triệu
đồng hiện nay, anh vào Dak Lak tìm đất đưa gia đình vào lập nghiệp… Là một người
quyết đoán, sau khi đi khảo sát nhiều nơi tại M’Drak, anh quyết định lập nghiệp
tại thôn 14, xã Ea Pil hiện nay. Anh đã mua 20 ha đất trống, đồi núi trọc và đất
rừng nghèo toàn lau lách, cỏ tranh, cây ngạnh ngạnh, cây kơ nia… để lập trang
trại. Dựng tạm ngôi nhà tranh, anh về quê đưa gia đình vào khai hoang, trồng trọt.
Một gia đình 5 nhân khẩu (2 vợ chồng cùng 3 người con) đã đổ mồ hôi, công sức hơn
10 năm trời mới có được cơ ngơi vững vàng như ngày hôm nay.
Đưa chúng tôi đi tham
quang trang trại, anh hào hứng nói: Hàng
năm gia đình anh trồng chừng 5 ha mía, trồng xen canh 6 ha sắn trong đất cao su
và 3 ha lúa nước 2 vụ. Ngoài ra anh còn trồng thêm 3 ha cây keo tai tượng và 8
ha cây cao su là để chuẩn bị cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong những năm
sắp tới… Về chăn nuôi, gia đình đào ao nuôi cá nhưng mục đích chính là trữ nước
để tưới tiêu cho những lúc khô hạn và nuôi 2 con trâu, 1 con bò chủ
yếu dùng cho sức kéo. Anh cho biết thêm: sở dĩ gia đình chưa đầu tư vào chăn nuôi là do gia đình chỉ thuê thêm
nhân công vào những tháng cao điểm của thời vụ như lúc gieo trồng hoặc thu hoạch
mía, sắn… mà thôi.
Dạo một vòng qua nương rẫy,
chúng tôi về nhà anh, căn nhà xây kiểu Thái khang trang, bề thế trị giá trên
300 triệu đồng được gia đình xây dựng vào
năm 2008. Khi được hỏi vì sao anh lại mạnh dạn trồng cây cao su trong
khi ở huyện hầu như chưa có mô hình nào như thế? Anh tâm sự: Đất của của xã
Ea Pil là đất đen pha cát, hầu như không thể trồng được các loại cây như: cà phê,
hồ tiêu, điều… và nếu cứ bám vào các loại cây như mía, sắn… thì chỉ trong vài năm
đất đai bạc màu hết. Vì vậy trong thời gian nông nhàn tôi đã đi tham quan, học
hỏi ở nhiều nơi trong tỉnh. Về suy nghĩ mãi mới mạnh dạn đầu tư trồng 8 ha cao
su, 3 ha cây keo tai tượng. Dự kiến trong 2 năm nữa cây cao su sẽ cho thu hoạch
mủ và thắng lợi thì gia đình sẽ mạnh dạn thu hẹp diện tích các loại cây trồng
khác như: mía, sắn để trồng thêm một số diện tích nữa. Tiếp đó sẽ trồng cỏ để
chăn nuôi thêm các loại gia súc, gia cầm khác!
Năm 1994 khi mới thành lập xã Ea Pil anh được
chỉ định làm Chủ tịch lâm thời UBND xã, rồi chủ tịch HĐND xã, đến nay do tuổi
cao nhưng anh vẫn nhiệt tình cống hiến sức lực của mình để hoàn thành tốt nhiệm
vụ Xã đội trưởng xã Ea Pil. Hơn 20 năm vào Dak Lak khai hoang lập nghiệp anh vẫn
phát huy tốt vai trò xung kích của anh bộ đội cụ Hồ. Có thể nói người cựu chiến
binh Hoàng Văn Thụ là một trong những người công dân kiểu mẫu, một người nông dân
tiêu biểu của thôn 14, xã Ea Pil, huyện M’drak, biết vượt qua khó khăn để vừa
hoàn thành tốt công tác xã hội, vừa sản xuất giỏi và góp phần giúp đỡ các hộ
gia đình khác cùng phát triển kinh tế thoát nghèo, tiến lên làm giàu trên mảnh đất
cằn Ea Pil. Anh làm được điều đó vì luôn nhớ lời dạy của Bác: “Không có việc gì
khó/chỉ sợ lòng không bền…”
Những người như anh thực sự xứng đáng là những
hạt giống “đỏ” góp phần làm nên cuộc sống mới xanh tươi ở một vùng đất đang còn
nhiều khó khăn như Ea Pil, huyện M’Drak. Cách thức làm ăn cũng như việc mạnh dạn
đổi mới cây trồng của gia đình anh trong những năm qua là một mô hình xứng đáng
được nhân rộng để xã Ea Pil nói riêng, huyện M’Drak nói chung trở mình thành một
vùng nông thôn mới trù phú.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét