Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

SỐ: 249 - tác giả ĐÔNG THÀNH






LỄ CÚNG THẦN GIÓ
CỦA ĐỒNG BÀO ÊĐÊ



Trong hệ thống lễ nghi về nông nghiệp của đồng bào Êđê có thể kể đến lễ cúng thần Gió (ngă yang angin) gắn với sản xuất nông nghiệp, săn, bắt của đồng bào Êđê trên cao nguyên Đắk Lắk. Lễ này được tiến hành vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô hàng năm (khoảng đầu tháng 11 dương lịch). Vì từ đầu tháng 11 trời Tây Nguyên chuyển mùa, gió từ rừng đại ngàn thổi về như bão, cây rừng rụng lá, sông suối khô cạn, dễ gây ra hỏa hoạn. Do đó, người Êđê thường tổ chức cúng thần Gió để cầu mong sự bình yên cho cộng đồng.
Chuẩn bị đến ngày lễ, ông pô jâu (chủ lễ) cho người đi góp gạo các gia đình trong buôn để về ủ rượu. Sau đó ông chủ bến nước (pô pin êa) đi chọn địa điểm chuẩn bị nơi làm lễ. Thường thường họ chọn một khoảng đất rộng ngay đầu buôn. Ở đây họ dựng một cái cổng tượng trưng, gọi là cổng nhà giàng, trên hai cột cổng có một sợi dây buộc ngang. Sau đó họ treo lên một sợi dây kơning (dây săn voi) một cây gậy kơ ku (gậy có mấu để điều khiển voi) và một ống nứa để làm cơm (đing asei). Người Êđê quan niệm rằng gió có sức khỏe như voi, nên cần phải có những vũ khí săn voi mới trị được gió.
Ngay giữa cổng, họ đặt một cái bàn làm bằng tre có treo các dụng cụ để lấy mật ong. Phía trước bàn là 7 ché rượu được buộc vào 7 chiếc cột thành một hàng ngang. Đến ngày lễ mọi người trong buôn tụ hội đông đủ. Ông thầy cúng (pô riu yang) lần lượt đọc các bài cúng: “Gọi thần gió”, “Bài cầu mùa”, “Bài bắt ong”. Ông đọc theo một nhịp điệu thong thả trầm bổng, nghe như lời một bài khan:
Này đây ché đầy rượu ngọt
Này đây heo thiến béo vàng
Gió giông chớ nổi
Chớp giật hãy tan
Khiên đao chẳng chạm buôn làng
Qua bức màn hư ảo đó, chúng ta thấy nội dung các bài cúng đã vượt hẳn ra ngoài phạm vi chật hẹp của lễ cúng thần Gió, để lồng vào hình ảnh sinh động của cuộc sống lao động chinh phục núi rừng Tây Nguyên:
Ong ơi, hãy đậu cho say
Để ta bắt đặng tổ đầy bốn năm
Nhiều như thóc nghìn, thóc trăm
Ong dòng, ong họ về nằm cho đông …
Đây là bức tranh sinh động, mô tả những công việc lao động độc đáo, vất vả nhưng vô cùng hứng thú của người Êđê trong cuộc chinh phục  núi rừng thiên nhiên. Nó khẳng định những giá trị cao đẹp của cuộc sống, của tình yêu con người, yêu núi rừng làng buôn và những ước mơ lý tưởng cao đẹp của người dân Êđê:
Cầu cho bắp lúa đầy chòi
Mưa thuận, gió hòa, nương rẫy tốt tươi …
Sau khi đọc xong những bài cúng, ông thầy cúng cầm ống nước đầy vẩy xung quanh, ý muốn cho mưa gió thuận hòa để nương rẫy tốt tươi, nhà nhà no ấm.
Sau đó mọi người về nhà chủ bến nước tổ chức lễ cúng các vị thần, tổ tiên ông bà, cúng sức khỏe cho chủ bến nước, lễ vật là 7 ché rượu, 01 con heo nhỏ.
Cuối cùng mọi người lần lượt trao cần ché rượu vừa uống theo nghi thức M’năm ring (nối cần cho nhau) vừa xem các chàng trai, cô gái nhảy múa, ca hát bài “Bắt ong”, “Cầu được mùa”, tiếng hát trầm bổng, ngân vang hòa cùng tiếng chiêng, tiếng trống trầm hùng, biểu hiện sức sống kỳ diệu của con người trên núi rừng Tây Nguyên.
Lễ cúng thần Gió của người Êđê là một phong tục đẹp, nhằm hướng con người vươn lên chinh phục núi rừng, thiên nhiên; đồng thời giáo dục cho mọi thành viên trong cộng đồng tình yêu lao động, yêu cuộc sống, yêu phong tục tập quán của ông cha để lại với mục đích hướng tới một cuộc sống bình yên, no đủ và giàu đẹp.


1 nhận xét:

  1. Lão cũng đã ăn ở cùng người Êđê , Ba Na Ja rai... Bên những ché rượ cần và những lễ hội luôn sống động và ấm áp. Chiều nhiều niềm vui Bạn nhé !

    Trả lờiXóa